- Lần đầu tiên kể từ đầu năm học 2008 - 2009, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có dịp tiếp xúc với Ban Giám hiệu nhà trường, phòng Đào tạo, phòng Kế toán, phòng Tài chính… trong một buổi đối thoại.
Hội trường chật kín SV đến "đối thoại" với thầy hiệu trưởng. Ảnh: T.P |
Chiều tối ngày 21/4, Hiệu trưởng nhà trường đã gặp hơn 500 SV để giải đáp thắc mắc, bức xúc trong thời gian qua. Kết thúc buổi đối thoại lúc 19h, VietNamNet đã có trao đổi với PGS. TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng nhà trường.
Khó để cán bộ lúc nào cũng... đúng mực (?)
"Dân chủ là SV được quyền trình bày nguyện vọng của mình" - PGS - TS Ngô Hướng. Ảnh: T.P |
PGS.TS Ngô Hướng: Phản ánh của SV là đúng, nhà trường sẵn sàng tiếp thu để khắc phục, sửa đổi.
Chúng tôi sẽ có hướng giải quyết những phản ánh về chuyện cán bộ trường, giáo vụ khoa có thái độ chưa tốt.
KTX trường bị xuống cấp, không đảm bảo học tập, sinh hoạt của SV, nhà trường công nhận nhưng mong SV hiểu, thông cảm để cùng chia sẻ khó khăn.
Cơ sở vật chất tại Thủ Đức khi được bàn giao cho trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là khu trẻ em vô gia cư. Sau đó, được cải tạo lại thành trường học.
Trường có tới 34% SV ở nội trú trong KTX, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các trường ĐH tại TP.HCM.
Chúng tôi không muốn đẩy SV ra ngoài, sống trong môi trường thiếu an toàn nên đã cố gắng đưa càng nhiều SV vào KTX càng tốt, dù cơ sở vật chất chưa tốt.
Ông có nói sẽ có hướng giải quyết những phản ánh về chuyện cán bộ trường, giáo vụ khoa có thái độ chưa tốt. Hướng giải quyết này được nhà trường thực hiện ra sao?
- Hàng ngày, hàng tuần, chúng tôi đều họp, chấn chỉnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rất khó để các cán bộ, nhân viên trong trường lúc nào cũng đúng mực. (?)
Cán bộ phòng đào tạo có quá nhiều việc phải làm như: quản lý SV, bảng điểm, học phí, cấp giấy chứng nhận… nên dễ nổi cáu.
Nhiều SV đứng ngoài hành lang theo dõi buổi đối thoại. Ảnh: T.P |
Không chỉ cán bộ trường, giáo vụ khoa, trong một số trường hợp SV cũng cần xem lại cách ứng xử của mình khi tới liên hệ công việc với các cán bộ phòng ban của trường.
Thưa ông, tại sao thư viện của trường lại dán băng keo vào ổ điện để cấm SV cắm laptop? Liệu nhà trường có thể tháo bỏ?
- Chuyện dán băng keo ổ điện tôi sẽ xem lại. Việc gỡ bỏ chỉ là vấn đề nhỏ. Không phải dán băng keo ổ điện vì tiết kiệm điện, nhưng nếu SV nào cũng đến thư viện cắm laptop sẽ tạo ra một cảnh… không ra gì trong thư viện (?)
Bất cứ chỗ nào ở cơ sở 1, tôi thấy SV đều có thể ngồi xuống, gắn laptop, học nhóm và sinh hoạt bình thường. Tôi cho rằng, trước khi đi học, các em nên chuẩn bị đồ dùng học tập kỹ càng (sạc pin laptop cho thật đầy - PV).
Ngoài ra, nhiều SV phản ánh KTX khu K tăng tiền lên gần gấp 3 lần nhưng chất lượng không tương xứng. Thậm chí, đầu năm học, SV muốn vào khu K phải… “lót tay” một số tiền nhất định cho BQL KTX. Ông có nhận được thông tin này?
Thông tin này tôi cũng có nghe nhưng, chưa một SV nào lên phản ánh trực tiếp cụ thể để làm rõ sự việc. Nếu giờ, SV có bằng chứng rõ ràng, tôi sẽ kiên quyết xử lý.
SV chưa bao giờ "kêu" với hiệu trưởng
Vậy ông thường tiếp nhận những thông tin từ phía SV qua kênh nào?
Tôi thấy SV ngoài việc lên xin chứng nhận giấy tờ này, xác nhận giấy tờ khác… thì chưa bao giờ tới tận phòng hiệu trưởng để trình bày bức xúc trong học tập, sinh hoạt ở KTX.
Mỗi trường đều có cán bộ lớp, cán bộ đoàn, cao hơn là Hội SV và Đoàn trường..., SV có thể chọn kênh thích hợp nhất để những thắc mắc trong quá trình học tập ở trường, sinh hoạt tại KTX tới được người quản lý. Chịu trách nhiệm cao nhất là hiệu trưởng.
Vậy vai trò của Đoàn, Hội Sinh viên đối với việc bảo vệ quyền lợi cho SV của trường đang thực hiện ra sao?
Phòng Công tác Chính trị - SV là nơi để SV phản ánh bức xúc. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên… là những tổ chức dành cho SV bày tỏ nguyện vọng của mình, Thế nhưng, không thấy SV lên tiếng.
Có nhiều việc SV phản ánh với báo chí nhưng không chịu nói trực tiếp với nhà trường nên tôi không thể giải quyết.
Không phải ở đâu, khi sinh viên có thắc mắc, bức xúc, nhà trường đều tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa Ban giám hiệu với SV như ĐH Ngân hàng TP.HCM. Điều này phải chăng ĐH khuyến khích không khí dân chủ trong môi trường đào tạo của mình?
Dân chủ là SV có chỗ thể hiện nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình.
Không chỉ những buổi đối thoại như thế này, SV mới có quyền bày tỏ mong muốn, giải đáp thắc mắc. Bất cứ khi nào, SV cũng có thể dùng kênh thông tin từ Đoàn, Hội SV, phòng Công tác Chính trị - SV, ngay cả các thầy, cô giáo chủ nhiệm, giảng viên cũng là nơi SV bày tỏ mong muốn, “trút bức xúc”.
Lúc nào nhà trường cũng sẵn sàng giải quyết.
Cảm ơn ông!
SV Lê Thị Nga, khoa Tín dụng: "Muốn một cam kết chắc chắn"
Ban quản lý KTX cam kết đang và sẽ giải quyết, khắc phục nhưng lại không nói rõ thời điểm, cách thức cải tạo, đến khi nào sẽ xong? Không ít lần Ban quản lý hứa sửa chữa nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. SV muốn có một cam kết chắc chắn. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến việc giảm học phí, học bổng lại đổ tại… quy trình “phức tạp” khiến SV không hài lòng. Những buổi đối thoại như thế này rất cần thiết vì cả năm (có khi 2 năm) mới được nói chuyện trực tiếp với thầy hiệu trưởng. Nhiều lần, SV phản ánh lên đường dây nóng, lúc nào cũng ò í e; phản ánh qua các cuộc họp trưởng khu ở KTX, thông qua lớp trưởng… nhưng đều không thấy thông tin phản hồi lại. Hiền, Hà (xin được giấu lớp, khoa): Được đối thoại, nhưng ngồi im Lần đầu tiên, mình cảm thấy SV được quyền nói, được quyền tranh luận trực tiếp với Ban giám hiệu, các đơn vị liên quan. Năm ngoái, nhà trường cũng có đối thoại, nhưng SV chỉ được quyền hỏi và ngồi im nghe lãnh đạo trường trả lời. Nghe được nửa chừng, nhiều SV bức xúc trước cách giải đáp “ậm ờ” của trường đã bỏ ra về… Năm nay, buổi đối thoại diễn ra công bằng, “nhà trường giải đáp - SV phản biện”. |
- Thái Phương
****************************
Ho ten: Trọng Nghĩa
Dia chi: Quy Nhơn - Bình Định
Tieu de: Tại sao SV không dám bày tỏ chính kiến?
Nhiều trường đại học ở ta vẫn còn tồn tại tư tưởng bao cấp. SV có nhiều bức xúc nhưng ngại, thậm chí sợ không dám nói, không dám thể hiện vì vẫn còn đó những lợi ích, quyền lợi do trường "ban phát".
Vì vậy, cần phải cải tổ cơ chế để khuyến khích SV mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình. Tất cả những gì đi ngược với lợi ích của SV phải được coi là làm suy giảm uy tín của nhà trường.
Ho ten: Phạm Văn Dậu
Dia chi: Tuần Hưng- Kim Thành- Hải Dương
Tieu de: Nhiều SV "kêu" là có cơ sở
Tôi nghĩ, một SV thì có thể nói không chính xác, nhưng nhiều SV nói về một vấn đề thì có cơ sở. " Khoản "lót tay" để được vào KTX khu K, thì làm sao có bằng chứng vì chẳng lẽ, khi nhận tiền, lại bảo ký nhận sao?
Ho ten: Cựu SV Ngân hàng khóa 18
Dia chi: 123 Lý Thường Kiệt, Q .Tân Bình
Tieu de: Bức xúc của SV là đúng
Là cựu SV Ngân hàng, tôi thấy những bức xúc của SV là rất đúng với tình hình thực tế tại trường. Tôi cũng từng ở KTX và việc KTX xuống cấp là điều không phải bây giờ mới thấy. Vấn đề là nhà trường và các SV cùng cố gắng khắc phục.
Không phải cán bộ, nhân viên nào cũng "hành" SV, nhưng vẫn có một số trường hợp còn tồn tại. Nếu ai đã từng học khoa tín dụng, chắc không thể quên cô D, giáo vụ khoa A. Tôi từng học khoa này và rất nhiều lần tiếp xúc với cô trong việc xin giấy tờ, hồ sơ. Ngày xưa, việc gặp cô là một cực hình đối với tất cả các SV.
Ho ten: Nguyenhieutm
Dia chi: Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
Tieu de: Cần tổ chức đối thoại thường xuyên hơn
Việc tổ chức đối thoại với SV của ĐH Ngân Hàng TP.HCM không phải là mới. Theo tôi, những buổi tiếp xúc với SV để lắng nghe ý kiến của họ cần phải được thực hiện thường xuyên.
Ho ten: SV Khoá 21, ĐH Ngân Hàng
Dia chi: Q.Bình Thạnh, TP.HCM
E-mail: charliebone@gmail.com
Tieu de: Đối thoại chưa thực sự có ý nghĩa
Là SV đã theo học ở trường 4 năm, nhưng từ trước đến nay những buổi trao đổi giữa SV với lãnh đạo nhà trường chỉ gói gọn cho cán bộ lớp tham gia, và cũng chỉ các thầy nói là chính, chứ SV ít có quyền phản biện. Buổi đối thoại ngày 21/4, khi báo chí đăng, tôi và rất nhiều bạn khác mới biết. Sau đó, tôi được biết buổi đối thoại này không thông báo rộng rãi, chỉ có ai biết thì đi dự mà thôi.
Ho ten: Dương Kiên
Dia chi: 135/85,Hoà Hưng,Q10,TP.HCM
E-mail: trungkienbmt83@gmail.com
Tôi là SV khoá 17 của trường, và cũng đã ở ktx suốt 4 năm học. Tôi rất hiểu và thông cảm việc xuống cấp KTX của trường. Căn phòng trong thời gian tôi ở đã 2 lần bị sập mái tôn, một lần do một số SV trèo lên trên ngồi, và một lần do mưa lớn làm sập, nước mưa rơi xuống làm hư hỏng toàn bộ vật dụng trong phòng như máy vi tính, sách vở... Thế nhưng, việc bố trí chỗ ở mới cho SV, sửa sang và khắc phục hậu quả lại không được ban lãnh đạo KTX quan tâm.
Ho ten: Lê Minh
Dia chi: Quảng Ninh
E-mail: leminhel@gmail.com
Tieu de: Lập đường dây nóng không khó
Tôi thấy cách lập luận của thầy hiệu trưởng không được thuyết phục cho lắm. Vì thực tế, SV không dễ để gặp trực tiếp hiệu trưởng. Hơn nữa, bản thân các SV của chúng ta thường không đủ tự tin để gặp trực tiếp thầy hiệu trưởng và nêu kiến nghị của mình.
Theo tôi, nhà trường nên lập một hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời các ý kiến, phản ánh của SV và cả phụ huynh. Tôi thấy một số trường có những diễn đàn riêng, cả SV và giảng viên, cán bộ quản lý cùng tham gia... Từ đó, các bên sẽ càng hiểu nhau và làm tốt việc của mình hơn.
Ho ten: Đinh Trung Hiếu
Dia chi: Q2, TPHCM
E-mail: dinhtrunghieu2002@yahoo.com
Tôi cũng đã theo học tại ĐH Ngân hàng TP.HCM từ năm 2002 đến 2008 nên rất hiểu những vấn đề mà SV bức xúc. Nếu cứ tiếp tục tình trạng cán bộ "hành" SV thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, quá trình học tập và nghiên cứu của các em.
Vẫn biết rằng PGS.TS Ngô Hướng đã có buổi trao đổi trực tiếp với các SV, nhưng tôi không tin rằng những trăn trở của SV sẽ được nhanh chóng giải quyết. Hy vọng Ban lãnh đạo nhà trường có những giải pháp thay đổi mạnh mẽ để bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện tốt hơn cho các SV trong quá trình theo học, nghiên cứu tại ĐH Ngân hàng TP.HCM
Ho ten: Hồ Ngọc Bảo Huy
Dia chi: lớp ĐH21A4
E-mail: hongocbaohuy@yahoo.com.vn
Tôi cho rằng những bức xúc của SV là đúng, vì tôi cũng đã nhiều lần mắc phải những tình huống như vậy. Tuy nhiên, không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho Ban giám hiệu nhà trường, mà cần phải xem xét thái độ của SV nữa. Nếu cả hai bên cùng thông cảm lẫn nhau thì sẽ dễ làm việc hơn. Chẳng hạn, SV và giáo vụ khoa Thanh toán Quốc tế rất thân thiện nên công việc sẽ trở nên trôi chảy, ai cũng được hài lòng.
Ho ten: Cựu SV khóa 14
Dia chi: Q1, TP.HCM
E-mail: duonglanhnguyen@yahoo.com
Tieu de: Tình trạng này đã kéo dài quá lâu
Tôi là SV khóa đầu tiên của trường, kể từ khi trường mở lại đào tạo bậc Đại học, niên khóa 1998 - 2002. Khi đó, mọi thứ còn khá ngổn ngang, từ cơ sở vật chất cho đến cách tổ chức của lãnh đạo nhà trường. Lúc đó, dù có nhiều bức xúc nhưng chúng tôi thông cảm với lãnh đạo nhà trường và tự nhủ rằng "vạn sự khởi đầu nan...".
Nhưng đến nay, đã hơn 10 năm, đọc được những bức xúc của các SV khóa sau, tôi giật mình vì những vấn đề mà chúng tôi gặp phải ngày trước đến nay vẫn còn tồn tại. Chẳng lẽ, Ban Giám hiệu nhà trường lại không nhận thấy tình trạng này trong suốt một thời gian khá dài?...
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |