- Khi được hỏi: “5 tiêu chuẩn quan trọng nhất cần có của một sinh viên (SV) là gì?”, số SV lựa chọn “có sức khỏe” chiếm 54,6%, đứng vị trí quan trọng thứ 3 sau “hiểu biết sâu rộng” và “năng động, sáng tạo”. Nhưng thực tế, chỉ có 32,9% SV chơi thể thao, rèn luyện thân thể, khoảng 65% số SV còn lại sẽ ngủ, chơi game, nghe ca nhạc, xem phim... trong lúc rảnh rỗi.
>> HS phổ thông: Thuê người làm bài tập
Đây là một phần của kết quả điều tra khảo sát tình hình sinh viên năm 2008 của Viện Nghiên cứu thanh niên vừa được công bố.
Chúng tôi đã phỏng vấn nhanh một số SV để tìm hiểu nhận thức về sức khỏe và cách rèn luyện thân thể của các bạn.
Phan Thị Ngọc Trang (Lớp T43KT3, Đại học Lao động - Xã hội): Tập thể dục trên ... giường!
Phan Thị Ngọc Trang
- Mình nghĩ sức khỏe là quan trọng hơn cả, vì có sức khỏe mới có thể năng động, sáng tạo, có sức khỏe mới học tập tốt để có kiến thức, hiểu biết sâu rộng.
Mình có nhu cầu tập thể dục mọi lúc, mọi nơi, nhưng không có không gian, điều kiện để tập.
Phòng trọ của mình ở trong khu Hào Nam rất chật chội, tới 4 người/phòng nhỏ. Đó là chưa kể đến 4 chiếc xe đạp cũng “chui” vào cùng. Lối đi lại rất hẹp. Bước ra khỏi cửa phòng là tường nhà bác chủ. Thế nên, việc tập thể dục ngay tại xóm trọ gần như là không thể.
Còn nếu đi ra ngoài đường để tập thì quá bụi bặm, đông đúc, không có chỗ tập riêng, đi lại đã bất tiện, chưa nói đến khua khoắng tay chân. Đã thế, rút kinh nghiệm khi bị 1 tên nghiện ghé thăm lúc chập tối, cả xóm trọ hoang mang vì lo an ninh không được đảm bảo, nên chả ai dám ra ngoài tập nữa.
Nếu tìm đến các trung tâm thể dục thể thao thì tốn kém. Chẳng phải SV nào cũng chấp nhận “móc hầu bao”, “can đảm” hi sinh tiền ăn, tiền học cho việc này.
Thế nên có những lúc mỏi người quá, mình đành tranh thủ lúc ít người ở nhà để trèo lên … giường, tập vài động tác cho khuây khỏa!
Nguyễn Thị Ngân, chuyên ngành Quản lý Xã hội, Học viện Báo chí Tuyên truyền: Em không thích tập thể thao!
- Em cảm thấy sức khỏe của mình ổn, đủ để học tập và làm những việc em yêu thích. Nên nếu nói tập thể thao để rèn luyện sức khỏe thì em thấy không cần thiết. Em cũng không thích tập thể thao.
Ở trường em có mở CLB Aerobic, nhưng lớp em chỉ có vài bạn đăng kí đi học, rồi lại bỏ vì không thành phong trào nên không có hứng thú, không thu hút được đông SV cho lắm.
Siu Pô Ly, SV khoa Anh văn, trường CĐ Sư Phạm Gia Lai: Muốn khoẻ phải tự tập, tự chơi!
Siu Pô Ly
- Em nghĩ có khỏe thì mới học được, nên cứ cố gắng sao cho khoẻ trước đã. Rồi muốn làm gì thì làm.
Trong trường em có chỗ tập bóng chuyền. Nhưng như thế ít quá, mà không phải ai cũng thích môn này. Ở đây cơ sở vật chất không có, so với các bạn ở thủ đô thì còn khó khăn hơn. Em nghĩ: muốn khỏe, phải tự tập, tự chơi. Vì thế, em thường chạy xung quanh sân trường nhiều vòng, lúc nào mệt thì nghỉ chứ chẳng tính xem chạy bao nhiêu thì vừa. Hoặc làm giúp việc đồng áng của gia đình sau giờ học cũng là một cách tập.
Em thấy bạn nào chịu khó vận động thì nhìn nhanh nhẹn hơn hẳn. Ở trường em, những bạn không có thói quen tập thể thao khá nhiều.
Trần Thị Lý, Phòng D208, KTX ĐH Lao động Xã hội: Cả phòng không tập thể dục vì … ngại
Trần Thị Lý
- Khuôn viên của cả KTX lẫn giảng đường chỉ có duy nhất một sân tập, dành cho cả học thể chất, chơi thể thao ngoài giờ. Ở KTX này, hầu như không có ai đi tập thể thao.
Muốn tập, phải có trang phục. Đâu phải SV nào cũng có thể đầu tư một bộ chuyên dụng để tập luyện? Cả phòng em có 12 bạn, gần như không bạn nào đả động đến chuyện tập tành. Vì thế, nếu muốn tập, thì phải tập một mình, ngại lắm. Người trên nhìn xuống, kẻ ngoài nhìn vào, không tập được.
Ở trường em, chỉ có CLB SV Nghiên cứu khoa học, ngoài ra không có các CLB khác như khiêu vũ, bơi lội, … Sân chơi cho chúng em vì thế càng hạn hẹp, muốn chơi cũng mất hứng thú.
Môn giáo dục thể chất trong trường diễn ra trong thời gian ngắn, không đem lại hiệu quả gì. Thời gian rảnh rỗi, em thường dành để ngủ, giặt giũ, học bài hoặc làm những việc mình thích.
Nguyễn Quốc Hoàng, SV khoa Công nghệ thông tin, ĐH Hàng Hải: Việc học đã chiếm hết thời gian!
Nguyễn Quốc Hoàng
- Theo tôi, năng động, sáng tạo là tiêu chí rất quan trọng đối với sinh viên, nhưng cái đầu tiên cần có là sức khỏe.
Nhưng việc học tập khá nặng nề đã chiếm hết quỹ thời gian của tôi. Một ngày, nhiều lắm là tôi dành được 15 phút để tập thể dục buổi sáng. Còn mùa thi thì gần như không có thời gian cho việc này nữa.
Tôi cố gắng tham gia CLB Taekwondo của trường, mỗi tháng mất 30.000 đồng lệ phí. Học Công nghệ thông tin, đầu óc rất mệt mỏi, nếu để chân tay mệt mỏi nốt thì tôi e là không ổn.
Xung quanh mình cũng có nhiều bạn SV không bận rộn lắm, nhưng cũng không tham gia hoạt động gì cả.
Nguyễn Văn Quân, SV trường Sỹ quan Phòng hóa: Dành 2h/ngày để rèn luyện thân thể
Nguyễn Văn Quân
- Do đặc thù ngành nghề và môi trường học tập nên trong quá trình hoàn thành các nghĩa vụ, việc rèn luyện sức khỏe với các bạn SV như tôi đã khá nặng và thường xuyên rồi.
Sau giờ lên lớp, tôi rảnh 5h/ngày. Trong 5h đó, tôi dành 2h cho việc rèn luyện thân thể, 3h còn lại cho những sinh hoạt cá nhân như ăn uống, vui chơi, học tập hoặc tìm hiểu những thứ tôi thích trong sách, báo.
So với các trường dân sự, thời gian rèn luyện của chúng tôi đương nhiên là nhiều hơn. Nhưng tuỳ cường độ tập luyện, các bạn bên ngoài có ít thời gian hơn cũng có thể đạt đủ yêu cầu rèn thể lực hàng ngày trong 15 phút.
Đặng Quốc Tuấn, ĐH Lao động - Xã hội: Không rèn luyện thân thể, dễ sinh hư
Đặng Quốc Tuấn
- Nhiều bạn nhìn nhận việc rèn luyện thể lực, tham gia các hoạt động thể dục thể thao đơn thuần là mang lại sức khỏe. Nhưng theo em thì không chỉ có vậy.
Nhà trọ của SV hiện nay đa phần chật hẹp, lối đi lại còn phải nhường nhau, huống chi nói đến chỗ tập thể dục. Thiếu sân chơi thể thao, các bạn buộc phải tìm đến những thú vui khác.
Bạn nào “ngoan” thì chơi game, đọc truyện …một cách lành mạnh. Còn bạn nào “không ngoan” thì dễ nảy sinh chơi lô đề, cờ bạc, sống thử... vì chẳng có chỗ chơi, chẳng còn việc gì để làm. Nếu tập luyện thể thao, có môi trường, các bạn thấy bận rộn hơn, ít nghĩ đến những thứ như thế. Em thấy là vấn đề này khá bức xúc nhưng hình như không ai để ý thì phải.
Nguyễn Xuân Tú, sinh viên năm 1 ngành Kinh tế Quốc tế, ĐH Fontys of Applied Sciences (Hà Lan): SV ở Việt Nam không có điều kiện để chơi thể thao
Nguyễn Xuân Tú
- Em đã từng học tại Khoa Quốc tế của ĐHQGHN trước khi đi du học, cũng tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Nhưng sau một thời gian sang Hà Lan, em nhận thấy là đa số SV ở VN có nhu cầu tập luyện nhưng không có đủ điều kiện.
Tại trường ĐH của em bên Hà Lan, em được vui chơi, tập luyện trong trung tâm thể thao miễn phí, có đầy đủ các môn như: bơi lội, tennis, bóng chuyền, thể hình, … Cách làm của trung tâm cũng rất chuyên nghiệp, bài bản khiến các SV cảm thấy hứng thú và rất thích đi tập.
Ở VN, các bạn SV không có cơ hội được thoả mãn niềm đam mê thể thao. Ví dụ đơn giản nhất là sân bóng của các trường đã ít, còn quản lý lộn xộn, không khoa học. Nếu muốn được chơi lại phải mất tiền, phải đi thuê các sân bên ngoài với giá không rẻ chút nào.
SV Việt Nam theo học tại ĐH Bách khoa Paris trong ngày hội bóng đá. Ảnh: Vân Anh
Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa VIII: Lập các CLB sở thích cho SV
Anh Nguyễn Đắc Vinh
- Nhìn vào những con số chênh lệch trên có thể thấy các bạn SV có nhu cầu, có nhận thức đúng đắn, quan tâm đến sức khỏe nhưng lại không đầu tư cho nó.
Có nhiều bạn có khả năng và điều kiện lại không tham gia tập, rèn luyện. Hiện nay, sân bãi còn thiếu, những SV có nhu cầu lại không được đáp ứng.
ĐH Hội SVVN khóa VIII xác định một trong những tiêu chí của SV trong cuộc vận động SV 5 tốt là SV phải có thể lực tốt. Đặt trong điều kiện này, dù biết là khó nhưng phải cố đạt được bằng mọi cách tiêu chí trên. Cụ thể là các trường cần lập các CLB sở thích để đáp ứng nhu cầu của các bạn SV. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ĐH nhiệm kì này là đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của SV, trong đó có các hoạt động thể dục thể thao.
-
Cẩm Quyên