Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa (SGK) đảm bảo liên thông từ lớp 1 đến lớp 12 của 4 môn: Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân.
Đó là một trong nhiều nội dung được Bộ GD-ĐT đưa ra tại thông báo kết quả giao ban các sở GD-ĐT ban hành ngày 23/4.
Theo đó, trong năm nay, các trường tiểu học, THCS, THPT phải đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy ở 4 môn nói trên; tiến tới mở rộng đánh giá ở các môn học khác.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường cần tích cực đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy…
Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu về đổi mới và thông qua mạng để trao đổi kinh nghiệm.
SGK Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân sẽ đảm bảo tính liên thông từ lớp 1 đến lớp 12. Ảnh minh họa
"Bạn đọc sẽ có thái độ công bằng trước cuộc tranh luận sách giáo khoa"
Ngày 7/7/2008, Bộ GD - ĐT đã có thông báo về việc lấy ý kiến góp ý về chương trình giáo dục và SGK phổ thông.
Ông Đinh Văn Hiến, nhà giáo nghỉ hưu ở Thanh Hoá đã gửi tham gia diễn đàn Edunet, đồng thời gửi tới báo VietNamNet nhiều ý kiến đóng góp của mình với các môn Văn, Sử. Ngoài ra, ông cũng gửi thêm ý kiến về sách giáo khoa môn Địa tới báo điện tử VnMedia.
Có lẽ, nhà giáo Đinh Văn Hiến là trường hợp khá hiếm hoi đã bỏ công đọc hết các sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 của 3 bộ môn Văn, Sử, Địa và chỉ ra những điểm còn bất nhất giữa các sách này giữa các lớp học, giữa sách môn này với sách môn khác.
Cũng bởi vậy, trên diễn đàn chính thức của Bộ GD-ĐT mở hẳn một nội dung "trao đổi với ông Đinh Văn Hiến".
"Bộ GD - ĐT sẽ tổ chức tổng kết và có phần thưởng để động viên, khích lệ cho những ý kiến góp ý xác đáng, có giá trị. Đồng thời, hoan nghênh các báo, đài cùng tham gia vào diễn đàn. Hằng năm, NXBGD báo cáo trình lãnh đạo Bộ quyết định kết quả tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa để kịp tái bản SGK cho năm học sau" - trích công văn ngày 7/7/2008
Bạn đọc Phạm Thu Trang ở Hà Nội cho rằng: Những góp ý của nhà giáo Văn Hiến chủ yếu thiên về hình thức diễn đạt, câu chữ. "Khi viết một bài văn, một đoạn văn, người ta có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Cách nào cũng được, miễn là truyền tải được hết cái ý, cái tứ tới người đọc. Cách ông Hiến đưa ra đúng, nhưng ông cũng nên nhìn nhận rằng, cách mà SGK đưa ra cũng chẳng sai...".
Tuy nhiên, phần lớn phản hồi của độc giả đều cho rằng, dù đúng hay sai, thì những kết quả "dọn vườn" SGK Lịch sử và Ngữ văn của nhà giáo Văn Hiến cần được trân trọng.
Độc giả Vũ Tiến Minh (Copenhagen, Đan Mạch) viết: "Trong những người làm giáo dục ở Việt Nam, hiếm có ai chịu bỏ công tìm tòi, ghi chép về những sai sót trong các bộ SGK như ông Hiến. Có thể, những ý kiến, đóng góp của ông không hoàn toàn đúng, có thể cách phát biểu của ông không được khiêm tốn... thì những gì ông viết ra và phản ánh cũng rất đáng được hoan nghênh".
Bạn đọc Đào Anh Dũng (khu B, ĐH Mỏ - Địa chất, Từ Liêm, Hà Nội) thì gay gắt hơn: "Tôi thực sự bất ngờ và lo lắng khi theo dõi diễn biến phản hồi của đại diện đến từ nhóm soạn thảo SGK Ngữ văn".
Anh Dũng cũng cho rằng, tạm gác lại những tranh cãi thuần túy câu chữ như: dấu chấm hay dấu phẩy, viết hoa hay viết thường,... mà bất cứ hệ thống ngôn ngữ quốc gia nào cũng có và ngay cả giới nghiên cứu cũng còn loay hoay thì trong bài viết, các soạn giả còn phủ định ngay nguyên tắc đầu tiên, nguyên tắc tối thượng của một bộ SGK toàn quốc, đó là tính thống nhất khi cho rằng: “Tôi nghĩ, ở đây không có sách nào phải theo sách nào cả”.
Bạn đọc Công Nam (Hà Nội) khẳng định: Ông Văn Hiến có thể phê bình nhiều điểm không chính xác, nhưng các soạn giả cũng không nên dùng giọng văn "bực dọc" mà phản pháo. Bởi: "Bạn đọc sẽ có thái độ công bằng trước cuộc tranh luận này", anh Nam viết.
Hầu hết độc giả khẳng định và thông cảm với luận điểm: "Nhân vô thập toàn", vì vậy, SGK không thể tránh khỏi việc có "sạn". Tuy nhiên, SGK phải càng ít lỗi càng tốt.
Theo anh Nguyễn Tùng, đang sống tại Cộng hòa Liên bang Nga thì: "khoa học chấp nhận sai số, nhưng sai số phải nằm trong một giới hạn cho phép".
Chị Chi Nguyễn (TP.HCM) thì băn khoăn: "Chương trình dạy học của các cháu gần đây rất... lạ, lạ vì thế hệ đi trước không kịp cập nhật, lạ vì thông tin trong sách không chính thống, lạ vì cách diễn đạt lờ mờ để ai hiểu thế nào thì hiểu..."
Là giáo viên đang đứng lớp, anh Nguyễn Đức Tuấn (TP.HCM) cũng kiến nghị: "Bộ GD - ĐT nên thành lập ban chuyên nghiên cứu và biên soạn SGK riêng chứ không nên viết sách theo kiểu đặt hàng nhóm tác giả này, xong lại đặt hàng nhóm tác giả kia". Topic "Chuyện ông Đinh Văn Hiến góp ý SGK" trên diễn đàn của Bộ GD - ĐT (Edunet) cho đến 26/4 đã có 71 chủ đề được thảo luận. Chủ đề này thực sự "nóng" lên vào đầu tháng 4, cùng với thời điểm báo Giáo dục Thời đại mở diễn đàn góp ý về sách giáo khoa phổ thông, trong đó đăng liên tục các trao đổi của nhiều tác giả SGK Ngữ văn: GS Nguyễn Khắc Phi, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, TS Hoàng Thị Hòa Bình, GS Trần Đình Sử..., tác giả SGK Lịch sử: GS.TS Nghiêm Đình Vỳ, GS Đinh Xuân Lâm... xung quanh những góp ý của nhà giáo Đinh Văn Hiến Nhiều thành viên khác trong diễn đàn đã có những trao đổi trái chiều về loạt bài "nhặt sạn" SGK. Thậm chí, những ngày đầu, quản trị diễn đàn còn dùng từ "khẩu chiến" để mô tả những thảo luận này. Theo dõi các trao đổi trên báo chí và qua diễn đàn, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, người điều hành diễn đàn nhận xét, về cơ bản, nhóm tác giả SGK Lịch sử khi phúc đáp có hai phần rất rõ ràng: Cái gì tiếp thu và cái gì không tiếp thu thì thuyết minh tại sao không tiếp thu. "Như thế cũng khoa học và sòng phẳng". Còn cuộc tranh luận giữa thầy giáo Đinh Văn Hiến với các tác giả viết SGK Tiếng Việt "nghe chừng lan man và chuyển sang thể dạng đấu "văn". Nếu nhóm tác giả SGK cũng làm được như thế thì dễ đọc hơn, dư luận xã hội cũng dễ hiểu hơn.
- Kiều Oanh - Lan Anh