Nước nhiễm khuẩn cao gấp 14 lần cho phép?
Như VietNamNet đã phản ánh, SV sống tại KTX Trường CĐ KTKTTM Hà Nội đang dùng nước giếng khoan, qua hệ thống cấp nước được xây dựng cách đây hơn 20 năm (1984 - 1985).
TIN LIÊN QUAN
Sợ mất mỹ quan, cấm sinh viên lọc nước (20/04/2009)
Theo bà Trần Khánh Hoa, Phó Trưởng phòng phụ trách y tế nhà trường thì: tháng 3/2008, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tây (cũ) đã lấy 2 mẫu nước ở đây đi xét nghiệm và khẳng định nước ở đây vẫn dùng được, chỉ cần thau rửa bể chứa thường xuyên.
Đây là loại khuẩn có thể gây các bệnh tiêu chảy, đường ruột nguy hiểm.
Cụ thể, chỉ số Coliforms trong mẫu nước tại vòi nước bể chứa (bể lắng) cao hơn gấp 5 lần, còn trong mẫu nước tại bể chứa của nhà bếp khu B cao hơn 14 lần giới hạn cho phép.
Chỉ số E.Coli trong mẫu nước bể chứa nhà bếp khu B cũng cao hơn gấp 4 lần giới hạn cho phép.
Kết quả kiểm nghiệm đối với khuẩn Coliforms và khuẩn E.Coli.
Ảnh chụp phóng to từ kết quả xét nghiệm của TT Y tế dự phòng Hà Tây (Tháng 3/2008).
Ngoài ra, chỉ số Amoni trong các mẫu nước trên cũng cao gần gấp đôi giới hạn cho phép.
Cụ thể, chỉ số Amoni là 2,6mg/l đối với mẫu nước ở vòi nước bể chứa, và 2,8mg/l đối với mẫu nước tại vòi nước bể chứa nhà bếp khu B, trong khi giới hạn cho phép là 1,5mg/l. Chỉ tiêu về độ Oxy hóa tại mẫu bể lắng cũng cao hơn gấp 6 lần quy định cho phép (12,5mg/l, giới hạn cho phép là 2mg/l).
Kết quả kiểm nghiệm hóa nước.
Ảnh chụp phóng to từ kết quả xét nghiệm của TT Y tế dự phòng Hà Tây (Tháng 3/2008)
2 phiếu kết quả kiểm nghiệm của TT Y tế dự phòng Hà Tây. (Bà Hoa cung cấp cho PV)
Ông Trần Xuân Quang - Trưởng phòng Quản lý KTX cho biết: vừa qua (tháng 4/2009), ban quản lý KTX cũng đã gửi mẫu nước đi xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.
Nhà trường không cấm SV lọc nước
Mặc dù kết quả xét nghiệm như vậy, nhưng ông Quang khẳng định: "về thực tế thì chất lượng nước ở đây rất đảm bảo..., cán bộ chúng tôi, ngay cả phòng y tế cũng dùng nguồn nước này 20 năm nay rồi".
Còn bà Hoa thì chắc chắn: Chúng tôi khám bệnh cho SV và chưa thấy trường hợp nào bị nấm, ngứa, dị ứng nước… Ở KTX cũng chưa từng xảy ra dịch bệnh gì liên quan đến nguồn nước.
Tuy nhiên, "các em cảm thấy không yên tâm thì lọc. Và quả thật, dùng nước để ăn, để uống thì đúng là phải lọc rồi... Thực tế bây giờ, dùng nước để ăn, uống thì ai cũng phải lọc", ông Quang nói.
Về việc quần áo trắng sau 3, 4 lần giặt bị chuyển sang màu “cháo lòng”..., ông Quang cho rằng SV đã nói quá và tô vẽ thêm….
Chất lượng "thực tế" của nước rất đảm bảo - Ông Trần Xuân Quang.
Ảnh: Hữu Việt
Bà Hoa thì nêu dẫn chứng: "1 năm tôi mới được phát 1 bộ quần áo, và cũng giặt ở đây, vẫn trắng".
Hơn nữa, theo ông Quang, việc trong nước có côn trùng, giun, đất cát... là không thể tránh khỏi. Nhiều SV không có ý thức,dù bể có nắp đậy, SV vẫn không đậy.
Bà Trần Khánh Hoa cũng cho biết: KTX không cấm SV lọc nước, mà phòng y tế chỉ nhắc nhở các bạn hạn chế lọc nước tràn lan, nếu SV muốn lọc thì phải có nắp đậy. Vì mùa này là mùa bệnh sốt xuất huyết.
Việc SV phản ánh là KTX yêu cầu phải vào nhà vệ sinh lọc nước, bà Hoa và ông Quang đều khẳng định là không hề có.
Được biết, cách đây vài năm, Trường CĐ KTKTTM Hà Nội đã "kéo" hệ thống nước máy ở khu vực Hà đông về cho các hộ gia đình cán bộ sống cạnh KTX.
Tuy nhiên, theo ông Quang thì nhà trường sẽ không đầu tư nâng cấp hệ thống nước ở KTX. Vì hiện đang có một dự án quy hoạch lại trường, trong đó toàn bộ khu KTX hiện nay sẽ bị phá bỏ.
Ông Quang cũng cho biết thêm, KTX đã có thông báo: phòng nào có nhu cầu sử dụng nguồn nước máy ở Hà đông thì làm đơn đăng ký, nhưng gần 2 tuần nay chưa nhận được bất kì đơn đăng ký nào của SV.
- Hữu Việt
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |