-Viết: "...Lí Bí quê ở Thái Bình (mạn bắc Sơn Tây)" nhưng không hề chú thích Thái Bình, mạn bắc Sơn Tây hiện nay thuộc vùng đất nào? 2 tác giả Thanh Huyền – Văn Hiến cho rằng một cuốn SGK có 80 trang, mà trang nào cũng phải chỉnh sửa. VietNamNet xin trích đăng phần 1 của kết quả “dọn vườn” Lịch sử 6.
>> Sách giáo khoa lịch sử mắc hàng trăm lỗi?
>> "Dọn vườn" sách sử lớp 4: Quân ta đánh vào đồn nào?
>> Phần lịch sử lớp 5: Phan Bội Châu còn sống?
Bìa SGK Lịch sử 6 |
Hỏi khó học sinh?
Một số câu hỏi mà các tác giả đặt ra có thể khiến học sinh lúng túng, nhưng cũng có những câu hỏi quá "dễ"...
Cụ thể:
Trang 11: Hình 8 rất mờ, vì thế học sinh khó có thể "Miêu tả cảnh làm ruộng của người Ai Cập ..." theo yêu cầu.
Trang 42: Bỏ câu hỏi "Vẽ sơ đồ nhà nước thời An Dương Vương" vì giống sơ đồ có sẵn tại trang 37.
Trang 69: "...Các triều đại phong kiến Trung Quốc" nên đổi thành "Các triều đại phong kiến phương Bắc" để thống nhất với Lịch sử 4.
Cũng ở trang này, có câu hỏi: "Trong thời gian Bắc thuộc, nước ta bị mất tên, bị chia ra, nhập vào với các quận, huyện của Trung Quốc với những tên gọi khác nhau như thế nào ? Hãy thống kê cụ thể qua từng giai đoạn bị đô hộ". Đây là câu hỏi thiên về kiểm tra trí nhớ máy móc; đã yêu cầu nêu "tên gọi" lại còn bắt "thống kê cụ thể qua từng giai đoạn...".
Đề nghị bỏ câu hỏi này hoặc sửa thành: "...Trong thời gian Bắc thuộc, nước ta chỉ các quận, huyện của Trung Quốc. Hãy thống kê tên gọi ấy qua từng giai đoạn đô hộ? ".
Trang 78: "Hãy mô tả một số công trình nghệ thuật của nước ta thời cổ đại" là câu hỏi khó và không rõ ràng. Công trình nghệ thuật trong lĩnh vực nào ?
Bà Triệu, Lí Bí… quê ở đâu?
SGK Lịch sử 6 có nhiều sai lệch, “bất nhất”… trong những chi tiết liên quan đến các nhân vật lịch sử quan trọng như: Hùng Vương, Bà Triệu, Lí Bí…
Cụ thể:
Trang 41: Chi tiết: "…Thục Phán... tổ chức lại nhà nước, đóng đô ở Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội)" mâu thuẫn với Lịch sử và Địa lí 4: "…Thục Phán ... tự xưng là An Dương Vương. Kinh đô được dời xuống vùng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay)" (trang 15).
Trang 54: "Ở miền Nam, người dân còn biết bịt cựa gà chọi ..." . Ở đây địa danh miền Nam không rõ là vùng nào? không phù hợp với thế kỉ I.
Trang 56: Từ năm 1996, một phần huyện Thiệu Yên - quê hương Bà Triệu được tách ra để lập nên huyện Yên Định. Sách Lịch sử 6 in năm 2002 vẫn ghi là Thiệu Yên. Đến lần tái bản thứ 4 (2006), Lịch sử 6 mới chỉnh sửa thành: Bà Triệu quê "...ở miền núi huyện Quan Yên, thuộc quận Cửu Chân (huyện Yên Định, Thanh Hoá)".
Nên sửa lại cho cụ thể hơn: Bà Triệu quê ở vùng núi Nưa, huyện Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Công, Yên Định, Thanh Hoá). Cũng cần nói thêm, nhiều tài liệu nêu quê Bà Triệu ở Nông Cống, hoặc Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Trang 58: "Lí Bí quê ở Thái Bình (mạn bắc Sơn Tây)". Vậy Thái Bình (mạn bắc Sơn Tây) hiện nay thuộc vùng đất nào ?
Trang 73: "... làng Ràng (Dương Xá, Đông Sơn, Thanh Hoá)”, cần sửa thành: Làng Giàng (nay thuộc xã Thiệu Dương, Thiệu Hoá, Thanh Hoá) vì từ năm 1996 đã có sự thay đổi này. Nhân dân vùng này vẫn phát âm tên làng của mình là: Làng Giàng. Các biển báo ở địa phương cũng ghi "Làng Giàng".
Bên cạnh đó, cần cập nhập sự thay đổi về địa lý, đặc biệt là từ khi Hà Nội mở rộng. Cụ thể:
Trang 45: "Đền thờ An Dương Vương tại thành Cổ Loa (Hà Nội)", ngày nay làm gì còn "thành Cổ Loa". Phải sửa thành” "Đền thờ An Dương Vương tại Cổ Loa (Hà Nội)".
Trang 48: Các địa danh Hà Tây, Vĩnh Phúc đều đổi thành Hà Nội.
Trang 52: "Đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc)", sửa thành "Đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh (Hà Nội)".
Trang 65: "Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây)" sửa thành "Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội)".
Trang 77: "Lăng Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Tây)" đổi thành "Lăng Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội)."
Nhiều lời mà ít ý!
Trang 23: Câu: "Ở một số nơi như núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai) ..., người ta phát hiện được nhiều công cụ đá ghè đẽo thô sơ dùng để chặt, đập; nhiều công cụ đá ghè mỏng... ở nhiều chỗ" mắc lỗi lặp. Xin thử sửa lại: "Ở núi Đọ, (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai) ..., người ta phát hiện được nhiều công cụ đá ghè đẽo thô sơ và công cụ đá ghè mỏng...".
Trang 27: Mục 1 gồm một đoạn sử dài 7 dòng, nhiều lời ít ý. Khi có điều kiện chỉnh lí nên rút gọn theo hướng: "Người nguyên thuỷ Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn thường xuyên tìm cách cải tiến công cụ lao động bằng đá. Ban đầu, người Sơn Vi chỉ biết ghè đẽo các hòn cuội làm rìu; đến thời Hoà Bình - Bắc Sơn, họ biết mài nhiều loại đá khác nhau để chế tác rìu, bôn, chày... Họ còn dùng tre, gỗ, xương, sừng... làm công cụ và đồ dùng, sau đó biết làm đồ gốm."
Trang 37: "chưa có... quân đội" sửa thành "chưa có quân đội chuyên nghiệp".
Bổ sung chú giải: Bồ chính: già làng.
Chuyển câu "Các vua Hùng đã có công dựng nước..." của Bác Hồ lên phía đầu Bài 12.
Trang 42: Câu: "Sông Hoàng nhỏ nhưng lại là đường nối với sông Hồng ở mạn Nam và nối với sông Cầu ở mạn Bắc", nên sửa thành: "Sông Hoàng nhỏ nhưng lại là đường thủy nối liền sông Hồng ở mạn Nam với sông Cầu ở phía Bắc".
Trang 45: "Quân dân Âu Lạc... đã đánh bại các cuộc tấn công của quân Triệu, giữ vững nền độc lập của đất nước. Triệu Đà, biết không thể đánh bại được quân ta, bèn vờ xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ nước ta".
Lỗi lặp cần phải được khắc phục, xin sửa lại thành: "Âu Lạc... đã đập tan các cuộc tấn công của quân Triệu, giữ vững nền độc lập. Biết không thể đánh bại An Dương Vương,Triệu Đà bèn vờ xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ Âu Lạc".
Trang 47: "... các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ" nên sửa thành " ... các Lạc tướng người Âu Lạc vẫn cai quản dân như cũ".
Bất nhất...
Cũng như trong các SGK Lịch sử khác, chúng tôi phát hiện trong Lịch sử 6 có vô vàn "bất nhất" trong cách tính thời gian, cách viết hoa, sử dụng dấu câu...
Cụ thể:
Trang 8: "...Đó là Người tối cổ (sớm nhất cách đây khoảng 3 đến 4 triệu năm)". Nhưng cách viết khoảng thời gian ở trang 23 lại khác: : "... xương động vật cổ cách đây 40 - 30 vạn năm", "...vào khoảng 3 - 2 vạn năm trước đây". Nếu theo cách viết của trang 23 thì ở trang 8 phải sửa thành: "....sớm nhất cách đây khoảng 4 - 3 triệu năm"???
Trang 16: "... mỗi tháng có khoảng 29 đến 30 ngày" nên sửa thành: "... mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày".
Trang 17: "Kim tự tháp" nên viết "Kim Tự Tháp".
Trang 18: "...Đó là Dương lịch", cách viết hoa mâu thuẫn với cách viết: "...dương lịch được hoàn chỉnh"(trang 7), hay "...mùa xuân năm 40 (tháng 3 dương lịch)" ở trang 48.
Cũng ở trang 18, cách viết tên tác giả Ô-đi-xê là "Hô-me", phải sửa thành "Hô-me-rơ" để thống nhất với Ngữ văn 10, tập một, trang 47.
Trang 23 và nhiều trang khác, chữ "người" trong "người nguyên thuỷ" không viết hoa. Trong khi, trang 8, 9, 24... đều viết hoa chữ "Người": "Người tối cổ", "Người vượn", "Người tinh khôn", "Người tinh khôn nguyên thuỷ"...
Trang 33 : "Trên các đồng bằng ven sông lớn ở mạn Bắc cũng như mạn Nam, hình thành hàng loạt làng bản..." là câu không rõ nghĩa. Xin hỏi mạn Bắc, mạn Nam là mạn nào? Mặt khác, không nên viết hoa "Bắc", "Nam".
Trang 35 : Nên để tên truyền thuyết "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh" trong dấu ngoặc kép.
Trang 36: Nên để tên truyền thuyết "Thánh Gióng" trong dấu ngoặc kép.
Các danh từ: "Lạc hầu", "Lạc tướng" viết hoa không thống nhất với Lịch sử 4 (trang 12).
Câu: "Đặt tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng...", nên sửa thành -"Đặt quan văn là Lạc hầu, quan võ là Lạc tướng..." sửa thế bớt được lỗi lặp.
Trang 40: Nên để tên các tác phẩm "Trầu, cau" ; "Bánh chưng, bánh giầy" trong dấu ngoặc kép.
Trang 43: "An Dương Vương cho xây dựng ở Phong Khê một thành đất lớn mà người sau gọi là Loa thành hay thành Cổ Loa. Nên viết hoa "Loa Thành" để thống nhất với nhiều sách giáo khoa khác.
Trang 45: Nên để tên truyện: "Mị Châu - Trọng Thuỷ" trong dấu ngoặc kép và đổi thành "Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ" (Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một, trang 71) thì hợp với chủ đề bảo vệ đất nước hơn.
Trang 51: "... ngày 6 tháng Hai âm lịch" - buộc phải sửa thành"... ngày 6 tháng hai âm lịch".
Trang 53: chữ "Huyện lệnh" không nên viết hoa. Cũng không nên viết hoa chức danh "Thứ sử".
Trang 60: "Lí Bí lên ngôi hoàng đế" nên sửa thành: "Lí Bí lên ngôi Hoàng đế".
Câu: "Lí Nam Đế mất" sửa thành"Lí Nam Đế băng hà".
Và thiếu thuyết phục…
Trang 28: Không nên viết:" …người nguyên thuỷ... còn trồng rau, đậu, bí, bầu... nuôi thêm chó, lợn". Bởi, chả lẽ người nguyên thủy đã nuôi, trồng các giống cây, vật nuôi như hiện nay…
Trang 34 : có câu " ... công cụ sản xuất, đồ đựng, đồ trang sức đều phát triển", tuy nhiên không thấy có ảnh "đồ đựng"; có lẽ "đồ dùng" thì đúng hơn.
Trang 50: "Mã Viện... tiến vào Giao Chỉ. Đạo quân bộ men theo bờ biển... chúng lẻn qua Quỷ Môn Quan (Tiên Yên - Quảng Ninh)... ". Khẳng định Quỷ Môn Quan thuộc Tiên Yên, Quảng Ninh là sai. Văn học 9, tập một, tái bản lần thứ 11, trang 88: "Quỷ Môn Quan thuộc Chi Lăng, nay là xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn".
Quỷ Môn Quan có hẹp đến mấy thì việc dùng chữ "lẻn" đối với đạo quân gồm 2 vạn binh lính đâu có phù hợp.
Trang 63: Nên bỏ câu: "… đặc biệt cứ đến mùa vải nhân dân An Nam phải thay nhau gánh vải (quả) sang Trung Quốc nộp cống" để phù hợp với nội dung chỉnh lí trang 64, dòng 8. Nên sửa: : “người gánh vải (quả) nộp cống” thành "dân phu gánh sản vật cống nộp" .
Trang 64: Đã bỏ chi tiết gánh vải quả thì cũng phải bỏ dòng viết về "…Sâu vải quả vì ai vạch lá". Có ba lỗi liên quan đến "vải quả" vậy mà sách năm 2009 chỉ chỉnh sửa một !
Trang 74: "Dương Đình Nghệ bị một viên tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết...", dùng từ "viên tướng" để chỉ kẻ giết Dương Đình Nghệ là không chính xác, vì từ này thể hiện thái độ trân trọng. Nên dùng từ: "phản tướng" để chỉ Kiều Công Tiễn.
Ngoài ra, viết: mực nước sông Bạch Đằng "...lúc triều lên xuống chênh lệch nhau đến 3 mét. Khi triều lên, lòng sông rộng mênh mông đến hàng nghìn mét, sâu hơn chục mét" cũng sai lệch với Lịch sử 7, trang 65: "...Dòng sông rộng khoảng 1 km (khi thuỷ triều lên)".
Trang 76 : Theo tôi, đã miêu tả không chân thực chiến thắng Bạch Đằng: "....thuyền xô vào bãi cọc nhọn, vỡ tan tành". Bởi, xô vào bãi cọc nhọn thì bị thủng, bị chìm chứ không thể "vỡ tan tành".
Ngoài ra, trang 25: Câu "Dân ta phải biết sử ta ..." (Hồ Chí Minh) phải chuyển lên vị trí đầu của trang 22; không nên dùng thơ Bác lấp chỗ giấy thừa ở trang 25.
Một cuốn sách giáo khoa gồm 80 trang, 4 nhà khoa học tham gia biên soạn, qua tay bao người biên tập mà còn mắc lỗi như vậy - không buồn sao được ?
-
Thanh Huyền – Văn Hiến