Không ít lâu nữa, em sẽ được đưa vào trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi tỉnh Bắc Ninh để sống nhờ vào sự cưu mang, nuôi nấng của xã hội...
Cô bé vừa tròn 10 tuổi, thấp bé như trẻ lên 5, đôi mắt đen lay láy lúc nào cũng trĩu xuống một vẻ cam chịu.
Mấy hôm nay, từ tờ mờ sáng, em đã lẻn dậy trước các chị, lom khom đứng trước bàn thờ bố mẹ khấn khan: "Bố Thành, mẹ Nguyệt có sống khôn, chết thiêng thì phù hộ độ trì cho con được ở nhà với chị An, chị Huệ".
Bữa cơm trưa của ba chị em An, Tình, Huệ chỏng chơ bát rau cải luộc chấm nước mắm. Ảnh: Sơn Khê |
Hai chị gái nằm còng queo trên chiếc giường xập xệ, mặt úp vào tường như cố giấu đi những tiếng thổn thức đang òa vỡ trong lòng.
Vào một buổi sáng năm 2004,người me của các em - không chống chọi nổi với căn bệnh ung thư hạch - đã lặng lẽ từ biệt thế gian khi bé An (người con cả) đang ròng rã đi bộ sang làng bên kiếm lá thuốc về tắm cho mẹ.
Bốn năm sau đó, người cha mới 39 tuổi đầu, bệnh tình ngơ ngẩn cũng từ giã cõi đời. Bàn tay nhỏ bé của An đã từng vuốt mắt cho mẹ, nay lại đặt lên đôi mắt người cha nhắm nghiền. Nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất ám ảnh An, chính là hình ảnh đứa em gái nhỏ Huệ đang quằn quại, sùi bọt mép mỗi khi lên cơn động kinh.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, cán bộ phòng Văn hóa Xã hội và ông Nguyễn Văn Mùi - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - xã Nhân Hòa - Quế Võ - Bắc Ninh cho biết gia đình ba em bé mồ côi An, Tình, Huệ muốn nhận hỗ trợ từ tỉnh Bắc Ninh để xây nhà Đoàn kết thì phải đạt độ tuổi trên 45. Còn muốn nhận hỗ trợ từ huyện và xã thì phải có ít nhất 50% kinh phí xây nhà (tương đương với khoảng 2 vạn gạch, theo ước tính của ông Mùi). Những điều kiện này được ghi lại trong văn bản do UB Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Võ ban hành tháng 9/2008.
Trong căn nhà cấp 4 trống huơ, trống hoác nồng lên mùi ẩm mốc, không có một tài sản nào trị giá vài chục nghìn.
Tủ quần áo, bàn học, hai chiếc xe đạp, những thứ đáng giá nhất mượn từ làng xóm hoặc anh em trong nhà. Cái hòm nhôm đặt bát hương và ảnh thờ hai bố mẹ cũng là do người cô ruột Nguyễn Thị Bảy cho mượn lại.
Số tiền 30 nghìn đồng kiếm được mỗi ngày từ tiền nhặt phôi gạch của An được chi li chia ra thành từng khoản nhỏ nhất. Bố mất đi, số tiền 180 nghìn đồng hỗ trợ người tâm thần bị xã cắt, nay chỉ còn 120 nghìn đồng hỗ trợ nghèo cho ba chị em đang tuổi ăn, tuổi mặc.
Gia đình rơi xuống đáy của sự kiệt cùng, cô bác bên nội đành nuốt nước mắt bàn chuyện gửi Tình vào trung tâm mồ côi và Huệ thì nghỉ học vì bệnh tật.
Đầu Tết Nguyên đán vừa rồi, Tình - người lành lặn nhất trong ba chị em - suýt mất mạng.
Hôm đó, em đang ở góc nhà thì bỗng nhiên "ruỳnh, ruỳnh, ruỳnh" gạch, vôi, vữa bở ra từ hai mảng tường cửa vỡ tan tành trên mặt đất.
Hai chị em Huệ, Tình chắp tay khấn bàn thờ bố mẹ trên chiếc hòm nhôm mượn của anh em (ảnh phải). Cô ruột Nguyễn Thị Bảy thương xót cho hoàn cảnh ba đứa cháu. Ảnh: Sơn Khê
Người cô ruột chạy đến nhà cán bộ thôn và Cựu chiến binh kêu khóc đề nghị xã xét xây nhà Đoàn kết giúp cho những gia cảnh đặc biệt khó khăn.
Sáu tháng sau ngày kêu cứu, không một cán bộ thôn hay xã nào đặt chân đến căn nhà tồi tàn của ba chị em mồ côi.
“Đúc chữ” từ… khuôn đóng gạch
Mới 15 tuổi, Hà Văn Dũng (xóm 8 Bắc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã thuần thục từng động tác đóng gạch như một công nhân lành nghề. Em đã lăn lộn suốt mùa hè tại lò gạch để kiếm thêm tiền cho năm học mới.
Ngôi nhà tạm bợ của gia đình Dũng nằm trên núi Nghèn, được xây trên miếng đất của một người bà con xa cho mượn. Nội trong năm nay hai mẹ con em phải chuyển đi chổ khác vì người ta sẽ lấy lại đất. Bây giờ hai mẹ con cũng chưa biết sẽ phải đi đâu.
Gia đình Dũng thuộc diện hộ nghèo của thị trấn Can Lộc. Bố em thường hay rượu chè be bét, ba năm trước bỏ cả ba mẹ con em vào miền Nam, rồi biền biệt từ đó không tin tức gì.
Mới 15 tuổi nhưng thao tác đóng gạch của Dũng thuần thục như một công nhân lành nghề. Ảnh: Hồng Anh
Trước đây, thấy mẹ một mình làm lụng vất vả nên Dũng một buổi đi học, một buổi đi bắt cá, mò ốc để kiếm thêm thực phẩm cho những bữa ăn đạm bạc. Em cũng đã đi xin làm thuê ở nhiều nơi nhưng không ai nhận.
Trong xóm có gia đình làm nghề đóng gạch, thấy Dũng hiền lành, chăm chỉ lại ham học nên đã nhận em vào làm việc. Từ khi nghỉ hè, Dũng đi đóng gạch cả ngày. Em muốn tận dụng sức lực và thời gian để kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ trang trải cho năm học mới sắp đến.
“Lúc đầu chưa quen thì thấy rất nặng nhọc, tối về ngủ nhức ê ẩm cả người. Giờ thì em quen rồi, tuy vất vả nhưng em cũng chịu được. Mỗi buổi đi làm em được trả công từ 15.000 đến 20.000 đồng. Em cố gắng tích góp để cuối tháng có tiền mua sách vở, đỡ thêm một khoản tiền cho mẹ”- Dũng kể.
Chị Minh - mẹ Dũng - nói trong nước mắt: “Thương con lắm nhưng phải gạt nước mắt mà đi! Phải đi làm thì mới có tiền trả nợ ngân hàng. Tội nghiệp cháu, từ nhỏ đã phải thui thủi ở nhà một mình không ai chăm sóc. Trước đây tôi làm ở Hà Tĩnh hàng tháng còn có thể thăm con, nhưng nếu vào TP.HCM, một năm mới được về nhà một lần. Không ai muốn bỏ con mà đi, nhưng vì mưu sinh. Mẹ con ở nhà thì sẽ chết đói, nói gì đến việc học của con.
Cháu Dũng rất thiết tha được đi học tiếp, bây giờ lại để nó phải dở dang việc học như anh nó, làm mẹ mà để con thất học tôi đau lòng lắm”.
Buồn nhưng vẫn phải can đảm mà sống
Đó là suy nghĩ của em Nguyễn Thị Thu Phương, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Phước Thạnh (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Nơi gia đình Phương ở là căn nhà lá hiếm hoi ở vùng này. “Nhìn các bạn ai cũng có nhà xây, chỉ mỗi nhà em là nhà lá mà buồn lắm. Nhưng càng buồn em càng cố gắng học” - Phương chia sẻ. Căn nhà nhỏ không có chỗ nào lành lặn, xung quanh tường hết hở chỗ này đến hở chỗ khác. Nhiều lỗ thủng lớn không vá nổi.
Mẹ Phương làm nia bán, ba làm phụ hồ, thu nhập của cả nhà lúc nào cũng bấp bênh. Mỗi ngày, mẹ Phương chỉ làm được khoảng 5 - 7 cái nia với giá chưa đầy 2.000 đồng/cái.
Thu Phương cặm cụi làm nia cùng với mẹ. |
Phương kể, đêm nào cũng vậy, 11-12h mẹ mới đi ngủ. Có những hôm ba Phương bị cảm, nhức đầu nặng lắm mới dám nghỉ. Nghỉ lắm cũng chỉ một ngày rồi tiếp tục đi làm để đủ tiền xài cho một tuần. Nghề phụ hồ thất thường, có việc đã mừng, hôm nào không có việc thì phụ vợ làm nia kiếm thêm chút đỉnh.
Đi học cả ngày, chiều về Phương phụ mẹ giặt giũ áo quần, nấu ăn rồi làm nia cùng mẹ. “Một ngày thấy mẹ bị đứt tay cả chục lần, đến nỗi bàn tay mẹ chai sần. Lúc nào phụ mẹ bị đứt tay em không dám nói, sợ mẹ lo rồi không cho phụ nữa” - Phương kể.
Mỗi tháng, tiền học thêm Phương đều dành dụm và tự trả. Đối với em, ăn quà vặt, uống nước hay ra tiệm internet là vô cùng xa lạ. Nhìn các bạn cùng lớp được ăn uống, chơi đùa, Phương chỉ biết ngậm ngùi cắm đầu vào học tập và dành thời gian phụ giúp gia đình.
“Đi học vậy chứ em luôn lo sợ, sợ một ngày ba mẹ không đủ khả năng cho em đi học. Thế nhưng, buồn thì buồn chứ em không bao giờ khóc vì nghĩ là phải can đảm mà sống” - Phương tâm sự.
Đầu năm học mới này, Phương nhận được niềm vui lớn khi được cô giáo chủ nhiệm lớp cũ tặng bộ đồng phục mới.
Vừa cám ơn cô, Phương vừa vui vì nghĩ ba mẹ đỡ phải lo thêm một phần chi phí cho mình.
Sơn Khê - Hồng Anh – Quang Cường - Minh Quyên
Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường. Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: bandoc@vietnamnet.vn; Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148 Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam 198 Trần Quang Khải, Hà Nội 2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp toà soạn xin liên hệ: (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường") 3.Liên lạc trực tiếp:
-Em Nguyễn Thị Tình, học sinh lớp 5C, Trường tiểu học xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. - Em Hà Văn Dũng,xóm 8 Bắc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. -Em Nguyễn Thị Thu Phương, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM. |