- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn ở TP.HCM gồm 4 câu, trong đó có yêu cầu HS viết về quê hương. Còn đề thi của Hà Nội chỉ có 2 phần, có tính "đăng đối" và bám sát tác phẩm. Thời gian dành cho cả 2 đề đều trong 120 phút.
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn ở TP.HCM (sáng nay, 24/6) được một số thí sinh phản ánh là "khó hiểu". Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định cho rằng đề ra hơi khó để phân loại học sinh. Trong khi đó, với đề thi của Hà Nội, các thí sinh "quan sát thấy nhiều bạn làm được bài".
Sau buổi thi tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: An Bang |
Đề thi môn Ngữ văn ở TP.HCM gồm 4 câu, trong đó có 2 câu 1 điểm. Hai câu này yêu cầu học sinh giải thích nhan đề hai tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí", "Đoạn trường tân thanh" và ý nghĩa các thành ngữ "ông nói gà, bà nói vịt", "nói như đấm vào tai".
Câu "ăn điểm" nhiều nhất (5 điểm), yêu cầu học sinh viết về phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Một câu hỏi được đánh giá là "sát đời sống" và "tạo đất cho HS tỏ bày cảm xúc" được tính 3 điểm với yêu cầu viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương.
Thí sinh Võ Thị Diệu Hiền ở Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa than thở: “Đề so với em là hơi khó, đọc khó hiểu, chưa từng gặp bao giờ. Câu 1 em phải bỏ vì không biết giải thích thế nào.”
Tại Hội đồng thi này, thí sinh ra khỏi phòng thi khá muộn và nhiều thí sinh chung một nhận định "đề khó hiểu" như Hiền.
Môn Ngữ văn được coi là “xương” đối với thí sinh nam nên nhiều bạn cũng thấy khó khăn trong môn thi đầu tiên.
Thí sinh Nguyễn Văn Hùng (Trường THCS Tam Bình) cho hay, đề không khó lắm "nhưng có câu số 3 là em cảm thấy khó nhất vì viết về quê hương mà em thì đã xa quê từ nhỏ nên cũng không có nhiều cảm nhận và làm bài không được hay. "
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đề thi đã được chọn từ ngân hàng đề thi và đã được thẩm định nên không thể có chuyện "nằm ngoài chương trình".
“Đề ra hơi khó để dễ phân loại học sinh. Theo ước tính học sinh được 10/10 điểm là không quá 10%. Nếu nói là đề chưa gặp bao giờ là do học tủ, mà học tủ là một điều rất nguy hiểm” - ông Ngai nói.
Gọi vào phòng thi tại Hội đồng coi thi Trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, HN. Ảnh: Bảo Anh |
Trong khi đó, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội có tính "đăng đối hơn" với 2 phần, mỗi phần có 3 yêu cầu nhỏ. Mức điểm cho mỗi phần là 4 - 6. Cả 2 phần đều lấy dữ liệu là các tác phẩm văn học - một truyện ngắn (Lặng lẽ Sa Pa) và một bài thơ (Mùa xuân nho nhỏ). Trong mỗi phần, ngoài yêu cầu liên quan tới phân tích tác phẩm, nhân vật, đề thi này cũng "lồng ghép" kiểm tra kiến thức sử dụng Tiếng Việt của học sinh (phép nhân hóa, phép nối và một câu chứa thành phần tình thái...).
Thí sinh Bùi Việt Hà ở Hội đồng coi thi Trường THPT Việt Đức cho biết: đề thi ra vào 2 tác phẩm: Lặng lẽ Sapa và Mùa xuân nho nhỏ, đều nằm trong chương trình lớp 9. Dù coi thi nghiêm túc, không căng thẳng nhưng quan sát thấy nhiều bạn làm được bài.
Thí sinh xem gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn được bán ngoài cổng trường chiều 24/6. Ảnh: Phạm Hải |
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội, TP.HCM (diễn ra hôm nay) và ở nhiều địa phương khác được đánh giá là "căng thẳng không kém gì thi ĐH".
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, trong buổi thi sáng nay, ở TP.HCM, có 45.994 thí sinh đến dự thi (vắng 175 thí sinh không có lý do).
Số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên là 7.751, trong đó chỉ có 7.734 thí sinh dự thi. Trong buổi thi sáng nay, không có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi và cũng không có thí sinh đến trễ giờ thi.
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: đây là năm thứ 4 Hà Nội tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhưng là năm đầu tiên tổ chức thi ở Hà Nội hợp nhất. Do đó, số HS đăng ký dự thi (hơn 83.000 em) đông gấp hai lần năm ngoái về quy mô, đa dạng về đối tượng.
Kỳ thi này mang tính chất cạnh tranh, áp lực lớn. “Nếu thanh tra phát hiện giám thị vi phạm quy chế sẽ có hình thức kỷ luật rất nặng”- ông Thống khẳng định.
Hà Nội huy động hơn 8.100 giám thị làm nhiệm vụ, trong đó, tỷ lệ THPT và THCS là 50/50, 811 lãnh đạo hội đồng thi, hơn 720 thanh tra, giám khảo Văn, Toán là 460 và đội ngũ phục vụ.
Ở kỳ thi này, thí sinh bị tai nạn, ốm đau sẽ không được đặc cách mà phải xin xét tuyển vào các trường ngoài công lập tổ chức xét tuyển, vào TCCN hoặc học 11 môn ở GDTX.
Đề thi lớp 10 ở TP.HCM Câu 1 (1 điểm): Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái và Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Hãy giải thích nhan đề hai tác phẩm trên. Câu 2 (1 điểm): Giải thích ý nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ có liên quan đến phương châm hội thoại nào: a. Ông nói gà, bà nói vịt b. Nói như đấm vào tai Câu 3 (3 điểm): Viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương. Câu 4 (5 điểm): Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. |
Đề thi lớp 10 ở Hà Nội Phần 1 (4 điểm): Cho đoạn văn sau: (...) "Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ não vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung" (...) (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long - Sách Ngữ văn 9, tập 1) 1. Đoạn văn trên là lời của nhân vật nào, được nói ra trong hoàn cảnh nào? Những lời tâm sự đó giúp em hiểu gì về hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật? Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật còn có điều gì đặc biệt? 2. Bằng hiểu biết của em về tác phẩm, hãy cho biết: trong hoàn cảnh ấy, điều gì đã giúp nhân vật trên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ? 3. Chỉ ra một câu có sử dụng phép nhân hóa trong đoạn văn trên. Phần 2 (6 điểm): Hình ảnh mùa xuân được khắc họa thật đẹp trong đoạn thơ sau: "Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc Ơi con chim chiền chiện Hót chi mà vang trời Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng." 1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào, của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ấy? 2. Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 10-12 câu theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp, trong đó có sử dụng phép nối và một câu chứa thành phần tình thái với chủ đề: vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy. (Gạch dưới thành phần tình thái và những từ ngữ dùng làm phép nối). 3. Cũng trong bài thơ trên có câu: Mùa xuân người cầm súng Lộc dắt dầy trên lưng Trong câu thơ trên, từ lộc được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh người cầm súng lại được tác giả miêu tả: Lộc giắt đầy trên lưng?
|
- Nhóm phóng viên
********************************
Ho ten: Nguyễn Thị Minh Châu
Dia chi: 45 Võ Thị Sáu, Quận 1, TP.HCM
Tieu de: Đề thi của Tp.HCM hay và giàu cảm xúc
Đề thi của TP.HCM năm nay tiến bộ hơn và thể hiện được những chuyển biến tích cực trong việc dạy và học môn Văntrong nhà trường.
Tôi cho rằng, một đề thi có thể khơi gợi được những tầng cảm xúc của học sinh là rất quan trọng vì nó
giúp học sinh có cảm hứng để chấp bút cho bài văn của mình. Đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc một đề thi Văn hay như vậy.
Trong tôi lại dâng tràn bao cảm xúc, muốn viết để bày tỏ lòng mình. Tôi lại trở về với những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, với những bài thơ, bài văn gợi cho tôi bao cảm nhận, suy tư về cuộc sống, về con người, về quê hương đất nước. Tôi mong rằng, hướng ra đề thi Văn như năm nay cần được phát huy trong thời gian tới!
Ho ten: Nguyễn Hữu Tính
Dia chi: Quận 3, TP.HCM
Nếu bảo câu 5 điểm của đề văn TP.HCM là khó hiểu thì quả là sai lầm. Tôi nhớ là ở Trung Quốc trong một kì thi họ đã cho đề gần như thế và cho học sinh đến 3 hướng để cảm nhận. Rõ ràng, đề như thế sẽ thú vị và hấp dẫn hơn, sẽ có phát hiện đuợc nhiều nhân tài hơn.
Ho ten: MirikaJung
Dia chi: Somewhere not here
So sánh 2 đề một cách "khách quan" nhất, Mirika đưa ra một kết luận vô cùng "chủ quan" rằng:
TP.HCM:
Câu 1: Ý nghĩa của tên "Đọan trường tân thanh" không được đề cập tới trong SGK, vả lại, học sinh vốn quen với cách gọi "Truyện Kiều", chỉ biết nó còn có tên khác và hiểu thóang qua .... --> hơi khó.
Câu 2: Câu này không có gì lạ cả, dễ dàng có điểm nếu chú ý nghe giảng và sửa bài.
Câu 3: Gần như hầu hết các trường không có bất kì giáo viên nào cho học sinh ôn thử hay biết đến đề này cả. Dù rằng, chỉ cần nắm dàn ý chung thì tất cả các đề đều có thể triển khai nhưng thiết nghĩ, trong khỏan thời gian ngắn ngủi 120 phút đó, liệu học sinh có thể là bài kịp mà hay hay không nếu chưa một lần được học. Nào là tìm dẫn chứng cụ thể, mở rộng, .... vốn không phải dễ dàng --> hơi bất ngờ với học sinh.
Câu 4: Đề tuy không khó hiểu lắm (vốn dĩ học sinh lớp 9 chỉ học văn phân tích, đề thì đã cho chủ đề --> có thể sống ổn) nhưng lại hơi dài
Hà Nội: Đề không có gì là khó lắm, chỉ cần học bài là ổn. Tuy có phần cảm nhận thì lại tùy mỗi người, nhưng thiết nghĩ văn cũng nên đánh vào cảm nhận --> ổn.
Nói chung, mỗi đề có một cái hay riêng. Đề Hà Nội thì chung chung quá, học sinh dễ dàng làm đựơc. Còn đề TP.HCM thì dài và khó quá,phân biệt được học sinh giỏi và khá, nhưng đây là thi đại trà chọn trường nên lại thiệt thòi cho những học sinh khá.
Bản thân Mirika cảm thấy những người "khen" đề nào đó dễ thì cứ thoải mái lấy ra làm thử trong 120 phút, làm ngay lập tức mà không được suy tính trước, hẳn sẽ phải nghĩ lại ^^.
Ho ten: Võ Thiên Bằng
Dia chi: Đà Nẵng
Mọi người đã có những nhận định khá nhiều về cái hay, cái dở trong hai đề thi tại TP.HCM và HN. Riêng tôi, cảm thấy cách ra đề của HN có gì đó hao hao với một số trò chơi trên truyền hình vậy. Không hiểu các bạn có đồng quan điểm với tôi không nhỉ?
Ho ten: Lê Cao Trí
Dia chi: TP.HCM
Theo em thì đề ở HN nó dễ hơn HCM . Phần lí thuyết học trong đề cương thì ở HN ra hết nhưng ở TP.HCM thì chỉ ra được phần 2 . Riêng em là thí sinh ở TP.HCM vừa mới thi xong, thì đề thi năm nay cũng thật là thú vị học sinh trung bình khá đều có thể làm được. Em nghĩ chắc mình được 6 hoặc 7 điểm.
Ho ten: Nguyễn Tuấn Anh
Dia chi: Gia Lâm - Hà Nội
Đề thi Hà Nội năm nay khác hơn so với mọi năm trước chỉ phải viết 1đoạn văn ngắn và dễ hơn.
Ho ten: Lê Thị Phương Tâm
Dia chi: TP.HCM
Các vị thấy môn văn là đề dễ là đúng rồi vì các vị không đặt mình vào vị trí của 1 hs trung bình! Theo tôi,đề thi Hà Nội sát chương trình và HS dễ có điểm hơn dù không có khả năng làm văn nhưng lại siêng năng học bài.Còn TP. HCM, bạn không viết văn được thì chết chắc!
Ho ten: Phương Thảo
Dia chi: THCS Ngô Tất Tố - PN
Em là 1 hs lớp 9 vừa làm xong môn văn ở TP.HCM. Đối với em cũng như 1 số bạn thì đề năm nay quá khó so với những năm trước. Một số người lại bảo là đề văn không khó và khá hay. Nhưng có ai trong số đó là học sinh lớp 9 hay đơn giản là có con cháu mình đi thi vào năm nay không? Đề chỉ hay đối với những ai "trúng tủ" hoặc những bạn thật sự giỏi, có khả năng sáng tạo.
Còn đối với những học sinh học văn bình thường như em đây thì đó là cơn ác mộng.
Ho ten: linh
Dia chi: TBình
Đề thi của TP.HCM rất hay và cũng không quá khó, có tính sáng tạo. Đề của Hà Nội thì theo kiểu "cổ điển".Theo tôi nên phát huy cách ra đề của TP.HCM vì có thể đánh giá khả năng thật sự của học sinh chứ không hẳn cứ học thuộc những gì giáo viên dạy rồi mang vào phòng thi chép ra.
Ho ten: Nuyễn Tấn Vinh
Dia chi: Quận Tân Phú, TP.HCM
Theo tôi, đề ngữ văn của TP.HCM đúng bản chất của một đề thi tuyển. Đề mang tính khái quát , rộng, dễ phân loại học sinh.Đề thi không có chỗ cho những ai học tủ. Tôi thích đề văn này. Đối với đề ngữ văn Hà Nội, nhìn chung có phần "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, với đề thi tuyển thì cần "siết" một chút để phân
loại học sinh. Vì dạng đề này học tủ có thể làm điểm cao.
Ho ten: Lê Hà Giang
Dia chi: Hải Dương
Tôi là một giáo viên dạy văn và cũng đang bồi dưỡng cho học sinh thi vào THPT. Tôi nhận thấy đề thì của TP.HCM tuy có hơi khó nhưng hay hơn đề thi của Hà Nội. Yêu cầu viết một bài tự luận hoàn chỉnh là mục tiêu chính của dạy - học văn trong trường THCS. Theo tôi, đề của Hà Nội đã xem nhẹ yêu cầu này.
Đề bài có những câu hỏi vụn, giúp học sinh lấy được điểm nhưng sẽ không phân loại được học sinh. Còn đề của TP.HCM đã đi đúng định hướng đổi mới việc dạy - học Ngữ văn.
Câu hỏi số 1 của đề rất hay và tôi thiết nghĩ khi dạy học bất kì giáo viên nào cũng không bỏ qua thao tác giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm. Do vậy, không thể nói là khó.
Câu 3 và 4 đều thuộc dạng đề mở - cũng là một trong những cách đổi mới việc ra đề bài tạo cho học sinh khả năng tư duy độc lập và bày tỏ được quan điểm của các em. Tôi thiết nghĩ ra đề như Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM là tích cực hơn.
Ho ten: Trần Đình Quyết
Dia chi: Hàng Gai, Hà Nội
Tieu de: Đề thi của TP.HCM hay hơn rất nhiều đề Hà Nội
Nói chung, cả hai đề đều đã nằm trong chương trình nhưng đề thi của TP.HCM hay hơn rất nhiều ở chỗ:
Câu 1 không phải là câu dễ nhưng rõ ràng cũng không phải câu khó vì để hiểu được câu này thì thí sinh phải hiểu rất rõ hai tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" và "Đoạn trường tân thanh". Đây cũng là một câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy và nắm vững tác phẩm.
Còn câu 1 của Hà Nội, thí sinh sẽ không quá khó để phân tích và cũng không quá khó để nhận ra câu văn nào sử dụng phép nhân hoá.
Câu 2 ở đề thi của TP.HCM là một câu rất hay. Với kinh nghiệm dạy văn 20 năm, tôi tin chất rằng câu này sẽ có rất nhiều bạn không làm được. Câu 3 là dạng văn bản nghị luận, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tài năng văn chương bộc lộ.
Riêng câu 4 thì bình thường vì tác phẩm "Người con gái Nam Xương " bản thân nó đã là một tác phẩm hay mà lại còn phân tích phẩm chất và số phận của người phụ nữ phong kiến thì thí sinh sẽ rất dễ viết và có nhiều nguồn tài liệu đễ dẫn dắt.
Còn với câu 2 của đề Hà Nội thì quá đơn giản vì tác phẩm " Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải là tác phẩm rất đỗi quen thuộc với mọi người đã được phổ nhạc, nên việc thí sinh làm hết trọn vẹn câu 2 là điều dễ hiểu.
Cả hai đề đều nằm trong chương trình, nhưng cái hay , cái tinh tuý cái để sàn lọc học sinh thì nằm hầu hết ở đề thi TP.HCM. Còn với đề thi Hà Nội chỉ cần học thuộc bài cảm nhận tác phẩm tốt, thì đã có thể đạt trên 6 điểm, đề thi hà nội chưa cho học sinh khả năng suy nghĩ của mình. Chính vì vậy sẽ không thể phát hiện được những bạn có khiếu viết văn.
Ho ten: pe BO
Dia chi: Quang Ngai
Đề TP.HCM thú vị hơn.Bởi không những phân loại được học sinh, mà còn biết được kiến thức đọc hiểu của các bạn ở mức nào.Có được 2 điểm không hề khó(nếu bạn học kĩ). Còn câu 5 điểm, bạn chỉ cần làm rõ những luận điểm: phẩm chất và số phận.
Ho ten: Thảo Uyên
Dia chi: TP.HCM
Em vừa thi buổi sáng xong môn Ngữ văn. Phải nói là đề quá khó so với sức làm. Một số bạn trong phòng thi đã nắm rõ được câu cuối của bài. Chỉ việc học chắc là ăn điểm bình thường. Trong đề chỉ thể ăn điểm được phần viết văn bản .. Còn về phần Tập làm văn, hoàn toàn khác với cấu trúc thi học kỳ II. Thời gian thì quá ngắn, đề thì dài và khó hiểu.
Ho ten: LiLi
Dia chi: HCMC
Theo mình thì đề thi văn ở TP.HCM như vậy là hơi khó và khá bất ngờ.
Em mình nói rằng ở trường, đa số các thầy cô đều cho ôn văn học hiện đại là chính, không ai ôn văn học trung đại cả. Còn về câu 1,"đoạn trường tân thanh" là hơi khó, vì trong sách giáo khoa không hề giải thích về nhan đề bài này. Với các em có vốn từ ít thì rất khó để giải thích nhan đề.
Ho ten: Nguyen Nhu Phuc
Dia chi: Phú Nhuận -TP.HCM
Đề văn TP.HCM thực không dễ chút nào. Thực tế cho mình thấy khi đi qua nhiều trường ở TP.HCM, các học sinh ai cũng bảo đề khó.Trong khi các bạn lại bảo dễ.Dễ là dễ thế nào?
Ho ten: Pham King Bony
Dia chi: 51/12/10 Phan Huy Ích, quận Tân Bình
Đề thi ở TP.HCM có vẻ khoa học triết lí hơn. Còn ở Hà Nội thì thật dễ dàng tuy dài nhưng lại dễ . Ở TP.HCM ngắn nhưng lại phức tạp. Mình thích đề TP.HCM hơn.
Ho ten: Trần Huỳnh Thanh Duyên
Dia chi: quận 9, TP.HCM
Đối với em là học sinh lớp 9 cũng tham gia kì thi này thì đề năm nay cũng không khó lắm nếu các bạn chịu khó nghe giảng bài. Tuy nhiên, ở câu 4, em cảm thấy đề hơi khó, đa phần tụi em đều viết bài văn theo kiểu tóm tắt nội dung bài "Chuyện người con gái Nam Xương" rồi dựa vào đó mà nói sơ vài ý về phẩm chất chứ nắm không rõ hết đề. Làm như vậy không biết em sẽ được mấy điểm văn đợt này nữa.
Ho ten: Trần Đình Hải
Dia chi: Cầu Giấy, Hà Nội
Đề thi văn năm nay nhìn chung thì đề của TP.Hà Nội có nhiều cảm xúc để các thí sinh có thể thể hiện được trình độ của các em hơn.
Ho ten: Đinh Thị Lê
Dia chi: Bắc Ninh
Tôi thấy đề thi văn của Tp.HCM khá hay. Những đề thi như vậy sẽ giúp thi sinh mở rộng được khả năng văn chương của mình.
Ho ten: maivn1988@yahoo.com.vn
Dia chi: quận Tân Phú
Ở đề của TP.HCM, câu 4, cho đến 5 điểm , nhưng rõ ràng, nếu như người ra đề có thêm hai chữ "Hãy nêu phẩm chất...." thì câu hỏi sẽ rõ nghĩa hơn nhiều, chính tôi cũng phải đọc thật chậm và vài lần mới biết chắc đấy là câu hỏi.
Ho ten: Đỗ Ngọc Tuấn
Dia chi: Hạ Long, Quảng Ninh
"Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ". Đề của TP.HCM hơi "xương’. Đề không có lệnh là 1 loại đề khó, học sinh tự tìm hướng đi theo cảm nhận của mình. Đề cho thi vào các trường chuyên thì hợp.
Ho ten: Nguyễn Minh Hiếu
Dia chi: Quảng Ninh
Tôi thấy đề thi Ngữ văn của Hà Nội khá hay và vừa sứchọc sinh. Có thể nhiều người nghĩ đề này dễ, nhưng với dạng đề cảm thụ văn học như thế này, để viết hay thì không dễ chút nào.
Ho ten: Lê Minh
Dia chi: Cần Thơ
Tôi thấy đề văn của TP.HCM ra rất hay và cũng không quá khó. Đề sẽ phân loại được học sinh rõ rệt. Nhiều học sinh than rằng "đề khó hiểu". Tôi thấy đề hoàn toàn nằm trong chương trình học, đồng thời phát huy được sự hiểu biết của từng học sinh. Cũng như sẽ không khó đối với những học sinh học nghiêm túc môn văn.
Ho ten: Võ Kim Hà
Dia chi: Phan Văn Trị, TP.HCM
Tieu de: Hoan hô người ra đề Ngữ văn TP.HCM
Có thể nói đây là bước đột phá cho đề thi môn Ngữ văn. Đề thi rất hay, không mang tính áp đặt, nhưng đồng thời lại đòi hỏi học sinh hiểu rõ ý nghĩa của những điều tưởng như là tiểu tiết nhưng lại là yếu tố bao quát nội dung và chủ đề một công trình văn học, như ý nghĩa tựa đề hai tác phẩm "Hoàng Lê Nhất Thống Chí" và "Đoạn trường tân thanh". Câu nghị luận rất hay, dành đất cho học sinh thoải mái sáng tạo và bày tỏ suy nghĩ của mình. Đấy mới là văn chương, là tư tưởng, là con người.
Rất mong những đề thi về sau này đều theo hướng như thế.
Ho ten: chipchipboy3
Dia chi: 456 Lý Thái Tổ
Câu 4 (5 điểm): Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ". Câu này là sao vậy mọi người? Đây là câu hỏi à? Không có từ nào chứng mính nó là một cậu hỏi! vậy cuối cùng đề muốn thí sinh làm gì!
Ho ten: Nguyen Thanh Phuong
Dia chi: Hà Nội
Thực sự tôi cảm thấy đề thi văn như thế này không quá khó đối với các em. Đề thi văn của TP.HCM rất hay và cũng tạo cho các em điều kiện để viết văn, như cảm nhận về quê hương. Các câu thành ngữ đưa vào đề cũng là những câu hay được sử dụng.
Ho ten: sadiemhong
Dia chi: Kim Mã - Hà Nội
Tôi thấy đề thi môn Ngữ văn ở TP.HCM gợi mở và có phần dễ hơn đề thi ở Hà Nội.
Ho ten: Trương Minh Phương
Dia chi: Công ty Thiết bị giáo dục 1
Cả 2 đề văn đều hay và sát chương trình. Đề của TP.HCM gắn với thực tế cuộc sống hơn. Tôi thấy đề như vậy sẽ phân chia đúng thực chất cảm nhận, nhận thức của học sinh trong việc học và hiểu môn văn. Đề của Hà Nội sẽ giúp các em giỏi văn viết được những bài văn hay hơn do 2 tác phẩm đều là tác phẩm hay và
mang tính chuẩn mực trong chương trình học của các em. Tôi thấy đề của TP.HCM thú vị hơn.
Ho ten: Linh Leo
Dia chi: Cầu Giấy - Hà Nội
Đề thi của TP.HCM hay, bám sát chương trình và cuộc sống, kết hợp giữa kiến thức sách vở và trong thực tế. Cho tôi trở lại 7 năm trước, tôi sẽ không đạt dưới 7 điểm cho đề bài này.
Ho ten: Nguyễn Thị Thuỳ Linh
Dia chi: Phủ Lý - Hà Nam
Đề thi văn này không hề khó. So với các em học sinh thi vào lớp10 thế là vừa sức.
Theo bạn, đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội hay TP.HCM thú vị hơn?