221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1212806
Mướt mồ hôi chạy sô "học kì 3"
1
Article
null
Mướt mồ hôi chạy sô 'học kì 3'
,

 - Chiều chủ nhật, chị Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa con gái lớn đi học liền 2 ca và cho con gái út học thêm 2 ca nữa cùng giờ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội để tiện đưa đón. Dù đã đăng ký học tự nguyện mùa hè, chị vẫn tha thiết xin cô cho con gái út - 5 tuổi - được tự do 2 buổi sáng để đi học thêm tiếng Anh… rồi chiều trở về trường mầm non học tiếp.

“Con trai tôi học lớp 4 mà nhút nhát như con gái, ngại nói chuyện với người lạ. Tôi mong muốn con bạo dạn hơn, học được cách ứng xử, ăn nói lưu loát, tự tin”  – chị Lâm Thị Anh ở Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự. 

Một giờ học múa.

Rút kinh nghiệm các năm trước, con chị theo lớp học đàn, thời gian đầu rất say mê, sau chóng chán, bỏ giữa chừng.

Chính vì vậy, năm nay, chị Anh quyết định cho con đi học lớp dạy kỹ năng giao tiếp ứng xử. 2h chiều chủ nhật, chị lôi tuột cậu con trai ra khỏi giường khi con vẫn còn ngái ngủ. Hai mẹ con vượt hơn chục cây số để đến cung văn hóa học dưới cái nắng như đổ lửa.

Song song với học kỹ năng, chị vẫn cho con theo học tiếng Anh ở Trung tâm Apollo theo vé năm vào sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần. 

Thời điểm tháng 6, khi trường chưa tổ chức được lớp học hè, chị Anh xin cho con học 2 buổi ở nhà cô giáo. Giữa tháng 7, chị đã đăng ký cho con học phụ đạo tự nguyện hè ở trường, tuần học 3 buổi.

Chị Anh nói: “Hè cháu không thích đi học, chỉ muốn đi bơi, tắm biển. Nhưng do không có thời gian nên một tuần, tôi lại đưa con đến bể bơi trong khách sạn ASEAN ở Chùa Bộc để thư giãn”.

Ngồi giết thời gian chờ đón con

Cũng giống như mẹ con chị Anh, 3 mẹ con chị Hằng ở đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tất tả chạy sô 2 ca học ở cung văn hóa chiều chủ nhật.

Chị Hằng có 2 cô con gái, con gái lớn đang học lớp 7 Trường THCS Phương Mai. Con gái nhỏ mới 5 tuổi, đang học mẫu giáo.

Chị Hằng nghĩ nhà neo người, nên cố gắng tạo điều kiện để cô chị đi học, cô em út cũng phải học luôn. Nghỉ hè, con gái lớn của chị học 2 ca thiết kế tạo mẫu từ 3 đến 6 giờ chiều. Nhà sẵn đàn ooc – gan, chị đăng ký luôn cho con gái nhỏ học lớp đàn.

Chị Hằng chia sẻ: “Tôi định đăng ký cho cháu học thêm một lớp nữa vào ca 2, nhưng còn mỗi lớp cờ vua, có khi phải cho đi học tạm. Cháu biết thêm gì tốt cái đó, để cháu vạ vật với mẹ ngồi chờ chị học, kể cũng tội”.

3 tuổi rưỡi đã chạy sô

Chị Lương Hương Giang ở C2 P214 (Quỳnh Mai) bật mí: “Tôi đưa cháu dự thính ở các lớp múa, đàn vẽ, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, người mẫu… để xem cháu hứng thú với môn nào. Cháu tự chọn lớp múa vì thấy các bạn mặc váy đẹp”. 

Chị Hương Giang học múa cùng con Nhật Anh mới 3 tuổi rưỡi.

Bé Nhật Anh mới 3 tuổi rưỡi, nhỏ tuổi nhất lớp múa. Bé vừa nhìn thấy các bạn đã khóc inh ỏi, nhất định kéo mẹ vào học cùng cho bằng được.

Trong khi đó, chị của bé Nhật Anh là Nhật Mai - học sinh lớp 6 THCS Ngô Gia Tự - cũng đăng ký đi học thêm cho đỡ buồn.

Em nói: “Ở nhà một mình buồn, em xin mẹ đi học thêm Văn, Toán, Anh, Lý để đến lớp với các bạn cho vui, lại ôn thêm được kiến thức, mỗi môn học 2 buổi/tuần, mức học phí khoảng 15.000/buổi”. Chiều chủ nhật, Nhật Mai cũng học hát ở cung văn hóa cùng ca với em gái để mẹ tiện đưa đón.

Còn với Bảo Hân, mới 5 tuổi nhưng bé đã được học đầy đủ cả các môn văn hóa, tiếng Anh, năng khiếu.

Chị Vũ Bảo Lan (33/66 Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mẹ bé Bảo Hân thì không giấu vẻ hồ hởi: “Năm ngoái, tôi đăng ký cho con mà chưa học được. Năm nay may mắn đăng ký được 2 lớp múa và vẽ (học phí 2 khóa mất hơn 400.000 đồng)”.

Cứ 4h30 chiều chủ nhật tan lớp múa, chị Lan tất tả đón con đi học tiếng Anh ca 5h ở Trung tâm thực nghiệm tiếng Anh đặt ở Trường Tiểu học Nguyễn Du. Chị Lan đăng ký cho con học một khóa 8 tháng ở trung tâm này với mức học phí gần 3 triệu.

Ngoài ra, cứ 2 buổi một tuần, Bảo Hân còn đi học luyện viết chữ ở nhà cô giáo quen.

Phụ huynh tất tả thay đồ ngoài hành lang để kịp giờ học.
Có con nhỏ ở cùng độ tuổi với bé Bảo Hân, anh Thanh ở Mai Động, (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải đăng ký ngay cho con học vẽ ở cung văn hóa, ngay sau khi cháu vừa nghỉ hè ở Trường Mầm non Chim non.

Nhưng mới học được 1 tháng thì cháu chán học, gia đình anh Thanh lại làm đơn xin chuyển ngay qua lớp múa để “cháu được vận động nhiều hơn”.

Anh Thanh tâm sự: “Cháu còn bé thì bảo gì học nấy, không có ý kiến gì. Đi học có bạn bè, có nhiều trò chơi nên cháu thích. Tôi cho cháu đi học đều để rèn nếp kỷ luật, nghỉ gián đoạn 3 tháng sợ cháu ngại đi học”.

Về tình trạng các em nhỏ học không kịp nghỉ hè, cô Hoàng Anh Đào - giáo viên dạy múa, khoa Nghệ thuật, Cung Văn hóa Hà Nội - cho biết: “Có nhiều bậc phụ huynh cho con học 2 ca liên tiếp nhau, có thể ca 1 học múa, ca 2 học vẽ, hoặc ca 1 học hát, ca 2 học múa…”. Nhiều khi xảy ra cảnh “dở khóc dở cười”, bố mẹ tất tả bế thốc con ra khỏi lớp, rồi vội vàng thay giày tất, quần áo múa, chuẩn bị cho ca học năng khiếu tiếp sau đó.

Cô Đào cũng có lời khuyên cho các bậc cha mẹ: “Các vị phụ huynh nên đưa con từ 5 tuổi đi học năng khiếu, ở bên con trong ngày đầu đi học, khi về nhà động viên và luyện tập cùng con”.

Hiện nay, khoa Nghệ thuật ở Cung Văn hóa Hà Nội có gần 900 em, lớp múa hoạt động hết công suất từ 7h30 sáng đến 21h tối.

Trung tâm tiếng Anh giữ trẻ?

Đối với nhiều bậc phụ huynh, kỳ nghỉ hè của các con thật sự là một nỗi lo "nặng đầu" không kém các kỳ thi cử.

Bởi không chỉ nghĩ xem con mình sẽ ăn, học, chơi, nghỉ ra sao trong những ngày hè nắng nóng, các phụ huynh còn canh cánh nỗi lo là ai sẽ "quản" các con trong quãng thời gian đó.

Anh Nguyễn Minh Dũng (phòng 804 A1, Đền Lừ 2, Hoàng Mai, Hà Nội) có con nhỏ đang học lớp 3, Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Từ cuối năm 2008 đến nay, anh chầu chực đăng ký cho con 10 tuổi học tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ trên đường Triệu Việt Vương. Hiện tại, con anh vẫn không được xếp lớp ở trung tâm này.

Vì nhu cầu học đang quá tải, nên các lớp đều “cháy” phòng. Con anh đã lớn, không thể cho vào nhà giữ trẻ được, đành phải để ở nhà giao bài tập cho làm và cho đi học ngoại khóa, học tiếng Anh.

Ở nhà, vợ chồng anh tự phân công nhau dạy văn hóa cho con: anh dạy cháu môn Toán, chị dạy tiếng Việt và tiếng Anh. Chu trình học là: tối giao bài cho con, ngày con làm bài, tối về bố mẹ lại chữa bài. Buổi trưa, anh chị đảo qua nhà rồi lại mải miết đi làm, con cái phải gửi hàng xóm đôn đốc giúp.

Mùa hè, trường học tổ chức lớp học ngoại khóa bơi, khiêu vũ, bóng rổ, bóng bàn, múa, anh Dũng tư vấn cho con học 2 lớp bơi và bóng bàn. Mỗi lớp học được tổ chức hai tuần 1 buổi.

Các vị phụ huynh ngồi chờ đón con sau giờ học.

Chị Hiền (251 ngõ Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Công việc ở cơ quan thì vẫn nhịp làm việc cũ, con được nghỉ hè, bố mẹ có được nghỉ hè đâu”.

Vậy nên, khi Trường Mầm non Tháng 8 cho các cháu nghỉ hè vào tháng 6, chị đã phải đôn đáo chạy đi tìm chỗ giữ trẻ tư nhân cho con mình.

Dù tham khảo đến 3-4 chỗ, chị vẫn không ưng ý. Đến nơi nào, chị cũng lắc đầu: “Chỗ thì 20m2 trông 30 cháu, mùa hè nhiều bệnh truyền nhiễm, không gian bị bó hẹp dễ lây bệnh; chỗ thì hộ gia đình trông mà chồng và con họ không có nghề nghiệp ổn định nên thấy không an tâm, chỗ thì lại xa lắc xa lơ...”.

Giữa tháng 5, ở Cung Văn hóa Hà Nội, phụ huynh chen nhau đăng ký cho con học. Chị Hiền đến rồi lại thất vọng bỏ về vì hết lớp, các lớp khác lại trùng vào thời gian mà vợ chồng chị không thể đưa đón được.

Chị đành chọn phương án 2, gửi bà trông cháu ban ngày, đồng thời, đăng ký cho cháu học lớp nhận biết làm quen với tiếng Anh ở Trung tâm May School buổi tối.

Chị Hiền tâm sự: “Hàng xóm nhà tôi cho con học từ 3 tuổi, bắt đếm số, đánh vần, ngồi vào bàn học theo giờ giấc. Bố mẹ chồng tôi sốt ruột cứ bắt phải cho cháu đi học. Tuy nhiên, các cô khuyên không nên cho đi học văn hóa sớm quá, vì trẻ con biết gì lơ mơ thường hay chủ quan”.

Thấy trẻ khác bằng tuổi con đọc, viết ầm ầm, chị Hiền đâm ra sốt ruột, đành gửi con đi học ở trung tâm ngoại ngữ. Chị than thở: “Cố dồn nén ’2 trong 1’, cho cháu học để vừa giao tiếp tốt, vừa học thêm được chữ tiếng Anh nào thì học” . 

  • Lưu Vân
Bài 2: Học kì 3 ở cửa thiền

Không chỉ người lớn tuổi mới lên chùa học thiền, giờ đây, cửa chùa cũng mở cửa đón nhận các em nhỏ đến học Phật pháp trong đợt nghỉ hè.

*******************************

Quý vị tổ chức cho mùa hè của con em như thế nào?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,