"Mục tiêu của Giáo dục có phải là kinh doanh hay không?". Câu hỏi vốn đã được ngành Giáo dục đặt ra từ lâu, nay lại trở nên nóng bỏng với chủ trương thí điểm: chuyển trường học thành công ty cổ phần.
"Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục", TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) lạc quan về chủ trương sẽ thí điểm cổ phần hoá trường học.
Sinh viên tại ĐH RMIT Việt Nam.
Trong khi đó, một nhà kinh tế trẻ khác, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Fulbright cảnh báo: “Đừng biến trường đại học công lập thành công ty cổ phần” bởi việc này vừa không giúp giải quyết những vấn đề cơ bản của giáo dục đại học Việt Nam, vừa đặt ra những băn khoăn về tính công bằng trong phân bổ nguồn lực và khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục.
Khi được hỏi, lãnh đạo một số trường ĐH công lập có tiếng tăm cho hay, họ chưa sẵn sàng “tự nguyện làm thí điểm”. Bởi thực hiện cổ phần hóa, nhà trường dễ chạy theo lợi nhụân, có thể bỏ qua một số khâu, dẫn đến không đảm bảo về chất lượng giảng dạy.
Hơn nữa, các trường cho rằng, việc thí điểm “trường công lập tự chủ tài chính” đến nay vẫn còn “vướng” nhiều cơ chế và “chưa tổng kết bài học", do đó không nên thí điểm thêm.
“Nguy hiểm quá!” - GS Phạm Phụ, một người được biết tới như là “người nghiên cứu tay ngang về giáo dục ĐH những năm gần đây” bày tỏ.
Trong khi đó, đã từng làm quan chức Bộ Tài chính lĩnh vực chính sách công, lại kinh qua thực tiễn làm “giáo dục ngoài công lập”, bà Trần Thị Hà, Hiệu phó ĐH tư thục Hoà Bình khẳng định: “không cổ phần hoá, ĐH chẳng có gì mới”.
Giám đốc một công ty chứng khoán thì khẳng định, việc cổ phần trường học sẽ giúp cơ sở đào tạo tự chủ hơn về trả lương và sử dụng người giỏi - những điều kiện tiên quyết để tạo nên chất lượng giáo dục.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2006 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD - ĐT lập đề án thí điểm cổ phần hóa từ 15 - 20 trường ĐH, CĐ trong 5 năm tới.Trong đó, cần đặc biệt chú ý bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Trong diễn đàn quốc tế "Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam" ngày 11/12/2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: "vấn đề này đang là câu hỏi”.
Cũng tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định kế hoạch hành động của ngành với tinh thần mới: Hội nhập GD ĐH với quốc tế một cách mạnh mẽ và sâu rộng, bằng cách tự nâng cao chất lượng và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho GD ĐH Việt Nam.
Cổ phần hóa trường ĐH, với sự tham gia năng động của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm trong buổi đối thoại trực tuyến giữa người đứng đầu ngành giáo dục với người dân trên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 2009, khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, báo chí loan tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị Chính phủ cho mở cửa sớm một số lĩnh vực vốn hạn chế đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Ngày 10/4, Bộ Tài chính đưa ra Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần và đã kết thúc việc xin ý kiến vào ngày 25/4.
Thời hạn “lấy ý kiến” đã hết, nhưng câu chuyện “thí điểm cổ phần hoá” vẫn hết sức nóng bỏng. Trên báo Lao Động cuối tuần ngày 2/5, TS Mai Quang Hoà đã tìm đọc dự thảo và cho rằng: “chưa thấy định nghĩa tường minh trong văn bản pháp quy”.
Việc thí điểm cổ phần hoá trường học chính là câu trả lời “có “ cho cuộc tranh luận rất xưa của ngành: “giáo dục có phải là kinh doanh hay không”.
Để rộng đường dư luận, VietNamNet gặp gỡ, đăng tải một số ý kiến về chủ trương này. Xin trân trọng mời quý vị độc giả tham gia trao đổi và chia sẻ ý kiến.
Xem toàn văn Dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần tại đây.
-
VietNamNet