221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1222526
Đề mở: Đáp án là sự trung thực và độc đáo?
0
Article
null
Đề mở: Đáp án là sự trung thực và độc đáo?
,

- Nếu là đề mở thì đáp án sẽ là không có đích đến và phải chấp nhận sự sáng tạo của học sinh trên 2  tiêu chí quan trọng nhất: Trung thực và độc đáo. Tức là sáng tạo bằng bản thân chứ không phải sao chép của ai.  

 

Thí sinh sau buổi thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng

 Trên tinh thần chung, đề thi tốt nghiệp và ĐH năm nay đã có sự chuyển biến khi cho dạng nghị luận xã hội, mặc dù tỉ lệ không cao.

Nếu nói là đề thi có sự thay đổi là không đúng.Vì đúng ra, đó là điều ta đã bỏ đi từ rất lâu. Hình thức nghị luận xã hội nhiều năm nay được thay thế bằng nghị luận văn học. Vì thế, khi nghị luận xã hội quay lại, mọi người cảm thấy ngỡ ngàng. 

Nhiều năm chấm thi, tôi rất ngại vì buộc lòng phải đếm ý của thí sinh. Nếu không đếm ý, chẳng may bỏ sót, thí sinh sẽ kiện vì bài làm có ý đó nhưng lại bị mất điểm.

Trong khi phải chạy theo đếm ý, mà đáp án có khi đến mấy chục ý, người chấm dễ dàng bỏ qua cách hành văn, không theo được mạch cảm xúc của người viết.

Những em được lấy vào khoa văn lại là những em có khả năng học thuộc lòng và ghi nhớ tốt từ cách chấm thi đó. Còn người có thực lực thật sự lại không lấy được vào vì những em này thường thích cách viết tự do, phóng túng và có sự sáng tạo riêng.

Thật ra, với môn văn mà chấm điểm bằng cách đếm ý là không đúng.

Quan trọng nhất trong bài thi của thí sinh là cảm xúc chân thực, là những trải nghiệm, câu nói tự đáy lòng của chính em đó.

Trở lại với 2 câu đề mở của khối C và D, thí sinh phải quan tâm tới vấn đề nêu ra trong đề và nói lên suy nghĩ thực của mình.

Barem điểm của Bộ GD-ĐT về dàn ý thì ổn, nhưng nội dung cụ thể mà đáp án đưa ra lại không thể bao quát được hết cũng không thể hướng dẫn được từng trường hợp bài cụ thể.

Đáp án như vậy vừa có lợi lại vừa có hại.

Đặt trường hợp, những học sinh có bản lĩnh, các em sẽ đi sâu vào một khía cạnh nào đó thì sao?

Ví dụ, bàn về tính trung thực, các em nói rằng ai cũng biết trung thực là tốt, cần thiết, nhưng lại băn khoăn: Trong cuộc sống hiện nay của xã hội Việt Nam, trung thực được gì, mất gì? Thực tế, người sống trung thực sẽ bị thiệt thòi nhiều thứ, vậy lời khuyên của người lớn về vấn đề này như thế nào? …

Nếu các em đặt vấn đề như vậy thì sao? Nếu là tôi, tôi không thể trừ điểm các em được mặc dù ý mà em đưa ra không hề có trong đáp án.

Thậm chí, nếu người khác chấm mà hạ điểm, tôi cũng không chấp nhận được.

Vì là đề mở, nên không thể gò ép người chấm. Nếu là đề mở thì đáp án sẽ là không có đích đến và phải chấp nhận sự sáng tạo của học sinh trên 2 tiêu chí quan trọng nhất: Trung thực và độc đáo. Tức là sáng tạo bằng bản thân chứ không phải sao chép của ai.

Với đề mở và đáp án như hiện nay, tôi e rằng, sớm hay muộn, trên thị trường sẽ xuất hiện những cuốn sách giải đề dạng nghị luận xã hội để các em học thuộc và đi thi.

Với những cuốn sách giải những câu hỏi trong SGK được bán song hành với SGK hiện nay đã đủ khiến các em bỏ qua việc đọc tác phẩm gốc, bỏ qua việc tự mình cảm thụ và suy nghĩ.

  • TS Nguyễn Thị Hồng Hà (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

 

Người chấm phải thật sự chịu khó đọc hết

PGS.TS. Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM): 

Năm nay, câu thứ 2 của đề môn Văn khối C và D tương đối sáng tạo.

Barem điểm môn Ngữ văn khối C trong đáp án khá phù hợp, nhưng barem điểm môn này ở khối D, tôi cho là không hợp lý.

Phần “Bài học nhận thức và hành động” nên điều chỉnh lại khung điểm. Thay vì được trọn 1 điểm câu này thi nên để phần này 0,5 điểm, 0,5 điểm còn lại là dành cho sự sáng tạo.

Ngoài ra, trong cả đáp án của 2 khối nên có lưu ý khuyến khích sự sáng tạo của thí sinh. Bởi, trên thực tế, bài học nhận thức và hành động ít được các em chú trọng nên dễ dàng mất điểm phần này.

Với barem điểm này, tôi nghĩ sẽ khó chấm. Trường hợp thí sinh làm bài có tính sáng tạo, nhưng người chấm lại bám sát đáp án và đếm ý, e rằng bài thi của thí sinh sẽ bị chấm điểm thấp .

Học sinh đã quen với lối học đọc chép, văn mẫu nhằm kiếm điểm cao trong các kỳ thi với đề văn khuôn sáo. Các em không quen dùng ngôn ngữ của bản thân để tự trình bày ý tưởng cá nhân.

Người chấm phải thật sự chịu khó đọc hết mới có thể  đánh giá được trình độ của thí sinh.

Đặt trường hợp thí sinh kể một câu chuyện sinh động, thu hút (theo kiểu viết bài luận của nước ngoài), người chấm nào đếm ý sẽ cho điểm thấp, mặc dù đây thực sự là bài văn thu hút và tươi tắn.

Bộ GD- ĐT nên có hướng dẫn kỹ hơn về việc này để tránh khuôn sáo và gạt đi những bài văn mang tính sáng tạo.

Từ phương diện đề thi, người viết xin đưa ra những tín hiệu mang tính dự báo từ đề thi môn văn năm nay - một đề thi mở với nhiều câu hỏi nhằm phát huy khả năng của người thi.

  • Minh Quyên (ghi)

Những câu hỏi rất cởi mở nhưng cũng khắt khe

Ở đề thi khối C,  ngoài phần nghị luận xã hội trích một dòng thư của cựu Tổng thống Mỹ A.Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng với tư cách là phụ huynh, được xem là câu hỏi duy tân nhất thì hai câu thuộc về nghị luận văn học cũng không kém phần độc đáo: Với câu I (2 điểm): Anh/chị hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân đạo và bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Câu hỏi  đã đề cập trực tiếp đến cơ sở của giá trị nhân đạo (tình cảm: thuộc phương diện thái độ kể của nhà văn). Bên cạnh đó, những người ra đề cũng yêu cầu thí sinh phải nêu được các bút pháp nghệ thuật như là căn cứ khoa học để đi đến khái quát những tình cảm nhân đạo đó.

Thế nhưng sự thành công trong đề thi này phải kể đến câu III (5 điểm) với sự phân loại đối tượng rất rõ và khuyến khích người thi phát huy điểm mạnh của mình. Nếu như câu 3a (chương trình Chuẩn) là sự lựa chọn của những em nắm vững kiến thức về  nhân vật tự sự .

Ngược lại câu 3b ( chương trình Nâng cao) lại là mảnh đất để những em hứng thú với thể loại trữ tình bộc lộ năng lực cảm thụ của mình bên cạnh vốn kiến thức được trang bị.

Trong quá trình cảm nhận hai khổ thơ mang phong vị dân gian (trong hai bài Tương tư - Nguyễn Bính và Việt Bắc - Tố Hữu) sẽ giúp cho người thi có thể nhận diện sự khác biệt về tư tưởng, phong cách, thi pháp của hai giai đoạn văn học trước và sau cách mạng tháng Tám 1945.

Nếu câu 3a tạo cho các em tâm lí an toàn, câu 3b lại khuyến khích những ai có khát vọng giành điểm cao bởi nó “có đất”cho những phát hiện và sáng tạo nhiều hơn.

Ở đề thi khối D, các câu hỏi tập trung vào những điểm nhấn quan trọng.

Những câu hỏi đi vào khía cạnh rất cụ thể. Tuy nhiên, từ những khía cạnh này, vẫn thách thức những bứt phá của người thi khi hé mở những mối dây liên hệ với những vấn đề cốt lõi: đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học, về chủ thể biểu hiện (cái tôi trữ tình) về quan niệm nghệ thuật.

Trong câu hỏi còn lại thuộc phần Nghị luận xã hội lại rất sát với nhóm ngành chuyên ngữ của khối D. Câu hỏi buộc người thi phải nhận diện và ý thức được niềm tin vào bản thân. Đó cũng chính là đòi hỏi về năng lực hoạt động độc lập và bản lĩnh hội nhập -  những năng lực mà các cử nhân tương lai của nhóm ngành này buộc phải có.

Ở câu 3a (khối C) đề thi cũng động chạm đến những vấn đề hơi chếch đi so với những bài khá tủ mà các em hay quan tâm. Đó là vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt chứ không phải:  tình người, khát vọng sống, tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ…

Đề thi năm nay bản thân việc lý giải được vẻ đẹp khuất lấp là gì nhưng khát vọng trỗi dậy, vươn lên với tình yêu cuộc sống đã tạo nên vẻ đẹp ấy cũng đã đòi hỏi một năng lực thật sự của các sĩ tử.

Đặc biệt ở câu 3b của đề thi, có lẽ là phần mang tính văn chương đậm nhất. Hẳn những thí sinh lâu nay  đã dày công vun đắp nền tảng kiến thức thực sự, có khát vọng muốn theo đuổi nghiệp văn (nghiên cứu, giảng dạy…) sẽ có dịp được thể hiện khả năng của mình.

Tuy nhiên, với hai chữ cảm nhận ấy không có nghĩa bất quy tắc. Mọi sự liên tưởng, lý giải đều phải dựa vào những căn cứ thuyết phục cả về phương diện lý luận lẫn trực giác. Sự ảnh hưởng của truyền thống dân gian trong sáng tác văn học viết ở các thời kì rất dễ nhận diện nhưng cũng rất khó tường minh thành các luận điểm. Bao giờ cũng vậy sự kế thừa dân gian cũng tạo nên những phức điệu thẩm mỹ, những chiều kích khác nhau.

Phải chăng một đề thi được coi là mở sẽ là một cánh cửa rộng được mở ra với những ai tự đi bằng đôi chân của mình và ngược lại, luôn là lối đi hẹp với những ai luôn coi văn chương là sự lắp ghép và học thuộc.

  • Thạc sĩ Bùi Việt Phương (bài viết gửi VietNamNet ngày 10/7)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;