- "Cá nhân tôi cũng ủng hộ chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa. Mặt lợi của nó là thích hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng điều hành như thế nào là vấn đề rất phức tạp và Bộ GD-ĐT sẽ phải vất vả".
Nhà giáo Văn Như Cương, người từng tham viết một bộ sách giáo khoa Toán, cho biết ý kiến về chủ trương sẽ biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh sử dụng.
Vấn đề đặt ra, khi quyết định mở rộng nguồn lực viết sách – nhưng ai muốn viết hay không vì các nhóm làm sách phải bỏ kinh phí, thời gian để viết. Do đó, sẽ có tình trạng biết chắc chắn sách được dùng mới làm, còn không thì sẽ không viết.
Thành phần tham gia Hội đồng thẩm định là những người nào? Người trong hội đồng công khai hay bí mật? Nếu công khai những người trong Hội đồng thẩm định thì sẽ có tình trạng người viết sách sẽ “mò” đến “chạy” để được bỏ phiếu.
Sau khi sách được duyệt – Nhà xuất bản (NXB) được chọn in bộ sách nào sẽ phải vận động để sách bán được. Và sẽ nảy sinh “móc ngoặc” giữa sở và NXB.
Mặt khác, việc chọn sách nào nên để sở quyết định chứ không để trường tự chọn. Vì nếu trường chọn 5-7 bộ sách khác nhau thì việc điều hành của sở sẽ rất khó.
Cùng với đó là vấn đề thi tốt nghiệp. Hiện nay, chỉ có 2 bộ sách nâng cao và sách chuẩn khi ra đề thi đã có phần chung, phần nâng cao rồi phần riêng.
Mà có nhiều bộ sách thì đề thi tốt nghiệp sẽ rối vì các bộ sách không thể y sì như nhau. Mỗi bộ sách có sự chênh lệch nhau, sách này bỏ định lý này không chứng minh, sách kia giản lược hoặc viết định nghĩa đơn giản hơn…
Do đó, khi có nhiều bộ sách thì từ khâu tuyên bố ai muốn soạn đến thành lập Hội đồng thẩm định, và quyết định chọn mấy bộ.
Sau đó các nhà in đấu thầu, hiệu trưởng hay giám đốc sở chọn sách. Kiến thức vênh nhau giữa các bộ sách là bao nhiêu, cách thức tổ chức thi và đánh giá..., phải thống nhất và cần quy định từ đầu. Nếu không, sẽ rắc rối cho Bộ GD-ĐT ở kỳ thi có tính chất toàn quốc.
Để làm được nhiều bộ SGK, Bộ GD-ĐT phải làm tốt vai trò điều khiển.
-
Kiều Oanh (ghi)