- Chúng ta vẫn thường nghe nói về nước Mỹ với một hệ thống giáo dục tốt nhất, nền đại học bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bên trong ánh hào quang đó vẫn còn rất nhiều điều bất cập.
Là một nhà giáo dục có tâm huyết, giáo sư W. James Popham, một giáo sư danh dự của Trường Đại học California đã chỉ ra một số sai lầm mà các nhà giáo dục Mỹ thường mắc phải trong việc giảng dạy.
Giáo sư W. James Popham (Ảnh: ioxassessment.com) |
Sai lầm 1: Chương trình dạy và học quá nặng
Các lãnh đạo giáo dục với kỳ vọng lớn lao đã đưa ra một chương trình dạy và học quá nặng, gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Vấn đề là ở chỗ, khi có quá nhiều điều phải dạy, giáo viên chỉ còn cách trình bày sơ lược một vấn đề, không có thời gian hướng học sinh tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức đó. Còn học sinh chỉ có thể học để… đối phó mà thôi.
Bản thân giáo viên, rõ ràng là không thể nào bắt ép học sinh tiếp nhận một lượng kiến thức quá nhiều cùng một lúc. Do đó, nhiều giáo viên luôn cố gắng đề cập đến tất cả các kĩ năng và chủ điểm mà học sinh cần phải học để có thể vượt qua các kỳ kiểm tra.
Tuy nhiên, khi ra đề các bài kiểm tra, các nhà giáo dục chỉ "nhặt" một số kiến thức để kiểm tra. Kết quả là, nhiều giáo viên cố gắng đoán “đề” các bài kiểm tra, và dạy thật kĩ cho học sinh mớ kiến thức đó. Nếu họ đoán sai, tất nhiên học sinh là những người thiệt thòi nhất.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà lãnh đạo giáo dục phải xây dựng lại mục đích của chương trình giảng dạy ở mỗi cấp học cho thật phù hợp. Thứ hai, họ phải giảm bớt chương trình giảng dạy, phải đưa ra được những vấn đề quan trọng nhất mà học sinh mỗi bậc học phải lĩnh hội được.
Chương trình dạy và học quá nặng gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh (Ảnh: Corbis) |
Sai lầm 2: Dựa vào kết quả các bài kiểm tra để đánh giá thực lực của học sinh
Đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng, không nên dựa hoàn toàn vào kết quả của các bài kiểm tra để đánh giá trình độ của học sinh. Tuy nhiên, rất nhiều giáo viên vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp đó.
Cần lưu ý rằng, các bài kiểm tra chỉ là một phần quan trọng trong những tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn, trình độ học sinh, nhằm giúp giáo viên điều chỉnh lại phương pháp giảng dạy của mình. Từ đó, giúp sinh viên điều chỉnh phương thức học tập hiện tại của họ.
Việc cần thiết phải làm ngay bây giờ là, loại khỏi đầu các giáo viên quan niệm cố hữu cần phải dạy thế nào để khi tham gia các kỳ thi kiểm tra của bang, học sinh phải đạt số điểm cao nhất, nhằm nâng cao uy tín của giáo viên và trường học họ tham gia giảng dạy. Điều này thật không công bằng cho học sinh và cần phải đấu tranh đến cùng để loại bỏ.
Sai lầm 3: Giáo viên quá chú tâm “trình diễn” trên lớp
Nhiều giáo viên chỉ tập trung chủ yếu vào việc “trình diễn” sao cho thật tốt trên lớp mà không cần biết học sinh có lĩnh hội được đầy đủ lượng tri thức mà họ muốn truyền đạt hay không. Điều này nói lên một sự thật là giáo viên dành quá ít thời gian để kiểm tra chất lượng các hoạt động giảng dạy của họ. Do đó, các phương pháp mà họ sử dụng có thể không mang lại hiệu quả như họ nghĩ.
Để khắc phục được vấn đề này, giáo viên và các nhà giáo dục cần phải hiểu rõ bản chất thực của mối quan hệ giữa phương pháp dạy và học, mục đích giáo dục và sự cần thiết phải kiểm tra, đánh giá phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Sai lầm 4: Kiểm tra theo dạng đề chung để đánh giá trình độ giáo viên và học sinh
Hầu hết các bài kiểm tra theo dạng đề chung được sử dụng để đánh giá một cách công khai chất lượng giáo dục của tất cả các trường học trên cả nước. Tuy nhiên, chúng không thể phản ánh một cách chính xác thực lực của học sinh và giáo viên. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra theo dạng đề chung thì hệ thống giáo dục Mỹ đã có những bước đánh giá sai lầm về chất lượng của các trường học.
Điểm số cao thì trình độ cao? (Ảnh: Corbis) |
Mỗi bài kiểm tra chung này thường là để kiểm tra lượng kiến thức của mỗi học sinh. Tuy nhiên, mức độ tiếp thu của học sinh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác – môi trường học, điều kiện học, hoàn cảnh kinh tế xã hội, nền tảng tri thức,… nên phần lớn những bài kiểm tra kiểu này đã không đánh giá được chính xác trình độ của học sinh.
Ví dụ, các giáo viên có phương pháp giảng dạy rất tốt, nhưng lại phải làm việc ở những khu vực mà mức đầu tư cho giáo dục không nhiều thì tất nhiên mặt bằng chung, học sinh không thể có kết quả vượt trội được. Vì thế, họ sẽ phải từ bỏ các kĩ năng dạy có hiệu quả cao và tiến hành những phương pháp ít hiệu quả hơn, phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học hơn.
Ngược lại, các giáo viên có phương pháp giảng dạy có thể chưa tốt lắm, nhưng may mắn được dạy trong một môi trường có điều kiện tốt hơn, sự đầu tư cho giáo dục cũng nhiều hơn nên có thể kết quả các bài kiểm tra của học sinh cao hơn. Và như vậy, họ vẫn tiếp tục sử dụng các phương pháp dạy kém hiệu quả đó.
Có thể nói, trong cả hai trường hợp trên, học sinh đều là những người thiệt thòi nhất.
Những gì các nhà giáo dục Mỹ phải làm lúc này là phải đổi mới và thay thế hệ thống, cách thức kiểm tra để có thể đánh giá một cách chính xác nhất. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đặc biệt là các vùng xa xôi, khó khăn…
Sai lầm 5: Quan niệm “điểm số cao thì trình độ cao”
Hầu hết các nhà giáo dục hiện nay vẫn thường quan tâm nhiều hơn đến điểm số của các bài kiểm tra để đánh giá trình độ một học sinh. Trong khi đó, lại không chú ý đến những gì mà các em thật sự lĩnh hội được.
Đó là lý do tại sao có rất nhiều học sinh đạt kết quả học tập rất tốt nhưng lại “lao đao” trong môi trường làm việc. Nhiều người chỉ giỏi lý thuyết để ứng phó với các bài kiểm tra, nhưng lại kém về thực hành.
Nếu các nhà giáo dục và các nhà quản lý can đảm hơn một chút thì các lỗi lầm này đều có thể khắc phục được.
Với tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ, hầu hết các chiến lược cải cách đều phải dựa chủ yếu vào giáo dục chứ không phải tiền bạc. Vì sao ư? Vì chỉ có những bộ óc thông minh mới có thể đưa ra những ý tưởng mới, giúp đất nước vượt qua khỏi khủng hoảng.
Giáo sư W. James Popham tin rằng, nếu khắc phục những vấn đề vừa nêu trên thì nước Mỹ sẽ tạo ra được một sự thay đổi vượt bậc trong hệ thống giáo dục nói chung.
-
Nhật Anh (Theo Tạp chí Harvard)