221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1135923
1 cố vấn "cõng" 100 sinh viên
1
Article
null
1 cố vấn 'cõng' 100 sinh viên
,

- Nếu chỉ “nhét” con ông cháu cha, không có nghiệp vụ chuyên môn, vào làm hành chính, khâu tổ chức quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường sẽ “rối như canh hẹ”. Mỗi cố vấn học tập cũng đang phải “cõng” hàng trăm SV nên quản lý rất khó khăn.

Đây là những thực tế đang đặt ra với các trường ĐH khi thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ.

Với học chế tín chỉ, SV phải theo dõi lịch học, lịch thi từng môn, từng tuần rất cẩn thận. Ảnh: Lan Hương

Tổ chức quản lý: “Rối như canh hẹ”

 “Ở thời điểm bắt đầu chuyển đổi, đội ngũ làm công tác quản lý điều hành công tác đào tạo nếu không được chuẩn bị kỹ thì mọi việc sẽ “rối như canh hẹ” - ông Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ.

Khối lượng công việc khổng lồ cộng với hàng trăm thắc mắc của SV khiến các nhân viên của phòng luôn quay như chong chóng.

Phòng đào tạo phối hợp với các khoa, bộ môn sắp xếp lịch học, phòng học rất vất vả. Chỉ cần một thầy có việc đột xuất nghỉ một buổi là rất khó sắp xếp học bù do mỗi SV trong lớp môn học lại có thời khoá biểu hoàn toàn khác nhau.

Ở nhiều trường, do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, các giảng viên phải thường xuyên "chạy sô" cho các trường công lập, đi dạy tại chức ở các tỉnh, làm thêm bên ngoài… nên việc xếp lịch càng khó khăn.

Trong khi đó, những người làm công tác tổ chức quản lý đào tạo ở Việt Nam đa phần đều không được đào tạo bài bản, việc sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý trên máy tính còn hạn chế.

GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐHQG Hà Nội) thẳng thắn: “Ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở Việt Nam, bất kỳ con ông cháu cha nào cũng đều làm được việc này. Ta có đủ can đảm và sức lực để thay đổi hệ thống quản lý và nhân viên hành chính hay không?”.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, chia sẻ: “Có lẽ SV không tiếc tiền vì học phí quá rẻ, chỉ có 33.000 đồng/tín chỉ nên cứ đăng ký ồ ạt rồi không học hoặc học rồi chẳng buồn đi thi mà trường không xử lý được vì không vi phạm quy chế".

Quy chế quy định là SV nghỉ học 1 kỳ là bị thôi học, nhưng có những SV “chây ì”, học hết 5 năm rồi vẫn nợ môn nên mỗi kỳ chỉ đăng ký học 1 môn, thời gian còn lại trường không quản lý được.

1 cố vấn “cõng” 100 SV

Một trong những thay đổi quan trọng về quản lý đào tạo của học chế tín chỉ là sự thay thế đội ngũ giáo viên chủ nhiệm bằng cố vấn học tập.

Đội ngũ cố vấn học tập đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, giám sát, quản lý và tư vấn xuyên suốt quá trình học tập của từng SV. Tuy nhiên, với tỉ lệ trung bình 1 cố vấn/100 SV như ở hầu hết các trường hiện nay thì cố vấn thực sự “hụt hơi”.

Đội ngũ tư vấn quá “hẻo” nên khó có thể tư vấn cho nhiều SV khi lựa chọn môn học, sắp xếp thời khoá biểu. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại khi tìm gặp giảng viên và hạn chế về cơ sở vật chất cũng khiến cho công tác cố vấn học tập gặp nhiều trở ngại. Các cố vấn không có phòng tư vấn riêng nên không biết phải tiếp SV ở đâu.

Mỗi lớp hàng trăm SV như thế này cũng chỉ có 1 cố vấn học tập. Ảnh minh họa: Lan Hương

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, tâm sự: “Mỗi cố vấn được bồi dưỡng có 1.000 đồng/SV nên rất khó để động viên anh em tự nguyện làm".

Vì thế, có cố vấn rất nhiệt tâm, nhưng cũng có người chỉ ký xét duyệt đơn, đảm bảo SV không đăng ký thiếu hoặc thừa tín chỉ là hết trách nhiệm.

Vũ Phong, SV năm thứ hai, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết suốt cả học kỳ chẳng gặp cố vấn học tập. Các thông báo đều do lớp trưởng phụ trách phổ biến.

Theo kết quả khảo sát năm 2007 của Trường ĐH Thương mại với 200 SV thuộc hai khoa trong trường thì chỉ có 7% SV tìm đến giảng viên mỗi khi có thắc mắc trong việc tự học.

Minh Thuý (SV Khoa Kinh tế, Trường ĐH Thương mại) cho biết: “Kỳ trước, em chọn nhiều môn lý thuyết quá nên thi rất mệt. Có bạn thì đăng ký học Kinh tế Lượng nhưng chưa học Xác suất thống kê nên không học được".

Vì vậy, sang năm học này, trường đã tổ chức họp lớp hành chính hàng tháng với sự tham gia của cố vấn học tập để kịp thời định hướng, tư vấn cho SV.

Cô Đinh Thủy Bích, cố vấn học tập khoa Kinh doanh Thương mại, Trường ĐH Thương mại phụ trách 3 lớp, với gần 200 SV nên chịu rất nhiều áp lực. Thời kỳ đầu chưa quen, có tháng, cô Bích tốn hơn 600.000 đồng tiền điện thoại trả lời thắc mắc SV.

Từ năm học này, cô Bích đã chủ động tập hợp lớp từ đầu học kỳ, giới thiệu các môn đặc thù, hướng dẫn cách chọn môn học phù hợp và trả nợ môn để đủ điều kiện thực tập và tốt nghiệp.

“Tôi không đợi để có rắc rối xảy ra mới chạy theo SV giải quyết mà phải tư vấn dài hạn để tránh những sai sót. Tôi cũng chủ động tập hợp, nhóm vấn đề, tạo đầu mối để trả lời cho SV”.

Trường ĐH Luật Hà Nội thì chủ động sắp xếp lịch tư vấn theo từng khoa, từng ngày để SV có thể lên thẳng văn phòng khoa gặp gỡ và trao đổi khúc mắc với giảng viên.

“Hỗn chiến” đăng ký môn học

Cơ sở hạ tầng thông tin hạn chế cộng với thái độ của SV khiến cho đăng ký môn học trở thành "hỗn chiến". Ảnh minh họa website đăng ký môn học.
Chuyển sang học chế tín chỉ, nhiều SV hồ hởi vì được cá nhân hoá thời khoá biểu, lựa chọn môn học, co giãn thời gian học theo năng lực và sở thích. 

Tuy nhiên, nghĩ tới cảnh chầu chực, chen lấn nhau để đăng ký môn học đầu mỗi học kỳ, SV nào cũng ngao ngán.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn yêu cầu SV đăng ký tại trường nhưng số lượng máy lại quá ít, gây nên tình trạng quá tải. Một số SV chưa có ý thức xếp hàng, chen lấn xô đẩy tạo nên cảnh hỗn loạn. Có SV không tìm hiểu kỹ từ trước hoặc không nắm rõ quy chế nên thời gian đăng ký đội lên rất nhiều.

Còn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho phép SV đăng ký trên mạng nhưng thường xuyên bị nghẽn, chờ cả tiếng đồng hồ cũng chỉ đăng ký được 1, 2 môn nên SV thức trắng đêm.

Nhiều SV phải đầu hàng, chấp nhận đăng ký muộn sau khi vào học một vài tuần nên có thể bị hết chỗ hoặc lịch học bị đảo lộn.

  • Lan Hương

Bài 4: "Con nhà nghèo" cũng có thể học tín chỉ 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;