221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1224018
Học văn để làm gì?
0
Article
null
Học văn để làm gì?
,

 - "Do truyền thống coi trọng văn chương, nên cứ nói đến môn văn là người ta nghĩ ngay đến môn dạy các tác phẩm văn chương... Mà ngay tác phẩm văn chương cũng chỉ coi trọng những tác phẩm hư cấu tưởng tượng" -  PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - một trong những tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn THCS - cho biết như vậy trong bài viết với tiêu đề "Học và thi môn Ngữ văn".

 

Thí sinh làm bài thi. Ảnh: An Bang

 

Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thi kết thúc, dư luận xã hội lại “xôn xao” bàn luận về chuyện học và thi. Năm nay cũng vậy. Riêng môn Ngữ văn, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về môn học này.

 

Có những ý kiến hết sức xác đáng, nhưng cũng không ít ý kiến chưa hiểu đúng việc học và thi môn Ngữ văn. Xin nêu lên một vài điểm căn bản mà dư luận xã hội đang quan tâm để rộng đường dư luận.

 

Ngữ văn chỉ là môn công cụ?

 

Trong một xã hội hiện đại, khi khối lượng tri thức của nhân loại đã và đang tăng lên vùn vụt, không có nhà trường nào lại lựa chọn cách dạy nhằm cung cấp số lượng các sự kiện và tri thức. Trong bối cảnh xã hội ấy, nhà trường cần dạy cách thức tiếp nhận và tạo lập các giá trị văn hóa.

 

Về lí luận, điều này không có gì mới, nhưng hiểu cho đúng và nhất là hiện thực hóa tư tưởng đó vào nội dung cụ thể của mỗi môn học không phải là đơn giản. Chỉ trả lời câu hỏi dạy và học môn Ngữ văn để làm gì đã thấy sự phức tạp này.

 

Lâu nay, do truyền thống coi trọng văn chương, nên cứ nói đến môn văn là người ta nghĩ ngay đến môn dạy các tác phẩm văn chương... Mà ngay tác phẩm văn chương cũng chỉ coi trọng những tác phẩm hư cấu tưởng tượng (fiction): thơ, truyện, tiểu thuyết... còn văn nghị luận và các loại văn bản khác (nonfiction) ít được chú ý.

 

Kết quả là HS có thể thuộc rất nhiều thơ/văn nhưng ra đời vẫn không viết được một biên bản hay đơn, thư giao dịch cho đúng quy cách; rất lúng túng khi xem bản đồ một thành phố lớn để xác định các bến xe buýt và những điểm cần đến. Trong khi một giáo viên dạy văn của Hoa Kỳ cho rằng: dạy tác phẩm Odyssey của Homer chỉ cần tập trung vào việc giúp HS có kiến thức và kỹ năng đi du lịch là chính, còn việc nắm nội dung tác phẩm ấy thì để HS tự đọc ở nhà.

 

Không ai phủ nhận vai trò của thơ văn trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của người học... nhưng mục tiêu đó không phải là độc quyền của bất cứ môn học nào. Mục tiêu trực tiếp của môn Ngữ văn trong nhà trường trước hết bắt đầu từ tiểu học là dạy cho HS biết đọc, biết viết (literacy) và lên trung học là giúp họ trở thành người đọc, người viết có văn hóa.

 

Để đạt được mục tiêu trên, cần hình thành và rèn luyện cho HS hai năng lực thiết yếu: Đọc hiểu văn bảntạo lập văn bản. Năng lực đầu giúp HS biết tiếp nhận, thưởng thức, đánh giá sản phẩm của người khác và năng lực sau biết tạo ra sản phẩm (nói và viết) của chính mình. Chính vì thế mà hầu hết các nước đều coi môn học này là môn công cụ.

 

Đọc hiểu và tạo lập văn bản có rất nhiều mức độ, trình độ khác nhau. Thoát nạn mù chữ không có nghĩa là đã biết đọc - hiểu. Nhiều người đọc rất to và lưu loát một văn bản nhưng vẫn không hiểu hoặc hiểu không đúng thông tin trong đó. Theo tờ New Week, cho đến năm 1993, Hoa Kỳ vẫn có “gần một nửa số người lớn (khoảng 95,5 triệu người) không tự điền vào phiếu gửi tiền ngân hàng hoặc... không tìm được điểm khởi hành của xe buýt hướng dẫn trên bảng lịch trình vào ngày thứ bảy”. Có lẽ vì thế mà Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chủ trương coi trình độ đọc hiểu (reading literacy) là một trong ba lĩnh vực quan trọng để đánh giá năng lực HS vào cuối giai đoạn giáo dục bắt buộc.

 

Nhà trường Việt Nam không thể không chú trọng tới việc dạy cho HS biết cách đọc - hiểu một văn bản. Trong cuộc sống, văn bản cần đọc hiểu rất phong phú, văn bản văn chương chỉ là một trong các loại ấy.

 

Biết viết không chỉ là viết đúng chính tả, ngữ pháp mà còn có những yêu cầu cao hơn: phải có ý; ý phải đúng, phong phú, mới mẻ, sáng tạo và độc đáo; phải biết trình bày, lập luận chặt chẽ, gây được ấn tượng, có phong cách và giọng điệu riêng... Cũng cần nói thêm, biết tạo lập văn bản còn bao hàm cả biết nói. Nói thông, nói thạo, nói hay... là một yêu cầu cao.

 

Tóm lại, dạy học môn Ngữ văn hiện nay đang điều chỉnh lại quan niệm cũ, hình thành quan niệm mới: giúp HS cách thức tiếp nhận và tạo lập các văn bản; coi trọng không chỉ văn chương hình tượng mà còn các loại văn bản khác đa dạng và gần gũi hơn với cuộc sống đời thường.

 

Văn nghị luận, đặc biệt là nghị luận xã hội (NLXH) vì thế được chú ý ở cả phần đọc - hiểu và cả phần làm văn. Các văn bản thông thường như đơn từ, biên bản, thư tín, quảng cáo, hợp đồng... cũng được chú ý luyện tập...

 

Không nắm được mục tiêu và quan niệm trên rất dễ cho rằng SGK Ngữ văn thiếu chất văn, khô khan, nặng nề.

 

Đề thi Ngữ văn: Cần đổi mới hơn nữa

 

Sau khi đề thi đại học môn Ngữ văn năm 2009 được công bố, đã có khá nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá. Nhiều ý kiến khen nhưng cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Là một người có tham gia xây dựng chương trình và biên soạn SGK Ngữ văn, xuất phát từ mục tiêu và những yêu cầu của chương trình, SGK như đã nêu, tôi thấy cần trao đổi lại mấy điểm sau đây:

 

- Đề thi đại học 2009 mặc dù vẫn còn có những hạn chế trong cách diễn đạt câu chữ, nhưng nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu về cấu trúc và nội dung mà Bộ GD&ĐT đã nêu lên.

 

- Việc ra đề NLXH không có gì xa lạ đối với HS học theo chương trình và SGK Ngữ văn mới. Đề có câu NLXH trước hết là đáp ứng yêu cầu của Chương trình và SGK Ngữ văn. Việc mãi tới năm nay (2009), NLXH mới được đưa vào đề thi, đúng là có “chậm đổi mới”, nếu so với chương trình và SGK giai đoạn cải cách giáo dục. Vì giai đoạn ấy cũng có học NLXH, nhưng chưa bao giờ thi. Còn năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp THPT và đại học trong toàn quốc theo chương trình, SGK mới, cho nên đề có câu hỏi về NLXH là hoàn toàn hợp lí và kịp thời.

 

- Đề thi Ngữ văn đại học năm nay không phải là “đề mở”. Vì đề nêu rất rõ ràng và cụ thể vấn đề cần nghị luận, có đủ cả câu dẫn, câu trích, câu lệnh, phạm vi bàn bạc, thậm chí cả độ dài của bài viết. Đã yêu cầu rõ như thế thì sao lại gọi là “đề mở”?

 

Đề mở mà chúng tôi quan niệm là chỉ nêu lên vấn đề, đề tài, không yêu cầu gì về thao tác, kiểu văn bản, phạm vi bàn bạc và độ dài của bài viết, hoàn toàn tùy HS. Đề mở có cả ở NLVH chứ không phải chỉ mình NLXH. Chẳng hạn: “Đức tính trung thực” (NLXH) và “Văn học với việc xây đắp tâm hồn anh/chị” (nghị luận văn học - NLVH).

 

Tóm lại đề thi đại học năm nay không phải đề mở. Và như thế đáp án phải nêu lên một số nội dung cơ bản cần đạt. Tuy nhiên, ngay cả với đề “không mở” thì bao giờ cũng nên có một phần điểm để khuyến khích những HS có sáng tạo riêng, làm khác với đáp án, miễn là có sức thuyết phục.

 

- Để đổi mới thực sự, theo tôi cần chú ý hơn nữa tới tính phân hóa, nhất là kì thi nhằm chọn người có tài. Đề năm nay là đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí, dạng đề đã quen thuộc từ lâu. Cần chú ý thêm dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống (chẳng hạn: Anh/chị có suy nghĩ gì trước cảnh nhiều con sông đang biến thành“sông chết”?). Đây là dạng đề mới và khó hơn so với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí, rất phong phú và gần gũi với đời sống; nó đòi hỏi sự suy nghĩ sáng tạo, hạn chế việc sao chép tài liệu có sẵn...

 

Về NLVH, nếu đổi mới thực sự phải tiến tới có câu yêu cầu HS đọc hiểu, phân tích và cảm thụ những văn bản chưa được học trên lớp. Vì mục tiêu của chương trình ngữ văn mới là trang bị cho HS phương pháp đọc.

 

Những văn bản được giảng trên lớp chỉ là mẫu để hình thành và rèn luyện; còn khi thi cần ra những văn bản tương tự nhưng chưa được học thì mới đánh giá đúng năng lực đọc - hiểu, cảm thụ văn chương của HS. Giống như môn Toán, người ta chỉ dạy cách giải phương trình còn bài toán cụ thể thì khi thi phải là bài toán chưa được giải.

 

Dư luận xã hội, các bậc phụ huynh học sinh cần thông hiểu và đồng tình với yêu cầu đổi mới này để qua các kì thi thực sự lựa chọn được những HS có năng lực văn học.

  • PGS.TS Đỗ Ngọc Thống 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
eferrer_", r));