- So sánh giữa đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2009 - 2010, nhiều ý kiến cho rằng đề thi của TP.HCM thú vị hơn của Hà Nội. Thông tin này cũng đã nhận được nhiều phản hồi nhất của bạn đọc ngày 24/6.
Tuy nhiên, một độc giả ở Hà Nội lại cho rằng: đề thi của Hà Nội tốt hơn, và thiết thực hơn trong việc "kiểm tra, đánh giá sát đối tượng".
Dưới đây,VietNamNet đăng tải những phân tích của độc giả này để rộng đường dư luận và mong nhận được các trao đổi kỹ của các bạn.
Học sinh trao đổi về bài làm sau giờ thi, ngày 24/6/2009. Ảnh: An Bang |
Sáng tạo vẫn đảm bảo tính đại trà
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đề Ngữ văn của Hà Nội rất phù hợp với một đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT đại trà.
Đề có những câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh ở mức độ nhớ (câu 1 phần 1, câu 1 phần 2), hiểu (câu 1, 2, 3 phần 1), vận dụng (câu 2 phần 2), phân tích (câu 3 phần 2).
Như vậy, đề đáp ứng được các mục tiêu kiểm tra đánh giá cơ bản nhất. Các câu hỏi rõ ràng, không gây nhầm lẫn, có trích dẫn cụ thể văn bản. Đề có những câu phân loại tốt (câu 2 phần 2, câu 3 phần 2). Đề thi phù hợp với thời gian làm bài.
Điểm mới nhất của đề thi là không yêu cầu học sinh viết bài văn hoàn chỉnh mà chỉ yêu cầu học sinh viết đoạn văn có khống chế số lượng câu viết. Theo tôi, điểm mới này không những làm cho đề thi hay hơn mà có rất nhiều lợi ích cho việc kiểm tra, đánh giá sát đối tượng.
Thứ nhất, với cách ra đề này, giáo viên chấm bài dễ theo dõi và bao quát tốt bài làm của thí sinh, qua đó bài làm của thí sinh được đánh giá chính xác hơn.
Thứ hai, cách ra đề như vậy hạn chế học sinh viết lan man, dài dòng không rõ ý. Xưa nay, đề thi vẫn có bài làm văn hoàn chỉnh. Nhiều học sinh viết khá dài, khá lan man tuy là có ý nhưng câu văn không súc tích, cô đọng.
Chính vì điều này mà giáo viên chấm bài rất khó theo dõi bài làm của học sinh hoặc là chấm bài qua loa, đại khái. Thậm chí có nhiều giáo viên chấm theo độ dài của bài văn (?).
Rất nhiều người cũng có quan niệm rất sai lầm là viết văn càng dài thì càng dễ điểm cao. Với cách ra đề khống chế số lượng câu như đề Văn của Hà Nội thì việc học sinh viết lan man sẽ không còn xảy ra.
Học sinh phải thực sự hiểu sâu sắc văn bản, biết chọn lọc những ý cơ bản và quan trọng để viết đoạn văn một cách súc tích và cô đọng nhất. Chỉ có những học sinh có sự cảm thụ văn học tốt thì mới có thể làm tốt được điều này. Và vì thế, đề của Hà Nội có tính phân loại cao.
Tôi thích thú nhất câu 3 phần ba của đề thi bởi cách hỏi thẳng vấn đề từ văn bản. Trích luôn những câu trong văn bản để hỏi sự cảm nhận của học sinh là một dụng ý rất hay của người ra đề. Xưa nay, khi viết văn, nhiều người cũng mượn lời văn bản cho những câu văn của mình. Viết như thế có cảm giác có sự đồng điệu trong người viết văn và tác giả văn bản.
Câu cuối cùng của đề thi cũng là câu hỏi về sự hiểu và cảm nhận văn bản. Tuy rằng, vấn đề được hỏi cũng ít nhiều được nhắc đến trong các bài giảng của giáo viên nhưng để làm tốt được câu này, học sinh phải có những cảm nhận văn học nhất định.
Tựu trung lại, tôi cho rằng đề thi Ngữ văn của Hà Nội là một đề thi tốt, sáng tạo. Với cách ra đề thi kiểu này thì chắc sẽ không còn cảnh học sinh cầm những bài văn dài mấy mặt giấy để học thuộc lòng một cách máy móc.
Đặt câu hỏi chưa chuẩn
Cá nhân tôi cho rằng, đề Ngữ văn của TP.HCM có những sáng tạo nhất định (câu 3).
Tuy nhiên, cách ra đề như vậy theo tôi là khó và do đó không phù hợp với mục đích của đề thi là tuyển sinh vào lớp 10 đại trà.
Câu 1 của đề yêu cầu giải thích nhan đề của hai tác phẩm khá nổi tiếng. Tất cả các vấn đề này, học sinh ít nhiều được học ở trường.
Tuy nhiên, bản thân tôi cũng không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào để đủ ý. Với "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du thì việc giải thích nhan đề của tác phẩm này không phải là điều quá dễ dàng. Đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2005, hệ THPT có câu yêu cầu học sinh giải thích ngắn gọn nhan đề truyện ngắn "Đôi mắt" của Nam Cao, nhưng đáp án lại không hề ngắn gọn chút nào.
Nếu chỉ nhìn vào nội dung và nhan đề của tác phẩm để giải thích thì học sinh khó đạt điểm tối đa của câu hỏi. Học sinh làm câu này phải nói thêm về việc đổi tên tác phẩm của Nam Cao (từ “Tiên sư thằng Tào Tháo” thành “Đôi mắt”). Theo tôi, cách hỏi của câu 1 chưa thực sự tốt, dễ làm cho học sinh viết lan man.
Riêng câu 3 của đề thi, nếu là câu phân loại thì nên giảm điểm của câu này xuống (2 điểm chẳng hạn).
Vẫn theo dạng đề thi cũ, đề thi có câu 4 là câu yêu cầu học sinh viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu xét về cách đặt câu hỏi (trích nguyên: "Phẩm chất và số phận người phụ nữ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ) thì đây không phải là một câu hỏi.
Và với cách ra đề như trên thì học sinh khó xác định được yêu cầu của câu hỏi. Như vậy, có thể hiểu rằng cách đặt câu hỏi như vậy là chưa chuẩn.
Tóm lại, theo ý kiến cá nhân tôi, đề thi Ngữ văn của TP.HCM có những sáng tạo nhưng chưa thực sự chuẩn mực, chưa thực sự cơ bản, sự phân loại chưa thật sự sâu sắc.
Tiến Lâm (Hà Nội)
Thưa ông, khái niệm "đề không mệnh lệnh" trong chương trình SGK Ngữ Văn được hiểu như thế nào? - Thực ra, không có khái niệm đề không mệnh lệnh. Trong một vài tài liệu bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi gọi đó là “đề mở”. Loại đề này chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc đề tài để viết văn tự sự, miêu tả...không nêu mệnh lệnh gì về thao tác nghị luận như kiểu "hãy chứng minh, hãy giải thích, hãy phân tích.." hoặc phương thức biểu đạt như "hãy kể, hãy phát biểu cảm nghĩ...". “Đề mở” khác với loại đề có đầy đủ từ câu dẫn đến yêu cầu như nhiều người đã nghĩ, có thể gọi là dạng “đề đóng”, “đề khép kín”. Dạng đề này không phải là mới mẻ hoàn toàn. Thời trước, tôi đi học 2 dạng đề này thường gọi là đề nổi để phân biệt với đề chìm. Như trên tôi đã nói, dạng đề này được đưa vào sách Ngữ văn THCS mới, thí điểm từ năm 2000, đại trà từ năm 2002. Đây không phải thuộc phần nâng cao hay phổ thông gì cả, vì cấp THCS không phân biệt, nhưng nên dùng loại này để phân hoá trình độ của HS trong kiểm tra đánh giá thì phù hợp hơn. Khi biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn, chúng tôi cũng có tham khảo một số sách giáo khoa nước ngoài. Những đề văn như thế ở sách nước ngoài không thiếu, tôi xin nêu mấy ví dụ. Đề văn trung học của Trung Quốc năm 1998 có những câu như: Tác hại của thuốc lá, Con người phải có khí tiết, Suy nghĩ từ ngọn lửa.. Hay đề của Đức, có câu như “Cuộc sống rất buồn tẻ”, nhiều bạn thanh niên nói như vậy, anh (chị) có những lời khuyên nào?...Còn ở Mỹ, người ta ra đề cho học sinh như sau: "Sự bất lợi của thực phẩm Mỹ đối với HS, sinh viên nước ngoài", "Gây tổn thương trong bóng đá: có thể ngăn chặn được không", "Sức truyền tin rộng rãi của ti-vi..." Một trong những yêu cầu đổi mới Chương trình và SGK lần này là cần tiến hành một cách đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra-đánh giá. Nếu không đổi mới kiểm tra-đánh giá thì tất cả đều trở nên vô nghĩa. Trong việc ra đề văn, từ rất lâu, các kì thi thường chỉ chú ý ra đề nghị luận văn học mà không ra đề nghị luận xã hội. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). Trích trả lời phỏng vấn VietNamNet
|
*******************************************
Ho ten: Thơi Trần
Dia chi: Tiền Giang
Tieu de: Tác giả Tiến Lâm quên cập nhật kiến thức
1. "Sáng tạo vẫn đảm bảo tính đại trà" - Tôi không hiểu tác giả muốn nói gì. Thi tuyển, nghĩa là phải cạnh tranh cao, phân loại cao. Ra đề "đại trà" ai cũng làm được thì phân loại thế nào? Có còn giống thi tuyển không? Tính đại trà chỉ nên dành cho những kỳ thi học kỳ, hoặc thi tốt nghiệp phổ thông.
2. "Đặt câu hỏi chưa chuẩn" - Về điều này thì rõ ràng tác giả bài viết quên cập nhật kiến thức. Xin mời tác giả xem bài "Đề "mở": Rất khuyến khích!" để biết thêm về kiểu ra đề mới của chương trình Văn học phổ thông.
Kiểu ra đề văn của Sở GD-ĐT Hà Nội rất cũ vào sáo mòn, nếu cứ tiếp tục tư duy như vậy thì làm sao nền giáo dục nước nhà phát triển được?
Ho ten: Nam Giang Nguyen
Dia chi: TP. HCM
Tieu de: Đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội hay TP.HCM thú vị hơn?
Đề thi văn ở TP.HCM là rất hay. Các bạn nên nhớ đây là kỳ thi tuyển nên phải phân loại và sàn lọc học sinh và có thể đánh giá thực lực cũng như tính sáng tạo trong văn học. Nếu đề thi được cho là dễ thì không cón gọi là thi tuyển nữa...
Ho ten: K.Han
Dia chi: TP.HCM
Mọi năm đề TP.HCM câu 1 lúc nào cũng cho HS chép thơ; còn năm nay lại cho ra giải thích nhan đề của 2 tác phẩm trung đại mà thầy cô trong trường không hề ôn tới. Em thấy đề thi không có gì khó ngoại trừ câu số 1 đa số các bạn đều bỏ trống và không làm được . Đề hay và lạ ??? Nhưng bao nhiêu HS làm được tròn điểm câu đó ?? 1 điểm của mônNgữ văn là hệ số 2 chứ không ít. Những ai làm đề văn TP. HCM ngay ngày thi thì mới hiểu được cảm nhận của em.
Ho ten: Friday DuKy
Dia chi: TP.HCM
Em cũng tham dự kỳ thi này. Theo em thì đề năm nay khó thật.
Nó lạ và đòi hỏi phải có vốn từ nhiều. Mặc dù nói là nằm trong chương trình SGK nhưng chỉ có mỗi "Hoàng Lê nhất thống chí" là có giải thích nhan đề, còn "Đoạn trường tân thanh" thì không có trong sách, một số thầy cô cũng đâu giải thích nhan đề đó cho tụi em nên tụi em cũng chịu. Vì thế không thể nói tụi em học tủ được. Không có trong sách thì làm sao tụi em biết được những cái đó. Đâu phải bạn nào cũng có điều kiện lên mạng, mua sách để biết thêm đâu.
Ho ten: Phương Thảo
Dia chi: THCS Ngô Tất Tố-Phú Nhuận - TP.HCM
Em là 1 HS lớp 9 vừa làm xong môn văn. Đối vớiem cũng như 1 số bạn thì đề năm nay quá khó so với những năm trước. Một số người lại bảo là đề văn không khó và khá hay. Nhưng có ai trong số đó là học sinh lớp 9 hay đơn giản là có con cháu mình đi thi vào năm nay không? Đề chỉ hay đối với những ai
"trúng tủ" hoặc những bạn thật sự giỏi, có khả năng sáng tạo. Còn đối với những học sinh học văn bình thường như em đây thì đó là "cơn ác mộng".
Ho ten: Nguyễn Tuấn Anh
Dia chi: Gia Lâm - Hà Nội
Đề thi HN năm nay khác hơn so với mọi năm trước chỉ phải viết 1đoạn văn ngắn và dễ hơn.
Ho ten: Lê Cao Trí
Dia chi: TP.HCM
Theo em thì đề ở HN dễ hơn TP.HCM . Phần lí thuyết học trong đề cương thì ở HN ra hết nhưng ở TP.HCM thì chỉ ra được phần 2 . Riêng em là thí sinh ở TP.HCM vừa mới thi xong, thì đề thi năm nay cũng thật là thú vị học sinh trung bình khá đều có thể làm được. Em nghĩ chắc mình được 6 hoặc 7 điểm.