-"Những giáo viên như chúng tôi đang bị cách ly. Trong sinh hoạt chuyên môn, tổ Lý không nhận, tổ Ngoại ngữ cũng từ chối. "Dở ông, dở thằng" nên giáo viên song ngữ thiệt thòi vì ít được trao đổi về chuyên môn".
Thầy Phạm Trường Hưng, nguyên giáo viên giảng dạy song ngữ Vật lý Trường THPT chuyên Amsterdam (Hà Nội) tâm sự.
Đây là 1 trong rất nhiều bất cập mà chương trình song ngữ tiếng Pháp "vấp" phải sau 15 năm thực hiện.
Hội thảo đổi mới đào tạo tiếng Pháp trong trường phổ thông diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/3 có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh tiếng Anh "tranh" tiếng Pháp" (HS tiểu học sẽ học tiếng Anh từ lớp 3, thi cao học phải có đầu vào tiếng Anh tối thiểu, GS phải giao tiếp được bằng Tiếng Anh...) và nhất là sau khi phía Pháp kết thúc dự án kéo dài 12 năm giảng dạy tiếng Pháp trong trường học tại Viêt Nam năm 2006.
Đến năm 2008, cả nước có hơn 14.000 HS học song ngữ tiếng Pháp, nhưng chỉ có 305 giáo viên dạy tiếng và 74 giáo viên dạy các môn khoa học (Vật lý, Toán học) bằng ngôn ngữ này.
HS có thể hoc song ngữ từ tiểu học. |
1.000 đồng/tiết
Trường THCS Lê Lợi là trường THCS duy nhất ở Nghệ An còn duy trì mô hình đào tạo song ngữ.
Bà Võ Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng trường cho biết: Cả trường chỉ có 3 giáo viên tiếng Pháp (2 giáo viên dạy tiếng, 1 giáo viên dạy song ngữ). Trong đó, chỉ có 1 giáo viên có biên chế. Thầy Hân đã 80 tuổi, nhưng hiện là giáo viên dạy song ngữ Toán, Lý duy nhất cho 3 khối lớp 6, 8, 9 (khoảng 72 học sinh) của trường.
Vậy mà, theo bà Hoa thì: tiền học phí chi cho học song ngữ chỉ 30.000đ/ tháng/1 học sinh. Tính ra, học phí mỗi tiết học chưa đến 1.000/đồng. Nguồn chi trả này được huy động ’xã hội hóa" từ phụ huynh.
"Lương trả cho giáo viên hệ song ngữ sau 13 năm (1996 -2009) vẫn không không hề thay đổi", ông Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho biết thêm.
Đầu ra hình “tam giác”
Sở dĩ nói như vậy là vì lượng học sinh "đầu ra" của các lớp song ngữ (THPT) bị sụt giảm nghiêm trọng so với lượng học sinh "đầu vào" (lớp 1).
Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Hải Châu đưa số liệu so sánh số học sinh đầu vào và đầu ra của học sinh tham gia chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp:
Số lượng đầu vào (lớp 1):
Năm học |
Số tỉnh/thành |
Số HS |
2006 - 2007 |
16 |
1770 |
2007 - 2008 |
16 |
1815 |
2008 - 2009 |
13 |
1797 |
Số lượng đầu ra (tốt nghiệp THPT):
Năm học |
Số tỉnh/thành |
Số lượng dự thi |
Số lượng đỗ |
2005 - 2006 |
16 |
894 |
768 |
2006 - 2007 |
16 |
812 |
715 |
2007- 2008 |
15 |
723 |
590 |
HS chuẩn bị vào lớp 1 có nguyện vọng vào học lớp song ngữ phải trải qua một kỳ kiểm tra trắc nghiệm năng khiếu 10 - 15 phút. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng theo học được.
Một giáo viên dạy song ngữ Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội còn cho biết thêm: cách đây 2 năm, Bộ GD - ĐT có quy định phải học ngoại ngữ liên thông 7 năm. Thế nhưng đối với bậc THPT, ở Hà Nội chỉ có 2 trường là: Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An chuyên đào tạo song ngữ. Điều này khiến nhiều phụ huynh e ngại và dè dặt ghi tên con vào lớp song ngữ tiếng Pháp ở bậc THCS.
Bên cạnh đó, "đầu ra" - các trường ĐH có hệ đào tạo song ngữ tiếng Pháp không nhiều, chủ yếu là trường khối kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó, HS học hệ song ngữ chủ yếu theo khối D (Văn – Toán – Ngoại ngữ).
Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn cũng là trở ngại đáng kể. Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi thật thà: “2 năm nay, trường không thấy ai giúp đỡ gì cả”. Nhà trường phải tự xoay xở để duy trì chương trình, công cụ dạy học cũ thì hoen gỉ, hư hỏng...
Theo bà Nguyễn Vân Dung, giảng viên ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, thì điểm khó khăn nhất của dự án là thiếu hội đồng sư phạm về tiếng Pháp và khoa học giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Từ đó, kéo theo một loạt hệ quả, điển hình như việc xuất bản SGK bị chậm.
Đến năm 2005, HS song ngữ lớp 9 mới có SGK để học. Trong thời gian chờ xuất bản SGK, hội đồng thường trực phải lựa chọn giáo trình của Pháp đã xuất bản năm 1998, trong khi giáo viên lại chưa qua khóa đào tạo nào để dạy bằng giáo trình đó.
"Hơn - thua" ở tầm nhìn
Để phát triển chương trình song ngữ tiếng Pháp, một giáo viên đã đưa ra ý tưởng khá độc đáo: thành phố “kết nghĩa”. Theo đó, thành phố của Việt Nam có mô hình đào tạo song ngữ sẽ “kết nghĩa” với 1 thành phố của nước ngoài sử dụng tiếng Pháp. Hai thành phố sẽ trao đổi học sinh du học theo hình thức tiếp nhận chéo giữa hộ gia đình. Như vậy, HS sẽ có điều kiện thực hành tiếng Pháp tốt hơn.
Laurent Gajo, giảng viên Trường Ngôn ngữ và Văn minh Pháp, ĐH Thụy Sĩ cho rằng: “Khung đào tạo giáo viên song ngữ gồm 4 phần: đào tạo bằng ngôn ngữ, đào tạo bằng môn học, đào tạo bằng phương pháp dạy học nhiều ngôn ngữ, đào tạo bằng phương pháp liên quan đến lĩnh vực khác”. Như vậy, giáo viên song ngữ có thể nhanh chóng dạy môn học mới, hoặc kiêm nhiều môn một lúc.
Còn một giáo viên tiếng Pháp, kiêm điều phối viên điều hành chương trình song ngữ tại Hải Phòng thì chia sẻ bí quyết giữ vững số lượng HS: miễn tiền trái tuyến cho em học sinh cấp 1, cấp 2 thi vào các lớp song ngữ tiếng Pháp.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Vân Dung đã đưa ra một số giải pháp đáng chú ý như: sáng lập ủy ban tiếng Pháp gồm chuyên gia tiếng Pháp, khoa học tiếng Pháp, cố vấn sư phạm Việt Nam và nước ngoài để xem xét lại chương trình sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với tình hình hiện tại.
-
Lưu Vân