221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1223694
Đề thi đại học mới - Khẳng định giá trị cũ
0
Article
null
Đề thi đại học mới - Khẳng định giá trị cũ
,

 - "Cái này mới, nhưng mới một cách rụt rè, mới như một cô gái bắt đầu ra mắt nhà trai, e lệ thẹn thùng quá. Nên bạo dạn hơn chút nữa. Những đề hay kiểu này xứng đáng được 5/10 điểm. Có thể nói vui: Hóa ra, khẳng định lại giá trị của cái cũ, dùng lại cái hay của người xưa cũ, như thế là đổi mới".

PGS Văn học Trần Hữu Tá, một giảng viên đã có hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, cho biết như vậy về một điểm được xem là "mới" trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 đang được dư luận quan tâm.

Mới… từ nửa thế kỷ

PGS Trần Hữu Tá.
Cách đây nửa thế kỷ, đề thi dạng nghị luận xã hội đã được ra trong các kỳ thi THPT (lớp 9 bây giờ) và thi tú tài. Học sinh của thế hệ cũ, trước 1945, hoặc ở Hà Nội trước 1954, Sài Gòn trước 1975 rất quen với thể loại này.

Tôi nhớ năm 1952, lúc ở Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT, đề ra cho thí sinh là “Một nhà văn đã viết: Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông”. Anh (chị) hãy bình luận câu này”.

Đây là câu nghị luận xã hội, nhưng phải diễn đạt làm sao vừa chặt chẽ, vừa “có văn” về một vấn đề thiết thân của xã hội.
 
Chừng vài chục năm gần đây, đề thi các cấp của ta lại chỉ ra về nghị luận văn chương. Đến nay, bắt đầu có lại nghị luận xã hội.

Có thể nói vui: Hóa ra, khẳng định lại giá trị của cái cũ, dùng lại cái hay của người xưa cũ, như thế là đổi mới.

“Như cô gái ra mắt nhà trai…”
 
Thế nhưng, cái mới của năm nay còn là chọn được một câu dẫn có giá trị, đặc biệt là đề thi của khối C (một số báo cho rằng câu đó không phải của Lincoln, cái này để cho các nhà văn bản học tìm tòi rồi xác định lại. Nhưng dù không phải của Lincoln, đó vẫn là một câu trích rất đáng ra đề).
 
2 dòng ngắn gọn đã nêu lên một vấn đề rất quan trọng, không những cho thế hệ trẻ mà cho mọi thế hệ, mọi đối tượng.

Ý của câu này đánh thức trong mỗi người một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng về nhân cách, đó là lòng tự trọng. Điểm mới này cũng đáng trân trọng và phát huy.

Chỉ tiếc một điều, tại sao câu này lại chỉ là một trong 2 câu của phần chung và chỉ có 3 điểm?
Theo tôi, câu đầu tiên về Thạch Lam có thể bỏ. Đề thi chỉ cần 2 câu, phần chung là câu này và phần riêng là chọn 1 trong 2 đề về nghị luận văn học.
 
Câu này xứng đáng được nâng lên 5 điểm và được viết dài hơn chứ không chỉ gói gọn trong 600 chữ. Bởi vì càng bộc lộ kỹ, càng có tác dụng tự nâng mình lên, tự làm tỏa sáng tâm hồn.
 
Cái này mới, nhưng mới một cách rụt rè, mới như một cô gái bắt đầu ra mắt nhà trai, e lệ thẹn thùng quá. Nên bạo dạn hơn chút nữa, không phải đi tới cái chỗ táo tợn, sỗ sàng để rồi chiếm tất cả vị trí trong bài thi. Nhưng nghị luận chính trị xã hội nói chung và những đề hay kiểu này xứng đáng được 5/10 điểm.
 
Cần lưu ý, sau khi tốt nghiệp phổ thông, trước mắt học trò đường đời có muôn ngả: lên đại học, học nghề hoặc lao động kiếm sống. Nhưng ngay trong số người lên đại học, số theo ngành văn chương chiếm tỉ lệ rất thấp.
 
Còn sinh viên các ngành đại học khác, có mấy khi dùng đến nghị luận văn học? Chủ yếu họ phải được rèn luyện để có kỹ năng sử dụng tinh thạo thể nghị luận xã hội - chính trị, để phục vụ thiết thực cho những yêu cầu nảy sinh trong cuộc sống.

Với số đông lúc này, việc đọc thêm tác phẩm văn học là niềm vui. Còn cái sử dụng trong thực tế cuộc sống là nghị luận xã hội chính trị. Ví dụ: viết  báo cáo, tham gia vào hội thảo tranh luận. Nghệ thuật lập luận, phản biện, so sánh, phân tích… là những kỹ năng cần thiết.

Không tự phát hay bất thường

Chưa kịp trao đổi nhiều, nhưng với những giáo viên THPT mà tôi gặp, những người có kinh nghiệm và tâm huyết, đều hưởng ứng và đồng tình với kiểu đề thi này. Họ cũng đã có dự kiến là năm tới phải thay đổi ra sao.

Thật ra, cái đó không phải tự phát hay bất thường. Chương trình và sách giáo khoa THPT cũng đã quy định, dành cho kiểu bài nghị luận xã hội này một tỉ lệ thích đáng. Vấn đề ở chỗ giáo viên cần thực hiện nghiêm túc những yêu cầu, nội dung do sách giáo khoa quy định.

Tôi ngờ là chất lượng bài làm câu 2 này của số đông thí sinh sẽ không cao. Sự lúng túng của các em khi đối diện với câu hỏi này sẽ khiến cho giáo viên  phải suy nghĩ lại về cách dạy và nội dung dạy của mình.

“Đừng ảo tưởng”

Tăng Ngọc Dũng (trái) và Lữ Đức Quân, HS lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) nhận thưởng vì đã cứu người bị nạn trong ngày thi tốt nghiệp. Ảnh: Quốc Huy
Ở mức độ nào đó, đề thi sẽ có tác động tích cực đến học sinh về tính trung thực. Tuy nhiên, cũng đừng ảo tưởng, sau khi làm một bài "luận" về tính trung thực, học sinh sẽ trong sáng, thánh thiện hẳn. Ở đây, nên hiểu một quy luật tâm lý - quy luật “tác động của sự lặp lại”.
 
Nếu ai đi tham quan nước Nhật, lang thang trên đường phố ở các đô thị lớn, sẽ hiểu tại sao người Nhật ứng xử rất có văn hóa, không xả rác, hút thuốc hay nhổ bậy. Vì tất cả  phương tiện truyền thông đại chúng, như màn hình ti vi khổ lớn trên đường phố, cứ 15 phút, lại hiện lên những dòng chữ nhắc nhở mọi người phải giữ gìn vệ sinh, có cách ứng xử văn hóa trên đường phố. Liên tục nhắc nhở như thế, không thấm thía sao được.
 
Ở Pháp, vào một số trường như ĐH Paris, Masseille… thì thấy ở đâu cũng có khẩu hiệu "Trường ĐH không thuốc lá". Ai còn dám hút thuốc nữa?

Liệu có thể giáo dục các thói quen văn minh bằng những phong trào vận động rầm rộ chỉ trong một tuần: tuần lễ vệ sinh đường phố, tuần lễ không xả rác, tuần lễ vệ sinh an toàn thực phẩm…?

Sau tuần lễ đó, “dùi” cất đi sau khi “đánh trống” tưng bừng, thì làm sao có thể tạo thành nếp, thành lối sống tốt đẹp cho người dân?

Cho trẻ biết cả những "cây đời màu xám"
 
Sau kỳ thi, trên VietNamNet, tôi thấy có độc giả băn khoăn "Trường học ngược trường đời?". Đúng là nhiều khi có nghịch lý ấy. Người ta thường bảo lý thuyết màu xám, cây đời xanh tươi. Nhưng nhiều khi lý thuyết xanh tươi, cây đời màu xám. Ý của tôi là sự phát triển của cuộc sống không đơn giản, thuận chiều như ta tưởng.

Thậm chí, có lúc, có nơi, có bộ phận, cái xấu lấn cái tốt, cái ác có điều kiện lộng hành và con người trung thực bị trù ẻo, vùi dập, chịu cảnh oan khiên.
 
Dẫn chứng, trong phong trào chống tham nhũng vừa rồi, chính Chính phủ nhận xét chính quyền địa phương rất ít phát hiện, mà chủ yếu do người dân, báo chí. Chưa kể, trong số người dân tích cực phát hiện không ít người bị trù dập.

Cuộc sống không đơn giản nên việc giảng dạy, giáo dục cũng không thể giản đơn.
 
Người thầy, một mặt phải nhiệt tình cổ vũ cho cái trong sáng, tốt đẹp, cao thượng, động viên thúc giục học trò tự giác phấn đấu đạt tới "chân, thiện, mỹ", hoàn thiện được những giá trị, phẩm chất cần có của người thanh niên mới.
 
Đồng thời trong chừng mực nào, cũng phải cho học trò thấy được phần xám của cây đời chứ không nên giấu bọn trẻ. Tất nhiên, đừng quá sa đà vào bức tranh xám. Điều chủ yếu, qua đó, củng cố lòng tin cho các em về quy luật "thiện thắng ác", "đẹp thắng xấu".
 
Và điều quan trọng là làm sao cho các em thấy được ngay từ bây giờ, mỗi em phải là nhân tố phát huy cho tốt cái tích cực, chống lại cái xấu.

Tất nhiên, chưa giải quyết được những cái to tát như chống tham nhũng, nhưng các em phải là nhân tố tích cực trong việc xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa như tuân thủ luật giao thông, bảo vệ môi trường, "nói không" với tệ nạn xã hội... Để các em thấy, là con, phải có bổn phận với gia đình; là trò, phải có nghĩa vụ với nhà trường. Mỗi người góp vào một chút, vun trồng cái tốt đẹp, trong sáng; xã hội nhất định sẽ khác đi, lành mạnh hơn.

  • Đoàn Quý (ghi)

*******************************

Hoten: Nguyễn Tuyết Hạnh
Dia chi: Hà Giang
Tieu de: Về một đề thi mở

Đúng là đề văn đại học năm nay không mới đối với chúng ta, nhưng khá lâu rồi, chúng ta mới dám làm như thế. Cách đây 29 năm, khi còn là học sinh cấp 3, chúng tôi đã được thầy giáo dạy sử ra đề thi thế này: "Nói về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ". Thế là chúng tôi viết rất tự tin theo cách hiểu của mình, nêu lên những mốc quan trọng trong chiến dịch, những chiến thắng, những mất mát của ta, những bài học lịch sử được rút ra từ chiến thắng lịch sử vĩ đại ấy...

Đề mở sẽ khuyến khích tư duy của người học, thay đổi cách dạy và cách học. Một cách làm hay nên được khuyến khích. Tuy vậy, chúng ta cũng nên có những bước đi phù hơp, thực hiện một cách khoa học, chớ làm theo kiểu phong trào để sự đổi mới phát triển một cách bền vững

Hoten: Thanh Tâm
Dia chi: ktqd36

Tôi đồng ý với ý kiến của PGS Văn học Trần Hữu Tá. Sinh viên  chủ yếu họ phải được rèn luyện, phải có kỹ năng sử dụng tinh thạo thể nghị luận xã hội - chính trị trong viết  báo cáo, tham gia vào hội thảo tranh luận. Nghệ thuật lập luận, phản biện, so sánh, phân tích… là những kỹ năng cần thiết và để phục vụ thiết thực cho những yêu cầu nảy sinh trong cuộc sống, để nhận thức và ứng xử có văn hóa trong xã hội.

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT sẽ có những bước đổi mới trong phương pháp đào tạo để học sinh, sinh viên ra trường có nhiều kiến thức hơn về đời sống về xã hội. Không chỉ là đề thi đại học mà trong cách dạy và học cũng nên theo sát cuộc sống hơn.

Tôi xin đơn cử về một bài dạy văn ở Mỹ "Người Mỹ dạy bài học cô bé Lọ Lem". Còn chuyện "mới từ nửa thế kỷ" có lẽ chẳng sao, những điều tốt đẹp chúng ta cần phải học, cần phát huy dù đó là quá khứ hay là học từ bất kỳ một quốc gia nào.

Ho ten: tôi là tôi
Dia chi: Thai Thuy -Thai Binh
 

Khi tôi còn học ở lớp cấp 3, tôi thường thấy các thày cô dạy rằng chúng ta học để phấn đấu điểm cao, rồi lớp phải thi đua tiên tiến so với toàn trường. Rồi mỗi khi chúng tôi làm bài kiểm tra hay bất cứ kì thi nào cũng vậy, cứ được điểm kém là cô chủ nhiệm lại hét lên rằng: các em không cố gắng làm ảnh hưởng đến thi đua của cả lớp và của riêng chính cô. Biết  rằng, chúng tôi phải cố gắng, nhưng có nhiều môn, với chúng tôi, thầy cô dạy rất khó hiểu. Chỉ còn một cách là không biết thì chép bài giải.

Ho ten: Trần Xuân Thọ
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Đề văn chỉ có một CHỮ

Trong đời tôi đã từng gặp một đề thi học sinh giỏi văn có một không hai, tôi ấn tượng suốt mấy chục năm qua. Đề văn chỉ có duy nhất một chữ. Nguyên văn như sau: "Đề bài: Kiều."

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, tôi không còn thấy có được những đề văn hay (theo đánh giá của cá nhân tôi) như thế. Còn bạn? hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về đề văn trên?

Ho ten: Trần Mạnh Cường
Dia chi: Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội 
Tieu de: Nhân cách - giá trị cốt lõi

Cái giá trị cốt lõi của con người là nhân cách. Cái giá trị cốt lõi của một dân tộc là tính cách dân tộc. Điểm chung của nhân cách và tính cách dân tộc: những hệ thống giá trị, hệ thống niềm tin định hình hành động của cá nhân của dân tộc đó.

Tôi rất thích câu hỏi trong đề thi đại học. Chừng nào mà vấn đề nhân cách, tính cách chưa được giải quyết một cách thấu đáo thì mọi sự tăng trưởng, phát triển chỉ là vô nghĩa.

Ho ten: Nguyễn Thị Linh Trang
Dia chi: Phú Xuyên-Hà Nội

Đọc được những ý kiến của thầy, em thấy có niềm tin hơn đối với bài văn của mình. Em vừa trải qua kì thi đại học khối D Trường Đại học Hà Nội. Năm nay là năm đầu tiên áp dụng thể loại văn nghị luận xã hội, đề cho là viết không quá 600 từ nhưng em viết lên đến gần 1.000 từ, em sợ mình sẽ bị trừ điểm vì viết quá dài. Nhưng những ý mà em viết trong bài đều giống với đáp án, đồng thời, em đưa ra khá nhiều dẫn chứng để chứng minh vì sao lại như vậy! Theo thầy, em làm như thế có sao không ạ? Vì khi viết, em không thể tự nhiên kìm lại cảm xúc và những ý định mà
em đang suy nghĩ trong đầu. Em mong thầy lắng nghe ý kiến của em và trả lời em nhé! Em cảm ơn thầy rất nhiều!

Ho ten: Nguyễn Thị Thủy
Dia chi: Cục Thuế tỉnh Đồng Nai
Tieu de: Quá hay!

Lâu lắm rồi, tôi mới lại đọc được bài viết hay. Tuổi trẻ của tôi được những người Thầy như PGS Trần Hữu Tá dạy, vì vậy, nhận thức xã hội hiện nay của tôi, theo tôi nhận thấy là khá tốt. Quan điểm của tôi rất giống quan điểm của Thầy.

Cuộc đời có Thạch Sanh và có Lý Thông. Đôi khi "Thạch Sanh ít, Lý Thông nhiều", nhưng chúng ta phải cùng nhau tiêu diệt Lý Thông và "nhân bản" Thạch Sanh lên để cho phần xanh tươi nhiều hơn phần màu xám. Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là màu xám luôn có trong cuộc đời, nhưng phải hạn chế nó, dùng màu xanh lấn át nó... 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,