221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1222890
Đề mở: Mở bản lĩnh người chấm
0
Article
null
Đề mở: Mở bản lĩnh người chấm
,
  - Với đề thi được đánh giá là ra theo kiểu "mở", khung điểm trong đáp án "rộng", bài thi hứa hẹn những cách làm phong phú, giám khảo sẽ chấm thi ra sao để thí sinh không bị mất điểm oan? VietNamNet gõ cửa các thầy cô chấm thi ĐH môn Ngữ văn, kỳ thi ĐH 2009.
Thí sinh sau giờ làm bài thi. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đề... chưa mở

(PGS-TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học,  Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Đề thi mở đòi hỏi người chấm phải nâng cao trình độ, bản lĩnh và trách nhiệm hơn. Việc chấm bài thi môn Ngữ văn hiện có một số bất cập vì trình độ chấm khác nhau. Giám khảo luôn bị áp lực về thời gian: chấm chậm thì không đảm bảo tiến độ, mà chấm nhanh thì không dễ để đảm bảo chất lượng.

Công bằng mà nói, đề thi môn Ngữ văn năm nay cũng có chỗ để khen như: trong chương trình, đảm bảo phân hóa học sinh, nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan là "chưa… mở".

Bản chất của văn chương luôn mở. Không phải đề thi có câu hỏi về nghị luận xã hội thì coi đó là đề mở.

Cách ra đề thi năm nay, ngoài đảm bảo những kiến thức cơ bản, có lồng ghép tính thời sự khi đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong thi và trong cuộc sống.

Cách ra đề thực ra không mới mà chỉ đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Những năm trước, yêu cầu của Bộ là chú trọng các tác phẩm văn học, không yêu cầu câu hỏi nghị luận xã hội. 

Sở dĩ, chủ trương này được xã hội nhìn nhận là "hay" bởi gắn văn học với thực tiễn cuộc sống.

Đề hay nhưng đã trung thực?

(Ông Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên Khoa Văn, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội)

Người ra đề đã dẫn dắt thí sinh tới một vấn đề thời sự, nhạy cảm: “tính trung thực”. Đây là một đề thi bao hàm ý định tốt.

Tuy nhiên, là giảng viên khoa Văn và sẽ chấm thi nên trong quá trình tìm đọc các tài liệu liên quan, tôi có đặt câu hỏi: “Đề thi hỏi về tính trung thực, nhưng đề có trung thực không?

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 khi in thư của Tổng thống Mỹ  A. Lincoln đã cắt một số câu không đáng phải cắt như:

“Xin thầy hãy dạy cho cháu biết nếu cháu gặp một kẻ vô lại thì cứ tin rằng ở nơi khác sẽ có những người anh hùng. Nếu cháu gặp một chính trị gia ích kỷ thì hãy tin rằng ta cũng sẽ có những lãnh tụ tận tâm”…

Và đề có trung thực không khi trích thư lại bỏ trạng ngữ “Ở trường” mà chỉ bắt đầu “xin hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”.

Đáp án nói về sự trung thực trong khi thi… nhưng đó mới chỉ là mệnh đề phụ. Ý nghĩa thực chất của câu nói đó yêu cầu về sứ mệnh của giáo dục là phải giáo dục lòng trung thực. Đáp án chưa nói được ý chính và trực tiếp mà chỉ gợi được nghĩa mệnh đề bổ trợ…

Khi chấm, tôi sẽ theo đáp án, nhưng không quá lệ thuộc. Bài làm sáng tạo sẽ được xem xét chấm đúng, chấm kỹ.

Còn về nguyên tắc, trước khi chấm, hội đồng chấm thi sẽ phải thảo luận để bổ sung đáp án, tạo công bằng cho thí sinh.

Quy trình chấm phải tuân thủ 2 vòng chấm độc lập. Hai người chấm vênh nhau từ 0,5 đến 1 điểm nếu không có sự thống nhất sẽ chấm vòng 3. Người chấm vòng 3 mà trùng điểm 1 trong 2 người chấm sẽ ấy điểm trùng hoặc lấy điểm trung bình của cả 3 vòng chấm. 

Nghe dặn dò trước giờ vào làm bài. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chấm vất nhưng dễ chọn người giỏi

Bà Trần Ngọc Dung, (Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Kiến thức đại cương - Học viện Báo chí và Tuyên tuyền):

Sự sáng tạo trong cách ra đề thi Văn (khối C,D) năm nay đã phát huy được năng lực làm bài của thí sinh, tránh được học tủ, học vẹt. Cũng từ cách ra đề mở, đã đề cao tri thức nền của thí sinh trong suốt quá trình học phổ thông.

Mặt khác, đề khối C mang được tính thời sự, động chạm và đề cao lòng tự trong của thí sinh trong thi và cả trong quá trình học (nếu trúng tuyển).

Tôi thấy vui vì thí sinh cũng không mang tài liệu vào phòng thi như các mùa thi năm trước. Những năm trước, đề thi cứ lặp đi lặp lại các tác phẩm văn học làm người chấm thấy nhàm. Thậm chí chán, vì có những bài “văn mẫu” lặp lại trong nhiều bài làm của thí sinh…
 
Không chỉ đề thi mở, mà việc chấm thi môn Văn luôn mở vì cảm nhận của mỗi thí sinh về tình yêu đôi lứa; về tình yêu quê hương… không giống nhau. Tuy nhiên, việc chấm thi năm nay sẽ vất vả hơn bởi mỗi thí sinh sẽ có những sáng tạo khác nhau.

Do đó đòi hỏi người chấm phải chủ động, linh hoạt để lựa chọn được những thí sinh xứng đáng.

Cần hiểu được tâm lý lứa tuổi

(Một giáo viên THPT ở Hà Nội tham gia chấm thi - xin giấu tên)

Với loại đề thi mới, đòi hỏi người chấm không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải gắn bó hoặc quan tâm nhiều đến khối học sinh cấp 3, để hiểu được tâm lý lứa tuổi cũng như trình độ nhận thức của các em. Tránh trường hợp người chấm đòi hỏi quá cao đối với khả năng nhận thức của thí sinh.

Với loại đề này, học sinh chuyên thường có xu hướng làm bài: kể các câu chuyện, sau đó trình bày quan điểm về tính trung thực. Trong trường hợp đó, người chấm vẫn chấp nhận.

Ngay cả khi thí sinh lật ngược lại vấn đề (trung thực không phải là yếu tố quan trọng để đạt được lợi ích cá nhân - trường hợp này không nhiều đối với học sinh cấp 3 ): thì người chấm vẫn chấp nhận cách hiểu đó. Quan trọng là thí sinh đó trình bày một cách logic và có sức thuyết phục.

Không thể bắt HS nói theo chủ ý của người chấm

(TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):

Để làm được bài văn nghị luận xã hội, học sinh (HS) phải hiểu được bản chất của vấn đề xã hội. Từ yêu cầu của đề bài, các em phải đối chiếu được với thực tế đời sống và phải bộc lộ được sự trải nghiệm của chính bản thân mình về vấn đề đó.

Không thể bắt HS nói ý a, b, c,... theo chủ ý của người chấm mà chỉ cần nói được 3 vấn đề như đã nói ở trên. Mục đích cuối cùng của bài viết là hướng đến sự tự hoàn thiện bản thân.

Cách ra đề mở đã được đặt ra trong mục tiêu của chương trình học, đã được chuẩn bị và đưa vào trong toàn bộ chương trình Tiếng Việt của tiểu học và Ngữ văn của trung học.

Thể loại  nghị luận xã hội đã được dạy đồng tâm trong suốt quá trình từ lớp 10 đến lớp 12 với những chủ đề chính như trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng; lý tưởng sống, quan niệm sống; lựa chọn nghề nghiệp; vấn đề môi trường; an toàn giao thông,... Các chủ đề này đưa vào hai dạng bài: nghị luận về một tư tưởng, một quan niệm (danh ngôn, châm ngôn) và nghị luận về một hiện tượng đời sống bao quát các chủ đề trên.

  • Kiều Oanh - Bảo Anh - Phương Lê (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;