221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1221668
Độc giả "giải" đề văn mở: Trường đời ngược trường học?
0
Article
null
Độc giả 'giải' đề văn mở: Trường đời ngược trường học?
,

 - "Ở trường học thì tôi chỉ biết và chỉ được dạy rằng, có tài năng, trình độ, kinh nghiệm, cố gắng, nỗ lực, đạo đức thì chắc chắn sẽ thành công. Còn ở trường đời, tôi thấy không đơn giản như vậy. Thậm chí nhiều khi ngược lại".

Bạn đọc Lâm Tùng (Hà Nội) "thử làm thí sinh giải đề thi với câu hỏi trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

Trong phòng thi tại cụm thi Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: An Bang
Báo chí bình luận rằng thí sinh năm nay đi từ bất ngờ đến hào hứng khi đọc và làm đề văn vì có nhiều “đất diễn” để thỏa sức sáng tạo. Còn tôi không những bất ngờ và hào hứng mà còn thấy "kỳ lạ".

Kỳ lạ trước tiên là tại sao cách thi sáng tạo và thú vị như vậy, có khả năng phát huy tư duy về ngôn ngữ và cách nhìn nhận về cuộc sống của học sinh như vậy mà bây giờ mới được đưa vào đề thi đại học chính thức.

Tôi nghĩ, học sinh ngày nay sống trong thời hiện đại mà cứ phải phân tích mãi về những tác phẩm cổ điển từ đầu thế kỷ trước thì hơi nhàm chán và khiên cưỡng, trong khi cuộc sống mới có biết bao vấn đề phải đối mặt và giải quyết, đồng thời tạo cảm hứng thiết thực và gần gũi hơn.

Kỳ lạ thứ hai là câu nói của Tổng thống Lincoln, một người đã sống cách đây gần 200 năm mà lại có một cách tư duy về thành công/thất bại trong thi cử và cuộc sống quá tuyệt vời và cấp tiến.

Đây là điều mà tôi đã muốn nói từ lâu, nhưng không có cái cớ và cảm hứng nào để bật ra cả.

Tất nhiên là trong thi cử thì tôi không có gì phải bức xúc vì môi trường học tập của tôi từ bé đến lớn đều tương đối công bằng, vô tư, minh bạch (rất may mắn là như vậy, còn môi trường học của những người khác thì tôi không dám chắc 100%).

Sau buổi thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ngày 2/6/2009, tại cụm thi trường tiểu học Tây Đằng (Ba Vì – Hà Nội), nhiều em nhỏ đã vào phòng thi thu lượm được  "phao" của thí sinh bỏ lại để đem bán lấy tiền. Ảnh: Đức Chính

Cái tôi muốn đề cập đến là quan điểm về thành công và thất bại trong cuộc sống. Nó được phản ánh khá rõ nét qua câu nói đưa ra cho học sinh phân tích trong đề thi năm nay.

Tôi nghĩ đức tính trung thực (hay mở rộng ra là đạo đức) là vô cùng quan trọng. Không phải là vô cớ khi trong bài luận của hầu hết các chương trình MBA hiện nay, đều có một câu hỏi phân tích về yếu tố đạo đức và trung thực trong kinh doanh.

Trong các sách nghiên cứu về kinh doanh hiện đại, người ta cũng đưa ra cách tư duy mới về thành công: Thành công được thể hiện bằng kết quả đạt được (Ends) hay cách thức đạt được (Means)? Và liệu bằng mọi giá để đạt được kết quả có được coi là thành công đúng nghĩa hay không? (Does the end justify the means?)

Từ kinh nghiệm thực tế, tôi thấy có rất nhiều yếu tố góp phần làm nên thành công (kết quả cuối cùng).

Ở trường học thì tôi chỉ biết và chỉ được dạy rằng, có tài năng, trình độ, kinh nghiệm, cố gắng, nỗ lực, đạo đức thì chắc chắn sẽ thành công. Còn ở trường đời, tôi thấy không đơn giản như vậy. Thậm chí nhiều khi ngược lại.

Thực tế dạy cho tôi là nhiều khi thành công đến từ quan hệ, chiêu thức, thủ đoạn, cơ hội, may mắn, thời thế.

Đó là những yếu tố tiêu cực (mà thường là rất hiệu quả và dễ dàng khi đem ra áp dụng) và khách quan (nằm ngoài ý muốn chủ quan, không thể kiểm soát được).

Thông thường, người ta thường chỉ quan tâm đến thành công, thành đạt (tức là kết quả cuối cùng) mà không quan tâm đến phương thức đạt được thành công.

Hậu quả là nhiều người có được thành công, thành đạt bằng cách thứ hai mà lại được tôn vinh, trong khi nhiều người vì không muốn đánh mất đi danh dự, đạo đức và sự trung thực nên đành chấp nhận thất bại (mà cay đắng là thường bị đánh đồng với bất tài, không có ý chí phấn đấu).

Đó là một sự bất công quá lớn với người nào vừa có tài vừa có đức, và cũng là điều nguy hiểm khi tạo ra một môi trường, một lối suy nghĩ, một cách quan niệm đơn giản, xuôi chiều, phiến diện về thành công/thất bại.

Cũng có người vì cuộc sống mà buộc phải “biến chất” để thành công, hoặc sống lâu ngày trong môi trường như vậy nên dần dần cũng học cách “thích ứng”, “chấp nhận” và “đánh đổi”. Hệ quả là điều xấu xa và tai hại lại trở thành điều hiển nhiên và tất yếu, giá trị thật giả, tốt xấu bị đánh đồng, đảo lộn, làm cho con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp đã được giáo dục, dạy dỗ từ bé đến lớn.

Tại sao một Tổng thống Mỹ mà lại nói với thầy giáo dạy con mình một câu chân thành như vậy, trong khi quá nhiều người hiện nay có một chút ít địa vị, quyền lực, tiền bạc thì lại tìm đủ mọi cách để cho con đạt được thành tích cao, hơn bạn hơn bè bằng mọi giá ngay từ khi còn bé? Một sự khác biệt và phi lý quá khập khiễng.

Văn là người, là nhân cách, là cuộc sống. Giá mà đề thi và chương trình giảng dạy môn Văn ngày càng gần gũi, thiết thực với cuộc sống, phát huy tối đa tính sáng tạo và tư duy độc lập của học sinh về cuộc sống xung quanh, giáo dục cho học sinh về yếu tố đạo đức và trung thực trong mọi hành động thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều trong việc đào tạo ra những con người có năng lực và phẩm chất, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe, khốc liệt của thực tế cuộc sống trong tương lai.

  • Hoàng Lâm Tùng (30, Tăng Bạt Hổ, Hà Nội)

Ý kiến bạn đọc

*********************************************************

Ho ten: Trịnh Minh Toàn
Dia chi: Khánh Phú -Yên Khánh -Ninh Bình 
Tieu de: Nghị luận xã hội - văn ở mặt đất

Đề thi văn nam nay khá hay bởi lẽ câu hỏi nghị luận xã hội là vấn đề rất đáng được quan tâm hiện nay. Từ trước tới giờ, các bạn học sinh luôn quan niệm văn chương là
bay bổng lạ mỹ miều,v.v...Điều này chưa đúng với văn nghị luận xã hội. Bởi lẽ nghị luận xã hội là
phải thực tế, đòi hỏi các bạn cần kiến thức về "xã hội". Lúc này, các bạn hãy nghĩ minh không phải ở "trên mây" nữa mà các bạn phải biết rằng mình đang ở ngay "mặt đất"- nơi các bạn
đang sinh sống.

Ho ten: Bùi Hải An
Dia chi: Giáp Bát - Hà Nội
Tieu de: Chia sẻ nhưng không hoàn toàn đồng ý

Tôi chia sẻ với những băn khoăn của bạn Tùng. Nhưng không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn.

Luận về thành công của một con người là vấn đề rất phức tạp. Từ định nghĩa thế nào là thành công đến lý giải nguyên nhân thành công đó đều có sự khác biệt rất lớn trong quan điểm của mọi người. Thành công liệu có phải chỉ là kiếm được nhiều tiền? Nổi tiếng trong xã hội? Ví dụ như với các nhà khoa học thì thành công có phải thể hiện qua những giải thưởng, thậm chí là qua những công trình khoa học được ghi nhận? Vậy mà mộtnhà khoa học danh tiếng là I. Newton đã nói rằng tôi thành công là nhờ đứng được trên vai những người khổng lồ thất bại khác!

Rất nhiều nhà khoa học thất bại trong các công trình nghiên cứu của mình, nhưng họ lại trở thành những người khổng lồ trong ắt các nhà khoa học đi sau do đã chỉ ra những hướng nghiên cứu mới, gợi ý cho những nhà khoa học đi sau và đồng thời từ những thất bại của mình cũng giúp các nhà khoa học đi sau họ thấy được những điều cần tránh khi tiếp bước họ. Như vậy, theo một nghĩa nào đó thì  họ đã thành công!

Vậy thành công là gì? Theo nghĩa rộng nhất, theo tôi, để trả lời câu hỏi này còn cần trả lời cả câu hỏi hạnh phúc là gì? Vì nếu được coi là thành công mà lại không thấy hạnh phúc thì liệu đó có phải là thành công thực sự? Và câu hỏi hạnh phúc là gì thì lại là câu  hỏi khó trả lời nhất trong các câu hỏi!!!

Để đạt được thành công, thì không thể chỉ cần có tài và đức, mà thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có cả may mắn. Và tôi không đồng ý với bạn Tùng là những yếu tố đó là tiêu cực.

Thực tế, nhiều người thành công hoàn toàn không do những thủ đoạn tiêu cực, mà Bill Gate là một ví dụ rất thú vị. Con người không bị buộc phải biến chất để đạt được thành công! Và giáo dục có trách nhiêm chỉ rõ cho học sinh thấy được điều này: họ có thể đạt được thành công mà
không cần đến những thủ đoạn xấu như họ thấy ngoài đời.

Giáo dục có trách nhiệm hướng con người tới điều thiện, vì thế, cần phải dạy học sinh những điều tốt đẹp, đương nhiên là không trốn tránh những hiện tượng tiêu cực, nhưng không phải là dạy học sinh sống chung với chúng, mà phải dạy học sinh biếtkhinh bỉ những điều xấu, đấu tranh với chúng.

Hoten: TùngGiangSơn
Dia chi: Hà Nội 
Tieu de: Có đổi mới cách ra đề văn

Trung thực là đức tính tốt của con người. Khi xưa, cụ Chu Văn An đã từng dâng sớ lên vua "Thất trảm tấu" đề nghi chém 7 tên nịnh thần. Vua không chuẩn y, ông cáo quan về dạy học. Chuyện ở đời còn nhiều lắm. Âu rằng, đó cũng là để giáo dục lòng trung thực.

Đọc sử xưa, ngẫm thế sự bây giờ để hiểu sự vận động thực của xã hội. Có cái vinh trong cái nhục và có nhục tồn tại dai dẳng trong cái vinh!

Còn đề văn năm nay, ghi nhận có chuyển biến trong tư duy ra đề. Không mới sao với người xưa và các nước trên thế giới, nhưng với ta là đáng hoan nghênh rồi, có thay đổi, tuy rằng muộn màng.

Trong sách xuất bản cách đây ngót nửa thế kỷ có giai thoại về đề thi của bài luận: ’’Tân thịnh nên", tức là luận về nền thống trị mới. Với loại đề mở đó, các sĩ tử bằng lý luận và thực tiễn của mình hãy xem xét nền thống trị hiện tai (ưu, nhược điểm). Từ đó, tham vấn cho vua các chnh sách cai trị mới.

Các bạn cũng có thể xem các đề văn của Trung Quốc trong các năm gần đây, rất mở và rất hay.

Ho ten: Dương Toàn
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Những bất ngờ

Đọc đề thi văn, bức thư của Tổng thống Lincoln gửi thày hiệu trưởng của con trai mình cùng bài viết của tác giả Lâm Tùng tôi thực sự bất ngờ, bởi:

 - Bức thư của Tổng thống Lincoln thật tuyệt vời với những tư tưởng mực thước. Chẳng những là Tổng Thống được người dân Mỹ yêu quí mà qua bức thư này Lincoln còn là nhà giáo dục với sự thấu hiểu sâu sắc về đức tính trung thực-tự trọng-niềm tin-cái gốc của phát triển nhân cách-xã hội.về thành công/thất bại trong cuộc sống. Những gì Lincoln viết trong thư, những bạn trẻ ngồi làm bài văn thi hôm nay và cả biết bao người lớn cũng còn phải suy nghĩ thật nhiều.

- Tôi cũng bất ngờ với đề thi văn xưa nay hiếm như thế. Một đề văn mở cho phép học sinh được phô bày mọi suy nghĩ về một vấn đề hệ trọng của xã hội tại thời điểm các em bước vào ngưỡng cửa Đại học cũng là thời điểm trưởng thành, qua bức thư của một Tổng thống Hoa Kỳ cách đây 200 năm. Các bài văn sau thi sẽ cho chúng ta biết được suy nghĩ của lớp trẻ hôm nay non nớt hay rắn rỏi, nông cạn hay sâu sắc, sáo mòn hay sáng tạo, thật thú vị.

- Tôi cũng bất ngờ với bài viết của anh Lâm Tùng. Tôi hiểu được những gì anh thể hiện, kể cả tâm trạng của anh. Anh viết: “Ở trường học, tôi chỉ biết và chỉ được dạy rằng, có tài năng, trình độ, kinh nghiệm, cố gắng, nỗ lực, đạo đức thì chắc chắn sẽ thành công. Còn ở trường đời, tôi thấy không đơn giản như vậy. Thậm chí, nhiều khi ngược lại. Thực tế dạy cho tôi là nhiều khi thành công đến từ quan hệ, chiêu thức, thủ đoạn, cơ hội, may mắn, thời thế.”. Thực tế cuộc sống cho tôi tin rằng có không ít người chia sẻ ý nghĩ của anh. Tuy nhiên, lúc này, thế hệ trẻ đã có rất  nhiều cơ hội lựa chọn cho mình môi trường để đi tới thành công - thành đạt theo đúng phẩm chất, năng lực của mình cho dù cách đi “lắt léo” để đạt được “thành công-thành đạt” không phải là đã bị từ chối.

Ho ten: Trịnh Hoàng Giang  -VNPT.group-
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Văn học Việt Nam - Văn hóa Mỹ

Nhìn chung, đề văn này phải "tư duy" rất nhiều, bởi về lý thuyết thì là đúng, nhưng liên hệ thực tiễn lại " vô cùng khó khăn" Ai đó mạnh dạn viết thật, nói thật thì chác gì đã được điểm cao vì chấm theo "đáp án - lý thuyết". Khi liên hệ thực tiễn, nói thẳng nói thật bằng những hành động, hành vi cụ thể thì lại khác. Duy chỉ có điều tôi hơi trăn trở: Sao đề văn lại lấy "nền văn hoá ngoại quốc " để thi thố? Trong nước ta, lịch sử ta thiếu gì những câu nói như vậy, dù gì thì cũng gần gũi văn hoá Việt Nam hơn (tất nhiên học hỏi các bạn quốc tế là rất tốt, nhưng phải có sự so sánh, chọn lọc).

Ho ten: Nguyễn Điều
Dia chi: ĐH Lao Động - Xã Hội 
Tieu de: Nhìn nhận của riêng mình
 

Mình thấy đề văn như vậy rất hay, phát huy được tính sáng tạo của thí sinh. Lâu lắm rồi mình mới thấy dạng đề lí luận văn học, mà kiểu như vậy chỉ có trong đề thi học sinh giỏi văn quốc gia. Vốn sống, vốn văn chương có cơ họi đem ra so tài. Chứ có mấy bài văn 11, 12 cứ quanh quẩn mãi cũng nhàm.

Mình thích những thí sinh xoáy sâu vào các " nhãn tự" - những điểm hay, hấp dẫn trong các bài thơ, đoạn văn, chứ không thích một bài làm cứ đều đều các ý.

Văn chương là sự sáng tạo của nhân loại. Vì vậy, khi chấm văn cũng không nên quá cứng nhắc dựa vào thang điểm, đáp án. Một bạn có khả năng lí luận văn học cực giỏi, bạn xoáy sâu vào một vấn đề cực hay sẽ không bằng điểm các bạn mà làm sơ qua nhưng đầy đủ các ý. Thế cũng là điều không hay. Còn đúng trong cuộc sống thực tại nhiều người bất chấp đạo đức, dùng mọi thủ đoạn để nhằm đạt được mục đích và họ vẫ thành công, nhưng không phải tất cả đều vậy.
Hãy tin tưởng cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp.


Ho ten: Thanh Phương
Dia chi: Gia Lâm - Hà Nội 
Tieu de: Vui vì tầm sức ỳ của giáo dục đã giảm

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có chữ "Tâm". Điều quan trọng là khi đấu tranh nội tâm thì ý chí của ai cao hơn mà thôi. Làm nhiều việc xấu rồi sẽ quen tay và thấy nó bình thường. Xã hội bấy giờ có không ít người vô tâm và sống vị kỷ, đều đó tạo lên môi trường và xã hội không tốt. Nhưng nếu xã hội ai cũng có thể chiến thắng ham muốn của chính bản thân mình trước khi làm việc
gì đó, chúng ta sẽ có môi trường tốt hơn cho con cháu.

Đi thi ai mà không muốn điểm cao. Giám thị dễ mà có thể gian lận hỏi ai mà không có ý nghĩ quay cóp. Nhưng nếu sống trong một môi trường mà không có ai quay cóp thì hỏi xem, lương tâm bạn có cho mình làm vậy không?

Ho ten: Nguyen Dinh Binh
Dia chi: Belgium
Tieu de: Đề văn mở, hay còn đề toán, lý, hóa vẫn theo lối mòn!

Hoan nghênh đề thi văn năm nay. Nhưng ngược lại, đề thi Toán và các môn khác vẫn theo lối mòn. Đơn cử, đề thi toán: Khảo sát, phương trình, hình không gian, tích phân, câu chọn là câu hình giải tích hoặc số phức, tổ hợp. Đề văn đang hướng đến cuộc sống thực, đề toán vẫn xa rời cuộc sống thực.

Cách đây không lâu, tôi có đọc bài của một tác giả viết về so sánh đề thi đại học ở Việt Nam và đề thi của một bang ở Đức trên trang tiasang.com.vn. Đúng là ta nên xem cách học và cách ra đề các môn học từ cấp học dưới lên trên. Tại sao không phải là các bài toán có gắn với cuộc sống? Toán học xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và các ngành khoa học khác mà. Có phải toán học là toán học thuần túy đâu mà cứ quanh quẩn với mấy cái lối mòn cũ kỹ ấy!


Ho ten: hoanganh
Dia chi: Vĩnh Long 
Tieu de: Đề văn mở, chấm văn cần mở

Đề thi năm nay rất hay, nhưng tôi lo nhất là với dạng đề mở này, đòi hỏi người chấm phải thoáng,để chấm những ý hay phân tích có lý của thí sinh ,chứ không quá bám đáp án. Thí dụ, với bài viết của bạn Lâm Tùng so với đáp án của Bộ GD-ĐT sẽ được mấy điểm .Coi chừng dười trung bình đấy, trong khi ta đọc , thấy bạn đưa ra vấn đề rất có lý.

Ho ten: john
Dia chi: USA

Bài viết rất hay. Người đọc cần phải có trình độ, kinh nghiệm và nghiên cứu về xã hội cao cấp mới có thể nhận thức được cái hay của bài viết. Cảm ơn người viết.

Ho ten: Ha
Dia chi:  Trương ĐH Nông Nghiệp Ha Nội

Đọc qua bài viét của bạn Tùng tôi có một vài ý kiến như sau:

Thứ nhất: tôi thấy bài của bạn luổn quẩn chưa rõ ý. Bạn không đưa ra chính kiến của mình mà chỉ nhận xét chung chung.

Thứ hai: Thực tế cho thấy, quan điểm ở nhà trường các thầy cô giáo chỉ dạy hoc sinh về đạo đức, tài, đức đó chỉ la ở cấp 1 mà thực tế ở các bậc học khác như đại học, các thầy cô cũng dạy cho học sinh sinh viên  những bí quyết để thành công đấy chứ. Có khi còn có những thủ đoạn để  thành công nữa. Thực ra, điều này tất cả mọi chúng ta đều cần phải biêt để có thể tránh xa, đấu tranh nó, đôi khi là vận dụng nó (khi cần thiết).

Ho ten: Phạm Khanh Văn
Dia chi: Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương 

Lâm Tùng đã có những ý kiến sâu sắc. Nếu bạn đọc chưa cảm nhận được điều đó thì hãy đọc lại hoặc tự hỏi mình: Thành công mà mình đạt đã đúng nghĩa chưa và thật sự có ý nghĩa không? Những gì quý giá nhất đã đem ra để đánh đổi cả chưa?

Ho ten: Thu Huyen
Dia chi:  Cau Giay, Ha Noi

Tôi khá bất ngờ với đề thi môn văn  năm nay! rất hay! Nó cho phép thí sinh trình bày những suy nghĩ của mình về cuộc sống!

Và điều đó cũng yêu cầu các em không chỉ đọc những tác phẩm văn học cổ điển mà còn cần đọc những cuốn sách về cuộc sống! Điều đó giúp tăng thêm văn hoá đọc cho lớp trẻ.

Ho ten: Nguyễn Công Bằng
Dia chi: Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội 
Tieu de: JUST- Công bằng

Đọc xong bài viết của tác giả Hoàng Lâm Tùng, tôi có một số ý kiến không đồng ý như sau:

Một là: Về thành công trong thực tế, bạn có nói rằng người ta chỉ quan tâm đến kết quả thành công, còn ít người quan tâm đến cách thức mà bạn đạt được thành công. Điều đó không hoàn toàn đúng nếu tôi không muốn nói là sai. Vì thực tế cho thấy: “Ông trời luôn có mắt”. Theo đúng tục ngữ của ông cha.

Nếu một người làm ăn phi pháp hay đạt được kết quả bằng những cách không chân chính thì trước sau cũng bị quả báo (đây là tôi còn chưa đề cập đến quan điểm về “Thành công”).

Hai là: Bạn nói là nhiều người vì không muốn đánh đổi danh dự, đạo đức và sự trung thực nên chấp nhận thất bại (mà cay đắng là thường bị đánh đồng với bất tài, không có ý chí phấn đấu). Tôi thấy những người như vậy thực sự là “người bất tài vô dụng”. Vì Bác Hồ cũng từng nói: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức là người vô dụng”.

Quan điểm của tôi:
 Thứ nhất: những người thành công bằng cách thứ hai – hay là không minh bạch thì tất phải chịu “ác báo”.
 Thứ hai: Những người chịu thất bại là những người đã thiếu một trong hai điều kiện tài – đức mà Bác Hồ nói tới hoặc cả hai.

Nói tóm lại là: Cuộc sống luôn luôn công bằng.

Tại sao tôi phải nói về vấn đề này vì:

1. Từ nhỏ Thày cô, cha mẹ dạy trẻ luôn hướng theo những điều tốt đẹp (tất nhiên, cuộc sống không đơn giản và cũng không màu hồng). Làm cho trẻ tin vào điều đó và nó sẽ hình thành nên tư duy của một công dân trưởng thành sau này, nếu nói như bạn thì mọi thứ sẽ đi ngược lại hoàn toàn. Vậy là  tất cả mọi thứ đều là “Giả dối” ? Tôi phải nói rằng, đó là suy nghĩ tiêu cực.

2. Ai cũng nghĩ như bạn thì bạn phải thích nghĩ với xấu xa và không nên đấu tranh với tiêu cực mà phải sống chung với nó ư? Giống như Việt Nam đang sống chung với tham nhũng? Bạn không nghe thấy chủ trương của Đảng và Chính phủ là phải nhổ tận gốc nạn “Tham nhũng” sao?

Cuối cùng là khi viết bài thì hãy nêu rõ ý kiến của mình để người khác dễ dàng hiểu được.

Ho ten: Mai
Dia chi: Bắc Ninh

Mặc dù không thi khối D nhưng khi đọc xong đề, tôi thực sự bất ngờ. Tôi chưa từng nghĩ rằng đến một ngày, môn Văn thực sự là nhân học. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi rất đồng ý với ý kiến của Lâm Tùng.

Nhưng bạn ấy đòi hỏi hơi cao. Hiện tại, chúng ta chưa thể ngăn chặn việc thành công bằng mọi giá nhưng rõ ràng mọi người đã quan tâm nhiều hơn, có ý thức hơn về sự thành công. Tôi cũng rất hi vọng Bộ GD-ĐT tiếp tục có những đề văn hay như vậy cho học sinh.

Ho ten: Lê Viết Phú
Dia chi: Vinh - Nghệ An

Tôi hiểu và rất chia sẻ với những điều bạn Tùng đã nói. Mọi ý kiến trên đều có những góc độ đúng!

Nhưng nếu nhìn một các tổng quát thì có những điều thật đáng buồn với những lối sống của những con người đặt thành công lên đầu tiên mà không quan tâm hoặc bất chấp những phương thức để đạt được thành công đó... Những con người đó, khi càng đạt được thành công trong những phương thức mà không đi kèm với đạo đức thì sau này báo ứng mà họ hay con cháu phải trả thì nguyên nhân chính là phương thức họ đã làm.

Nhưng trước tiên, sẽ có tội với những con người luôn cố gắng để sống một cách trung thực và công bằng... Liệu những thành công của họ được pháp luật công nhận có thực sự giúp đỡ cho đất nước cho nhân dân không, hay chỉ là hình thức trên giấy tờ!?

Điều thứ 2, tôi muốn nhấn mạnh là cách thức giáo dục của nền giáo dục nước ta: Tôi đồng ý là phải gìn giữ lịch sử vì đó là cội nguồn của nền tảng dân tộc. Nhưng cũng phải thực tế là xã hội ngày nay thay đổi khác xa với những thập niên khác.

Vì thế, cần phải đưa những bài học thực tế để giáo dục lớp trẻ, phải có những chương trình giáo dục phương pháp dạy học phù hợp với cuộc sống bây giờ thì mới làm lớp trẻ vừa hứng thú khi học lịch sử,  nhớ lâu và tự hào về quá khứ của đất nước hay nền văn học trung đại và cũng thích ứng nhanh trong cuộc sống hiện tại. Một xã hội năng động và thực dụng!
 

Ho ten: Hoàng Hữu Tuấn
Dia chi: Thanh Xuân - Hà Nội
 

Đọc xong bài viết của bạn Hoàng Lâm Tùng, thực sự tôi vẫn chưa thấy rõ mục đích bạn ấy viết bài này. Tuy nhiên, trong bài viết của bạn Tùng có một vấn đề mà tôi rất quan tâm: 

Thành công được thể hiện bằng kết quả đạt được (Ends) hay cách thức đạt được (Means)? Và liệu bằng mọi giá để đạt được kết quả có được coi là thành công đúng nghĩa hay không? (Does the end justify the means?)

Đứng trên quan điểm của bản thân, trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi cho rằng: Thành công được quyết định bởi kết quả cuối cùng đạt được, còn cách thức không quan trọng (tất nhiên là phải lành mạnh, fair play). Cũng giống khi thi tuyển sinh vào các trường đại học, các trường chỉ nhận những bạn thí sinh có số điểm từ mức chuẩn trở lên (và không quan tâm đến việc thí sinh đó học
như thế nào, học ở đâu...).

Đối với câu hỏi thứ 2: Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi thấy: Nếu đạt thành công bằng mọi GIÁ thì chưa phải (vì có thể trong có còn bao hàm dùng các thủ đoạn...). Nhưng nếu đạt thành công bằng mọi cách thì chắc sẽ vẻ vang.

Hoten: Đặng Việt
Dia chi: Hải Phòng
Tieu de: Tâm đắc

Tôi rất thích đề thi văn của kỳ thi đại học năm nay. Hy vọng sẽ được tiếp tục trong tất cả các chương trình giảng dạy và học văn của các cấp học... Và tôi cũng rất tâm đắc với bài viết của Hoàng Lâm Tùng về trường học và trường đời trong thực tế xã hội hiện nay.(Tôi là một trong số  nhiều người không đánh đổi sự thành công bằng danh dự, đạo đức và sự trung thực..).

Ho ten: Trịnh Thành Nhân
Dia chi: 78/1 Nguyễn Sinh Cung ,Huế
Tieu de:   Thay cho lời muốn nói

Cám ơn bạn Lâm Tùng đã nói lên được nhận xét của mình mà điều đó tôi không thể nói lên được bấy lâu nay. Tôi rất đồng ý kiến của bạn.


Ho ten: Quang Le
Dia chi: Lang Ha, Ha Noi 
Tieu de: Tien trach ky hau trach nhan

Đọc bài của bạn tôi không tìm thấy ý tưởng nào hay mang tính góp ý hay phê bình. Luẩn quẩn loanh quanh mà không rõ ý.

  
Ho ten: Vũ Trọng Vĩnh
Dia chi: Lê Chân - Hải Phòng 

Đọc xong bài của độc giả Hoàng Lâm Tùng, tôi xin có 1 vài ý kiếm như sau:

1. Tôi đồng ý với cách nhìn nhận của độc giả về sự thành công trong cuộc sống. Để thành công trong cuộc sống thì cần phải có tài năng, đạo đức, cơ hội (may mắn).

2. Quan hệ xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Người có quan hệ tốt ắt phải là người có tài (tài ở đây không phải chỉ là tài về tay nghề kỹ thuật).

3. Tôi không đồng tình nhiều với độc giả Lâm khi nói "thủ đoạn và chiêu thức" mà xin nói về người thành công trong cuộc sống thì nên chuyển thành "phương pháp và cách thức thực hiện". 

 

Tra cứu điểm tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2009:

Tra điểm thi, soạn DT Sốbáodanh gửi 998, ví dụ soạn DT BKAA04696 gửi 998

Tra xếp hạng, soạn CT Sốbáodanh gửi 8399, ví dụ soạn CT QHTA04528 gửi 8399

Tra điểm chuẩn, soạn DC Mãtrường gửi 998, ví dụ soạn DC XDA gửi 998

Dự đoán Đậu hay Trượt, soạn DC Sốbáodanh gửi 8599, ví dụ soạn DC TLAA11276 gửi 8599

 

Tra điểm thi tại đây

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>