- Về dài hạn, việc nối mạng Internet cho sinh viên (SV) ở ký túc xá (KTX) sẽ được tính đến khi cơ sở vật chất đã đồng bộ. Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý Sinh viên, ĐH Kinh tế Quốc dân - giải thích lý do chưa kết nối internet cho sinh viên ở ký túc xá.
ĐH Kinh tế quốc dân là 1 trong 14 trường ĐH trọng điểm của cả nước. Năm học 2008 - 2009, khi thực hiện đào tạo theo tín chỉ đã từng xảy ra hiện tượng "ngạt thở vì đăng kí môn học trực tuyến".
SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân chen chúc đăng kí môn học trực tuyến học kì I (2008-2009). Ảnh: Nguyệt Anh |
Chỉnh lại điểm truy cập công cộng
“Nhà trường hiện đang tập trung nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học tập, nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, dù việc nối mạng Internet cho SV ký túc xá (KTX) là nhu cầu chính đáng nhưng đây chưa phải thời điểm thích hợp để đáp ứng được điều đó”.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý Sinh viên, ĐH Kinh tế Quốc dân giải thích.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: Về dài hạn, việc nối mạng Internet cho SV KTX sẽ được tính đến khi cơ sở vật chất đã đồng bộ.
Nhưng việc này phải nằm trong kế hoạch tổng thể và có lộ trình, đề án thực hiện riêng.
Vốn đầu tư để nối mạng cho SV KTX sẽ không quá lớn, nhưng điều nhà trường băn khoăn nhiều nhất là: Hệ thống hạ tầng đường dây sẽ như thế nào? Nếu có chủ trương lắp đặt thì phải có giải pháp quản lý sao cho hiệu quả?…
Việc sử dụng Internet như thế nào phụ thuộc vào ý thức của mỗi SV, nhưng “với trách nhiệm của người quản lý, đây vẫn là một trong những lý do khiến chúng tôi băn khoăn”, ông Tuấn nói.
Giải pháp duy nhất lúc này là SV sẽ sử dụng các điểm truy cập Internet công cộng.
“Tới đây, nhà trường sẽ tăng cường phòng máy công cộng, nâng cấp mạng LAN của trường, củng cố trách nhiệm của người quản lý các phòng máy, sao cho đáp ứng được ở mức nào đó nhu cầu sử dụng Internet của SV”.
Về việc tăng cường lúc nào và tăng bao nhiêu phòng máy cũng chưa thể khẳng định, vì còn phải rà soát, phụ thuộc quỹ phòng.
Có thực sự khó quản?
Bạn Nguyễn Anh Tuấn (SV ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, giảng viên các trường ĐH đã ứng dụng Internet trong giảng dạy rất nhiều.
Bài tập, tài liệu cho SV được đưa lên mạng để SV chủ động cập nhật kiến thức, SV cũng có thể liên lạc với thầy cô qua email... Vậy tại sao SV trong KTX lại không được nối mạng Internet?
Một SV của ĐH KTQD phân tích những thiệt thòi của SV "rất... kinh tế".
Theo bạn, hầu hết các quán Net ở xung quanh KTX là các quán game online, môi trường không phù hợp với những SV muốn vào mạng để cập nhật kiến thức. Hơn nữa, giá dịch vụ ở đây khá cao, 3.000 đồng/giờ, mà SV Kinh tế thì không thể thiếu... Internet. Trung bình mỗi tháng, SV sẽ mất khoảng 50.000 đồng cho việc ra ngoài.
"Do đó, tôi và nhiều bạn khác tuy không có điều kiện, nhưng vẫn phải rời KTX".
Thiếu net, khó học tín chỉ
Nhiều ý kiến của SV trong và ngoài nhà trường cho hay, Trường ĐH KTQD đang đào tạo theo chế độ tín chỉ mà không nối mạng cho SV chỉ vì sợ "khó quản lý" là chưa hợp lý, vì nhiều trường ĐH khác ở thủ đô vẫn quản lý được.
Cũng về việc đào tạo tín chỉ, một SV ấm ức: "Học tín chỉ mà không có Internet thì làm sao SV có thể đăng ký học? Hơn nữa, trước đây thỉnh thoảng vẫn truy cập được wifi, còn bây giờ thì bị cài mật khẩu".
Cũng theo độc giả này thì Trường ĐH KTQD đang phấn đấu có chuẩn đầu ra đạt chất lượng, vậy mà SV lại không có Internet để học tập và giao lưu với thế giới bên ngoài.
Về lo ngại SV sẽ sử dụng mạng Internet không đúng mục đích như chơi game, chat..., bạn Dương Doãn Tuyên (Đê La Thành, Hà Nội) cho rằng, nếu SV sử dụng Internet vì mục đích xấu thì cho dù không có Internet ở trong KTX, họ vẫn có đủ cách để làm.
SV KTX ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn chưa thể được nối mạng Internet vào từng phòng. Ảnh: CQ |
Làm dịch vụ cho sinh viên
Một số ý kiến thông cảm với suy nghĩ của những người quản lý KTX. Bởi: "muốn có một hạ tầng mạng hoàn chỉnh thì cần đầu tư một khoản tiền rất lớn".
Tuy nhiên, KTX các trường nên coi việc nối mạng Internet cho SV như một cách làm... dịch vụ, có đầu tư và có thể thu phí.
Bạn Bùi Đăng Phương (21A, Đào Tấn, quận 5, TP.HCM) góp ý, các trường ĐH của Việt Nam nên học tập tư duy của các trường ĐH quốc tế.
Đó là: trường ĐH thực chất là làm dịch vụ, phải đặt quyền lợi, nhu cầu của người học lên hàng đầu.
"Hiện nay, nhiều trường ĐH ở Việt Nam vẫn còn tư tưởng: SV cần nhà trường hơn là nhà trường cần SV", bạn Phương nhìn nhận.
Bạn đọc Lê Xuân Diệu cũng đồng tình: Thời buổi này, một trường cấp 2 hay cấp 3 nào không đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi của HS đã bị coi là làm dịch vụ không tốt, huống gì là các trường ĐH.
- Cẩm Quyên - Lan Anh