221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1228309
Những đứa trẻ... nửa phố thị
0
Article
null
Những đứa trẻ... nửa phố thị
,

- Những năm gần đây, bộ mặt làng quê có nhiều thay đổi rõ rệt. Không khí làng quê được thay bằng không khí phố thị. Bên cạnh sự sung túc dần lên là những nhức nhối "bất khả kháng" mà trẻ em là nhóm đối tượng đầu tiên bị tác động.

Bị-trở-thành-lêu-lổng

goc quan game
Những đứa trẻ "cày" game cả đêm lẫn ngày.
Phạm Văn Hoàng năm nay mới vào lớp 6. Tóc hung cháy nắng vì đi chăn trâu cho bác ruột. Thân hình gầy nhẳng, đen nhám như những đứa trẻ nông thôn khác nhưng đặc biệt thích "quậy".

Trong quán game online (trò chơi trực tuyến), chốc chốc từ cái miệng phì phèo thuốc lá của Hoàng lại gằn gừ những tiếng chửi thề. Tay ngấu nghiến ấn chuột, đôi mắt Hoàng lúc giận dữ, lúc lại sáng bừng cùng tiếng cười sặc sụa. Hoàng có thể "giũa game" thâu đêm, suốt sáng. Với cậu, đó là chuyện bình thường vì nhiều học sinh ở trường THCS Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) cũng đam mê các trò đấy.

Chẳng bao giờ Hoàng bị bố mẹ mắng vì họ đã chia nhau mỗi người một ngả - người bán bún đậu, kẻ làm xe ôm ở ngoài Hà Nội. Ai nấy cũng có con đường riêng của mình vì đã tìm được "bến đậu mới", bỏ lại hai chị em Hoàng vất vưởng ở phố huyện Nhân Mỹ. Mái ấm ngày nào của Hoàng giờ đã bay mất nóc.

Mấy năm gần đây, làn gió đô thị hóa làm phố huyện của Hoàng "thêm nở mày nở mặt"... với khu chợ Chanh hiện đại, rồi cả siêu thị sắp xây dựng, nhà máy, quán xá dịch vụ. Những ngôi nhà mới toanh, sơn xanh đỏ mọc lên dọc các con phố, át dần những căn hộ cũ kỹ, nhem nhuốc. Các dự án đổ về nườm nượp, cùng với việc thị tứ được đổi thành thị trấn làm cho đất đai trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Túi tiền của người dân cũng có đôi chút rủng rỉnh hơn, với mức thu nhập của người dân từ 6,2 triệu đồng/người/năm giờ là 10,7 triệu đồng. Các hộ gia đình ào ào bán đất để lên phố tìm cơ hội làm ăn, kiếm tiền về để "đổi đời". Trong những ngôi nhà, thưa dần bóng dáng, tiếng cười nói cũng như rầy la của cha mẹ.

Nhưng, cũng chính làn gió đó lại bù đắp cho những đứa trẻ mặc-nhiên-trở-thành-lêu-lổng như Hoàng nhiều thú vui mới lạ, thời thượng hơn, như: game online, bi-a, chat chit...

Tiền thì Hoàng và đám bạn chẳng thiếu, vì đã có bố mẹ đi làm "trên phố". Khi nào cạn túi, chúng chỉ cần "a lô" là lại có tiếp viện từ "trên phố" gửi về. Những đứa trẻ nhà nông khác không có "viện trợ" dồi dào như vậy, ánh mắt thèm thuồng nhìn theo đám xe máy của nhóm bạn Hoàng vè vè trên đường.

Nhiều đứa nhà nghèo cũng nghiện game, bi-a đến phát cuồng. Điển hình là Ngọc (lớp 4 - tiểu học Nhân Mỹ), để thỏa cơn khát game, chỉ còn cách "xoay" của nhà đem bán. Cứ vài bữa, quán game chỗ chợ Chanh (Nhân Mỹ, Hà Nam) lại có tiếng rít, tru tréo của các bà mẹ đến truy đuổi đám "nghịch tử" - dám "ẵm" nồi niêu xoong chảo đem nướng vào game. 

Không chỉ có chơi mà sau khi thua cuộc chúng còn lao vào ẩu đả đánh nhau thừa sống thiếu chết. Thủy - chủ một quán game ở chợ Chanh thổ lộ: “Làm ăn bằng cái quán game cũng được phết, chỉ mất tiền vốn thôi nhưng khách lúc nào cũng đông nên chẳng sợ ế, nhưng vẫn lo ngay ngáy vì chúng nó hay đánh nhau. Mình vừa sợ nó đánh nhầm, vừa sợ nó cướp máy”.

Những xô lệch trong tâm hồn

Hoàng và nhóm bạn đặc biệt khoái các loại băng đĩa lậu bán thừa mứa ngoài chợ, nhất là các thể loại "phim người lớn". Tuy nhiên, mọi sự khám phá của những đứa trẻ cùng lứa với Hoàng không chỉ dừng lại ở việc xem trên phim ảnh. Trong năm 2009, có rất nhiều vụ cưỡng hiếp và xâm hại trẻ vị thành niên đã diễn ra trong môi trường học đường của huyện.

Hồi tháng 4 vừa qua, nếu không có một vụ xô xát giữa các nhóm học sinh, thì không ai có thể biết đến vụ một học sinh nữ lớp 8 trường THCS Nhân Mỹ bị xâm hại. Thủ phạm của vụ xâm hại thì ngông nghênh tuyên bố: “Dù con H đi đâu tao cũng “sử dụng” được nó”. Còn "nạn nhân" chỉ biết nơm nớp câm nín, không dám nói với gia đình và thầy cô vì sợ bị trả thù. 

Nước mắt ngắn dài, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Mỹ (Lý Nhân – Hà Nam) nghẹn lời: “Bây giờ trẻ lớn trước tuổi nên suy nghĩ cũng lớn hơn rất nhiều. Trong khi chương trình học chưa có những bài giảng hay và thuyết phục về vấn đề giới tính".

Những năm về trước, “việc xâm hại” giữa học sinh vẫn bị xem nhẹ và nhà trường coi đó là chuyện “vô tư”của con trẻ. Nhưng gần một năm trở lại đây, ban giám hiệu đã xem xét và nhận định chuyện “vô tư” đó một cách nghiêm túc hơn.

Cô Tâm trần tình: “Chuyện trẻ em xâm hại lẫn nhau hiện nay không phải là hiếm. Một phần vì các em lớn nhanh, một phần vì bị ảnh hưởng từ những vấn đề bên ngoài như: các loại văn hóa phẩm xấu hay từ trong gia đình”.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa thể xử lí vụ việc này một cách thấu đáo. Những cố gắng để uốn nắn và bảo ban cậu học sinh trên đều không mấy tác dụng vì bố mẹ của em đã ly thân và đang mưu sinh ở nơi khác.

Lỗ hổng nhận thức và sự xô lệch trong tâm hồn của những đứa trẻ "phố thị nửa mùa" càng loang rộng hơn khi mà, đời sống tâm sinh lý, kiến thức về giới tính vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, trên lớp, các em chỉ được học các môn chính, ít khi được tiếp cận các kỹ năng sống đúng mực.

Trong một nỗ lực để bù lấp những thiếu hụt đó, cô Thanh Tâm cho biết: "Sắp tới trường sẽ tiến hành phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm giúp các em hiểu nhau, hòa nhập với nhau hơn. Đồng thời sẽ đưa cả những kiến thức giới tính vào để các em không tò mò tự tìm hiểu”.

  • Nguyễn Thu Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));