- Nhiều giáo viên vẫn chưa kịp thích ứng với vai trò dẫn dắt, định hướng sinh viên nghiên cứu, thảo luận. Không ít sinh viên đăng ký học nhiều tín chỉ nên bỏ môn này, học môn khác hoặc học đối phó. Đây là những rào cản cần khắc phục để tạo đà cho việc thực hiện quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ sớm hoàn thiện.
>> Bài 1: Đào tạo tín chỉ- muốn nhanh khó đạt
Thầy hụt hơi
Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều mà có đối thoại với SV. Ảnh: Lan Hương |
Một SV năm thứ 4 của Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Không ít giờ thảo luận khá tẻ, giảng viên vào lớp buông ngay một câu: “Các em có vấn đề gì muốn hỏi không?".
"Nhưng nhiều khi thầy trò ngồi nhìn nhau nửa tiết mới có SV đưa ra câu hỏi và bắt đầu trao đổi".
Bên cạnh đó, nhiều giảng viên thiếu kiến thức thực tế nên trả lời thuần lý thuyết, không khiến SV “tâm phục khẩu phục”.
Hoặc có trường hợp, SV đặt câu hỏi nhưng giảng viên bỏ qua, không trả lời.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội thừa nhận: “Có thể, có giảng viên chưa thay đổi thói quen dạy kiểu đọc - chép, giờ thảo luận buồn tẻ... nhưng số đó chắc chắn không nhiều.”
Hải Anh, SV ĐH Luật Hà Nội lại nêu một ví dụ khác: “Nhiều khi chính giảng viên và giáo trình cũng “đánh nhau chan chát”, thậm chí giảng viên còn gạch chéo vào giáo trình do chính các đồng nghiệp trong trường viết. Nhưng đến lúc thi thì bọn em phải theo quan điểm của… thầy trưởng bộ môn nên rất ấm ức.”
Theo ông Hòa thì SV không nên đồng nhất quan điểm của trưởng bộ môn với đáp án. Hơn nữa, đáp án nhiều trường hợp là đáp án mở.
Sinh viên: Vẫn thói quen đối phó
SV Trường ĐH Thương mại tranh thủ thời gian nghỉ, thảo luận nhóm tại sân trường. Ảnh: Lan Hương |
Trên diễn đàn của SV Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), một trong những chủ đề “hot” nhất là: “Thầy cô ơi, học tín chỉ vất vả quá!”
Nickname Moise cho hay, học cả ngày, lại còn bài tập cá nhân, bài tập nhóm. Số lượng môn học quá nhiều, có khi phải bỏ môn này để học môn khác.
Vì vậy, Kim Hoà, SV khoa Triết cho rằng, SV thường chuẩn bị bài theo kiểu đối phó, thầy cũng chẳng có nhiều thời gian chữa bài nên không hiệu quả.
"Nếu chương trình 4 năm được xây dựng là 120 tín chỉ thì mỗi tuần sẽ có 15 giờ tín chỉ. Để thực hiện được tốt, SV phải làm việc thực tế 60 giờ mỗi tuần, đó là chưa kể giờ giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng", ông Hòa cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết chương trình của các trường đều trên 200 đơn vị học trình. Khi chuyển đổi theo qui định của Bộ GD - ĐT, đều vượt 120 tín chỉ.
Do vậy, ĐH Luật Hà Nội đã xây dựng hẳn một chương trình mới chỉ có 120 tín chỉ, trong đó có 25% là tín chỉ tự chọn.
Nhiều SV phải học liên tục 6 tiết/buổi hoặc học 3 tiết đầu buổi sáng và 3 tiết cuối buổi chiều.
Nhưng số lượng chỗ ngồi trong thư viện có hạn, phòng học trống không nhiều nên SV cứ “vật vờ” ở sân trường chờ đợi đến giờ học.
Thang điểm 4 "thúc" SV học
Chuyển sang học chế tín chỉ, điểm tổng kết của SV sẽ được tính theo hệ chữ, rồi quy đổi sang hệ số 4,0.
Nhiều SV lo lắng, quy điểm từ thang 10 sang hệ chữ sẽ thiệt thòi hơn vì phổ điểm của từng mức khá rộng. Vì thế, một SV đạt 7,5 hay 8,4 đều đạt loại B, trong khi chỉ cần cao hơn một chút, lên 8,5 là đạt loại A.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Nói “thiệt thòi” ở 1 môn nhất định thì có thể đúng, chứ không thể “thiệt thòi” ở tất cả các môn.
Mỗi chương trình đào tạo 5 năm có từ 50 đến 70 môn học, nếu áp dụng lý thuyết xác suất thì sẽ thấy chẳng có ai bị “thiệt thòi” cả".
Cũng theo ông Sơn, đánh giá điểm theo thang 10 có ưu điểm là chi tiết hơn, nhưng tính phân loại không cao, còn cho theo thang 4 (5 loại điểm A, B, C, D, E) thì "thô" hơn, nhưng tính phân loại cao hơn.
“Tính phân loại là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy SV cố gắng, ví dụ, sự khác biệt giữa điểm B và C là rõ rệt hơn hẳn giữa 7 và 6. SV đạt điểm C sẽ cảm thấy phải cố gắng hơn nhiều để đạt điểm B” – ông Sơn khẳng định.
Minh Thuý, SV Trường ĐH Thương mại lại băn khoăn: “Nếu vậy, SV biết mình có đạt điểm cao thì cũng chỉ “đồng hạng” với người người kém mình tới gần 1,0 nên một số bạn chỉ học cầm chừng.”
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho rằng: “Cho điểm chữ là bắt chước hơi máy móc nước ngoài. Các nước khác cho điểm chữ thường dựa trên đánh giá của giảng viên. Điểm chữ phân loại tỉ lệ do ông thầy định ra và cân đối giữa các nhóm SV. Chẳng hạn top 5% SV điểm cao nhất lớp được điểm A, 10% tiếp theo được điểm B".
- Lan Hương
Bài 3: Con nhà nghèo cũng có thể học theo học chế tín chỉ
***********************************
Ho ten: Du Long
Dia chi: Giáp Bát, Hà Nội
Mình ở trong cuộc, là sinh viên năm thứ 3 ĐH Luật Hà Nội, cũng là một trong các khoá đầu của trường học theo học chế tín chỉ, có thể nói " học tín chỉ rất thú vị, và hiệu quả". Tuy nhiên, có một vài lý do làm giảm hiệu quả của học chế tín chỉ.
1. Sinh viên lười.
2.Giảng viên không phải thầy, cô nào giảng dạy tín chỉ cũng hấp dẫn, mà việc học tín chỉ 1 tuần có 1 tiết thảo luận nên việc giảng viên truyền cảm hứng cho sinh viên qua tiết đó là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi giảng viên không chỉ có trình độ chuyên môn mà kĩ năng sư phạm phải tốt.
3.Riêng cho Trường ĐH Luật, tín chỉ sinh viên không được lựa chọn mà do nhà trường sắp xếp. Tuy nhiên, nhà trường cũng cho sinh viên học hầu hết các môn có thể gọi là " hấp dẫn"theo đào
tạo tín chỉ.
4.Cần cho sinh viên đi thực tế với các môn tín chỉ nhiều hơn, sinh viên sẽ năng động và tiếp thu tốt hơn kiến thức môn học.
Ho ten: Nguyen Van Duong
Dia chi: Ha Noi
Tieu de: Học tín chỉ
Ở Việt Nam hiện nay, nếu áp dụng đại trà quy chế học theo tín chỉ thì cũng chưa phải là giải pháp tốt. Bởi vì, theo quy chế học tín chỉ, điều đầu tiên là tính tự học của sinh viên, đặc biệt là cơ sở vật chất phải rất hiện đại. Mà vấn đề này ở nước ta lại rất yếu và khó khăn.
Ho ten: Nguyễn Thị Quỳnh
Dia chi: ĐHSP Huế
Tieu de: Học theo tín chỉ
Học chế tín chỉ có rất nhiều ưu điểm nổi bật, trong đó, nâng cao năng lực tự học cho SV là đặc điểm nổi bật. Người học có quyền tự quyết định môn học của mình và để đáp ứng được yêu cầu của GV và của chương trình thì SV phải tự học là chính.
Tuy nhiên,thực tế cho thấy mức độ tự học của SV rất thấp và hiệu quả không cao. Một trong những nguyên nhân chính là điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế, việc ghép lớp đã dẫn đến hiện tượng SV thì nhiều mà phòng học qúa hẹp. Với thời tiết của Huế thì sinh viên không thể ngồi yên mà học bài khi quá nóng bức, ngột ngạt. Việc áp dụng tín chỉ là rất tốt, phù hợp xu hướng phát triển GDDH nhưng cần xem xét các điều kiện cần thiết khi thực hiện phương thức đào tạo này.
Ho ten: Long_xd
Dia chi: Hạ Long-Hà Nội
Học tín chỉ rất ưu việt, nó đề cao sự tự giác và cố gắng của mỗi cá nhân. Những SV thật sự có khả năng được tạo cơ hội để hoàn thành chương trình học của bản thân.Ở Trường ĐH Xây dựng, những SV ra trường sớm đều là những SV tốt, dù chương trình tương đối nặng. Đôi khi, tác giả của bài báo nên nghĩ thật kĩ trước khi viết bài.
Ho ten: Đinh Nguyên Thuận
Dia chi: ĐH Giao thông Vận tải
Tôi thấy học tín chỉ vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Ví dụ, Trường ĐH Thủy lợi cứ mỗi đầu kì khi đăng kí học tín chỉ, nhiều bạn SV phải chờ đến tận 12h đêm mới đăng kí được lớp học, thầy cô như ý.
Ho ten: Phan Thị Trà My
Dia chi: Huế
Tieu de: Tín chỉ - liệu có hiệu quả cao?
Nếu như theo chương trình cũ thì trong các môn học chỉ cần 8.0 là được xếp loại giỏi; vậy mà chuyển sang tín chỉ thì SV phải đạt 8.5 mới được xếp loại A, trong lúc dưới 4.0 mới bị thi lại. Liệu như vậy đã thật sự đúng với mục tiêu của hệ tín chỉ chưa khi mà theo phương thức này, sinh viên phải là trung tâm, làm việc nhiều hơn và vất vả hơn nhưng lại khó đạt kết quả cao hơn trước?
Ho ten: Khanh Nguyen
Dia chi: Japan
Tieu de: Xem người, nghĩ ta
Ở những nước đào tạo sau đại học khá phát triển, người ta làm như sau: Ngay khi nhập học, thậm chí là ngay khi mời đến đăng ký học ở trường, trường này sẽ thông báo thiết kế chương trình cho người học. Người học sau đó được tư vấn bởi phụ trách chương trình đào tạo ngành này xem từng học kỳ nên chọn môn bắt buộc và môn lựa chọn như thế nào cho mỗi học kỳ, đương nhiên là người tư vấn này họ khá hiểu năng lực của người học. Khi đã được người tư vấn xác nhận, sinh viên tự đăng ký thủ tục trên mạng cho những khóa học định học.
Trong trường hợp cảm thấy không thể học được, hoặc muốn đổi môn học khác, phải xin ý kiến của người phụ trách này và phải thực hiện trong vòng hai tuần kể từ ngày bắt đầu khóa học, sau đó không thể đổi được.
Đối với giảng viên, ngay buổi đầu giới thiệu môn học, sẽ công bố nội dung chương trình, cách đo lường trong quá trình học và giáo trình cũng như các thông tin cần thiết của môn học. Chúng ta thường thấy thông tin này trong mục giới thiệu khóa học (syllabus). Đây ngầm định là một thỏa thuận của giảng viên và sinh viên về nội dung và cách đo lường trong khóa học này.
Trong quá trình học sẽ có những tiết thảo luận để phát triển tư duy, chữa bài tập, hoặc trả lời các câu hỏi thắc mắc. Một nhóm thảo luận này (tutorial) này chỉ có 10-15 người do một trợ giảng
là những nghiên cứu sinh hoặc thạc sỹ cùng chuyên ngành đảm nhiệm. Thường thì, mỗi tuần có một buổi thảo luận và một số trường đánh giá khoảng 10-20% là điểm làm bài tập và tham gia
thảo luận để khuyến khích sinh viên tham gia tích cực hơn.
Đặc biệt, người phụ trách thảo luận phải đủ khả năng giải đáp thắc mắc lúc cần, hoặc làm người chủ tọa thảo luận cố gắng khuyến khích mọi người tham gia ý kiến để phát triển tư duy và khả năng tham gia của tất cả.
Mục đích của cách học tín chỉ là cách hướng con người phát triển theo nhiều hướng mà cá nhân yêu thích tránh các ép buộc cứng nhắc đối với người học. Tuy nhiên, để cách này thành công
và khách quan, bản thân giảng viên cần hiểu rằng đây là cách dạy “gây áp lực tạo tư duy”, có nghĩa là những tiêu chuẩn để đo lường phải đảm bảo ghi nhận được người học họ cố gắng và
thông minh đến mức độ nào.
Đồng thời với một bản thỏa thuận trong giới thiệu khóa học, người học sẽ biết phải làm sao để đến được đích. Chính điều này sẽ làm cho người học chủ động. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thông tin, đăng ký học hay đổi môn học qua mạng, bài giảng điện tử, giờ tiếp sinh viên của các trợ giảng và giảng viên là những yếu tố đảm bảo nó có chất lượng thực sự.
Nếu chưa đủ những yếu tố này, đạo tạo tín chỉ khó phát huy tác dụng.