- "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" - Trong khi 3 sách giáo khoa (SGK) cho rằng đây là "ca dao" một SGK khác khẳng định "là tục ngữ".
Trong khi các Tổng Chủ biên Ngữ văn 10 đồng ý sửa chi tiết: "Hoằng Tháo bị giết ở sông Bạch Đằng" thành: "Hoằng Tháo bị thua trận và chết trên sông Bạch Đằng" thì Tổng Chủ biên Ngữ văn 10, nâng cao trả lời: SGK đã sửa đúng quốc sử.
Sau khi VietNamNet đăng tải các bài viết góp ý cho sách giáo khoa Ngữ văn, Tiếng Việt, các tổng chủ biên đã tiếp nhận, đồng ý chỉnh sửa 60 lỗi.
Tuy nhiên, còn nhiều lỗi rất nhỏ, "bất nhất" đã rõ, nhưng các tổng chủ biên, soạn giả vẫn kiên quyết "không sửa".
Cái khó của việc chỉnh sửa SGK Ngữ Văn, Tiếng Việt là phải tranh luận những điều không đáng tranh luận. Những chuyện "nhỏ", cụ thể như vậy còn phải tranh luận thì bao giờ mới giải quyết được vấn đề lớn, trừu tượng?
Nhà giáo Văn Hiến đặt vấn đề như vậy trong bài viết có tiêu đề "Chỉnh sửa sách Tiếng Việt, Ngữ văn - những ý kiến tiếp thu chưa thỏa đáng".
HS Trường Hà Nội - Amsterdam trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tiếp thu một đằng, chỉnh sửa một nẻo
Ngoài những lỗi trong SGK Ngữ văn mà các tác giả đã đồng ý chỉnh sửa, nhiều đề nghị cụ thể khác đã được chỉnh sửa hời hợt và không rõ ràng.
Chẳng hạn, với đề nghị nên viết hoa các từ dùng để chỉ thứ hạng như : "Nhất", "Nhì"... trong SGK Ngữ văn 6, câu trả lời của các soạn giả lại hết sức chung chung: "Một đôi chỗ về chính tả đã sửa ở bản tái bản lần thứ 7 (tập một)" ; "trang 33; 35; 49 (tập hai) đã sửa quy ước viết hoa ở lần tái bản thứ 7".
Ngoài ra, soạn giả Ngữ văn 7 đã đồng ý sửa chi tiết về nhà phê bình văn học Hoài Thanh: "...Năm 2000 ông được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn Hoá - Nghệ thuật" thành: "Năm 2000 ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật".
Tuy vậy, ở phần "Những điểm không cần chỉnh sửa", soạn giả lại khẳng định: không sửa.
Một trường hợp khá đặc biệt là về số liệu trong "Bài toán dân số" ở sách Ngữ văn 8. Mặc dù soạn giả đã khẳng định: "sách tái bản lần thứ tư" là đúng, nhưng sau khi đối chiếu lại, thì sách tái bản lần thứ tư do "Nguyễn Thanh Hải biên tập tái bản" vẫn sai ở chi tiết này.
Còn ở Ngữ văn 11, một đoạn văn mắc lỗi ở trang 168 được Tổng chủ biên đồng ý sửa như sau: "Nguyễn Ái Quốc viết Vi hành để cùng với các tác phẩm khác như vở kịch Con rồng tre, truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc,... tập trung tố cáo vua bù nhìn Khải Định khi y sang Pháp dự cuộc đấu xảo (hội chợ) ở Mác - xây (1992)".
Với câu văn trên, "1992" phải sửa thành "1922" mới chính xác.
Bên cạnh đó, có trường hợp góp ý đề nghị một đằng, soạn giả lại chỉnh sửa một nẻo.
Cụ thể là ở Ngữ văn 9, tôi đề nghị chỉnh sửa chi tiết: “Năm 2000, Nguyễn Quang Sáng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 2)”, nhưng soạn giả lại bổ sung thành: "Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật".
Sự "bất nhất" không chỉ tồn tại giữa các cuốn SGK mà còn tồn tại ngay giữa soạn giả và Tổng chủ biên của cùng một cuốn sách.
Đó là trường hợp của SGK Tiếng Việt 4. Về góp ý viết hoa chữ N trong từ “Nhà nước” (trong chú thích “Huân chương: phần thưởng lớn được nhà nước trao tặng người có công”), soạn giả đã trả lời rằng: “Nhà nước” không phải danh từ riêng, vì vậy, về nguyên tắc, không bắt buộc phải viết hoa; người ta viết hoa chỉ là để tỏ sự tôn trọng (viết hoa tu từ). Tuy nhiên, để thống nhất với những chỗ khác trong sách thì lần tái bản tới, có thể cân nhắc viết hoa chữ này.
Trong khi đó, Tổng chủ biên khẳng định: "Đây là lỗi in ấn. Nhất trí sửa trong lần tái bản tới".
Những tranh cãi... không đáng có
Cái khó của việc chỉnh sửa SGK Ngữ Văn, Tiếng Việt là phải tranh luận những điều không đáng tranh luận.
Nhiều lỗi rất nhỏ, "bất nhất" đã rõ, nhưng các Tổng chủ biên, các soạn giả vẫn kiên quyết "không sửa".
Trong khi các Tổng Chủ biên Ngữ văn 10 (tập hai) đồng ý bỏ chi tiết: "giết Lưu Hoằng Tháo" (trang 3, dòng 14 dl). Đồng thời, sửa: "Hoằng Tháo bị giết ở sông Bạch Đằng" thành: "Hoằng Tháo bị thua trận và chết trên sông Bạch Đằng" thì Tổng Chủ biên Ngữ văn 10, nâng cao trả lời: "SGK đã sửa đúng quốc sử": Ngô Quyền bắt giết Lưu Hoàng Tháo (câu này có lẽ phải thêm một dấu phấy).
Theo tôi, "Quốc sử" có thể còn nhiều chỗ chưa thống nhất, nhưng SGK trong trường phổ thông thì không thể mâu thuẫn. Không sửa chi tiết này, Ngữ văn 10, nâng cao sẽ mãi mãi sai lệch với Lịch sử và Địa Lí 4, trang 22: "...Quân Nam Hán chết đến quá nửa, Hoằng Tháo tử trận" và với Lịch sử 6, trang 76: "...Hoằng Tháo cũng bị thiệt mạng trong đám loạn quân".
Tác giả Lịch sử 4, Lịch sử 6... không nói đúng "quốc sử" chăng ? Từ chi tiết "Hoằng Tháo", Bộ GD-ĐT nên quy định, về kiến thức lịch sử, sách văn phải theo sách sử.
Phân biệt ca dao và tục ngữ, cũng có sự bất nhất trong trường hợp: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" và "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Sách Ngữ văn 7, tập 2; Sách Ngữ văn 6, tập 1 và Lịch sử 7 đều khẳng định đây là những câu ca dao. Tuy nhiên, Tiếng Việt 4, tập một, trang 6 (dòng 4 dl) và trang 7 (dòng 8 dl) lại khẳng định các câu trên là tục ngữ. Thế nhưng, Tổng chủ biên Tiếng Việt 4 vẫn kiên quyết: "không sửa".
Một trường hợp đơn giản hơn là việc có viết hoa hay không ba danh từ: "mở bài", "thân bài", "kết bài".
Sách Tiếng Việt, Ngữ văn 10 (tập 1, trang 46); Ngữ văn 12 ( tập 2, trang 182) và nhiều cuốn khác đều không viết hoa. Vậy mà Tổng Chủ biên Ngữ văn 7 "khẳng khái" nói : Chính tả còn đang tranh cãi. Bộ sách Ngữ Văn THCS thống nhất viết hoa ba từ "Mở bài", "Thân bài", "Kết bài".
Ngoài ra, việc tranh luận lúc nào: "Kiều định tự tử" và "tự tử mà không chết" trong Văn học 9, Văn học 10, Ngữ văn 9, Ngữ văn 10... cũng vẫn chưa ngã ngũ.
Thiết nghĩ, những điều đơn giản này không thể mâu thuẫn giữa các cấp. Bởi, người học cần sự thống nhất trong SGK.
Hơn nữa, những vấn đề "nhỏ", cụ thể như vậy còn phải tranh luận thì bao giờ mới giải quyết được vấn đề lớn, trừu tượng như: Có nên coi "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chú tịch" là tư liệu lịch sử? Nên hay không nên học tác phẩm của "hàng tướng" Hồ Nguyên Trừng - người "từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc....?
-
Văn Hiến