- Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hóa theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì đó một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn.
Xem kĩ dự thảo cổ phần hóa trường học, TS Vũ ThànhTự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (TP.HCM) quan ngại.
Theo anh, việc biến các trường ĐH công lập thành các công ty cổ phần vừa không giúp giải quyết những vấn đề cơ bản của giáo dục ĐH Việt Nam, vừa đặt ra những vấn đề quan trọng về tính công bằng trong phân bổ nguồn lực và khả năng tiếp cập cơ hội giáo dục.
Dưới đây, là nội dung bài viết của TS với tiêu đề "Đừng biến trường đại học công lập thành công ty cổ phần".
SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trách nhiệm nhà nước
Giáo dục ĐH đem lại những lợi ích nằm ngoài phạm trù kinh tế (theo nghĩa là có thể lượng định bằng các thước đo chi phí – lợi ích thuần túy). Lợi ích này không chỉ giới hạn trong mỗi cá nhân học viên mà lan tỏa ra toàn xã hội. Bởi vậy, nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống giáo dục ĐH.
Trách nhiệm này được thể hiện trên nhiều phương diện, từ việc xây dựng cơ chế điều tiết đến việc tài trợ. Tuy cách thức can thiệp có thể khác nhau, song bản chất và hình thức của sự can thiệp này luôn phụ thuộc vào triết lý giáo dục của mỗi quốc gia.
Một nền giáo dục ĐH muốn tạo ra những con người có trí tuệ và đạo đức sẽ không tương thích với một hệ thống giáo dục từ chương nhồi nhét, tước đoạt quyền tự do tư duy và sáng tạo của học viên.
Một nền giáo dục ĐH tôn trọng sự bình quyền về giáo dục cho mọi tầng lớp sẽ không thể dựa vào một hệ thống giáo dục với chi phí quá cao và phân biệt đối xử.
Một nền giáo dục ĐH tôn trọng sự đa dạng sẽ không thể có một hệ thống giáo dục với một mô hình duy nhất, và càng không thể dựa trên một hệ thống chương trình khung cứng nhắc.
Một nền giáo dục ĐH nhấn mạnh đến tính phổ cập và đại trà sẽ phải tạo điều kiện mở rộng hệ thống giáo dục và tăng khả năng tiếp cận với cơ hội giáo dục cho mọi tầng lớp dân cư.
Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hóa theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì đó một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn, trong đó, hội đồng quản trị thay thế hội đồng trường, người có tiền chứ không phải người có tri thức sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của trường.
Những lệch lạc về mô hình như thế này tất yếu sẽ dẫn đến các lệch lạc khác về giáo dục đào tạo. Và kết quả cuối cùng có thể sẽ là các trường cổ phần hóa do chạy theo lợi nhuận, theo số lượng sẽ bỏ quên những giá trị xã hội, kiến thức nền tảng và làm giảm chất lượng giáo dục.
3 mục tiêu: Chưa thuyết phục!
Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần có ba mục tiêu.
Thứ nhất là phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Rõ ràng, mục tiêu huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào giáo dục ĐH có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác. Chẳng hạn như cho phép mở thêm các trường tư thục và nước ngoài, chứ không nhất thiết phải biến trường công thành công ty cổ phần.
Ở mức độ cơ bản hơn, với sự quá tải của hệ thống giáo dục như hiện nay – thể hiện ở tỷ lệ đỗ ĐH hiện nay chỉ vào khoảng 15% và tỷ lệ sinh viên/giáo viên từ 6/1 năm 1990 lên tới 31/1 năm 2006 – thì việc cải thiện chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Những câu hỏi về vai trò nhà nước và tính công bằng Giá đất của trường sẽ được tính như thế nào? Với mức giá đất trên trời như hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ thì có lẽ không có một nhà đầu tư nào có thể kham nổi. |
Thứ hai, cổ phần hóa nhằm thực hiện tự chủ tài chính, hạch toán minh bạch theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không nhất thiết phải biến trường ĐH công thành công ty cổ phần mới có thể đảm bảo được tự chủ và minh bạch tài chính ở các trường vì vấn đề thực sự nằm ở chỗ liệu các cơ quan quản lý giáo dục và các trường có thực sự muốn tự chủ và minh bạch hay không.
Thứ ba, cổ phần hóa nhằm tạo điều kiện nghiên cứu và triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và thương mại hoá.
Mục tiêu này có thể đạt được nếu như các trường sau khi cổ phần hóa thực sự kết nối được với khu vực kinh doanh.
Khả năng này phụ thuộc vào tài năng và sự cởi mở trong tư duy của đội ngũ giáo sư và nhà nghiên cứu, và trên thực tế nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới là của nhà nước.
Đồng thời, chưa có một trường (cả công và tư) của Việt Nam là trường ĐH nghiên cứu và có khả năng gắn kết một cách chặt chẽ với khu vực kinh doanh trong nước và quốc tế.
Nói tóm lại, khác hoàn toàn với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa các trường ĐH công lập sẽ không giúp giải quyết các vấn đề cơ bản nhất của giáo dục ĐH Việt Nam. Không những thế, nó còn đặt lại câu hỏi về vai trò của nhà nước và tính công bằng.
Giải pháp cho tình trạng hiện tại
Những giải pháp sẽ được đề cập dưới đây đã được nói đi nói lại nhiều lần.
Những vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục như triết lý, quản trị, sự quá tải của hệ thống, tính cạnh tranh và lương giáo viên cần phải được thay đổi.
Cụ thể, giáo dục phải hướng hệ thống giáo dục vào việc đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, tự do, linh hoạt và sáng tạo.
Hệ thống quản trị ĐH cần tôn trọng tính tự chủ về học thuật, nhân sự, chương trình, tài chính, minh bạch và thực sự trọng thị nhân tài.
Sự quá tải của hệ thống sẽ dần dịu bớt do sự thay đổi về cơ cấu tháp tuổi dân số. Còn trong thời gian tới, có thể được giảm một phần nhờ chính sách thành lập các trường ĐH tư thục (chứ không phải biến các trường công lập thành công ty cổ phần).
Sự thiếu cạnh tranh (một cách lành mạnh) về nhân tài và tài chính trong hệ thống ĐH đã làm mất sức sống và giảm áp lực cải cách đối với các trường hiện tại.
Một cách để tăng cường cạnh tranh giữa các trường là thiết lập hệ thống phiếu giáo dục (education voucher).
Cuối cùng, chừng nào các nhà giáo và nhà nghiên cứu không thể sống bằng tiền lương một cách tương đối đầy đủ thì chừng đó không thể hy vọng có một nền giáo dục ĐH có đạo đức và chất lượng.
Miễn thuế thay vì cổ phần hóa
Hai vấn đề quan trọng khác ít được đề cập trong các thảo luận về giáo dục ở Việt Nam là tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái ĐH đa dạng và miễn thuế cho những đóng góp tài chính vào các trường.
Một hệ sinh thái ĐH đa dạng bao gồm các trường ĐH nghiên cứu, ĐH vùng, CĐ cộng đồng, trung tâm dạy nghề và các trường chuyên nghiệp.
Sự đa dạng này sẽ cung cấp cho người học nhiều lựa chọn khác nhau, qua đó thỏa mãn nhiều nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Đồng thời, cũng chính sự đa dạng này sẽ nâng cao tính bền vững và cạnh tranh lành mạnh của hệ thống giáo dục. Một mô hình thành công mà Việt Nam có thể tham khảo là hệ thống trường ĐH của bang California (Mỹ).
Đa dạng hóa các nguồn tài trợ cho các trường ĐH là một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Các nguồn tài trợ có thể từ nhà nước, khu vực kinh doanh, các cá nhân và tổ chức thiện nguyện, và từ học phí.
Ở Việt Nam, còn có thêm các nguồn tài trợ nước ngoài mà gần đây nhất là khoản vay 520 triệu từ WB và ADB cho bốn dự án ĐH ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Để kêu gọi nguồn lực tư nhân, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích thích hợp cho những người muốn đóng góp vào các trường tốt. Chẳng hạn như miễn giảm thuế đối với các khoản đóng góp cho giáo dục, chứ không nhất thiết phải cổ phần hóa các trường công lập.
-
Vũ Thành Tự Anh
Vũ Thành Tự Anh: Tốt nghiệp tiến sỹ tại Trường ĐH Boston (Mỹ); hiện là Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (TP.HCM) và nhà nghiên cứu của Chương trình Châu Á thuộc Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. |
Bài tới: "Harvard Việt Nam" không muốn thành công ty cổ phần
**********************************************
Ho ten: Steven Tran
Dia chi: CMT8, F.11, Q.3, TP.HCM
TS. Anh đã nói quá rõ những vấn đề thực chất của giáo dục ĐH, cũng như của toàn hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, rất khó để cải cách cho dù rằng...hầu như ai cũng hiểu được những vấn đề trên.
Ho ten: Vinh
Dia chi: Hà Nội.
Tôi đồng ý với ý kiến của TS Vũ Thành Tự Anh. Giáo dục luôn cần sự hỗ trợ của Nhà nước vì về bản chất, giáo dục có tác động kinh tế vượt ra khỏi lợi ích cá nhân. Một người đi học không chỉ làm lợi cho bản thân họ (về mặt thu nhập tương lai) mà còn đem lại lợi ích cho xã hội nói chung. Nhiều nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để một số nước Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đạt được tăng trưởng thần kỳ là nền tảng giáo dục của họ.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cho cải cách giáo dục, không cần và không nên tư nhân hóa các cơ sở giáo dục. Vấn đề cần làm là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phi nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục và giám sát chất lượng của các cơ sở giáo dục.
Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách cấp đất cho các tổ chức muốn thành lâp trường, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp tài chính và được miễn thuế.
Về nhân sự - tổ chức, nên để giảng viên trường bầu trực tiếp hiệu trưởng-giám đốc trường và hội đồng trường. Trưởng các khoa trong trường do giảng viên có trình độ và kinh nghiệm thay nhau làm.
Một vấn đề quan trong khác là công khai, minh bạch các hoạt động tài chính và đánh giá năng lực giảng viên. Khi giảng viên không dám để sinh viên đánh giá mình thì họ không tiến bộ được và chất lượng giáo dục chưa thể tăng. Bên cạnh đó, giảng viên cần có thu nhập đủ để sống tốt thì mới tập trung được vào công tác giảng dạy và nâng cao trình độ. Theo tôi, giảnh viên chỉ nên dạy 2 - 3h/ngày. Mặt khác, việc lựa chọn giảng viên phải được thực hiện nghiêm túc.
Còn về chương trình giảng dạy, cần xây dựng các chương trình mới, cập nhân thông tin mới trên thế giới và gắn liền với đời sống thực tiễn của đất nước.
Ho ten: Tran Hung Thinh
Dia chi: Bắc Linh Đàm, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Điều khiến tôi băn khoăn là: Liệu cổ phần hóa các trường đại học công, và các đơn vị sự nghiệp công như các bệnh viện có đám bảo được sự công bằng và bình đẳng cho người dân nói chung, và những người nghèo nói riêng hay không?
Ho ten : nguyenvan ba
Dia chi: TP Huế
Tieu de: Cổ phần hoá trường học- Sự hạn hẹp về tầm nhìn
Tôi nghĩ mục đích và hiệu quả thật sự của việc cổ phần hóa trường học có lẽ sẽ không khác gì việc cho mở hàng loạt trường đại học tại các tỉnh vừa qua.
Ho ten: Ngô Đức Chiến
Dia chi: K162/4 Tô Hiến Thành, Thành phố Đà Nẵng
Tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn sự phân tích của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. Nếu trường học và bệnh viện mà cổ phần hóa, với sự chi phối của các thành phần kinh tế tư nhân, thì cơ hội của những người nghèo sẽ như thế nào?
Ho ten: Phan Tam
Dia chi: Lê Duẩn, Hà Nội
Hiện nay, tình trạng phụ huynh, học sinh "chạy" điểm diễn ra phổ biến một phần xuất phát từ thực trạng: thu nhập của giáo viên quá thấp, dẫn đến giảm sút về lương tâm nghề nghiệp.
Nếu cổ phần hoá thì có thể các trường sẽ tập trung chạy theo lợi nhuận mà sẽ không quan tâm đến chất lượng.
Tôi cũng đồng ý với TS.Tự Anh là đào tạo ở ĐH nên là chú trọng đến yếu tố sáng tạo của SV, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức.