- Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường chỉ tổ chức ôn tập hè sau ngày 10/7. Giữa tháng 6, nhiều trường đã rục rịch tổ chức sinh hoạt. “CLB hè” của Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Hà Nội) hoạt động từ tháng 3.Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP.HCM), rất đông phụ huynh mang con đến học hè ngày đầu tiên (15/6). Ở đây, có đủ các lớp bồi dưỡng hè từ lớp 1 đến lớp 5 và chủ yếu là học bán trú.
Mùa hè là mùa...đi học
Thứ 7, chủ nhật là thời gian sôi động của Trường Tiểu học Trưng Trắc (TP.HCM). Học sinh đến đây rất đông để tham dự các lớp thể dục nhịp điệu, võ thuật, tin học, bóng đá, bóng rổ…
Các lớp học này được mở khá sớm, từ ngày 1/6. Đến ngày 24/6, trường càng “sôi động” trong các ngày thường với các lớp bồi dưỡng văn hoá. Trong đó, trường vừa tổ chức dạy hè các khối, vừa tổ chức lớp bán trú 5 ngày/tuần.
Ít ai cảm nhận được mùa hè vì ở các trường, đông đúc học sinh vẫn đến học. Ảnh: Minh Quyên |
Tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, đầu háng 6 đã đông đúc học sinh với các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện tiếng Anh cho học sinh lớp 5 khảo sát vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh…
Còn tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, từ ngày 15/6, rất đông phụ huynh mang con đến học hè ngày đầu tiên. Được biết, ở đây có đủ các lớp bồi dưỡng hè từ lớp 1 đến lớp 5 và chủ yếu là học bán trú.
Chị Thanh, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 nghe lời bạn cũng mang con đến đây cho học. Lúc con gái chị vừa tan buổi học đầu, hai mẹ con ngồi kiểm tra lại bộ SGK lớp 1 mà con chị cầm trên tay.
“Mua SGK cho nó để nó học trước là vừa, nhà tôi ở tỉnh mới lên đây, không học giờ sợ không theo kịp” - chị cho biết.
Chị còn dự định cho con học lớp ôn luyện tiếng Anh để tham gia khảo sát vào lớp 1 tăng cường tiếng Anh.
Khó có thể nói đây là kỳ nghỉ hè khi buổi chiều, ở Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, phụ huynh ra vào tấp nập để chờ và đón con tan học.
Học sinh ở TP.HCM cứ đến mùa hè quen gọi “mùa hè là mùa đi học”. Bởi mùa hè vừa có học luyện thi, học hè, học thêm, học bồi dưỡng… và cả học kĩ năng sống.
“Nói là mùa hè nhưng em chưa có một ngày để nghỉ. Lịch học của em dày đặc từ sáng đến tối, từ thứ 2 đến chủ nhật” - Minh Tâm, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều than thở.
Chưa tổng kết cuối năm xong, Tâm đã phải tham dự kì thi chọn học sinh vào đội tuyển Văn của trường. Sau khi thi đậu, em lại tham gia học lớp bồi dưỡng cho đến giờ.
Tâm liệt kê thời khóa biểu của mình: Sáng 2, 4, 6, chủ nhật học lớp Lý, Hoá ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; Chiều thứ 2, thứ 4 học lớp nâng cao ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều; Sáng thứ 3, 5, 7 học môn Toán ở nhà thầy; các tối trong tuần thì đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm.
“Chương trình bồi dưỡng nâng cao ở trường sẽ kéo dài cho đến khi khai giảng luôn. Học ôn từ bây giờ chứ em nghe cô giáo nói tháng 10 mới thi chọn đội tuyển của quận” - Tâm nói thêm.
Chị Nga, phụ huynh có con học lớp 5 Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn thì cho con ôn lớp tăng cường tiếng Anh từ khá sớm. Thứ 2, 4, 6 con chị phải đi ôn, những ngày còn lại trong tuần thì cháu tự ôn tập tại nhà. “Nói thiệt, nghỉ hè nhưng nó học nhiều lắm, thời gian đâu mà đi sinh hoạt hè với giải trí nữa” - chị Nga nói.
Câu lạc bộ hè khai giảng từ... mùa xuân
Nguyễn Hoàng Công Sơn (chung cư Mỹ Đình - Sông Đà, Hà Nội) năm nay lên 6 tuổi. Em đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi "vượt rào" cùng lúc tại hai trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn và Đoàn Thị Điểm.
Để thực hiện "cú đúp" này thành công, Sơn phải học với năng suất cao độ.
Lớp học võ của Trường Tiểu học Khương Thượng. Ảnh chụp ngày 23/6/2009. |
Chưa vào lớp 1, nhưng Sơn đã học rất nhiều môn: tiếng Anh, thể dục, vẽ, và tư duy logic. Các buổi học của Sơn “đều đặn như vắt chanh” từ 7h30 sáng đến 4h chiều. Lịch học trong tuần của em đã "kín mít" từ thứ 2 đến thứ 6.
Chi phí của đợt học ở câu lạc bộ hè này của Sơn là 1.800.000 đồng, nếu đi xe bus tuyến cố định phải nộp thêm 600.000 đồng.
Chưa kể, với lần thi vào Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn, Công Sơn còn "thiệt" 2 điểm ưu tiên. Vì trường ưu ái cho các bạn học Trường Mầm non tư thục Lê Quý Đôn và ôn tập hè tại trường thi tuyển vào lớp 1 thêm 2 điểm cộng.
Anh Nguyễn Đình Hùng - ở tòa nhà CT1 chung cư Mỹ Đình - Sông Đà - nhẩm đếm số phòng dự thi vào lớp 1 của trường mà Công Sơn thi vào: “Có 25 phòng thi, mỗi phòng có 32 cháu. Kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt: 21 và 28/6”.
Ngày 25/5, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường chỉ được tổ chức ôn tập hè sau ngày 10/7 trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, giữa tháng 6, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch tổ chức sinh hoạt hè theo hình thức CLB tự nguyện với nhiều môn phong phú.
Riêng Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn phát đơn và nhập học cho các cháu 5 - 6 tuổi từ tháng 2/2009. Đến 7/3, “CLB hè” của trường đã đi vào hoạt động.
Nở rộ các lớp năng khiếu hè
Lê Minh Quân - học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Lê Văn Tám - hào hứng: “Con mới học võ được 2 buổi, chủ yếu là đấm đá, mấy buổi nữa, thầy còn cho học binh khí và cả biểu diễn võ thuật nữa”.
Hè năm nay, trường của Quân tổ chức rất nhiều lớp năng khiếu: bơi, mỹ thuật, tiếng Anh, bóng rổ, bóng bàn, cờ vua, võ thuật, đàn ooc – gan. Đặc biệt, trường phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao tổ chức lớp khiêu vũ thể thao, Aerobic, bóng đá cho học sinh.
Lớp luyện chữ 2 của Trường Tiểu học Bà Triệu chỉ có 8 học sinh. Ảnh chụp ngày 19/6/2009. |
Ngô Minh Chiến - anh trai của Ngô Thế Nam, học lớp 7, Trường THCS Khương Thượng, Hà Nội - chia sẻ: “Ngoài ưu thế giá học phí mềm 150.000 đồng/1 tháng rưỡi, Nam được học ở trường gần nhà, lại còn được giao lưu với bạn bè cùng lớp. Gia đình không đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, không quan trọng Nam học được gì, chỉ mong Nam có hoạt động ngoại khóa hè lành mạnh”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (tập thể Bưu điện Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) sau khi dự thính lớp học Aerobic ở Trường Tiểu học Khương Thượng kể lại: “Môn năng khiếu này do cô giáo trong trường dạy, nên chưa được bài bản lắm. Cô nhớ động tác nào thì cho trò tập động tác đó”.
Lý do duy nhất chị Hằng lựa chọn cho con theo học năng khiếu ở trường là để tiện đưa đón.
Còn tại Trường Tiểu học Bà Triệu, CLB tiếng Anh, Mỹ thuật và luyện chữ cũng được khai giảng từ giữa tháng 6.
Theo cô Thủy - Phó Hiệu trưởng của trường, do trong năm học số lượng học sinh quá đông, thời gian lại hạn hẹp nên khó tổ chức các lớp học năng khiếu. Do vậy, trường tổ chức các lớp hè để cung cấp cho các em nhiều hình thức học mới lạ.
Chẳng hạn như môn Mỹ thuật, học sinh được tổ chức hoạt động ngoài trời, đi thực tế để “sáng tác”. Trường còn mời giáo viên của trung tâm Anh ngữ sang dạy luyện tiếng Anh theo chủ điểm, nâng cao kỹ năng giao tiếp giúp trẻ tự tin hơn.
Cùng lúc đó, cô giáo đã đạt giải Nhất cấp thành phố về luyện chữ đẹp cũng bắt đầu các buổi học...
Những lớp học bị "rỗng"
Chị Hằng tâm sự: “Cháu thích học vẽ và cầu lông, nhưng tôi không đồng ý. Học cầu lông sợ cháu mất sức, học thêm vẽ nữa thì sợ cháu quá tải. Tôi khuyên cháu học Aerobic để cháu hòa đồng và nhanh nhẹn hơn”.
“Lớp Aerobic hè của cháu khai giảng từ 9/6, nhưng chỉ có 4-5 cháu học. Cô giáo vẫn duy trì lớp đợi các cháu khác đã đăng ký học đi tắm biển về” - chị cho biết thêm.
CLB hè của Trường Tiểu học Bà Triệu cũng lâm vào cảnh “rỗng” lớp học tương tự.
Còn lớp luyện chữ 2 của Vũ Thanh Tùng - học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội - có khoảng 20 học sinh đăng ký. Nhưng đến giờ học, lớp có lác đác 7, 8 em. Trong khi đó, học phí khá “mềm”, chỉ 10.000 đồng/ buổi kéo dài 1 giờ rưỡi.
Ngày 17/6, Tùng bắt đầu buổi học đầu tiên ở CLB luyện chữ. Buổi học thứ 2, ông nội đưa Tùng đi từ 9h15, Tùng phải chờ thêm nửa tiếng mới bắt đầu học. Đến giờ học, cô giáo yêu cầu các con chờ 15 phút để “đợi các bạn đến thêm”.
“Nhiều em đi nghỉ hè nên chưa về kịp để theo học” - Cô Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu cho biết.
Tiến sỹ Tâm lý học Đào Lan Hương - Giảng viên khoa Quản lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội: Không nên ép trẻ vào guồng học nặng từ trong hè Hè là thời điểm thích hợp để các con bù đắp lỗ hổng kiến thức trong năm học. Vì tiến độ học trong năm không thể dừng lại được và các bộ môn khác nhiều. Phụ huynh liên hệ với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm được tình hình học tập cụ thể của con cái. Đồng thời, nên ngồi lại bàn với trẻ xem trẻ lo lắng nhất ở môn học nào, trẻ có nhu cầu muốn bổ trợ kiến thức gì. Bố mẹ phải định mức được lỗ hổng kiến thức, cũng như nhu cầu học tập của trẻ, từ đó hoạch định một chương trình học tập hè phù hợp và sát nhất với nguyện vọng của trẻ. Song song, các phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến của thầy cô giỏi có chuyên môn và kinh nghiệm. Nên đưa con vào học ở nhóm có cùng mức nhận thức. Mọi kế hoạch phải được trẻ thống nhất, chỉ khi đó, trẻ mới thực hiện một cách tự giác và hứng thú nhất. Trẻ sẽ tiến bộ từng bước và tiến đến mặt bằng mà phụ huynh ao ước. Bố mẹ phải phân bổ lịch học dần đều cho con trong kỳ nghỉ hè, không nên để trẻ xả hơi trong một thời gian ngắn, rồi lại ép trẻ vào guồng học tập nặng ngay từ trong hè. |
-
Lưu Vân - Minh Quyên