- Thanh tra ủy quyền yêu cầu giám khảo phải cho điểm từng phần của từng câu hỏi trong đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT 2009. Nhiều giám khảo băn khoăn với lí do, Bộ GD-ĐT cũng nói rõ, với đặc thù của môn học này, giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; nắm vững các yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
Ngày 10/6, giám khảo các môn thi tự luận ở Sóc Trăng bắt đầu chấm bài thi tốt nghiệp THPT đại trà sau khi đã thống nhất đáp án, biểu điểm và chấm thử 10 bài của cả hai hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo phân công của Bộ GD-ĐT, tỉnh Sóc Trăng chấm bài của thành phố Cần Thơ.
Thí sinh sau giờ thi. Ảnh: Longuyet |
Buổi sáng, công việc chấm thi diễn ra êm ả. Đến buổi chấm chiều thì phát sinh rắc rối khiến giám khảo lúng túng.
Do giấy thi của Sở GD-ĐT Cần Thơ không có phần ghi điểm cho từng câu nên giám khảo cho điểm thẳng vào câu trả lời trong bài làm của thí sinh, sau đó, cộng điểm chung cho toàn bài.
Nhưng khi thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT kiểm tra, phát hiện giám khảo không ghi điểm cho từng câu nên yêu cầu ghi lại cho cụ thể.
Vì vậy, giám khảo phải tự ghi thêm vào cho đúng theo yêu cầu của thanh tra.
Rắc rối thứ hai là lâu nay, giám khảo ở môn Ngữ văn chấm bài trên tinh thần chấm cho điểm chung từng câu, rồi cho điểm chung của toàn bài. Nhưng lần này, thanh tra uỷ quyền yêu cầu phải cho điểm từng phần của từng câu vào ngay bài làm của thí sinh theo đúng đáp án của Bộ.
Cụ thể, ở câu số 1 (2 điểm) có 4 nội dung trả lời, mỗi nội dung 0,5 điểm thì giám khảo cho điểm từng nội dung. Các câu tiếp theo và ngay cả bài văn 5 điểm cũng cho điểm như thế.
Yêu cầu của thanh tra uỷ quyền không được giám khảo ủng hộ, bởi trong đáp án, Bộ cũng có nêu rõ đặc thù của môn Ngữ văn nên “giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; nắm vững các yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm”.
Tuy vậy, Thanh tra uỷ quyền vẫn buộc giám khảo phải cho điểm chi tiết từng phần ở câu số 1.
Chính việc này đã làm cho tiến độ chấm bài ngày đầu tiên bị chững lại. Bình quân, ngày 10/6, mỗi cặp giám khảo chỉ chấm được khoảng 48 bài hoặc ít hơn. Trong khi đó, số bài tự luận của mỗi môn là gần 9.100 bài.
Yêu cầu chung là ngày 16/6 phải hoàn tất công tác chấm thi để ngày 18/6 công bố kết quả cho thí sinh.
Nhiều giám khảo môn Ngữ văn bức xúc vì yêu cầu chấm cho điểm chi tiết như trên sẽ “giết chết” những thí sinh có năng khiếu viết văn. Điều này hoàn toàn trái ngược với chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT.
Một giám khảo môn Ngữ văn cho biết: “Chúng tôi chấm bài trên tinh thần tôn trọng đáp án biểu điểm của Bộ và trân trọng sự sáng tạo của thí sinh. Nếu cho điểm theo từng ý như vậy thì không đánh giá chính xác năng lực làm bài của thí sinh".
- Anh Ngọc
***********************
Ho ten: Long Tran
Dia chi: 270 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM
Tôi là giảng viên của ĐH Kinh tế TP.HCM, và cũng là thanh tra Bộ trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Đọc mẩu tin này sáng nay, tôi thấy tội nghiệp cho các giáoviên đang làm giám khảo ở Sóc Trăng.
Thanh tra Bộ với chức năng được giao, nếu phát hiện sai phạm, thì lập biên bản ghi nhớ nội dung vi phạm với các bên liên quan. Theo tôi, thanh tra cần tuân thủ 2 nguyên tắc cơ bản sau đây:
1. Tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của coi thi hay chấm thi tốt nghiệp. Ở đây, chỉ vì cách hiểu khác nhau hướng dẫn của Bộ, thanh tra lại làm đình trệ công việc chung.
2. Trong mọi trường hợp, thanh tra không có quyền xử lý hay xử phạt, mà chỉ được lập biên bản ghi nhớ về vi phạm, trên tinh thần giúp đỡ, nhắc nhở là chủ yếu, trừ trường hợp đã quá rõ ràng là sai phạm.
Ho ten: Trương Thị Minh Trị
Dia chi: Số 67, tổ 17, khu phố 10, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Tôi đồng ý theo cách chấm của Bộ GD-ĐT , chấm theo ý và lấy điểm từng phần. Vì đây là chấm tốt nghiệp chứ không phải là chấm văn năng khiếu mà "nhiều giám khảo môn Ngữ văn bức xúc vì yêu cầu chấm cho điểm chi tiết như trên sẽ “giết chết” những thí sinh có năng khiếu viết văn" Đó là cách suy nghĩ sai của rất nhiều giáo viên day văn.
Ho ten: Kim Vui
Dia chi: TP.HCM
Trường hợp nêu trên, tôi xin mạn phép đề xuất như sau:
- Cặp giáo viên chấm thi: một gv chấm toàn bài để cho điểm trên một phiếu cho điểm riêng, giáo viên còn lại chấm điểm theo ý chi tiết trên một phiếu cho điểm khác. Việc chấm riêng cho sẽ khách hơn, giúp điểm của giáo viên này không ảnh hưởng giáo viên kia.
- Điểm bài thi sẽ là trung bình cộng của hai phiếu điểm này.