221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1225823
Lựa chọn của giới trẻ: Sự trung thực mang màu sắc thực dụng?
1
Article
null
Lựa chọn của giới trẻ: Sự trung thực mang màu sắc thực dụng?
,

 -Kỳ thi ĐH 2009 để lại dư âm về một đề thi "giàu tính thời sự": yêu cầu thí sinh bàn luận về tính trung thực. 

Trong bài thi, không ít "9X" đã làm khá nhợt nhạt. Theo một giám khảo ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, hầu hết các bài thi viết theo kiểu "vẹt", không thể hiện được chính kiến. Thậm chí, đề thi yêu cầu viết về sự trung thực nhưng thí sinh lại viết không trung thực.

Còn ở ngoài cuộc đời? Trong cuộc thảo luận "mini" sau khi kỳ thi ĐH kết thúc của các bạn trẻ "cuối 8X, đầu 9X", đã có người nhiều lần băn khoăn: Tại sao phải sống trung thực khi rất nhiều người xung quanh đang sống giả dối mà vẫn đạt thành công? Vậy, nên sống không trung thực để “được” nhiều hay trung thực để “mất” nhiều đây?

Mô tả ảnh.
4 bạn trẻ trao đổi với nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình tại tòa soạn VietNamNet.  Trong ảnh: TS Trịnh Hòa Bình ( Viện Xã hội học), Nguyễn Thị Thanh Dung – Sinh viên năm 2 Khoa Báo chí – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội; Nguyễn Bích Ngọc - sinh viên năm 1 ĐH Havard (Mỹ); Lê Thuận Uyên – sinh viên năm 1 ngành Quan hệ Quốc tế ĐH York (Anh); Lê Thanh Tùng (Tùng shark): chuyên viên thiết kế của "Kênh 14" . Ảnh: Phạm Hải

Trung thực tương đối và thiệt thòi tương đối 

Sống trung thực, liệu có nhận nhiều thiệt thòi? Không khí của buổi thảo luận như “nóng” lên bởi câu hỏi đã chạm đến nhiều suy tư của bốn bạn trẻ.

Bằng những trải nghiệm của một sinh viên báo chí từng viết về nhiều vấn đề xã hội bức xúc, Thanh Dung chia sẻ: “Đơn giản chỉ là việc bạn đang đi trên một chuyến xe buýt và chứng kiến một người đang ăn cắp ví tiền của một người khác, bạn có dám lên tiếng khi biết đấy là một tên côn đồ?”

“Tôi dám chắc sẽ đến 90% sinh viên im lặng vì sự an toàn của mình”.  

Mô tả ảnh.
Thanh Dung
Thanh Dung không ngừng tự vấn: “Nhưng nếu tất cả chúng ta chỉ vì lợi ích cá nhân mà trốn chạy hoặc phủ nhận giá trị đích thực của sự trung thực thì xã hội này sẽ như thế nào? Những giá trị đích thực ở đời sẽ ra sao?”  

Bích Ngọc bằng sự tự tin của một học sinh đã được trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ nhận làm sinh viên bằng một hồ sơ khác biệt, đã khẳng định: Sống trung thực chỉ có ĐƯỢC, chứ không bao giờ MẤT.

Cô lấy một thực tế trong kỳ thi lái xe ở Việt Nam vừa qua làm ví dụ. Trong khi tất cả mọi người đưa cho “thầy” 500.000 để làm hộ bài thi lý thuyết thì Ngọc đã bỏ ra hai buổi tối tự ôn thi và thi đỗ với sổ điểm tuyệt đối.

“Khi lái xe tôi sẽ rất yên tâm vì nắm rõ biển báo, tín hiệu, luật… và những kiến thức “thật” mà tôi học được cũng đem lại sự an toàn cho người khác”.

Tùng shark (Lê Thanh Tùng) với kinh nghiệm sống của một chàng trai đã “trải” đời từ năm 14 tuổi, cho rằng: Trung thực không có hại cho bản thân mình nhưng có những lúc không trung thực thì cũng chẳng sao cả, mà còn rất có lợi cho mình. Đó chính là sự trung thực tương đối và thiệt thòi tương đối.

Sự trung thực tương đối, theo lý giải của cậu, nghĩa là trong một hoàn cảnh nào đó, bạn trung thực với người này là tốt, nhưng trung thực với người kia lại là không tốt.

Vậy làm sao chúng ta phải làm mọi thứ tốt nhất cho cuộc sống của mình, đó mới là mục đích cao nhất.

Mô tả ảnh.
Tùng shark
Lấy ví dụ từ chính bản thân Tùng là cậu đang làm việc cho hai công ty giải trí vốn là đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng “tôi cũng chẳng dại nói là tôi làm cho bên này, bên kia. Thế nhưng, tôi luôn đặt ra giới hạn không làm phương hại đến công ty nào”.

Ngay lập tức đã có một ý kiến phản biện: “Một cái bánh mỳ là một cái bánh mỳ, nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ. Một sự thật là một sự thật nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa. Ở một khía cạnh nào đó, sự trung thực chính là một sự thật".

Vậy bây giờ chúng ra đặt ra một nửa sự trung thực hoặc là sự trung thực tương đối, thì khi đó sự trung thực có còn là một sự thật nữa không? Có thể chấp nhận được không?

Lý giải cho câu hỏi này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Chúng ta không thể vật chất hóa được sự trung thực vì trung thực là một thứ giá trị tinh thần”.

Bích Ngọc cũng đưa ra một chia sẻ: “Những chính khách nếu không đặt ra có một giới hạn nào đó, thì chắc chắn họ sẽ có những quyết định sai lầm trong cuộc đời.

quyết định sẽ ảnh hưởng đến số phận hàng triệu người khác, vì thế họ phải coi trung thực như là một giá trị tuyệt đối không thể xâm phạm”

Phải có “LỰC” thì mới sống cao thượng?  

Trong khi coi trung thực là một thứ giá trị có thể “tương đối”, thì cao thượng lại là mục đích sống tuyệt đối với Tùng, thậm chí có thể đặt cao thượng lên trên cả trung thực, Tùng nhấn mạnh

Nhân ý kiến của Tùng, TS Trịnh Hòa Bình có đặt một câu hỏi: Vậy trong cuộc sống có những lúc nào đó không trung thực nhưng vẫn đạt được tính cao thượng?

Ông lấy ví dụ một câu chuyện trong tác phẩm "Totochan cô bé bên cửa sổ".

Thầy hiệu trưởng năm nào cũng tổ chức hai trò leo cầu thang bộ và chui qua bụng cá giấy cho học sinh trong ngày hội thể thao, và năm nào cậu học sinh bé nhất, chân tay ngắn ngủn nhất trường cũng giành giải nhất.

Ở đây, ông thầy đã làm một việc không trung thực là tổ chức một cuộc thi không công bằng cho tất cả học sinh nhưng ông đã làm một việc cao thượng là đem lại sự tự tin, niềm hạnh phúc cho cậu học sinh vốn tự ti về chiều cao, vóc dáng kia.

Nghe xong câu chuyện, cả bốn bạn trẻ đều đồng tình rằng: Cao thượng sẽ giúp cuộc sống đẹp hơn, con người sống “NGƯỜI” hơn.

Tuy nhiên, như Tùng Shark đã xác định với bản thân, “mình phải có “LỰC” thì mới cho người khác được”. Suy nghĩ của Tùng đã khiến TS Trịnh Hòa Bình phải băn khoăn: “Không phải là cảnh trống dong cờ mở, thùng rỗng kêu to như một số người lớn làm từ thiện, giới trẻ ngày nay hình như đã có một quan niệm mang màu sắc thực dụng hơn về tính cao thượng? Cụ thể là chữ CHO phải đặt trong những điều kiện CÓ và ĐỦ, trước hết là vật chất”.  

Mô tả ảnh.
Thuận Uyên
Ngay lập tức Thuận Uyên, bạn trẻ đang theo học ngành Quan hệ Quốc tế ở Anh đã phản biện: “Tôi nghĩ điều thầy Bình nói chỉ là 50/50.  Đôi khi nhưng lời nói hoặc hành động rất nhỏ của mình cũng thể hiện sự cao thượng, bao dung với người khác”. Bích Ngọc với những quan sát nhiều năm ở Singapore và mới đây là ở Mỹ thì cho rằng Giới trẻ phương Tây rất khó đi ra khỏi bức tường nơi có chứa cái TÔI rất to của họ để sống cao thượng và hi sinh cho người khác. Nhưng ở Việt Nam, Ngọc lại rất xúc động khi vẫn thấy nhiều láng giềng vẫn chia nhau từng miếng cơm, manh áo khi hoạn nạn.  

Chọn trung thực và cao thượng là lẽ sống  

Trong những “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, bốn bạn trẻ ngồi đây sẽ chọn cho mình những cách sống nào?

Tùng Shark khẳng định không bao giờ đặt cho bản thân câu hỏi là sống trung thực sẽ được gì, mất gì, mà làm sao để sống thoải mái nhất, đó mới chính là mục đích tối thượng!

Những bạn quay cóp, gian lận trong thi cử, họ cũng giỏi ở bản lĩnh dám làm đấy chứ?”. Tùng nói bạn không cảm thấy hối hận vì đã quay cóp trong khá nhiều kỳ thi vì đó chỉ là một cách thi đối phó.

Nhưng cũng không đồng nghĩa với việc Tùng sẽ chọn cách sống giả dối. Mà “Trung thực với bản thân mình, thì dù có thua thiệt, tôi vẫn cảm thấy thoái mái, khi không phải hạ nhục, không phải dằn vặt, mặc cảm với lương tâm".

Mô tả ảnh.
Bích Ngọc
Thanh Dung cũng thừa nhận: có lúc mình từng gian dối và cũng có lúc sống không cao thượng chà đạp lên người khác? Nhưng bạn tin rằng gieo thì gió gặt bão, những người sống không trung thực, gian dối, chà đạp thì sẽ nhận được những hậu quả.

Dung kết luận: “Tôi chỉ đặt vấn đề mình chỉ sống làm sao để không làm mình thấy hổ thẹn, đau xót với lương tâm chứ không bao giờ đặt vấn đề được hay mất nếu sống trung thực”.

Thuận Uyên thì bối rối không chắc mình có đủ dũng khí để chà đạp lên người khác để sống không?

Nhưng sau này, Uyên cũng không chắc là mình sẽ không làm điều đó.

Bích Ngọc lại tin vào cạnh tranh lành mạnh và luật nhân quả. “Mình sống đúng với con người mình và nếu cố gắng thực sự thì tất cả những thứ mình muốn sẽ đến chứ không phải dẫm đạp để có”.

Lắng nghe đối thoại của bốn bạn trẻ, TS Trịnh Hòa Bình trải lòng bằng những tâm sự của một người cha và một nhà nghiên cứu về xã hội.

Theo ông: “Con người ta sinh ra khi lớn lên hầu như ai cũng băn khoăn với câu hỏi, mình sinh ra để làm gì, sự tồn tại của mình có ý nghĩa như thế nào, mục đích của cuộc sống là gì? Trung thực và cao thượng gắn với lẽ sống và việc anh chọn một cách sống như thế nào”. 

TS Bình trăn trở: “Có lúc nào đó giới trẻ mất lòng tin vào hệ thống, vào người lớn hay không, tôi tin chắc chắn những bạn trẻ đau đời sẽ có niềm băn khoăn đó? Các bạn trẻ cũng đặt ra câu hỏi là sống trung thực thì chúng tôi sẽ được gì?”.

Ông cho rằng có ai đó sẽ lên án dường như cách đặt vấn đề đó của giới trẻ là  quá thực dụng? “Tại sao anh phải mặc cả nếu như đó là nguyên tắc sống và anh chấp nhận mọi thứ được, mất để làm theo nó?  

“Thế nhưng, ông cho rằng khi mà hệ thống giá trị đang bị đảo lộn và bạn trẻ là những người đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì họ sẽ đặt ra cho mình một câu hỏi như vậy! Tất cả đang bị thách thức và giới trẻ phải trả lời bài toán đó, nên họ có quyền đặt câu hỏi “Sống trung thực, được gì?”  

Bằng những trải nghiệm, vấp váp của một người đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, ông chân tình sẻ chia: Các bạn trẻ cũng đừng thấy thiệt thòi mà không làm bởi lẽ nếu tất cả chúng ta cùng nghĩ và cùng làm như thế thì xã hội này sẽ đi về đâu? Ai cũng dừng lại chờ người khác, thì giới trẻ - những người đang là hiện tại và tương lai sau này sẽ không thể thiết lập sự TRUNG THỰC cao quý - điều cần và đủ cho một xã hội tiến tới văn minh!

Vào cuối buổi thảo luận, bốn bạn trẻ đã làm một trắc nghiệm nhỏ, kết quả như sau: Có ba bạn thừa nhận đã từng có những hành vi không trung thực trong học tập và trong cuộc sống, chỉ riêng có Bích Ngọc thì không bao giờ vi phạm vào nguyên tắc sống này.

Hai bạn cho rằng trong xã hội ngày nay nhất thiết nên sống cao thượng, hai bạn còn lại nghĩ rằng nên tùy từng trường hợp, hoàn cảnh.

Ba bạn chọn đáp án sai cho câu hỏi “Sống và làm việc đúng theo lương tâm có là một sự thua thiệt?”, một bạn chọn đáp án tùy từng trường hợp, hoàn cảnh.

Cả bốn sinh viên đều đồng ý: Tinh thần Tự do, Tư duy độc lập, có chính kiến và một bản lĩnh cá nhân sâu sắc là những phẩm tính cần có để lựa chọn những giới hạn trung thực trong cuộc đời.

  • Sơn Khê (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,