221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1218164
“Thật xót xa cho kỳ nghỉ hè của học sinh Việt Nam”
0
Article
null
“Thật xót xa cho kỳ nghỉ hè của học sinh Việt Nam”
,

 - “Chúng ta có sai lầm khi biến kỳ nghỉ hè thành kỳ học thứ ba của con cái mình?”-Tiến sĩ tâm lý học lứa tuổi trẻ em Nguyễn Lệ Hằng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghi ngại khi chia sẻ cùng VietNamNet về câu chuyện mùa hè của học sinh Việt Nam.      

Cảm xúc không thể “ăn đong” theo mùa

TS Lệ Hằng và con gái
Phóng viên: Những năm gần đây, kỳ nghỉ hè của các em học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh ở thành phố, đã trở thành "kỳ học thứ 3". Dưới góc độ là một nhà khoa học nghiên cứu về tâm lý giáo dục trẻ em, chị nghĩ sao về hiện tượng này?

 TS Nguyễn Lệ Hằng: Tôi cảm thấy rất thương và xót xa cho trẻ em Việt Nam.

Mùa hè của thế hệ chúng tôi rất sung sướng vì hoàn toàn không phải đến trường và được chơi rất nhiều. Sau này, những ký ức đẹp nhất đọng lại chính là những kỷ niệm ở vùng nông thôn được sống với thiên nhiên. 

Phụ huynh ngày nay thường nghĩ, vào mùa hè, chỉ cần cho con cái đi nghỉ một vài ngày ở biển hoặc núi là ổn rồi. 

Nhưng một vài ngày không thể tạo nên một ký ức sâu sắc. Thời gian của tuổi thơ trôi đi rất nhanh mà trẻ em không có ký ức về thiên nhiên thì phần nhân bản trong con người sẽ phát triển khó khăn.  

Tôi nghĩ, hầu hết các bậc cha mẹ biết và hiểu điều đó, nhưng vì mưu sinh, không thể bỏ nhiều thời gian để “theo” con suốt mấy tháng hè.  

Thứ đến là sức ép học đường đè nặng lên vai con trẻ và cả bố mẹ dường như không ngơi nghỉ. Chính những sức ép này đặt bố mẹ và con trẻ trong một cuộc đua.  

Không “ép” con trẻ đi học thêm văn hóa thì các bậc cha mẹ lại đăng ký cho con cái đi học những lớp năng khiếu múa, nhạc, họa, hát rồi giao tiếp ứng xử, thuyết trình, khám phá nội tâm, yoga… Phải chăng đó cũng là một cách tạo cho con cái một mùa hè hữu ích?  

Phụ huynh thường chỉ nghĩ tới điều mà con họ SẼ LÀ, hơn là cóp nhặt từng ngày, từng giờ hiện tại cho những cái mà con họ ĐANG LÀ.

Bản thân đứa trẻ khi đặt ngón tay chơi trên một phím đàn thì phải cảm nhận những âm thanh đó tương đương với những âm thanh nào ngoài cuộc sống hoặc nếu vẽ một bức tranh đẹp thì phải được trải nghiệm từ thế giới sinh vật về màu sắc, hình dáng, tính thích nghi, sự hợp lý trong cấu trúc.

Muốn làm được tất cả những điều này thì đứa trẻ phải có một nền tảng về cảm xúc, mà cảm xúc thì không thể học “ăn đong” theo mùa như thế được. 

 

“Nào mình cùng đu dây nhé” – Ngoài trò tắm suối vầy nhau, các em nhỏ ở bản Nhạp, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, Hòa Bình cũng rất khoái trò đu dây. (Chụp tại trường tiểu học Đồng Chum B).

Cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn đưa con cái về quê nghỉ hè cùng ông bà hoặc xin nghỉ làm đưa con cái đi về vùng nông thôn, ngoại ô khám phá tự nhiên nhưng có nhiều cháu lại không thích, thậm chí bị sốc với cuộc sống đó?

Đó là điều đương nhiên vì xuất phát từ thói quen mà thói quen là những thứ rất khó chữa, thói quen lập trình ở tuổi thơ lại càng khó hơn.

Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên và đi học, suốt ngày ngồi quanh bốn bức tường, không tường nhà thì là tường trường học, trước mắt nó không là ti vi thì sẽ là máy tính hoặc cái bảng.

Cứ liên tục, liên tục như thế và sẽ đến lúc nào đó, nó sẽ không còn cảm xúc ở ngoài bốn bức tường đó nữa và cũng không có nhu cầu khám phá thế giới bên ngoài bức tường ấy.

Và đến một lúc nào đó, việc gia đình có một trang trại trở nên thừa thãi vì đứa trẻ không có nhu cầu.

Nếu muốn tìm hiểu tự nhiên ư? Chỉ cần bật máy tính hay ti vi xem thế giới tự nhiên qua Discovery.

Chúng ta đang rất lầm tưởng việc cảm nhận thiên nhiên qua màn hình với việc cảm nhận thiên nhiên bằng cả năm giác quan khi từng tế bào của cơ thể có thể thụ hưởng được sự chuyển màu của một cái cây, hướng bay của một làn gió, quá trình lột xác của một con bọ ngựa…  

Sống với thiên nhiên là con đường nhân bản 

Vì sao việc cho trẻ em tiếp xúc với thiên nhiên lại là một trong những nguyên tắc giáo dục quan trọng như vậy?

Trong sự phát triển của trẻ em về mặt tâm lý thì thiên nhiên là người thầy vô hình quan trọng nhất.

Điều mà tôi có thể tự hào một chút là đã coi thiên nhiên như một nguồn lực để dạy hai đứa con và thực lòng có kết quả rất tốt.

Khi đứa trẻ có nhiều ngày được sống với thiên nhiên, để đời sống của đất, của nước,  của châu chấu cào cào đi vào trong tâm trí một cách vô thức thì đó là con đường hết sức nhân bản.

Con gái tôi đã rất ngạc nhiên khi cháu theo dõi quá trình lột xác của một con bọ ngựa và cháu cũng rất đau khổ khi con vật mình nuôi bị chết. Khi biết đồng cảm với những sinh linh bé nhỏ thì chúng sẽ biết yêu thương và quí trọng đồng loại xung quanh mình.

Với những đứa trẻ không được trải nghiệm điều đó thì cảm giác dửng dưng sẽ dễ phát triển thành một thói quen vô cảm.

 

Háo hức với trò đánh quay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với những gia đình không có điều kiện thì có những kinh nghiệm gì có thể đưa con cái họ đến với con đường nhân bản này?

Họ có thể mang cây vào và tự gieo trồng, chăm sóc.

Mỗi cuối tuần, họ có thể đem con đến công viên hoặc vùng ngoại ô để cho chúng nghe được những tiếng chim, tiếng gió thổi, ngửi hương thơm của các loại hoa, khám phá hương vị của các loài cỏ dại, cho chúng chạm tay vào những vỏ cây xù xì, thô ráp hay tìm hiểu về đời sống của các con côn trùng trong bãi cỏ, các con thú trong vườn thú…

 Muốn giáo dục con cái theo một con đường nhân bản không hề khó, vấn đề là các bậc cha mẹ dành bao nhiêu thời gian để làm điều đó và thực hiện chúng vào thời điểm nào?  

Nhưng dường như việc kiếm tiền, mua nhà, sắm ô tô, tạo dựng một đời sống vật chất sung túc... chiếm toàn bộ thời gian sống của các bậc cha mẹ?

Những ngôi nhà, những chiếc ô tô, hay tiền thì có  thể thay đổi nhưng con cái là tài sản vĩnh viễn. Vậy tại sao, chúng ta không dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất rồi tặng tuyệt phẩm đó cho cuộc đời?

Nếu là cha mẹ của một đứa trẻ 1 tuổi thì cũng phải học làm cha mẹ của một đứa trẻ 1 tuổi, làm cha mẹ của một người lớn 30 tuổi thì cũng phải học làm cha mẹ của người lớn 30 tuổi. Nhưng các bậc cha mẹ VN không có thói quen đó.

Nhiều người nghĩ rằng cha mẹ là quyền lực đối với con cái và con cái chính là tài sản sở hữu nên thường bắt con cái phải làm thế này, thế kia, hoặc theo cách hay, cách khác một cách áp đặt.

 Nhiều lúc tôi thường tự hỏi, mỗi ngày các bậc cha mẹ dành cho con cái bao nhiêu thời gian và họ thường nói với con cái mình những câu chuyện gì?  

 

Nguồn ảnh: bansacvietnam.ogr

Có những bậc cha mẹ sẽ không nghĩ như vậy. Họ nghĩ rằng họ đã lao vào mưu sinh vất vả như thế là để cho con một đời sống đầy đủ, là sự bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi mà họ đã phải gánh chịu. Đó cũng là một lý‎ do chính đáng và có thể chấp nhận?

Đó chỉ là một cuộc sống sung sướng trong một hoàn cảnh thiệt thòi. Sung sướng về vật chất nhưng thiệt thòi, bất hạnh về mặt tinh thần.

Nếu quan sát bạn sẽ thấy hầu như các gia đình từ thành phố đến nông thôn hiện nay đều ăn cơm với một chiếc ti vi.

Mồm ăn, mắt nhìn dường như để đỡ phải nói chuyện với nhau. Ăn cơm xong thì con cái ở rịt trong phòng với thế giới riêng của nó.

Và vô hình trung, những việc mà chúng ta đang coi là bình thường đang biến ngôi nhà chúng ta đang ở trở thành một chỗ trọ, con cái và cha mẹ là khách trọ, lúc nào cũng phải đoán ý nhau để sống.

Theo tôi, lỗi này trước hết thuộc về bố mẹ, vì đáng ra cha mẹ phải là những người mở lòng trước tiên, phải học cách lắng nghe và trưởng thành cùng với sự trưởng thành của con cái.

Với các bậc cha mẹ phương Tây, họ rất đắn đo khi đẻ một đứa trẻ vì kèm theo đó là một gánh nặng các trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành một công dân tốt.

Nhưng ở VN, tôi thấy quan niệm về con cái dường như còn đơn giản khi có những người vẫn nghĩ đẻ con như một cách để duy trì nòi giống, rồi là chỗ dựa lúc về già.

Cả nhà trường, gia đình và xã hội đang bắt những đứa trẻ đi vào con đường mà khi đi ra sẽ là con người đúng như bộ mặt của nhà trường, gia đình, xã hội đó.

Xây một ngôi nhà vô cùng khó khăn thì xây con người còn gấp vạn lần khó khăn hơn. Ngôi nhà đẹp mà đứa con hư thì chẳng có ‎nghĩa gì nữa. Còn nếu chúng ta có những đứa con ĐẸP thì ở trong nhà mái tranh cũng thấy đẹp, đó chính là tầm nhìn của chúng ta trong quá trình nuôi dạy con cái.  

Tôi muốn con mình có cảm giác chông chênh

Nhưng liệu rằng việc chúng ta xây dựng cho con cái một thế giới tốt đẹp của thiên nhiên, cổ tích, thần thoại cũng là một kiểu “bao bọc”? Đứa trẻ liệu có thể chấp nhận thế giới trần tục với những thách thức không hề có trong thế giới “cổ tích” mà chúng mường tượng trong đầu mình?

Tất cả những sự chán chường, thất vọng cũng cần được học. Đứa trẻ nên được trải qua những cảm nhận này thì sẽ trở thành những con người sâu sắc.

Là một người nghiên cứu về tâm lý trẻ em lâu năm, tôi nhận thấy những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh bất công, gia cảnh trục trặc… thì dấu ấn tuổi thơ rất nặng nề và khi lớn lên, chúng trưởng thành THƠM CHÍN rất khó khăn.

Và nếu không may mắn được xã hội đón đỡ thì chúng sẽ trở nên khép kín và đầy định kiến. Cũng không loại trừ khả năng chúng trở lại hành hạ chính bản thân và những người khác.

Còn đứa trẻ sống trong một thế giới đẹp có dấu ấn tuổi thơ tốt thì chúng dễ dàng đứng dậy sau sự thất bại hơn. Nó sẽ cư xử với người khác giống như dấu ấn tuổi thơ mà nó có nên chúng ta không quá ngại khi cho con cái sống trong một thế giới đẹp của lòng nhân bản và sự hài hòa.

Bản thân sự vấp ngã sẽ làm cho con người trở nên sâu sắc hơn và biết trân trọng những giá trị mà nó có.

Vì sao tôi cho con mình tiếp xúc với thiên nhiên từ thủa còn thơ bởi qua đó cháu sẽ học được những trải nghiệm mất mát, và đến khi gặp những thất bại trong cuộc đời mình cháu sẽ có một kháng thể tốt để có thể nhanh chóng tự vực mình dậy sau những vấp ngã.  

 

Nô đùa với cỏ. Nguồn ảnh: bansacvietnam.ogr

Để con cái có đủ bản lĩnh và có thể dũng cảm đối mặt với một thế giới nhiều thay đổi nhưng cũng chứa đựng nhiều bất trắc như hiện nay, bố mẹ cần chuẩn bị cho chúng những điều gì?  

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có hai thứ tôi rất muốn dạy cho con cái mình.

Đó là khả năng chấp nhận và khả năng thích ứng. Thế giới này đang thay đổi rất nhanh về mặt kỹ thuật và công nghệ. Kéo theo đó là sự biến đổi về đời sống xã hội.

Khi đứa trẻ được dạy khả năng thích ứng thì những thay đổi sẽ không làm cho nó hoảng hốt và nó sẽ nhanh chóng chấp nhận những khác biệt và thách thức của thế giới.

Những trải nghiệm về việc nuôi dạy con của tôi cho thấy việc dạy cho con trẻ một tấm lòng cởi mở với một thái độ thân thiện trên một vài nguyên tắc chuẩn mực về lễ giáo là cuộc cam go khó khăn và không loại trừ khả năng trong cuộc cam go đó, bố mẹ phải thay đổi và  chấp nhận hy sinh một vài thói quen của chính mình.

Về cơ bản là con người là định kiến vì thế, chấp nhận nhau là một cuộc đấu tranh với người khác và với chính mình, thậm chí cho đến khi mình nhắm mắt.

Còn một điều nữa tôi cũng rất muốn chúng học được đó là cảm giác chông chênh, liệu có phải lúc nào mình cũng đúng không?

Nếu có cảm giác này thì chúng sẽ trở thành người trưởng thành cho đến cuối cuộc đời. Còn nếu chúng luôn cảm thấy mình đúng tuyệt đối, cho là mình giỏi, lúc nào cũng tự tin thái quá về điều đó thì mãi mãi chúng chỉ là một đứa trẻ ở tuổi 17 không thể thơm chín đúng thì, đúng lúc trong từng giai đoạn tuổi mà mỗi đời người sẽ phải trải qua.

Chị có thể chia sẻ gì từ kinh nghiệm của bản thân về những cách tạo cho con cái một kỳ nghỉ thú vị?

Câu hỏi này tôi nghĩ sẽ không được thông thường với gia đình tôi vì các cháu luôn học và “nghỉ hè” xen kẽ nhau trong suốt thời gian một năm.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, tôi vẫn có ảo tưởng mong ước một ngày nào đó thật gần sẽ có các tổ chức giáo dục tin cậy tổ chức được những trại hè dài ngày cho các cháu được khám phá thiên nhiên và cộng đồng dân cư một cách tích cực.

Đó cũng là một mơ ước của con gái tôi đang là 14 tuổi.

Xin cảm ơn chị!

  • Sơn Khê (thực hiện)

 

Bài văn của em Lệ Thi - con gái TS Lệ Hằng viết về ước mơ của em trong kỳ nghỉ hè năm em 11 tuổi:

Các bạn đã bao giờ tự hỏi rằng ước mơ của mình có thể trở thành hiện thực được hay không? Câu hỏi đó rất khó để trả lời các bạn ạ. Khi các bạn theo đuổi ước mơ của mình thì các bạn có bao giờ nghĩ rằng mình phải làm một việc gì đó để ước mơ của mình có thể trở thành hiên thực không?

Tôi cũng đang tự hỏi mình câu hỏi đó. Sẽ có một lúc nào đó mà các bạn không thể hoàn thành trọn vẹn ước mơ của mình vì tuổi già và các bạn biết rằng mình sắp phải ra đi thì tôi nghĩ rằng các bạn nên mang theo ước mơ của mình để thực hiện nó nốt ở bên kia thế giới. Tôi nghĩ rằng một khi giấc mơ mình đã theo đuổi thì mình sẽ theo đuổi nó cho đến cùng, kể cả các bạn có ra đi hay không. Ước mơ của tôi là :

- Làm một nhà designer thiết kế quần áo cho vật nuôi (có thể đặt)

- Làm bác sĩ thú y

- Làm khách sạn cho thú vật

- Làm chỗ ở cho những con vật hoang dã bị thương hoặc bị bỏ rơi.

- Làm vườn thú với thiết kế giống như thật để thích nghi với chúng, có dịch vụ đưa khách du lịch đi cho ăn những con vật hoang dã bị bỏ rơi với nội quy nhất định.

Tôi đã tự hứa với mình rằng sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ đó vì tôi là một người rất thương và yêu thú vật. Tất cả những gì liên quan đến việc bảo vệ sự sống hoặc làm chúng hạnh phúc và khoẻ mạnh thì đó chính là ước mơ của tôi.

Mỗi người đều có một ước mơ để cho mình theo đuổi nhưng một lúc nào đó họ lại thấy chán nản với công việc mình đang làm vì vấp phải một khó khăn nào đó, rồi họ bỏ luôn ước mơ của mình. Đến cuối cuộc đời họ nhận thấy rằng thật hối hận vì đã không làm trọn vẹn ước mơ của mình.

Còn có những người thì lại quý trọng ước mơ của mình vì họ thấy rằng nó rất có giúp đỡ trong đời sống con người. Đến lúc về già thì họ thấy rằng ước mơ của mình và cuộc hành trình thực hiện nó thật đáng vui vẻ. Họ sẽ không bị dằn vặt vì không làm được ước mơ của mình. Mà cuộc sống vẫn tiếp diễn với họ thật là hạnh phúc.

Nói chung, nếu bạn tận tuỵ và luôn luôn quý trọng ước mơ của mình thì tất rằng ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực. Và đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi:

ƯỚC MƠ CÓ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC ĐƯỢC HAY KHÔNG?

 

*****************************************

Ý kiến bạn đọc

kHo ten: Nguyễn Hoàng Minh
Dia chi: Nam Định

Thưa TS Hằng, tôi xin đồng ý với TS về mọi điều mà TS đã đưa ra, ngay cả với bản thân tôi, là một thanh niên đang trưởng thành ở thành phố nhưng tôi thấy thật sung sướng và tự hào khi biết rằng mình đã và đang có những ngày hè thật bổ ích cho chính bản thân mình ngay từ khi bé cho đến bây giờ.

Tôi cũng như mọi em nhỏ bây giờ ở thành phố, tính tự kỷ rất cao, tìm hiểu mọi điều mọi vấn đề thông qua truyền hình, internet nhưng tôi đã được uốn nắn ngay từ nhỏ bởi gia đình tôi, bố mẹ tôi đã dạy cho tôi luôn biết cách sinh hoạt cộng đồng, luôn gần gũi với thiên nhiên thông qua những suy nghĩ nhớ về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Cũng đã trải qua giai đoạn ghét về quê nên tôi cũng hiểu một phần tâm lý trẻ nhỏ bây giờ, ghét về quê vì buồn, vì không có điện, vì bẩn, vì nhiều muỗi và nhiều ruồi...ghét đi sinh hoạt cộng đồng vì ngại, vì sợ thua bạn khác, vì ích kỷ...ghét đi học thêm vì đã phải học quá nhiều, vì mệt mỏi, vì căng thẳng...mà chính các em cũng không biết mà chỉ biết nói là ghét những điều đó và rất nhiều lí do linh tinh để trốn không phải về quê với bố mẹ mình, để không phải đi học hè nhưng nếu các bậc phụ huynh biết cách nói chuyện với con nhỏ bằng những lời nói khuyên răn, chỉ bảo nhẹ nhàng thì chuyện kỳ nghỉ hè của học sinh và các em nhỏ Việt Nam trở nên bổ ích hơn rất nhiều.

Thay cho lịch học dày đặc thì tôi mong các vị phụ huynh hãy bỏ ra chút thời gian đưa các em đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, mang tính cộng đồng cao, có như thế mới thực sự là điều tốt cho các em.

Có đi thì mới có khám phá và trải nghiệm, chính các vị phụ huynh là người biết rõ nhất điều này
hơn các em, và hãy đảm bảo cho các em môi trường tự nhiên và đừng ép buộc hay gò bó.

Khi mọi người đọc ý kiến của tôi cũng xin mọi người đừng nói là xã hội hay nhà trường phải làm gì. Làm gì để các em nhỏ có kỳ nghỉ hè thật sự là do chính các bậc làm cha làm mẹ với con cái của mình, chứ không phải do ai khác...đừng trách xã hội hay nhà trường mà hãy nhìn bản thân mình trước.

Nhà trường là nơi học tập, xã hội là môi trường rèn luyện còn việc các em học tập, lớn lên và trưởng thành đều do chính các bậc phụ huynh uốn nắn các em đó. Đừng để công việc, tiền tài làm ảnh hưởng đến các em. Điều mà học sinh Việt Nam cần là chủ động suy nghĩ về một vấn đề để sáng tạo ra câu trả lời chứ không phải là thụ động để người khác khơi ra vấn đề rồi mới trả lời theo một đáp án sẵn có.

Ho ten: Micheal Tran
Dia chi: Germany
Tieu de: Không nên hạ thấp các bậc cha mẹ ở VN

Ý kiến của TS cho rằng: "Với các bậc cha mẹ phương Tây, họ rất đắn đo khi đẻ một đứa trẻ vì kèm theo đó là một gánh nặng các trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành một công dân tốt" thì tôi không đồng tình. Tôi sống ở Đức nơi mà số thanh niên Đức trong tuổi lao động của ngày càng giảm.

Tôi đã hỏi nhiều đồng nghiệp, bạn bè thì cho thấy phần lớn họ không thích sinh con vì những lý do rất không đâu như: chi phí nuôi con cao, quần áo trẻ con quá đắt so với người lớn, mất tự do, không tận hưởng được các chuyến du lịch... Nếu bạn có sang du lịch 1 lần ở Đức bạn sẽ ngạc nhiên là số lần gặp trẻ sơ sinh ngoài đường phố, bến tàu, ga điện rất nhiều. Nhưng đó phần lớn là dân nhập cư vì điều kiện và phúc lợi của xã hội Đức trong việc khuyến khích sinh con rất tốt. Nhưng lại chính người Đức lại không thích sinh con mà chủ yếu là dân nhập cư. Một bộ phận thanh niên Đức họ có cũng có những suy nghĩ tôi cảm tưởng rất ích kỷ.

Vì sao lại như thế? Khi thanh niên bắt đầu 18 tuổi, họ thích cuộc sống tự lập vì nếu không, sẽ bị bạn bè chê cười và dần dần việc học, công việc mới làm họ càng rời xa gia đình, càng về sau thì cha mẹ con cái càng ít có sự gắn bó. Nhưng hiện nay, cũng có 1 bộ phận bạn trẻ đang dần có xu hướng sống cùng cha mẹ. Khi mà kinh
tế toàn cầu luôn trong mức báo động thì hành động này được xem là sự lựa chọn cho giải pháp tiết kiệm chi tiêu.

Tôi thấy rất tự hào và rất thích tình cảm gắn bó gia đình qua các thế hệ ở VN nói chung, giữa cha mẹ con cái nói riêng của chúng ta. Ở nước ngoài, điều kiện xã hội rất tốt để trẻ con phát triển. Tốt đến nỗi, nếu bạn làm cha mẹ không tốt thì xã hội sẽ tước quyền làm cha mẹ của bạn.

Đẻ con như một cách để duy trì nòi giống, rồi là chỗ dựa lúc về già“ tôi nghĩ đó là lý do chính đáng của con người nhưng cũng phải nói làm cha mẹ ai cũng muốn con mình học giỏi thành tài, là người có ích trước hết cho gia đình và sau đó có thể cho xã hội.

Các bậc cha mẹ hiên nay ở VN mà tôi biết hiện nay ai cũng rất lo cho con cái việc học hành nhưng chính áp lực cuộc sống công việc trong xã hội đang phát triển như VN nên vô tình làm cho cuộc sống ngày thêm căng thẳng, cha mẹ ít thời gian để đi chơi cùng con cái, tận hưởng cuộc sống thiên nhiên.

Tôi tin chắc họ cũng muốn con mình được sống và học tập vui chơi trong điều kiện tốt nhất.

Ho ten: Thành Dương
Dia chi: Bưởi, Hà Nội
Tieu de: Cả cộng đồng cùng "ăn cướp" tuổi thơ của trẻ?

 Các ý kiến của TS Hằng đều rất xác đáng, trẻ con cần được giáo dục về thể chất, tâm hồn, niềm tin chứ không phải hàng núi kiến thức từ cổ chí kim mà con người đã tạo ra từ trước tới giờ.

Không ai có thể học hết kiến thức của nhân loại cả. Các nhà giáo dục Việt Nam là những người tiên phong trong việc cướp đi tuổi thơ của trẻ vì đang dồn các chương trình học từ lớp trên xuống lớp dưới, đại học xuống phổ thông và rất nhiều, rất nhiều thứ làm cho con trẻ không còn thời gian để cảm nhận thứ gì khác.

Đối tượng thứ hai là các bậc phụ huynh tiếp tục mong muốn con mình "thành tài" nên ép buộc các cháu học từ sớm, học thật giỏi. Cách đây vài ngày, có một loạt bài kêu ca về việc cho trẻ học viết trước khi đi học, tôi cũng là một người không cho cháu học viết trước khi đến trường. Kết quả là cô giáo dạy theo trình độ chung của cả lớp, con tôi thì từ một đứa trẻ tự tin, nhanh nhẹn biến thành một đứa bé nhút nhát, ngại học vì cháu không theo kịp các bạn trong lớp khi chép bài. Mà lớp một thì mọi vấn đề, môn học đều liên quan đến tốc độ viết.

Cuộc sống đô thị chen chúc, chật trội và quá nhiều rủi ro cho một đứa trẻ nên cha mẹ không còn cách nào khác phải gửi con đến các lớp học hè, những mong các cháu có cơ hội vận động (hơn là ngồi ỳ ở nhà xem tivi hoặc vào máy tính).

Con tôi là một đứa trẻ hiếu động nhưng cũng chỉ có một ngõ rộng 3 mét, dài khoảng 25 mét (là đường đi chung của cả xóm) để cháu đạp xe đi, đạp xe lại hàng chục lần mỗi khi chiều tối mịt. Khi có dịp đi công tác nước ngoài, nhìn những khu vực công cộng rộng rãi dành cho người đi bộ và vui chơi cộng đồng tôi muốn khóc khi nghĩ về con mình.

Tôi đã từng nêu ý kiến của mình ở đâu đó xin được nhắc lại, với con trẻ cần nhất là sức khoẻ, tình yêu thương đồng loại, cách sống và chia sẻ với đồng loại, nguyên tắc có lao động là có ăn còn kiến thức thì tự chúng phải tìm hiểu lấy khi cần thiết.

Tôi cho rằng đó mới là sự phát triển bền vững đối với cả cộng đồng, nguồn gốc của mọi sự giáo dục.

Ho ten: Trần Nguyên
Dia chi: 82/58 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM
Tieu de: Nên tham khảo Lịch học của các nước tiên tiến

Theo thiển ý của tôi, các cơ quan quản lý về Giáo dục đào tạo nên tham khảo Lịch học (Term Dates)của một số nước tiên tiến và ngay trong khu vực. Hiện nay, việc sắp xếp cho học sinh phổ thông các cấp học 2 Học kỳ (term) và nghỉ Hè tới 3 tháng rất phản khoa học và bất tiện - các Trường biến kỳ nghỉ Hè của các cháu thành một "Học kỳ 3" dù có một số lợi ích trước mắt song về lâu dài òoàn toàn không ổn.

Mà cũng không cần phải tham khảo đâu xa, Chương trình học chia thành 3 Học kỳ và nghỉ giữa Học kỳ, nghỉ giữa các Học kỳ và nghỉ Hè (dài nhất trong năm
học) của các Trường dân lập quốc tế theo Chương trình nước ngoài (Anh, Mỹ, Úc...)ở Việt Nam là một ví dụ trực quan...

Vấn đề, theo tôi, nằm ở chỗ các cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo có muốn tham khảo, học hỏi và thay đổi?

Câu chuyện về những tồn tại trong vấn đề dạy - học hiện nay đã quá nhiều và đâu phải chúng ta mới nói đến? Và một mình ông Bộ trưởng sẽ chẳng giải quyết nổi, nếu không có sự đồng lòng tham mưu - triển khai từ các cơ quan chức năng ngành.

Ho ten: Minh
Dia chi: Hà Nội
Noi dung: Gửi TS Nguyễn Lệ Hằng

Về điều cô muốn con gái mình có là "sự chông chênh" Cháu chưa rõ lắm. Có phải sự chông chênh ở đây sẽ giúp con người ta luôn phấn đấu để hoàn thiện mình, luôn biết rằng những điều mình học là chưa đủ, vì thế sẽ biết lắng nghe và đồng cảm với người khác?

Và còn ước mơ của em Lệ Thi làm cho cháu nhớ lại quãng thời gian không có ước mơ hồi bé, giờ nhớ lại cháu chẳng có gì hay ho để kể. Về quê ư, bố mẹ cháu sợ con cái khổ nên rất ít cho về. Ai biết được thế lại là khổ con hơn đâu. Cháu cũng nhớ cháu chẳng bao giờ thích học, chỉ nhớ những cảm giác về cái giấy khen về thành tích, cứ như là cả năm qua mình cố gắng vì nó, và nó là thước đó cho chính con người mình vậy


Ho ten: Cao Văn Tuấn
Dia chi: Hải Châu - Đà Nẵng
Tieu de: Thưa tiến sỹ - vui lòng cho giải pháp đi

Những bài viết kiểu như thế này, chúng tôi, các bậc làm cha mẹ cũng được đọc nhiều lắm rồi. Chúng tôi cũng có một tuổi thơ như của tiến sỹ, nhưng bây giờ, con cái chúng tôi, sống trong các thành phố thì biết làm sao đây.

Chúng tôi cũng biết, bắt các cháu đi học là nhồi nhét, làm mất đi những trò vui chơi hồn nhiên con tre, v.v và v.v. Nhưng thử hỏi, bố mẹ thì đi làm cả ngày, để con ở nhà 1 mình thì có yên tâm không? Nếu thả ra, đi chơi lêu lổng, có mấy đồng lại chui vào chơi game online. Ngoài ra, bây giờ đâu phải ai cũng có quê mà về, ở TP.HCM, Đà Nẵng mà quê ở Thanh Hóa, Ninh Bình, ở đó cũng chỉ có họ hàng xa, thì làm sao dám cho về ... có nhiều lí do lắm Tiến sỹ ơi.

Tựu chung lại, Tiến sỹ và xã hội có cách nào thì làm ơn bày cho chúng tôi, còn dạng bài viết như thế này, có rất nhiều rồi, và chúng tôi cũng thấm thía rồi, vấn đề bây giờ là phải làm sao?!

Ho ten: Nguyễn Thái Bổn
Dia chi: Phan Thiết
Tieu de: Làm gì có chỗ cho trẻ nhỏ chơi hè!

Đọc những chia sẻ của chị Hằng, do người lớn chúng ta cả nên đã "cướp mất" những khoảng đất trống. Thử tìm ở  thành phố một khoảng đất trống cho trẻ em nô đùa, chơi những trò chơi dân gian có dễ không? Trong công viên cũng bị băm nát, có chút khoảng trống thì các quản lý tìm cách kiếm tiền. Ngay quê tôi, vốn là vùng biển, nhưng tìm đường ra biển chơi lại rất khó khăn, vì các resort đã giành hết biển, cát trắng bờ biển thì càng ngày càng mất do xâm thực hằng năm. Bên cạnh đó bờ biển dơ hoặc nước biển không sạch do ô nhiễm cũng cản trở rất lớn khả năng đến thiên nhiên của bọn trẻ. Thôi thì cho con nghỉ hè trước Tivi hoặc trước Computer vậy. Có còn lựa chọn nào nữa đâu?

Ho ten: Phạm Thị Ngọc Trâm
Dia chi: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh 1 Đống Đa, Hà Nội
Tieu de: Nuôi dưỡng lòng yêu học tập của trẻ

Biết điều này từ khi còn mang thai cô con gái nay đã 18 tuổi, tôi chưa bao giờ ép buộc con gái mình học hành, cuối cùng cháu bảo: mẹ ơi, lớp con chỉ còn duy nhất mình con là còn không bị không thích học, các bạn ở lớp con ai cũng chán học vì bị bố mẹ luôn bắt học...Tôi lụôn tìm đủ mọi cách để rủ con gái tôi đi chơi và ra ngoài thiên nhiên...
 

Ho ten: Trần Phong Phú
Dia chi: TP.Hồ Chí Minh
Tieu de: Những chia sẻ có trách nhiệm và tình thương

Thật tuyệt vời khi TS chia sẻ điều này. Hi vọng, các bậc làm cha mẹ sẽ đọc nó và suy nghĩ. Điều gì mới thật sự là tốt nhất cho con trẻ. Bởi đọc bài viết, thấy có nhiều người vẫn còn có quá nhiều quan niệm sai lầm.

+ Tuổi thơ cổ tích sẽ tạo ra cho con trẻ khả năng yếu đuối trước cuộc đời trần trụi. Điều này nghe hợp lý nhưng chưa bao giờ là đúng cả.

+ Con cái không thích ở quê cùng ông bà. Chúng chỉ cần có ít thời gian để thấy rằng chúng cần phải suy nghĩ lại... Nhưng bản thân vấn đề này lại thuộc về lỗi của các bậc làm cha mẹ. Thử nghĩ, một đứa trẻ sống ở thành phố giàu có, về quê với ông bà, ông bà có phải nuông chiều nó, có dám cho nó ra chơi cùng với lũ bạn bè, ra sông bơi lội, lang thang lên núi không? Rõ chán.

Ho ten: Đào Duy Tùng
Dia chi: Việt Trì - Phú Thọ
Tieu de: Học kì 3

Chính việc bỏ thi ĐH sẽ lại càng dẫn đến 1 hậu quả nghiêm trọng hơn là học sinh phải thêm học kì 3. Không những không loại bỏ được lò luyện thi mà còn tăng thêm lò. Giờ đây thì lớp 11 đã phải vào lò.

Ho ten: Jon
Dia chi: Hạ Long
Tieu de: Ước mơ của trẻ

Tôi có cảm giác bài văn của con chị Hằng rất lạ, xa lạ. Nó mềm mại kiểu trẻ thơ nhưng cũng pha trộn chất khúc triết, già dặn của người lớn.

Cũng thấy thật xa lạ, khi trong ước mơ của mình, cô bé Việt Nam 11 tuổi không có chút xíu nào dành cho bà, cho mẹ. Ừ, thì đó là ước mơ. Nhưng mà sao lắc lơ thế nhỉ.

Ho ten: Duong Thanh Van
Dia chi: Ha Noi
Tieu de: Chờ đến tháng mười

Tôi cũng đồng ý với chị Lệ Hằng là "Thật xót xa cho kỳ nghỉ hè của học sinh Việt Nam", nhưng tôi nghĩ rằng không chỉ xót xa cho học sinh mà cả cha mẹ/ông bà chúng nữa!

Tôi cũng muốn đảo ngược trật tự mà chị đưa ra, như là một lỗi liên đới đến trách nhiệm, đó là Xã hội, Nhà trường và Gia đình. Bởi vì, đúng là gia đình cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng không thể là quan trọng bậc nhất!Xã hội phải đóng vai trò quan trọng bậc nhất (cần hiểu là trong đó bao gồm cả chính sách giáo dục và nhiều vấn đề khác nữa, ví như vấn đề bằng cấp - phải là Tiến sĩ nọ,Thạc sĩ kia...mới dễ tìm kiếm việc làm, mới có ghế nọ/bàn kia (cho dù đó là những tấm bằng không hẳn đã được làm năng lực đích thực).

 Tôi xin kể lại một câu chuyện cách đây khoảng 30 năm,khi đó con tôi học xong lớp 3 và nghỉ hè. Cháu đã được lên lớp, cô giáo bảo phải đi học hè, nhưng cháu thích nghỉ hè về quê và cũng tiếc 30 đồng nữa (muốn dành cho mẹ để đong gạo - ngày ấy còn khó khăn lắm, 30 đồng cũng rất quí!). Thế là tôi cũng đồng ý cho cháu nghỉ và bạn biết thế nào không? Vào đầu năm học mới cháu bị gạch tên khỏi lớp mới, cho lưu ban. Gia đình tôi có đi hỏi cô Hiệu trưởng thì cô ấy bảo chủ trương của trường là cho HS học hè, cháu không học thì phải lưu ban và hơn thế nữa - cháu phải chuyển đến một lớp ở xa nơi ở đến 3-4 km, không được học ở lớp ngay gần nhà!

Là người dân, chúng tôi chỉ mong muốn cho con/cháu mình (cháu tôi cũng sắp đến tuổi vào ĐH lớp 1)được học hành, lớn lên thành người có ích cho xã hội và dù ở vị trí nào, miễn là làm giầu chính đáng cho gia đình và cho đất nước là tốt rồi, đâu cần phải ông nọ bà kia mà thiếu tư cách làm người công dân tốt của đất nước thì
có ích gì!

Tôi kể câu chuyện 30 năm về trước, chỉ muốn nói lên rằng Nhà trường đóng vai trò quan trọng hơn cả gia đình (ở nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nghỉ hè). Hàng trăm gia đình, thậm chí hàng ngàn gia đình cũng khó có thể làm gì được Nhà trường.

Họ buộc phải chấp nhận vì "Tương lai" con cháu họ, mặc dù có một số không ít gia đình trong số đó vì quá ham/lo mà đã cố chạy vạy đủ đường để cho con cháu được học ở trường điểm nọ/trường chuyên kia,học cả học kỳ 3...hy vọng sẽ được vào ĐH hay đi nước ngoài sau này và nên ông, nên bà danh tiếng!

Tôi cũng rất mong các chau học sinh sẽ có những ngày hè bổ ích và thơ mộng như ngày xưa và không phải thi tuyển vào ĐHlớp 1; nhưng có lẽ phải chờ cho đến một tháng mười nào đó! 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;