- Lời toà soạn: Đầu tháng 2/2009, nhà giáo Văn Hiến (Thanh Hóa) gửi tới VietNamNet loạt bài viết góp ý về sách giáo khoa (SGK) lịch sử với tinh thần "đối với môn Lịch sử, tôi chỉ là người dân ’"muốn biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".
Mở đầu loạt bài, tác giả viết: "Đọc các cuốn SGK lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, tôi thấy không ít lỗi: lỗi lớn cũng có; lỗi nhỏ càng nhiều. Lỗi lớn phải tổ chức hội thảo khoa học, tranh luận nghiêm túc, hiệu quả; trách lối làm hình thức mới có dịp cho mọi người bộc lộ quan điểm. Lỗi nhỏ có thể chỉnh sửa hàng năm... nếu người biên tập biết lắng nghe dư luận và làm việc nghiêm túc. Bao nhiêu lực lượng xã hội tham gia mà chỉ phát hiện được 5 lỗi trong các cuốn SGK lịch sử".
Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn những góp ý mà ông đã tỉ mỉ "dọn vườn" cho sách, VietNamNet lược một số thông tin. Các bài viết cụ thể, chúng tôi sẽ đăng tải như một tài liệu tham khảo để rộng đường dư luận, theo tinh thần của tác giả "tôi xin điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời".
Chuyện vua lên ngôi, mỗi sách mỗi nẻo
Trong sách Lịch sử và Địa lý 4, trang 26 có viết: Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được giang sơn, lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đóng đô ở Hoa Lư…, đặt tên nước là Đại Cồ Việt..., niên hiệu là Thái Bình". Trong khi đó, ở trang 28, sách Lịch sử 7 lại viết: "Mùa xuân năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình..."
Với học sinh có trí nhớ tốt, các em sẽ không chỉ lúng túng về năm Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu, mà còn tiếp tục băn khoăn về năm lên ngôi của Nguyễn Ánh.
Bởi trong sách Lịch sử và Địa lý 4, trang 65 cho biết : “Năm 1802, triều Tây Sơn bị lật đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế…”.
Tuy nhiên, ở sách Lịch sử 7 thì Nguyễn Ánh lại lên ngôi Hoàng đế vào năm … 1806 (trang 134). Còn ở sách Lịch sử 10 (trang 125) viết: “… Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua…”.
Theo chúng tôi, không chỉ khác biệt về mốc lịch sử, mà cách hiểu ngôi “vua” và ngôi “hoàng đế” cũng có sự khác nhau.
Nhiều sự bất nhất khác cũng là những thách thức đối với giáo viên lịch sử và các em học sinh.
Chẳng hạn, trong trang 50, sách Lịch sử 6, khẳng định Quỷ Môn Quan (1 trong những địa danh mà quân của Mã Viện đi qua khi tiến vào xâm lược Giao Chỉ) thuộc Tiên Yên, Quảng Ninh. Trong khi đó, trong sách học văn lớp 9 (tập 1, trang 88) và lại chú thích: Quỷ Môn Quan thuộc xã Chi Lăng (Lạng Sơn) ngày nay.
“Đánh đố” học sinh
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mặc dù sách Lịch sử 6 có hẳn một bài về: Cách tính thời gian trong lịch sử (trang 5), nhưng chính các tác giả rất nhiều lần "nhầm lẫn" trong cách diễn đạt các mốc lịch sử.
Chẳng hạn, trang 50, Lịch sử 7 viết: "... họ Trần buộc Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 12, năm Ất Dậu (đầu năm 1226)". Nếu đã viết năm Ất Dậu thì nên dùng là "tháng chạp", chứ không phải là tháng 12.
Bên cạnh đó, việc phân chia tư liệu lịch sử thành ba loại : "tư liệu truyền miệng"; "tư liệu hiện vật", "tư liệu chữ viết" đã thực sự thuyết phục chưa?
Học sinh sẽ rất lúng túng khi trả lời câu hỏi: "Quan sát hình 1 (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) và Hình 2 (Một lớp học trường làng thời xưa), theo em đó là những loại tư liệu nào ?" (trang 5, Lịch sử 6)
Ở Hình 2- Bia Tiến sĩ (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là tư liệu hiện vật nhưng cũng có thể là tư liệu chữ viết?
Theo chúng tôi, chỉ nên chia thành tư liệu: truyền miệng và hiện vật. Trong hiện vật có tài liệu chữ viết, tranh ảnh, di vật, di tích - kể cả di vật hóa thạch...
Hay như trang 58 của sách Lịch sử 6 có viết:- "Lí Bí quê ở Thái Bình, mạn bắc Sơn Tây". Tuy nhiên, không hề có chú thích Thái Bình, mạn bắc của Sơn Tây thuộc vùng đất nào?
Hoặc từ trang 125 - 120 trong sách Lịch sử 8 có tới 3 lần nhắc đến sự kiện Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân chống trả thực dân Pháp, nhưng tuyệt nhiên không có thêm thông tin gì về Nguyễn Tri Phương.
Với những học sinh có óc "tò mò", thì cách thông tin kiểu này quả là "đánh đố" các em! Các em sẽ đặt ra những câu hỏi kiểu như: "Thái Bình, mạn bắc Sơn Tây ở đâu?", hay "Nguyễn Tri Phương là ai?" ... và "chật vật" để tìm câu trả lời.
Đặc biệt, dùng qúa nhiều văn thơ để miêu tả các sự kiện lịch sử, có khi còn coi thơ văn là bằng chứng lịch sử là nét nổi bật trong phong cách viết của nhiều trang lịch sử THPT.
Chẳng hạn, trang 97, sách Lịch sử 10 có câu hỏi rất giống 1 đề thi văn: “Phân tích ý nghĩa của bài thơ Nam quốc sơn hà”…
Chậm cập nhật
Việc Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, chắc chắn sẽ cần phải chỉnh sửa nhiều địa danh trong SGK lịch sử những lần tái bản tới.
HS cổ động trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" - một sân chơi kiến thức thu hút HS phổ thông, với nhiều kiến thức trong SGK. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhưng có những sự thay đổi về địa danh đã lâu mà vẫn chưa được cập nhật.
Chẳng hạn, trang 73, Lịch sử 6 in năm 2008 vẫn ghi: Dương Đình Nghệ, quê ở làng Ràng (Dương Xá, Đông Sơn, Thanh Hoá). Trong khi từ năm 1996, tên làng đã được đổi thành "Làng Giàng", và chính người dân địa phương, hay trên cổng thông tin điện tử Thanh Hoá vẫn gọi tên làng là Làng Giàng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, yêu cầu chỉnh sửa và cập nhật những nhận thức mới về giai đoạn lịch sử triều Nguyễn là cấp bách nhất.
Đọc Lịch sử 8, phần "Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1918", theo chúng tôi, hầu như bài nào, trang nào cũng có lời kết tội nhà Nguyễn.
Hội thảo khoa học về nhà Nguyễn được tổ chức cuối năm ngoái ở Thanh Hóa đã có nhiều kết luận công bằng, khách quan hơn về nhà Nguyễn. Vì vậy việc viết lại SGK lịch sử giai đoạn này là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Vô vàn bất nhất
Ngoài những lỗi như đã nêu, chúng tôi có thể chỉ ra vô vàn các lỗi và những "bất nhất" trong SGK lịch sử từ lớp 4 - 12, giữa SGK lịch sử với sách văn học, cũng như với các tài liệu khác.
TIN LIÊN QUAN
Chẳng hạn, trang 51 của sách Lịch sử và Địa lý 4, các tác giả viết: "Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông". Trong khi đó, theo sách Ngữ Văn 10 (trang 145, tập 1) và nhiều tài liệu khác thì Hồng Đức Quốc âm thi tập là của 1 tập thể các tác giả (vua Lê Thánh Tông và các triều thần).
Mặt khác, chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều tác giả có trình độ cao cũng phải mất hai năm liên tiếp mới biên soạn xong phần lịch sử trong Lịch sử và Địa lí 4, 5.
Vậy mà, qua 9 tháng, học trò lớp 4 phải "lướt" khá kĩ lịch sử Việt Nam từ khoảng 700 năm trước Công nguyên đến năm 1858. Tiếp nối Lịch sử 4, Lịch sử 5, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay. Có nước nào trên thế giới bắt học sinh Tiểu học học hết lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc mình hay không (học một cách khô khan)?
Ở sách Lịch sử 8 và Lịch sử 11, có tình trạng "ngoại" nặng hơn "nội". Lịch sử 8 có 150 trang thì phần lịch sử thế giới đã chiếm 113 trang. Còn ở Lịch sử 11, có 160 trang (cả phụ lục) thì phần lịch sử thế giới chiếm 104 trang!
Và với muôn vàn những lỗi khiến học sinh “hoang mang” như trên, thử hỏi tại sao học sinh chán học lịch sử? Chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ GD- ĐT xem xét lại.
-
Thanh Huyền – Văn Hiến
***********************
Ho ten: Dũng
Dia chi: Hà Tĩnh
Nội dung: Lịch sử vốn đã trừu tượng và thiếu chính xác, đặc biệt lịch sử Việt Nam. Đơn giản như việc xe tăng nào húc đổ Dinh Độc lập là sự kiện diễn ra rất gần đây, còn nhân chứng mà chúng ta còn nhầm lẫn cơ mà. Có thể thấy, lịch sử vốn đã trừu tượng và thiếu chính xác, lịch sử Việt Nam cũng vậy. Việc sai sót có thể còn diễn ra dài dài...
Ho ten: Huy
Dia chi: TP Hà Nội
Nội dung: Theo tôi, không những môn Lịch sử mà còn nhiều môn học khác cần được nghiêm túc biên tập và sửa lỗi sao cho hoàn thiện nhất. Tôi cũng hiểu phần nào công việc của những người viết sách và những người biên tập để cho ra những cuốn sách bổ ích.
Nhưng thực trạng in sách, làm sách hiện nay có quá nhiều điều bất cập. Ví dụ: Trình độ của cán bộ biên tập, trình độ của những người viết sách còn hạn chế, cơ chế thị trường tác động quá lớn vào việc làm sách như: làm để đạt tiến độ, làm để cho xong ... Theo tôi, để học sinh học tốt môn Lịch sử thì nên chia nhỏ ra nhiều giai đọan. Mỗi giai đoạn nên viết chi tiết hơn và nêu bật những nhân vật trong giai đọan đó bằng những câu truyện hấp dẫn mang tính nhân văn cao là dễ nhớ nhất.
Ho ten: Lê
Dia chi: Lý Nam Đế
Noi dung: Những ý kiến "dọn vườn - Lịch sử" của tác giả quá đúng và rất bổ ích không chỉ cho các tác giả viết sách mà còn cung cấp địa chỉ cụ thể cho các bậc phụ huynh khi gia đình có hai cháu học hai lớp 4, 5 và 6, 7 ngồi học và tranh luận đúng sai. Tuy nhiên, phần góp ý về biên soạn lại lịch sử thời Nguyễn, có lẽ còn quá sớm, vì không phải cứ hội thảo xong là sửa. Chất lượng hội thảo hiện nay của nhiều ngành (chứ không riêng lịch sử)cũng còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Cần có thời gian và nhiều công sức hơn nữa mới có thể kết luận "khách quan" được! Xin cám ơn tác giả về công cuộc "đồng áng" này.
Ho ten: Thanh
Dia chi: TP.HCM
Vừa rồi , ở vòng bán kết Olimpia 2009 , vì SGK lớp 8 viết Hệ nội tiết thay vì Tuyến nội tiết ,đã làm cho BTC giải phải tốn hơn 5000 USD, cùng những hệ lụy khác. Không biết SGK thiếu chính xác sẽ làm ảnh hưởng đến điều gì trong tương lai?
Ho ten: Trang
Dia chi: Quảng Ninh
Tôi thấy không nên cho học sinh tiểu học hay học sinh cấp 2 học lịch sủ của hàng nghìn năm trước. Nên cho các em học lịch sử gần với các em nhất trước.
Ho ten: Nguyễn Văn Bằng
Dia chi: Hà Nội
Noi dung: Theo quan điểm cá nhân của tôi cũng như cách gợi ý của tác giả, chúng ta muốn học sinh hiểu về lịch sử nước nhà thì trước hết người lớn phải hiểu lịch sử nước nhà. Có hỏi tới 100 sinh viên đại học thì may ra chỉ có 10% là hiểu biết được quá trình phát triển 4000 năm của nước Việt, mà trong 10% đó tôi đồ rằng chỉ có 1% là hiểu rõ được gốc rễ và các mốc thời gian, các giai đoạn phát triển của chúng ta mà thôi.
Nguyên nhân là do đâu? có phải học sinh của chúng ta không thích môn học lịch sử? E rằng nhìn nhận đó là sai, mọi người ai chẳng muốn hiểu rõ lịch sử nước nhà, nhưng muốn hiểu thế nào đây khi mà chương trình học thì quá chung chung, quá nặng, quá dài cho một năm học.
Muốn học sinh hiểu rõ, nhớ lâu về lịch sử nước nhà chúng ta nên chia nhỏ hơn nữa từng giai đoạn lịch sử và viết chi tiết hơn nữa các giai đoạn đó để học sinh đọc và hiểu rõ hơn về từng giai đoạn.
Và mỗi năm học, mỗi lớp học chỉ nên học từ 1-2 giai đoạn đó mà thôi. Chúng ta không nên nhồi nhét quá nhiều vào đầu con trẻ những gì người lớn cho là dễ. Đến một người trưởng thành nếu bắt học một năm để thuộc cả một giai đoạn lịch sử phát triển dài của dân tộc thì người đó còn chẳng thể nhớ nữa là học sinh.
Vả lại học sinh đến trường đâu chỉ học có mỗi môn lịch sử? Muốn cho học sinh yêu thích môn lịch sử nói riêng, các môn KHXH nói chung thì chúng ta nên sắp xếp lại sách giáo khoa cho phù hợp.
Lịch sử, Văn học và địa lý cho từng lớp học khác nhau nên có sự gắn kết chặt chẽ các sự kiện như các bài văn nào liên quan đến giai đoạn lịch sử nào diễn ra ở đâu? như vậy thì học sinh khi học một môn là có thể đã nhớ và biết được thông tin của hai môn còn lại rồi nếu như các môn đó gắn kết với nhau. Rất mong những người có tâm huyết cho sự phát triển của giáo dục nước nhà nhìn nhận và xem xét cũng như đưa ra ý kiến để chúng ta có được môt tương lai tươi sáng hơn...