Các trường tại những khu đông đúc nhưng giàu có ở thành phố có thể có ngân sách nhưng lại không có đất để xây nhà vệ sinh. Ngược lại, các trường ở nông thôn có đất để xây nhưng lại không có tiền.
Cậu học sinh này còn may mắn vì trường vẫn có nhà vệ sinh (Ảnh: IRI) |
Rác rưởi và mùi hôi thối khiến cậu bé sợ khi phải đi đến gần các nhà vệ sinh. Bởi thế, Tuấn luôn đợi đến lúc về nhà mới dám đi. Mẹ của Tuấn thực sự rất lo lắng vì sợ con mình sẽ mắc bệnh đường tiết niệu.
Nhưng Tuấn vẫn được xem là một trong những học sinh may mắn vì ít ra, trường của cậu còn có khu nhà vệ sinh – nhiều trường ở Việt Nam – thậm chí là ở thủ đô Hà Nội không hề có khu phụ.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tiến hành khảo sát hệ thống nhà vệ sinh ở 11.200 trường học trên cả nước.
“Khoảng 30% các trường đã khảo sát không có nhà vệ sinh hoặc thiếu nhà vệ sinh”, ông Lã Quý Đôn, Phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên cho biết.
Một cuộc điều tra tương tự được tiến hành riêng ở 1400 trường học trên địa bàn Hà Nội cho kết quả, hầu như tất cả các trường đều thiếu nhà vệ sinh, ông Nguyễn Như Hòa, Phó trưởng phòng Kế hoạch – tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội nói.
Nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn
Theo quy định, cứ 100 em học sinh thì có một nhà vệ sinh và 60 em có một vòi nước.
“Cũng có một số trường ở Hà Nội đáp ứng được những yêu cầu này”, ông Hòa nói. “Và cũng có nhiều trường ở các quận huyện xa trung tâm thành phố không hề có nhà vệ sinh”.
Bà Trần Thu An, cán bộ chương trình cải thiện hệ thống vệ sinh thuộc Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho rằng hệ thống vệ sinh trường học vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chiến dịch trường học “trẻ em – thân thiện” ở Việt Nam do Quỹ nhi đồng LHQ khởi xướng đã rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống vệ sinh trong trường học. Mấy năm trước, cơ quan này đã làm việc với Bộ GD-ĐT, giúp Bộ thiết kế và xây dựng hệ thống nhà vệ sinh ở các trường học trên cả nước được tốt hơn.
Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu
Vấn đề hiện nay là ngành giáo dục còn có quá nhiều nhu cầu cấp bách khác cần được ưu tiên nên việc xây dựng hệ thống công trình phụ bao giờ cũng được đưa ra xem xét cuối cùng.
Hiện tại, việc chính phủ ưu tiên hàng đầu là đầu tư xây dựng những ngôi trường bằng bê tông kiên cố, có thể tránh mưa, tránh gió để thay thế những ngôi trường tạm bợ, bà An cho biết. Nhưng khi những ngôi trường này được xây dựng lên thì nhà vệ sinh là phần không nằm trong kế hoạch.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị thông báo về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 tổ chức qua mạng, diễn ra tại 63 điểm cầu trên cả nước sáng 23/5 cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 5% ngân sách cho giáo dục, 74% ngân sách do địa phương quản.
Do vậy, trách nhiệm xây dựng các khu phụ trong trường học thuộc về các nhà chức trách địa phương và cộng đồng cư dân địa phương đó, những người thường thiếu quỹ và thiếu sự quan tâm đến vấn đề này.
Kết quả, nhà vệ sinh vẫn không được xây và học sinh buộc phải “giải quyết” ở những bụi cây xung quanh trường học. “Khó mà tin được”, bà An nói.
Ông Trần Duy Tạo, lãnh đạo Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học của Bộ nói rằng thiếu ngân sách là vấn đề quan trọng nhất, theo sau là vấn đề về không gian.
“Các trường tại những khu đông đúc nhưng giàu có ở thành phố có thể có ngân sách nhưng lại không có đất để xây. Ngược lại, các trường ở nông thôn có đất để xây nhưng lại không có tiền”, ông Tạo nói.
Thiếu hoặc không có nhà vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh
”Hiện tại, chính phủ đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề trên”, ông Đôn cho biết. Năm 2006, chính phủ tuyên bố đến năm 2010, tất cả các trường mẫu giáo và trường học sẽ có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn và mọi trẻ em sẽ được dùng nước sạch.
Nhưng ông Đôn cũng nói thêm, với tốc độ xây dựng như hiện nay thì mục tiêu này rất khó đạt được.
“Thiếu nhà vệ sinh hoặc hệ thống vệ sinh không đạt chuẩn đã gây ra những tác động xấu ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng học tập của các em học sinh”, ông Đôn nói. “Nhiều em học sinh phải cố “nhịn” vì sợ phải vào những khu phụ bẩn thỉu ở trường. Tệ hơn, nhiều trường không có nhà vệ sinh, học sinh còn phải tìm cách để “giải quyết” ở “ngoài trời” nên sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Vì quá sợ mùi hôi thối từ các nhà vệ sinh bẩn của trường nên Tuấn, em học sinh đã được nhắc ở trên thường đợi cho đến khi về nhà mới dám đi vệ sinh. Phụ huynh của các trường tiểu học ở Hà Nội đều cảm thấy rất lo lắng về tình trạng quá ô nhiễm của hệ thống vệ sinh trường học và vì quan tâm đến sức khỏe con em mình nên đã quyết định góp tiền để trả phí thuê nhân công lau dọn hàng tháng.
Mỗi gia đình phải đóng 10 nghìn/tháng, giờ đây, Tuấn và các bạn cùng lớp của em không còn sợ khi đi vệ sinh nữa.
-
Nhật Anh (Theo IRIN)