221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1200144
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề án tăng học phí
1
Article
null
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề án tăng học phí
,

- Dự thảo đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012” nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới thì chậm nhất tới tháng 7 năm nay sẽ được ban hành. Chiều nay (13/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề án.

 

Ý định tăng học phí từng được ngành giáo dục đưa ra nhiều lần, từ năm 2003. 

 

Mới nhất, trong hội nghị tài chính cho giáo dục diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho hay đề án cơ chế tài chính mới cho giáo dục đã được Bộ Chính trị thông qua.

 

Ngày 15/4, trong thông báo phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 được ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị ký ngày 15/4, Bộ Chính trị yêu cầu đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, cần tăng đầu tư nhà nước cho GD-ĐT

 

Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về đề án thu hút quan tâm đặc biệt của dư luận này, VietNamNet giới thiệu những nội dung cơ bản.

 

 

Cấp trực tiếp học phí cho học sinh chính sách

 

Đáng chú ý nhất, đề án có sửa đổi về chế độ học phí của các trường công lập theo hướng: Mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của hộ gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập. Mức học phí do UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

 

Thay đổi chính sách miễn học phí đối với SV sư phạm bằng chính sách tín dụng SV, khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với ĐH, CĐ) và 3 năm (đối với TCCN) thì Nhà nước sẽ xóa nợ cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí.

 

Ngoài ra, Nhà nước sẽ thực hiện cấp trực tiếp học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí khi học nghề, TCCN, CĐ và ĐH để  đóng học phí ở trường.

 

 "3 công khai"

 

Thông qua chi từ ngân sách và thu học phí ở các trường, đề án nêu: "Nhà nước đảm bảo thu nhập của giáo viên công lập ổn định đời sống và ngày càng được cải thiện".

 

Cùng với đó, các trường học công lập được thực hiện tự chủ tài chính, biên chế.

 

Cơ sở phải công bố mục tiêu, năng lực, nguồn lực đào tạo của cơ sở (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất…); công khai chi tiêu trong nhà trường hàng năm…

 

Theo đề án, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và của chủ đầu tư nước ngoài được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải thực hiện "3 công khai": chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo (giáo viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…) và tài chính, đóng thuế theo quy định của Nhà nước.

 

 

Học phí mới sẽ áp dụng từ năm học 2009 - 2010

 

Nếu đề án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây, trong tháng 6-7/2009, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản để thực hiện chế độ học phí mới từ học kỳ I/2009 đến 2012.

 

Sau năm 2012, khi có sự phân tầng trong hệ thống GD ĐH và GD chuyên nghiệp, Nhà nước sẽ xem xét xây dựng các khung học phí theo chất lượng đào tạo.

Khi đó, học phí sẽ bảo đảm phần lớn chi phí đào tạo hợp lý của các nhóm ngành và theo chất lượng đào tạo.

 

Giao trần ngân sách trung hạn 3 năm

 

  • Học phí đại học cao nhất sẽ là 800.000 đồng/tháng
  • Học phí nhóm ngành Y dược sẽ cao
  • Bộ Chính trị đã thông qua đề án học phí mới
  • Toàn cảnh học phí các trường ngoài công lập
  • Sẽ thu học phí theo từng tiết học
  • Nhiều ĐH ngoài công lập công khai học phí
  • Học phí phổ thông leo thang chóng mặt 
  • Đề án nêu mục tiêu "đổi mới cơ chế tài chính" nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng.

     

    "Đồng thời, xây dựng hệ thống các chính sách để cải tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng cao", dự thảo viết.

     

    Cụ thể, phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách cho ngành GD-ĐT sẽ theo hướng lập kế hoạch và giao trần ngân sách trung hạn 3 năm. 

     

    Phổ cập mầm non 5 tuổi và THCS

     

    Nhà nước sẽ thực hiện việc phổ cập mầm non 5 tuổi và THCS có sự đóng góp theo khả năng của người học.

     

    Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các cơ sở GD-ĐT công lập đảm bảo đạt mức chất lượng tối thiểu.

     

    Ở những trường mầm non và phổ thông công lập cung cấp dịch vụ giáo dục cao hơn mức chất lượng tối thiểu, ngoài phần chi phí của Nhà nước, phần còn lại sẽ thu từ người học.

     

    Ngoài ưu tiên đầu tư cho các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trường phổ thông dân tộc nội trú, kinh phí nhà nước cũng ưu tiên cho trường phổ thông chuyên…

     

    8 tồn tại

     

    Đề án dành một phần nêu "những tồn tại của giáo dục".

     

    Theo đó, trong 10 năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho GD-ĐT đến nay đã đạt 20% tổng chi ngân sách.

     

    Hiện tại, phần chi của Nhà nước chiếm 92,7% tổng chi ở các trường công lập và chiếm 78,2% tổng chi toàn xã hội tại các trường công lập và ngoài công lập.

     

    Những người soạn thảo đề án tổng hợp 8 tồn tại về tài chính cho giáo dục đang vướng phải.

     

    1. Mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên còn thấp, ở hầu hết các địa phương không đảm bảo được cơ cấu chi 80% cho chi lương, các khoản có tính chất lương, bảo hiểm… và 20% chi ngoài lương theo quyết định của Thủ tướng.

     

    2. Định mức phân bổ ngân sách cho GD-ĐT chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo (giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất…), chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học ở GD nghề nghiệp và GD ĐH, cơ bản vẫn mang nặng tính bao cấp và bình quân.

     

    3.Chế độ học phí từ năm 1998 đến nay chưa thay đổi. Mức thu học phí quá thấp, dưới mức khả năng chi trả của người dân ở các khu đô thị, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương.

     

    4. Việc miễn, giảm học phí trong các cơ sở GD-ĐT do các trường phải tự thực hiện và việc miễn học phí đối với học sinh ngành sư phạm là chưa hợp lý.

     

    5. Phương thức phân bổ và quản lý tài chính hiện nay giữa các bộ, ngành trung ương và giữa trung ương với địa phương cho thấy sự bất cập trong quản lý, giám sát nguồn ngân sách cho GD-ĐT, không tổng hợp được đầy đủ tình hình thu chi đối với các đơn vị ngoài công lập.

     

    6. Việc giao kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm chưa gắn với kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn của ngành, gây khó cho việc chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chế độ, chính sách và dự kiến kinh phí theo trần ngân sách…

     

    7. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính trong các cơ sở GD công lập chưa phát huy được hiệu quả.

     

    8. Chưa có cơ chế hữu hiệu nhằm huy động nhiều hơn các nguồn lực của xã hội đầu tư cho GD. 

    • Kiều Oanh (lược trích)

    Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục: Nhìn từ các nước

     

    Trong 6 phần, đề án dành hẳn phần 2 nêu "Một số chỉ số phát triển và tài chính của GD-ĐT ở một số nước trên thế giới".

     

    Theo đó, nhóm soạn thảo cho biết, tỷ lệ chi của Nhà nước cho GD mầm non chiếm 39%, phần còn lại (61%) do gia đình người học chi trả. Tỷ lệ Nhà nước chi cho GD mầm non ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (Australia, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Hungary - với 80%, người dân đóng góp 20%).

     

    So với các nước mới phát triển (Chilê, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia), tỷ lệ chi của nhà nước cho GD mầm non cao gần gấp đôi Việt Nam với 66%, người dân chi 34%.

     

    Tỷ lệ bình quân của nhà nước cho GD phổ thông và GD nghề nghiệp ở các nước phát triển (nói trên) là 92% và 3 nước mới phát triển (Chilê, Ấn Độ, Indonesia) là 72,7%.

     

    Hầu hết các nước phát triển đều có tỷ lệ chi của nhà nước cho GD phổ thông và dạy nghề trên 80%. Một số nước, nhà nước chi trả trên 90% chi phí như: Pháp, Mỹ, Hungary, Nhật.

     

    Ở Việt Nam có tỷ lệ chi của nhà nước cho GD phổ thông và dạy nghề là 87%, cao hơn bình quân các nước mới phát triển.

     

    Vẫn theo Bộ GD, tỷ lệ chi của nhà nước và người dân cho GD ĐH và sau ĐH ở 8 nước phát triển là rất khác nhau, bình quân nhà nước chi 75,7%, người dân chi trả 24,3% (số liệu năm 2004).

     

    Ở 4 nước mới phát triển được khảo sát (Chilê, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia), tỷ lệ bình quân chung của nhà nước là 55,2%, người dân chi trả 44,8%.

     

    Còn ở Việt Nam năm 2006, tỷ lệ chi của Nhà nước chỉ chiếm 63,3% tổng chi phí đào tạo ĐH, phần người dân chi trả là 36,7%.

     

    Tỷ lệ Nhà nước chi cho GD-ĐT ở Việt Nam tương đương Thái Lan, cao hơn tỷ lệ bình quân nhóm nước mới phát triển nhưng thấp hơn tỷ lệ bình quân nhóm nước phát triển.

     

    ************************

    Ý kiến của quý vị về đề án:

    ,
    Ý kiến của bạn
    Ý kiến bạn đọc
    ,
    ,
    ,
    ,