221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1222944
Trích dẫn trong đề Văn không phải của Tổng thống Lincoln?
0
Article
null
Trích dẫn trong đề Văn không phải của Tổng thống Lincoln?
,

  - "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin có đúng bức thư của A.Lincoln hay không, vì viết sách giáo khoa thường phải dựa vào nhiều nguồn khác nhau" -  GS Phan Trọng Luận, Tổng Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 10, cho biết  như vậy trước thông tin cho rằng trích dẫn trong đề thi  ĐH năm 2009 môn Ngữ văn không phải của Tổng thống A.Lincoln. Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định nguồn gốc tác phẩm không ảnh hưởng tới đáp án hay chấm bài thi của thí sinh. 

Trang web abrahamlincolnassociation.org

Trên một trang mạng văn học được giới thiệu mới khai trương ngày 12/7 (vanhocmang.net), anh Nguyễn Đình Nam, thành viên sáng lập, đưa thông tin và dẫn một số nguồn cho rằng bức thư gửi thầy giáo nơi trường con trai theo học không phải do Lincoln viết vì cách diễn đạt là của ngôn ngữ hiện đại, khác hẳn so với thời của ông.

Anh Nam cho biết đã tìm kiếm bằng google trên các site .gov (chính phủ Mỹ) và .edu (ngành giáo dục Mỹ) nhưng không có kết quả khả quan nào liên quan tới bức thư.

Khi tìm được bộ sưu tập các tác phẩm của Lincoln - bộ sách cho phép truy cập miễn phí - anh Nam cũng không tìm được bức thư đó.

Trong bài trên trang mạng, anh Nam viết: "Tiếp tục tìm kiếm, đến web site của một cơ quan bảo tồn lịch sử của bang Illinois, là bang nhà của Lincoln, tôi tìm thấy bài tổng hợp  "Lincoln chưa bao giờ nói vậy" của tiến sĩ Thomas F.Schwartz ,khẳng định bức thư này là 1 trong 10 điều Lincoln chưa bao giờ nói hay viết, nhưng bị gán cho ông. Riêng bài phân tích về bức thư đăng lần đầu ở tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Abraham Lincoln mang tên  "For The People" - bản phát hành mùa đông năm 2001 ".

Tham khảo thêm vài nguồn phân tích khác, các phán đoán cho rằng bức thư đó là của một người ẩn danh viết, tuy bản thân là một tác phẩm hay, nhưng để tăng thêm sức nặng, người đó đã đề tên Lincoln vào. Tác phẩm đó lan truyền trên Internet, nhiều nhất là ở vùng Trung Á".

Thomas F. Schwartz là nhà sử học bang Illinois, chuyên nghiên cứu về Lincoln, là giám đốc thư viện và bảo tàng tổng thống Lincoln. Trong 16 năm lại đây, ông đã xuất bản rất nhiều sách về Lincoln.

Câu II (3,0 điểm)

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.”

(Theo Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135)

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

(Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi ĐH 2009)

Trao đổi với VietNamNet, nhà văn Trang Hạ, thành viên nhóm sáng lập trang này cho biết, theo những truy nguyên văn bản, con đường vòng vèo mà tác phẩm “Thư gửi thầy giáo của con trai tôi” tới Việt Nam tương tự với hình thức các tác phẩm văn học mạng ngày nay được biết tới: Nội dung hấp dẫn, hình thức thân thiện, được bạn đọc lưu truyền và quảng bá rộng rãi, được công nhận là một tác phẩm mang giá trị văn học.

"Chúng tôi không khẳng định Lincoln có hay không viết những nội dung này, mà qua xem xét những tài liệu có được, thì có thể chứng minh chưa có bút tích nào của Lincoln mang nội dung như bức thư đã được trích dẫn trong sách giáo khoa", Trang Hạ nói.

Trưa nay, 13/7, ngay sau khi nhận được thông tin, GS Phan Trọng Luận, Tổng Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 10, cho biết, những người biên soạn đã trích văn bản này dựa vào nguồn tư liệu đã xuất bản của NXB Trẻ năm 2004 - tác phẩm "Những câu chuyện về thầy giáo".

"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin có đúng bức thư của A.Linlcon hay không, vì viết sách giáo khoa thường phải dựa vào nhiều nguồn khác nhau".

"Trong trường hợp xác minh rằng văn bản đó không phải của Lincoln, SGK sẽ đính chính lại. Dù là nguồn từ NXB Trẻ đã được thẩm định, nhưng chúng tôi cũng sẽ xem xét lại. Người viết, người chịu trách nhiệm xuất bản cũng có phần trách nhiệm nếu trích dẫn chưa đúng. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến đáp án, cách chấm bài thi tuyển sinh vào ĐH" -  ông Luận bày tỏ.

"SGK là tài liệu chính thống. Việc Ban đề thi sử dụng một tác phẩm có trong SGK chương trình THPT để ra đề thi là hoàn toàn bình thường, phù hợp với các qui định", Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa, HS đã được học và nắm được nội dung tác phẩm thì hoàn toàn đủ điều kiện để làm bài thi.

"Còn nội dung SGK, trong trường hợp cụ thể này là nội dung và nguồn gốc của bức thư của Tổng thổng Mỹ A.Lincoln, thì các tác giả biên soạn SGK phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, độ xác thực của tác phẩm được đưa vào".

"Việc xác định nguồn gốc tác phẩm sẽ không có gì ảnh hưởng đến việc chấm bài thi môn văn khối C của thí sinh. Việc chấm thi sẽ vẫn tiến hành bình thường", ông Nghĩa khẳng định.

Còn bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 cho biết, câu trích trong đề thi có nguồn gốc từ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10. Như vậy, đề thi nằm trong chương trình học sinh đã học. Thí sinh đã học và được biết văn bản này.

 "Lincoln chưa bao giờ nói vậy"

Mạng Internet có thể là một công cụ tuyệt vời để thu thập thông tin nếu web site chứa thông tin đã có một quá trình kiểm duyệt trước khi tài liệu được đăng tải. Tuy nhiên, cũng có quá nhiều thông tin được đưa lên mạng một cách bừa bãi tạo thành các loại thông tin tạp nham.

Những thông tin sau khi được đăng tải lên mạng sẽ nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới, bao gồm cả thông tin rác. Gần đây, tôi đã được cảnh báo về một lá thư được cho là của tổng thống Abraham Lincoln viết cho thầy hiệu trưởng của ngôi trường nơi con trai ông theo học.

Lá thư này xuất hiện trên trang web của Hội đồng quốc gia các trường đào tạo giáo viên có trụ sở ở New Delhi, Ấn Độ và trang web các trường khác. Mặc dù có một chút khác nhau nho nhỏ trong nội dung của lá thư khi được sao chép từ trang web này sang trang web kia, nhưng quan điểm, ẩn ý trong đó thì hoàn toàn giống nhau.

Mỗi trang web đều có một lời giới thiệu nhỏ khẳng định rằng lá thư “được viết bởi Tổng thống Abraham Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng của ngôi trường nơi con ông theo học.

Lá thư chứa đựng một lời khuyên bổ ích đến ngày nay vẫn còn giá trị cho những nhà quản lý, những công nhân, giáo viên, các bậc cha mẹ và học sinh sinh viên”. Bức thư này được sao chép lại trong những dấu ngoặc đơn cho thấy nội dung này chỉ xuất hiện trên các trang web chứ không phải ở hình thức nào khác.

Đáng tiếc là lá thư này không đề ngày tháng, không có manh mối gì để tìm ra danh tính của ông thầy hiệu trưởng hay danh tính người con trai của Lincoln. Trong số 4 người con trai của Lincoln thì chỉ có Robert theo học Trường Đại học Illinois và Phillips Exeter Academy. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Lincoln đã từng viết thư cho các nhà chức trách trong nhà trường về hành vi của Robert. Văn phong và nội dung của lá thư không phải phong cách của Lincoln. Bất cứ ai gần gũi với Lincoln đều ngay lập tức nhận ra rằng đây không phải là giọng điệu của ông.

(Tạm dịch từ bài viết của tác giả Thomas F. Schwartz đăng trên trang web abrahamlincolnassociation.org).

Thomas F. Schwarz là nhà sử học bang Illinois, là Giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lincoln. Ông được xem là một chuyên gia nghiên cứu về Abraham Lincoln. Với vai trò thư ký của Hiệp hội Abraham Lincoln, ông đã đóng góp rất nhiều cho tổ chức phi lợi nhuận này. Là người đứng đầu Ủy ban nội dung lịch sử cho Thư viện và Bảo tàng tổng thống Abraham Lincoln, ông đã làm cho bảo tàng nổi danh trên toàn thế giới về tính trung thực trong việc phản ánh hình ảnh con người của cựu tổng thống. Ông là người trẻ tuổi nhất đã được các nhà sử học bang Illinois bầu chọn đảm nhận vị trí Giám đốc thư viện và Bảo tàng Abraham Lincoln (nhậm chức năm 1993 khi mới 38 tuổi).

Schwarz đã tận dụng vị thế của mình để chia sẻ kiến thức lịch sử với sinh viên và các nhóm cộng đồng bằng cách làm cho Lincoln và thời của ông sống lại.

Theo Thị trưởng Springfield, Tim Davlin “Thomas F. Schwarz là một người chính trực và có tầm hiểu biết sâu rộng về lịch sử”.

 

  • Nhóm phóng viên   

**********************************

Ý kiến bạn đọc:

Ho ten: Hoang Cong Phu
Dia chi: Ha Noi
Tieu de: Suy nghĩ lại mình

Theo tôi, dù đó có phải câu nói của tổng thống Mỹ hay không cũng không quan trọng mà quan trọng là nó có ý nghĩa đối với mỗi thí sinh đã thi và sẽ thi. Không những thế nó còn ẩn chứa nhiều điều sâu xa ám chỉ đến xã hội chúng ta. Mỗi người phải nên suy nghĩ lại mình xem đã làm được gì. Có thể NXB sai nhưng nếu như ai đó nghe câu nói này và tìm kiếm từ trước rồi phản ánh thì có chuyện tranh cãi này không? Tại sao chúng ta không làm trước để rồi khi xảy ra lại trách móc nhau. Hãy suy nghĩ lại...

Ho ten: Hà Anh Tuấn
Dia chi: Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An
Tieu de: Góp ý về đề thi có lời trích dẫn của tổng thống Mỹ Lincoln

Tôi nghĩ là đề thi đã ra đúng quy định vì sử dụng tư liệu ở sách giáo khoa mà các em đã được học. Tuy nhiên các nhà làm sách cũng cần coi đây là bài học để biên soạn sách một cách thận trọng hơn mà thôi. Hiện nay có quá nhiều ý kiến về bộ sách giáo khoa hiện hành. Mong rằng đến một lúc nào đó chúng ta sẽ có được một bộ sách giáo khhoa hoàn thiện!

Ho ten: Trần Minh Quân
Dia chi: Nghệ An
Tieu de: Thử suy nghĩ xem

Theo mình nghĩ, vấn đề bức thư có xuất xứ từ đâu không quan trọng, nhưng việc Bộ GD không đưa ra thông tin chính xác mới là vấn đề lớn, nhất là trong đề thi tuyển sinh ĐH. Theo mình thì những thông tin trong đề thi không thể sai sót như vậy được.

Ho ten: Đỗ Ngọc Sơn
Dia chi: Thái Nguyên
Tieu de: Sách giáo khoa không phải là tiểu thuyết

Đây là một bức thư có giá trị giáo dục rất cao mà mọi người đều biết, nhất là các lớp đàn anh. Nếu chỉ nói về giá trị giáo dục thì ta không cần bàn vế tính chính xác của xuất xứ vì dù là của ai thì giá trị đích thực cuả bức thư cũng không thay đổi, nhưng ở đây đã là thông tin của SÁCH GIÁO KHOA thì không nên sai và không được sai. Đừng nên: "Nếu sai thì ta đính chính".

Ho ten: Toi Thi No
Dia chi: Ha Noi
Tieu de: Không được

Sao lại không quan trọng nhỉ?! Nếu học sinh phân tích rằng đó là quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ, và từ đó họ sẽ đưa ra các biện pháp với ngành giáo dục của họ và kết quả ngành giáo dục của họ đã được cả thế giới đánh giá cao như thế nào đó... như vậy thì học sinh phân tích sai ư? Hay là chúng ta giả định thế?

Ho ten: Thay giao gia
Dia chi: Sai gòn những năm 70
Tieu de: Thư của Abraham Lincoln

Trước năm 1975, “Thư của tổng thống Abraham Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng” đã được một tạp chí ở Sài Gòn (dành cho lứa tuổi học trò) đăng bài dịch bằng tiếng Việt. Thư này có phải của Tổng thống Abraham Licoln không thì cần kiểm chứng lại nhưng nó đã tồn tại trước khi có internet.

Ho ten: Chieu xanh
Dia chi: TP Vinh
Tieu de: Đề văn hay

Bức thư có phải là của Abraham Lincoln hay không, không phải là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng là câu trích dẫn trong bức thư rất hay và có ý nghĩa trong việc nhận thức của học sinh về tính trung thực trong thi cử và trong cuộc sống. Tình cờ, tôi cũng đã ra đề văn này cho học sinh làm ở trên lớp, các em rất thích làm những đề văn theo hướng mở như thế này. Tân trọng cảm ơn các ý kiến của bạn đọc.

Ho ten: Lê Khắc Ngọ
Dia chi: THPT Phúc Trạch
Tieu de: Đãi cát tìm vàng chứ ai tìm sâu

Đau đầu quá các cậu ơi. Tại sao lại bắt bẻ thế chứ. Đề ra có yêu cầu HS xác minh tác giả của bức thư để rồi đáp án là A. Lincoln đâu. Ý của người ta là suy nghĩ về những lời uyên bác ấy đã được người xưa đề cập, nay mình nên như thế nào. Tôi cho đề văn là rất hay, phân loại được HS. Kiểu này thì "phao cũng chìm".

Ho ten: Hoa Nguyễn
Dia chi: SG
Tieu de: Ai viết không quan trọng

Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng ai viết không quan trọng... mà điều quan trọng nhất là nội dung nó chuyển tải đến mọi người là gì....

Gửi bạn Little Kent... Dân ca Việt Nam cũng là một trong những nguồn không thể xác minh được ai là tác giả bởi đơn giản đó là truyền miệng từ đời này qua đời khác. Nói như bạn thì chúng ta không nên giảng dạy dân ca cho con cháu chúng ta sao??? Trong khi đó dân ca có tính giáo dục rất cao về tình yêu quê hương, về những điều nhân nghĩa, về tình mẫu tử...

Ho ten: Tuong Dinh
Dia chi: Hanoi
Tieu de: Nên có nguồn trích dẫn

Lá thư này rất sâu sắc, được rất nhiều người biết, tìm đọc, đôi khi còn ghi lại như là kỷ niệm đẹp để học tập. SGK nên có trích dẫn nguồn cụ thể (trang..., tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản) để người học, người đọc không cảm thấy mơ hồ, mất tự tin về tính chính xác!

Ho ten: Vu Anh Nam
Dia chi: Lam Dong
Tieu de: Trao đổi về đề thi Đại học

Tôi là một người không thật sự thích học môn Ngữ Văn lắm, nhưng khi đọc xong đề thi khối C đại học năm 2009, tôi rất thích đề Văn dạng mở như thế này. Vậy "Tại sao chúng ta phải cố gắng xác định cho bằng được tác giả của bức thư nổi tiếng này? Để làm gì khi mà cha đẻ của nó cố giấu tung tích của mình". Nếu đề thi chỉ với nội dung đó mà Hội đồng ra đề không trích dẫn nguồi gốc xuất xứ thì cũng có ảnh hưởng gì đâu, chẳng lẽ thí sinh sẽ không làm bài thi khi đề không ghi rõ xuất xứ?

Vấn đề chúng ta nên quan tâm là thí sinh sẽ làm bài như thế nào, chất lượng bài làm có đáp ứng đề bài hay không, chất lượng dạy văn của chúng ta ra sao, để HS tiếp cận dần với những đề Văn "mở" như vậy, và quan trọng hơn là giáo dục cho các em HS cảm thấy tự hào khi... "thi rớt" còn hơn là "gian lận trong thi cử"... thông qua những đề thi.

Ho ten: Phạm Anh Tuấn
Dia chi: Tp Vinh
Tieu de: Đề Văn 2009

Câu này là câu 3 điểm trong đề văn tuyển sinh năm 2009, nó khá lạ so với chương trình cũ mà bọn em từng được học trước đây. Trước hết, em không dám bình luận gì về đề bài, em chỉ tình cờ phát hiện ra 1 sự ngẫu nhiên thú vị. Ngày nó xuất hiện đúng vào ngày bắt đầu thi môn Văn (chú ý ngày tháng ghi trên tờ lịch). Và đây là điều trùng hợp ngẫu nhiên và em chỉ muốn đóng góp thêm 1 tí thông tin!!!

Ho ten: Hoàng Thị Lan Hương
Dia chi: Yên Bái
Tieu de: Ý kiến về câu trích dẫn trong đề thi

Theo tôi những thông tin trong sách giáo khoa phai có nguồn gốc chính xác bởi học sinh luôn coi sách giáo khoa là tài liệu chuẩn mực. Mặc dù đề bài này không ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh, đây là một đề mở và hay nhưng khi tiếp nhận được những thông tin trên chắc chắn sẽ gây mất niềm tin cho các bậc phụ huynh và học sinh. Vì vậy ngành giáo dục nên có sự kiểm định chất lượng chính xác. Học sinh nếu nhầm tác phẩm của tác giả Tố Hữu với Chế Lan Viên đã là điều đáng trách nhưng những người cung cấp tri thức cho các em mà nhầm thì phải xem xét thật kĩ. 

Ho ten: Hải Anh
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Về bài "Trích dẫn trong đề Văn.."

Theo tôi, tác giả đích thực của bức thư đó là ai cũng không quan trọng. Có thể không phải là của Abraham Lincoln, mà người viết cố tình gán cho ông không ngoài mục đích tăng thêm sức nặng
cho nó mà thôi. Tôi cho rằng, thông điệp của bức thư không chỉ dành cho cá nhân ông hiệu trưởng mà còn là phương châm trồng người của nền giáo dục Hoa Kì. Ở đây tôi muốn liên tưởng đến những câu nói của Bác Hồ như “Non sông Việt Nam có trở nên sánh vai các cường quốc năm châu hay không…” đâu có phải chỉ dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng; hay “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tất cả đều là mục tiêu của ngành giáo dục của mỗi quốc gia

Tất nhiên, vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của các tư liệu đưa vào sách giáo khoa cần phải rõ ràng, chính xác. Nhưng ở đây, đối tượng trích dẫn tư liệu (sgk) chỉ là sách Ngữ văn chứ không phải sách Văn học sử nên thiếu sót này trong khâu thẩm định là có thể chấp nhận được. Nếu so với các sai sót trong các sách giáo khoa môn Lịch sử mà gần đây được dư luận phản ánh thì nó quá nhỏ bé. Giá mà tất cả các loại sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến đại học của ta đều được các nhà quản lí thẩm định kĩ càng và dư luận quan tâm sâu sắc như trường hợp về bức thư trên thì hay biết mấy.

Cuối cùng, tôi cho rằng, đây là 1 trong những đề thi hay của môn Văn, người ra đề không hề có lỗi trong chuyện này và cũng rất mong các đề thi môn Văn và Sử ngày càng có nhiều những đề ra dưới dạng mở như vậy để buộc học sinh độc lập trong tư duy, tránh những lối mòn theo kiểu “tầm chương trích cú”, làm bài theo đáp án hay bài mẫu.

Ho ten: Phạm Văn Phú
Dia chi: Ninh Thuận
 

Cám ơn bạn Phạm Nguyễn Quang Duy có cái nhìn thông thoáng về vấn đề này.Mong rằng nguồn gốc lời trích dẫn không làm ảnh hưởng đến giám khảo trong quá trình chấm bài.

Ho ten: Vũ Thanh
Dia chi: Yonsei University, Seoul, South Korea

Vừa đọc bài viết vừa tạm dịch những thông tin mà bài viết cung cấp tôi đã thấy ngay một số thông tin liên quan. Trang web tên hubpages.com đặt bức thư này với tiêu đề: "Letter from a parent to a teacher". Trong khi đó một website khác đặt tiêu đề: "Lincoln’s Letter to his Son’s Teacher". Cả hai trang web trên điều đăng đầy đủ bức thư của Lincoln, trong đó có câu đã được dịch và trích dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10: "In the school teach him it is far honourable to fail than to cheat…". Đó là thông tin từ những website.

Về góc độ sách giáo khoa, việc trích dẫn từ những tài liệu được xuất bản là việc rất cần thiết. Trên thực tế việc làm trên còn rất hạn chế trong tất cả các giáo trình ở nước ta từ phổ thông đến đại học. Thiết nghĩ, các tác giả biên soạn sách cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này vì đó là thông tin rất cần thiết cho người đọc khi muốn tìm thông tin gốc.

Ho ten: Pham Nguyen Quang Duy
Dia chi: 123

Quả thật, đây là một đề văn hay, dù bức thư có phải là thật hay không cũng không quan trọng. Nhiều người quan trọng thật - giả mà quên đi ý nghĩa và bài học rất hay trong câu nói “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”.

Mong sau này sẽ có những đề văn theo hướng mở như vậy cho giới trẻ bớt đi theo lối mòn trong suy nghĩ, đầu óc bớt chai sạn.

Ho ten: Bùi Huy Lực
Dia chi: Hà An - Yên Hưng - Quảng Ninh

Theo tôi, khi thông tin chưa có cơ sở pháp lý thì không nên đăng lên sách giáo khoa. Làm như vậy tính giáo dục sẽ giảm hoặc phản tác dụng.

Ho ten: Nguyễn Đạt
Dia chi: TP. Lào Cai

Thực ra việc bức thư có phải là của Abraham Lincoln hay không, không phải là vấn đề quá quan trọng. Quan trọng là đề thi Văn đã có những đổi mới căn bản. Vấn đề còn lại là xem các giám khảo chấm như thế nào cho công bằng khi đề Văn rất mở mà thôi. Hơn nữa, qua đây cũng đề nghị các nhà giáo nên cẩn trọng hơn trong việc xây dựng đề thi, giáo trình đảm bảo độ chính xác, nhân văn.

Ho ten: Hải Triều
Dia chi: TP.HCM

Tại sao chúng ta phải cố gắng xác định cho bằng được tác giả của bức thư nổi tiếng này? Để làm gì khi mà cha đẻ của nó cố giấu tung tích của mình và gán nó cho Tổng thống Lincoln? Dù ai là tác giả đi nữa, tôi cũng chắc rằng tác giả phải là người rất uyên bác ,đồng thời ,phải là người có tinh thần Lincoln và rất ngưỡng mộ cố tổng thống Lincoln.

Ho ten: Little Kent
Dia chi: Ha Noi

Thật không thể hiểu nổi. Những kiến thức trong sách giáo khoa có ảnh hưởng rấn lớn đến tri thức của một quốc gia. Vậy mà một lá thư không rõ nguồn gốc, khi chưa thẩm định được thông tin mà Bộ Giáo dục đã cho đưa vào giảng dạy. Những sai sót này là lớn hay nhỏ và ai sẽ chịu trách nhiệm?

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,