221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1185142
Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 11 lên tiếng
1
Article
null
Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 11 lên tiếng
,

 - Tôi là Tổng chủ biên sách Ngữ văn 11 (nâng cao), có trách nhiệm trả lời các góp ý về bộ sách do tôi tổng chủ biên- GS. Trần Đình Sử

LBT - Tháng 10/2008, chúng tôi có đăng loạt bài góp ý chỉnh sửa SGK Ngữ văn của tác giả Văn Hiến và NXB Giáo dục cũng đã tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn để chỉnh sửa 44 lỗi. Sau gần 4 tháng, chúng tôi mới nhận được các bài viết nhận xét về cách "nhặt sạn" trong SGK của ông Văn Hiến. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan của sự việc, chúng tôi lần lượt đăng tải các bài viết này, theo tinh thần "giữ nguyên tiêu đề và nội dung bài viết", đồng thời, mong nhận được thêm nhiều bài viết đóng góp cho bộ SGK ngày càng chuẩn xác hơn như Bộ Giáo dục và Đào tạo mong mỏi.
 

Sau khi đăng tải các bài viết của PGS.TS Hoàng Thị Hoà Bình (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Tác giả SGK Ngữ văn THCS, đồng chủ biên SGK Ngữ văn THPT (nâng cao)), VietNamNet tiếp tục đăng tải nguyên văn bài viết của GS. Trần Đình Sử, Tổng chủ biên Ngữ văn (nâng cao) THPT:

 
Tôi là Tổng chủ biên sách Ngữ văn 11 (nâng cao), có trách nhiệm trả lời các góp ý về bộ sách do tôi tổng chủ biên. Tôi đã đọc các bài của ông Văn Hiến phê bình SGK từ tiểu học đến THPT. Qua loạt bài này, ông Văn Hiến có một vài đóng góp, nhưng đồng thời cũng thấy ông thể hiện thái độ thiếu thiện chí, thậm chí là thiếu trung thực trong nhiều nhận định của mình. Bài này chỉ xin nêu nhận xét về một bài của ông, đó là bài : Ngữ văn 11 tập 1 (nâng cao): “Nâng cao” những sai lầm. Chỉ riêng bài đó đã cho thấy thái độ và cách phê bình rất đáng lên án của ông Văn Hiến.

Tuy nhan đề là phê bình sách Ngữ văn 11 (nâng cao), nhưng thực tế ông phê bình cả hai bộ sách cơ bản và nâng cao, mà trong đó phê bình sách Ngữ văn 11 (cơ bản) gồm 26 điểm, phê bình Ngữ văn 11 (nâng cao) 16 điểm, tổng số là 42 điểm. Tôi không đồng tình cách gọi các điểm này là “lỗi” hay “nội dung cần chỉnh sửa” như tiêu đề nhiều bài báo viết, bởi vì không phải cái gì ông Hiến nêu lên đều đúng là “lỗi” hay “nội dung cần chỉnh sửa” của SGK.

Dù thái độ ông Văn Hiến như thế nào, trong 16 điểm ông phê bình sách Ngữ văn 11 (nâng cao), tôi vẫn nhận thấy có 02 điểm ông nói đúng. Một chỗ viết nhầm là Giải nguyên (tr. 59), lẽ ra phải là Hội nguyên. Chỗ này là sơ suất khi in ấn, đã nói thi Hương đỗ Giải nguyên rồi thì thi Hội không thể lại Giải nguyên được. Một chỗ nói về Lục Vân Tiên được thần phật cứu (tr. 21), lẽ ra chỉ nói thần và người là đủ. Đấy chỉ là sơ suất nhỏ. Tuy vậy, tôi vẫn chân thành cảm ơn và hoan nghênh ông Văn Hiến.

Ngoài mấy điểm ấy, các điểm còn lại của ông nêu ra chưa đủ chứng cứ và chưa có sức thuyết phục. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi người phê bình chỗ nào cũng đúng; câu được câu chăng là chuyện bình thường. Điều không bình thường ở đây là ông Hiến có khuynh hướng bịa đặt, gian lận, nhằm phủ định bộ SGK Ngữ văn 11 (nâng cao). Tôi sẽ phân tích dưới đây một số điểm chính.

1
. Ông phê phần Tiểu dẫn “quá dài” và lấy Tiểu dẫn về Tú Xương trong sách Ngữ văn 11 (nâng cao) ở tr. 66, 77 làm dẫn chứng.  Ông miêu tả sách “dành một trang khổ lớn 17 x 24cm in chữ nhỏ” để chứng tỏ là “quá dài”, rồi mỉa mai “nên đổi thành “Đại dẫn”. Căn cứ mà ông chê đoạn Tiểu dẫn này là quá dài là ông so với SGK THCS Văn học 9, tập 1, Tiểu dẫn về Tú Xương chỉ có 194 chữ, và so với SGK Văn học 11, tập một chỉnh lí hợp nhất năm 2000, ở đó phần Tiểu dẫn về Tú Xương gồm có 420 chữ để chứng tỏ Ngữ văn 11 (nâng cao) là “quá dài”. Nhưng Tiểu dẫn về Tú Xương trong Ngữ văn 11 (nâng cao) cũng chỉ có 422 chữ, chỉ dài hơn có 02 chữ ! Thế mà ông đặt tiêu đề mang tính chất tố cáo, in đậm cho giật gân: “Bài viết quá dài về Tú Xương tồn tại nhiều lỗi”.
Rõ ràng sự tố cáo của ông là hoàn toàn bịa đặt.

2.
Vậy “nhiều lỗi” là những lỗi nào? Thứ nhất, ông cho việc gọi “làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định cũ” là sai, và mỉa mai viết thế “cho xứng với sách nâng cao”. Sự thật là chỉ tỉnh Nam Định cũ mới có làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, còn ngày nay, làng ấy đã thuộc thành phố Nam Định rồi. Cũ mới là so với những biến động về đơn vị hành chính, viết như vậy là không có “lỗi”.

3
. Thứ hai, ông bảo đã nói Nguyễn Khuyến đi thi 9 lần, tại sao không nói Tú Xương đi thi 8 lần, như thế là “lỗi”. Thực ra, bài về Nguyễn Khuyến là bài giới thiệu tác gia, cần viết cụ thể, còn bài về Tú Xương chỉ là Tiểu dẫn, không cần viết dài. Viết thêm hay không là tuỳ, ở đây chẳng có “lỗi” nào hết.

4. Ông chỉ trích SGK viết “Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Truyện Lục Vân Tiên vào khoảng sau 1850...” là sai vì “năm 1860 vẫn là sau năm 1850”. Chỗ này ông Hiến cố ý cắt xén. Nguyên văn SGK viết là “Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Truyện Lục Vân Tiên vào khoảng sau năm 1850, khi ông mở trường dạy học.” Mấy chữ “khi ông mở trường dạy học” đã hạn định thời gian, không thể là đến năm 1860 như ông suy luận. Chỗ này rõ ràng ông cố ý gian lận để chứng tỏ ông giỏi hơn tác giả SGK.

TIN LIÊN QUAN
5. Ông Hiến cho rằng Tiểu dẫn bài Lẽ ghét thương nói “trên đường đi thi Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga” là sai, phải nói trên đường về thăm cha mẹ mới đúng. Ông Hiến không thấy rằng mở đầu truyện, Lục Vân Tiên đến chào sư phụ, hỏỉ xem cát hung thế nào rồi lên đường đi thi. Việc ghé nhà thăm cha mẹ cũng chỉ là trên đường đi thi đó thôi. Ông Lê Chí Dũng trong Từ điển văn học (bộ mới) tr. 885 cũng tóm tắt: “Trên đường đi ứng thí, chàng đánh cướp cứu dân, cứu Nguyệt Nga...”.


6.
Ông Hiến hạch: “Trịnh Hâm Bùi Kiệm cũng là nho sĩ?”. Thế rồi ông trích SGK: “Đoạn trích Lẽ ghét thương.... nói về cuộc trò truyện (ông Hiến chép sai chính tả, lẽ ra viết “chuyện” mới đúng) giữa nhân vật ông Quán và mấy nho sĩ trẻ tuổi. Đó là Vân Tiên cùng bạn là Vương Tử Trực đi thi vào quán trọ thì gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm...” SGK viết: “gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử”, nhưng ông Văn Hiến cũng cố tình lược bỏ hai chữ “sĩ tử” đi, thay vào đó dấu lửng “...” để lập lờ như là chúng tôi coi chúng là “nho sĩ” mà không có sự phân biệt nào. Thực ra, Vân Tiên và Tử Trực là những người vào kinh ứng thí kì thi Hương để lấy học vị cử nhân, sau đó nếu đỗ có thể tiếp tục thi Hội để lấy học vị tiến sĩ, gọi họ là “nho sĩ trẻ tuổi” không có gì sai. Ngay cả Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, về hình thức, gọi chúng là nho sĩ cũng không sai, bởi “nho sĩ” cũng có nhiều loại. Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (nxb. Trẻ, 1998, tr. 746, nho sĩnho sinh đồng nghĩa với nhau, đều chỉ “kẻ học nho, người nhà nho”. Các từ điển Trung Quốc như Từ nguyên (1993, tr.143), Hán ngữ đại từ điển (1997, tập thượng, tr.725) cũng đều hiểu như vậy. (Rất tiếc Từ điển tiếng Việt 2004 mà tôi có, do Hoàng Phê chủ biên không có từ nho sinh). Gọi người học nho để đi thi cử nhân, tiến sĩ thời phong kiến là nho sĩ, tức tầng lớp trí thức thời phong kiến, tôi không thấy có gì sai. Riêng Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, để giảm nhẹ phẩm chất của chúng, SGK đã gọi chúng là “sĩ tử”, tức học trò đi thi. Do tưởng lầm “nho sĩ” cao hơn “nho sinh” cho nên ông Hiến mới tri hô lên: Ngữ văn 11 (nâng cao) “nâng cao” những sai lầm. Rõ ràng là lỗi của ông Hiến.

7.
Về đoạn viết “Đoạn trích... nói về cuộc trò chuyện giữa nhân vật ông Quán và mấy nho sĩ trẻ tuổi”, ông phê bình là sai, yêu cầu phải viết lại, vì “chỉ thấy câu trả lời của ông Quán đối với câu hỏi của Vân Tiên”, “cuộc đối thoại với các nhân vật còn lại (tức Trịnh Hâm, Bùi Kiệm – TĐS)  sảy (chỗ này ông Hiến lại sai chính tả, phải viết “xảy” mới đúng) ra ở đoạn khác”. Ông Hiến đã lầm. Câu hỏi của Vân Tiên chỉ là khơi mào để cho ông Quán phát biểu, còn trong suốt cuộc trò chuyện, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm vẫn có mặt lắng nghe, và lời ông Quán hướng về tất cả bốn người. Theo lí thuyết hội thoại trong ngữ học, người chỉ lắng nghe, không nói cũng là tham gia trò chuyện. Cho đến đây vẫn là một cuộc trò chuyện chứ không phải là hai cuộc như ông Hiến tưởng lầm. Như vậy, dù SGK chỉ chọn đoạn lời ông Quán, vẫn có thể viết: “Đoạn trích nói về cuộc trò chuyện...” mà không sai gì cả.

8.
Ông Văn Hiến cho rằng “đoạn Lẽ ghét thương không tiêu biểu cho tiếng nói nghệ thuật của ông” (Nguyễn Đình Chiểu), “Tôi tin rằng trong khi lao động, nhân dân Nam Bộ không hát những câu có nhiều điển tích như Lẽ ghét thương”. Theo quan điểm của tôi Truyện Lục Vân Tiên thuộc dòng văn học giáo huấn, do đó, đoạn trích này rất tiêu biểu cho tiếng nói nghệ thuật giáo huấn ấy. THCS đã học Truyện Lục Vân Tiên, nhưng chỉ học các đoạn văn dễ hiểu, lên THPT các em được học tư tưởng sâu xa của tác giả. Còn như có nhiều điển tích, phải chú thích nhiều là thường tình, vì đó là đặc điểm của văn chương bác học. Cái tiêu chí chỉ những câu thơ phải được nhân dân hát lên trong khi lao động thì mới đủ tư cách tuyển vào SGK là một tiêu chí kì quặc. Ông Văn Hiến có bằng chứng nào để nói nhân dân Nam Bộ khi lao động không hát những câu ấy? Khi chưa có bằng chứng xác thực thì không ai có quyền nhân danh nhân dân để phát biểu ý kiến cả. Nhân danh như thế cũng là một thứ gian lận.

9
. Ông Văn Hiến bảo: “Nên viết Cao Bá Quát “được cử làm huấn đạo ở phủ Quốc Oai, Hà Tây”, thay cho làm “giáo thụ”. Ông cứ đề nghị xơi xơi như thể toàn bộ tri thức khoa học nằm trong đầu ông rồi. Phải chăng ông Văn Hiến  từ truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân mà suy luận nhân vật Huấn Cao là “Huấn đạo Cao Bá Quát”? Hay là do ông Hiến nhờ các học sinh phát hiện giúp lỗi của SGK, cho nên ông cũng hiểu như các em? Việc phân biệt nhân vật hư cấu và nhân vật lịch sử trường đại học đã dạy cho sinh viên năm thứ nhất.

10
. Ông đề nghị không dùng từ “hưu” khi nói về Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, vì không thấy nói tới việc các vị ấy “nhận lương hưu”. Đây là điểm do ông thiếu hiểu biết. Sách Thi Hội, Thi Đình của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2007) tr. 487 cho biết từ năm 1463 các quan văn võ đến 65 tuổi muốn về hưu thì cho đầu đơn cáo tại bộ Lại. Đến các đời sau vẫn duy trì chế độ này. Người về hưu được hưởng ân lộc. Vì ông cứ tưởng từ “hưu” chỉ dành để nói về việc công chức ngày nay thôi, và hưu thì tất yếu gắn liền với việc được trả lương hưu, cho nên ông mới gặp khó khăn khi trả lời cho học trò của ông.

11
. Ông đề nghị thay “thơ hát nói” trang 77 và 79 bằng “thể thơ hát nói”. Theo tôi, không cần thiết, vì khi nói “thơ hát nói” người ta hiểu ngay là thể thơ hát nói rồi. Trường hợp thứ hai, khi câu hỏi đặt ra là “Chỉ ra những đặc điểm thể loại của thơ hát nói”, thì việc thêm từ “thể” vào đây chỉ làm cho câu văn rườm rà, nặng nề. Chỗ này cho thấy ông cứ đề nghị thay chỗ này, sửa chỗ kia một cách tuỳ tiện, không theo nguyên tắc nào cả.

12.
Ông đề nghị từ trang 86 “bỏ việc chia sẵn đoạn của các văn bản bằng cách đánh số thứ tự” mà không nêu một lí do nào. Xin ông Văn Hiến lưu ý cho, phải có lí do chính đáng mới có quyền nêu đề nghị sửa chỗ này chỗ nọ của SGK. Nếu không thế thì hoá ra cái gì mình không thích, không hiểu đều có thể đề nghị sửa cả hay sao?


13. Ông Văn Hiến phán rằng Tiểu dẫn viết “Thạch Lam là thành viên của Tự lực văn đoàn” là chưa đủ, mà phải nói thêm “Ông là một trong 7 ngôi sao sáng của văn đoàn này”. Ông Văn Hiến cố tình lờ đi câu văn tiếp sau đó: “ông làm báo viết văn và trở thành cây bút chủ chốt của các báo Phong hoá, Ngày nay”. Câu văn của SGK có nội dung thực chất hơn nhiều so với câu ông Hiến đề nghị. Chỗ này ông Văn Hiến lại thiếu trung thực.

14.
Ông đề nghị có xuất xứ của các ảnh, thay ảnh này bằng ảnh khác. Ông không hề viết SGK, không biết rằng thực tế tìm ảnh đã khó mà tìm xuất xứ của chúng lại càng khó hơn. Theo tôi trong điều kiện hiện nay, SGK không nhất thiết phải ghi xuất xứ, và đây không phải là lỗi.

Như vậy là trong 16 điểm ông phê bình SGK Ngữ văn 11 (nâng cao), tập một, chúng tôi tiếp thu 2 điểm, còn 14 điểm, chỗ thì vu vơ, chỗ thì do ông không hiểu, chỗ thì ông sai vì thiếu kiến thức, nhưng có tới bốn chỗ ông tỏ ra thiếu trung thực, gian lận, chúng tôi không thể chấp nhận. Với những “lỗi” do ông “chế tác”, rồi đổ cho SGK, ông Văn Hiến không có quyền nói sách “Ngữ văn 11 (nâng cao) nâng cao những sai lầm”. Nói như vậy là vu khống, lừa dối dư luận.


Hà Nội, 28/3/2009

  • GS. Trần Đình Sử - Tổng chủ biên Ngữ văn (nâng cao) THPT

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,