- Trong khi sinh viên (SV) tại làng ĐH Thủ Đức đang thiếu sân chơi trầm trọng, hồ đá gần KTX ĐHQG TP.HCM, với rất nhiều vụ chết đuối lại hút nhiều SV đến đây để bơi lặn hàng ngày.
Ngày 22/2, Lê Trọng Vũ, SV ĐH Bách khoa TP.HCM đi tắm và chết đuối do nhảy từ trên mỏm đá cao xuống hồ rồi bị chuột rút. Đến tối cùng ngày xác SV này mới được vớt lên.
Thông tin cái chết của Vũ được truyền tai nhau, nhưng ngay sau đó, vẻ nhộn nhịp ở hồ đá không khác mấy với những ngày trước đó.
“Hồ sâu đá ngầm nguy hiểm chết người”, dòng chữ ghi trên hai bảng lớn tại ngã ba và bờ hồ đá đập ngay vào mắt. Nhưng nhiều nhóm sinh viên, người dân trong vùng vẫn rủ nhau đến tắm. Có người còn vươn mình bơi ra xa khỏi bờ, rồi gọi bạn bè bơi theo.
“Chiều cuối tuần đi tắm cho khuây khỏa. Mình cũng đã từng chứng kiến người ta chết đuối ở đây, nhưng phải tin tưởng vào khả năng bơi lội của mình chứ!”, Quốc Hải, nam SV khoa Kinh tế, ĐHQG TP.HCM khẳng định.
Xung quanh bờ hồ là những mỏm đá cao, lởm chởm. Đáy hồ rất phức tạp với nhiều địa hình khác nhau, chỉ cách bờ khoảng 3m là vực sâu. Nhiều người đến tắm rồi chết đuối dù biết bơi do nhảy từ cao xuống bị chuột rút hoặc trúng đá ngầm. Sinh viên thi nhau nhảy xuống hồ từ mỏm đá cao. Ảnh: Thái Phương |
Minh Hiếu, nam SV Trường ĐH KHTN, cho biết, ở những vị trí này vắng người qua lại, bơi lặn sẽ thú vị hơn, chưa kể có những thềm đá thấp dễ dàng lao xuống để thể hiện tài năng bơi lội của mình.
Chính quyền xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương đã đào nhiều hào đất sâu và rộng băng qua các đường mòn dẫn xuống hồ hy vọng giảm số người chết đuối.
Tuy nhiên, quanh mỗi hồ nước sâu đều có nhiều đường mòn dẫn xuống hồ nên dù chính quyền địa phương đào hầm đất ngăn cản, người dân vẫn cố tình tìm cách xuống hồ.
“Mấy cái hào đó chỉ hạn chế được SV, người dân ở nơi khác đến, chứ người ở khu này vẫn cứ xuống như thường” - anh Đào Văn Hải, bảo vệ khu vực này cho biết. Nhiều người ở tận Q.10, Q.7 cũng lặn lội tìm đến khu vực này vì “hồ đẹp mà còn tắm… miễn phí”.
Theo ông Đằng, người dân sống lâu năm ở khu vực này, hồ đá có từ khi Mỹ xâm lược, họ khai thác đá nhiều năm tạo thành các hố sâu, lâu dần thành hồ nước lớn như bây giờ.
“Nhiều người cho rằng phải lấp hồ đá để người dân không xuống đây tắm nữa nhưng hồ sâu không thể lấp nổi” – ông Đằng nói thêm.
Phải chờ… sân chơi
“Ngoài đi cà phê, karaoke, chát chít với bạn bè, mình chẳng biết đi đâu những ngày nghỉ” - Ngọc Hiệp, SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nói.
Làng ĐHQG TP.HCM quy tụ hơn 15.000 SV nhưng việc tìm một nơi lành mạnh cho SV có thể vui chơi, giải trí, một không gian yên tĩnh là điều hết sức khó khăn.
Cũng vì lẽ đó mà hồ đá trở thành nơi lí tưởng cho nhiều người đến vui chơi, thưởng ngoạn, bất chấp nhiều nguy hiểm rình rập. Dù có nhiều người chết đuối vì tắm hồ nhưng SV và người dân quanh khu vực này vẫn cố tình phớt lờ, coi thường tính mạng của mình khi ngày ngày rủ nhau ra hồ tắm.
Sinh viên ít mặn mà với sân chơi thể thao tại KTX ĐHQG TP.HCM. Ảnh: Minh Quyên |
Duy Tình, SV ĐH KHXH&NV nói rằng, SV vẫn mong có nơi vui chơi an toàn, lành mạnh. Việc thiếu khu vui chơi nói chung, hồ bơi nói riêng là nguyên nhân khiến họ lui đến hồ đá nhiều hơn.
“Dự án xây hồ bơi từng được nghĩ tới, nhưng xây hồ bơi rất khó vì không có vốn, lại xây cho SV thì mấy ai chịu tắm khi phải trả tiền?” - ông Trần Thanh An, Giám đốc Ban quản lí KTX ĐHQG TP.HCM cho biết.
“Trước mắt, KTX ĐHQG cố gắng lập ra nhiều CLB, nhiều sân tập thể thao để SV có nơi giải trí. Ngoài ra, Ban quản lí KTX chỉ có thể cảnh báo, kêu gọi ý thức SV” - ông An nói thêm.
Xây một hồ bơi đã khó, không biết bao giờ một khu vui chơi dành cho SV mới được hình thành?
Đường dẫn vào làng ĐH Thủ Đức tấp nập với nhà sách, quán ăn, tiệm Internet, trung tâm ngoại ngữ… lần lượt mọc lên.
Tuy nhiên, tìm một khu vui chơi giải trí vào những dịp cuối tuần cho SV khu vực này vẫn còn là mơ ước.
-
Thái Phương - Minh Quyên