Nếu cách đây 4 năm, ông anh tôi, khi ấy là sinh viên Thanh nhạc của trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội than thở rằng “không thể bói ra chỗ nào dạy tiếng Ý tại Hà Nội” thì giờ đây, các ngoại ngữ vốn được cho là “hiếm dùng” như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Thái… đang được giảng dạy tại nhiều nơi, thu hút đông đảo sinh viên theo học.
Trong khi đó, lý do để Cao Thùy Dương, sinh viên năm thứ 2 Đại học Hà Nội gắn bó với tiếng Ý lại bắt đầu từ sự ngưỡng mộ đối với thời trang Ý, yêu thích đất nước hình chiếc ủng xinh đẹp, và những... chàng trai Địa Trung Hải hào hoa. Dương giải thích: “Học xong mình sẽ sang đó học chuyên ngành thời trang, nên cần trang bị cho mình một background thật tốt, mà tiếng Ý là điều kiện tiên quyết”.
Ví dụ như hiện nay tại Ý có nhiều ngành học đại học và master rất hay như kiến trúc, design... được chính phủ Ý tài trợ nên học phí khá rẻ, chỉ trên dưới 1.000 EURO/năm.
Hưng- sinh viên năm 3 khoa Bồ Đào Nha, đại học Hà Nội nói về sự lựa chọn của mình: “Tuy ở Việt Nam tiếng Bồ chưa phổ biến, nhưng thực tế tiếng Bồ đứng thứ 7 trong số các thứ tiếng được nói nhiều nhất trên thế giới, đứng thứ 2 trong số các ngôn ngữ Latin, hơn cả tiếng Pháp. Vậy nên biết tiếng Bồ có rất nhiều lợi thế khi số lượng các công ty Nam Mỹ đầu tư vào Việt Nam đang không ngừng tăng lên”.
Không chỉ có sinh viên các trường ngoại ngữ, ngày càng có nhiều sinh viên khối Kinh tế và học sinh phổ thông học tiếng hiếm.
Thùy Trang, ngành Tài chính - Ngân hàng – Đại học Thăng Long, đang học thêm ngoại ngữ thứ hai là tiếng Ý bên cạnh ngoại ngữ chính của mình là tiếng Anh. “Đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đang có xu hướng tăng, nên mình tin biết tiếng Ý sẽ là một lợi thế rất lớn. Ngoài ra, ở trường mình, tiếng Ý được Đại sứ quán Ý hỗ trợ một phần về học phí, cung cấp tài liệu, sinh viên còn được tặng vé đi xem các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức, rất thú vị”.
Đến các trung tâm dạy tiếng hiếm như Dante (tiếng Ý), viện Goethe (tiếng Đức), bạn sẽ bắt gặp những cô cậu teen. Tùng Anh (Toán 2- Ams)- gặp tôi tại Viện Goethe tiết lộ: “Em học tiếng Đức để đi du học”. Nước Đức với chính trị ổn định, nền giáo dục chất lượng cao nên càng ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn để du học. Hơn nữa, học phí ở Đức được chính phủ tài trợ đến 90%, nên dù chính phủ Đức không cấp học bổng, thì chi phí vẫn rẻ hơn so với các nước như Anh, Mỹ, Úc... rất nhiều.
Đến cơ hội
Nhưng không chỉ “viển vông” vì những yêu thích, sinh viên chọn học tiếng hiếm bây giờ rất thực tế và năng động. Họ chọn vì nhận ra có rất nhiều cơ hội đang chờ đợi mình nắm bắt.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam, và tiếng Anh đã trở nên “bão hòa”, thì “ưu thế” biết tiếng hiếm có thể “hái ra tiền”.
Cơ hội tìm được việc làm của sinh viên “ngoại ngữ hiếm” cao hơn, do không phải cạnh tranh nhiều như tiếng Anh. Đặc biệt, họ có thể tìm được việc làm ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp với mức lương rất hấp dẫn. Sinh viên tiếng hiếm nếu muốn đi du học, cơ hội xin được học bổng cũng cao hơn, có điều kiện nhận được rất nhiều hỗ trợ.
Từ đam mê
Không như tiếng Anh, Trung, Nhật... rất sẵn giáo trình, tài liệu tham khảo cho những ngoại ngữ hiếm như tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... vẫn còn rất ít ỏi. Vì thế, đòi hỏi sinh viên phải tự tìm tài liệu trên mạng, nhờ người mua hộ bên nước ngoài, tự học là chủ yếu... và đặc biệt là phải thật sự say mê.
Thùy Dương - sinh viên năm 2 khoa tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội chia sẻ: “Ngày nhỏ mình đã rất thích những điệu nhảy châu Mỹ Latinh quyến rũ, hâm mộ cuồng nhiệt Real Madrid, đến khi lớn lại muốn hiểu rõ về nền văn hóa ấn tượng này, nên khi làm hồ sơ thi đại học, biết Đại học Hà Nội có khoa Tây Ban Nha, mình chọn luôn”.
Tiếng Nhật Tiếng Nhật hiện nay đã trở nên thời thượng, nhiều người theo học, nhưng cách đây vài năm thì vẫn là hàng “hiếm” vì số người thông thạo không nhiều. Vì thế những sinh viên học tiếng Nhật được săn đón với mức lương và điều kiện làm việc hấp dẫn từ khi còn chưa tốt nghiệp. Tháng 9/2007, Đại học FPT đưa tiếng Nhật vào trong chương trình giảng dạy chính thức. Đến nay khóa đầu tiên đã ra trường, những sinh viên học tốt tiếng Nhật (tối thiểu là trình độ 2.5 kyu đối với lập trình viên) có thể tìm được việc làm với những chính sách đãi ngộ rất tốt tại các công ty của Nhật. Quốc Nhật, đã tốt nghiệp FPT Arena, hiện đang làm cho một công ty quảng cáo với mức lương được tính bằng đô. “Biết tiếng Nhật là một lợi thế của mình. Đối tác của công ty mình là một công ty thực phẩm của Nhật nên có thể giao tiếp với khách hàng bằng ngôn ngữ của họ thì tốt hơn, dù họ hoàn toàn có thể nói tiếng Anh. Nhờ thế công việc thuận lợi hơn rất nhiều”. Cùng một công việc, nhưng những người biết ngoại ngữ hiếm thường có mức lương cao hơn. Tiếng Ý Cô Hạnh, giáo viên tiếng Ý, kiêm thông dịch viên của Đại sứ quán Italia cho biết: “Sinh viên đang học tiếng Ý, nếu nhanh nhẹn, nói tốt có thể bắt đầu làm việc sau một năm với những nghề như hướng dẫn du lịch, được trả cao gấp 3-4 lần so với những người biết các thứ tiếng như Anh-Pháp, bán hàng lưu niệm... Những công ty Ý tới đầu tư lớn vào Việt Nam như Piaggio, Cavico... đều ưu tiên tuyển người nói tiếng Ý. Đó là “ngược dòng” hay “đón đầu”? Càng ngày càng nhiều bạn trẻ chọn học những ngoại ngữ hiếm, vì “bây giờ hiếm sau này quí”. Ở Đại học Hà Nội, từ chỗ chỉ có 21-25 sinh viên khoa Ý, 22-25 sinh viên khoa Bồ Đào Nha, 23-27 sinh viên khoa Tây Ban Nha thì nay số lượng sinh viên theo học các khoa này đã lên tới hơn 100 sinh viên mỗi khoa. Hay sinh viên chuyên ngành tiếng Anh hiện nay, khi đăng ký học ngoại ngữ 2 cũng thường chọn ngoại ngữ hiếm. Các lớp tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... bao giờ số lượng đăng ký cũng rất cao. Nếu đăng ký không sớm thì rất nhanh hết chỗ.Có những lựa chọn tưởng chừng là “ngược dòng” nhưng thực tế lại là “đi trước đón đầu”. Thành công sẽ dành cho ai thấy trước những cơ hội từ tương lai. |
(Theo Sinh viên Việt Nam)