- Tiếng trống Bắc Lý những năm 1960 đã có sức lan tỏa rất lớn trong phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành giáo dục cả nước. Hiện nay, sức lan tỏa của phong trào có còn mạnh mẽ như xưa?
Âm vang tiếng trống ngày ấy
Ngày 3/9, những tiếng trống trường rộn rã đã vang lên, báo hiệu một năm học mới bắt đầu tại Trường THCS Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Bác Hồ gặp giáo viên trường Bắc Lý tại đại hội thi đua "Hai tốt" năm 1966. Ảnh tư liệu. |
Bà Nguyễn Thị Thủy, cựu học sinh và hiện là giáo viên Lịch sử của trường xúc động: "Mỗi lần được nghe tiếng trống, lòng tôi cũng như những người con Bắc Lý đều rộn ràng xúc động. Nhịp trái tim tươi vui và hạnh phúc tiến bước để xứng đáng với truyền thống cha anh hơn".
Còn nhà báo Trương Hữu Lợi, liên đội phó đội thiếu niên trường Bắc Lý những năm 1960 – 1963 nhớ lại kỉ niệm về tình thày - trò: Ngày trước, tôi trọ học ở trường nên được ở gần với các thầy.
Có buổi tối, các thầy nấu cháo, nhìn thấy Lợi liền mời vào ăn. Lợi ngại không vào thì các thầy hỏi: ở nhà bố mẹ nấu cháo, bảo em vào ăn thì em có ăn không? Tại sao em không coi các thầy như bố mẹ mình ở nhà...
Nhiều học sinh cũ của trường vẫn nhớ như in hình ảnh các giáo viên ngày ấy như thầy Hòa, thấy Giám, thầy Hương… đã cùng mọi người đào đất, đắp các con đường lầy lội để học sinh đến trường.
Giáo viên ngày ấy cũng mày mò sáng chế ra các giáo cụ trực quan để gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Học sinh học đến đâu thì thực hành ngay những công việc gắn với lao động, sản xuất ở vùng nông thôn Bắc Lý.
Đón các em học sinh vào lớp 6...Ảnh: Giáo dục Thời đại |
Nhà báo Trương Hữu Lợi cho rằng: điển hình Bắc Lý đã giải quyết tất cả những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Giáo dục đạo đức được coi trọng, được cụ thể hóa và sinh động, gần gũi, học sinh cấp 2 có thể hiểu được.
Xã hội hóa giáo dục cũng đã được thực hiện, học sinh và phụ huynh tham gia góp gạch, góp tre, góp gỗ… để xây dựng trường, lớp.
Có thể nói, tiếng trống Bắc Lý ra đời trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn, nhưng về mặt tinh thần, thầy và trò đều rất hào hứng, tin tưởng, cùng nhau thi đua dạy tốt và học tốt. Trường THCS Bắc Lý đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.
“Không phải cứ có phong trào là được”
Ông Ngô Văn Hằng, Hiệu trưởng trường THCS Bắc Lý cho rằng: “Trống xưa và nay thì vẫn thế, bởi chúng tôi luôn giữ vững quyết tâm có một tiếng trống giòn, khỏe, thúc đẩy tinh thần học tập của các em học sinh”.
Ông Ngô Văn Hằng, Hiệu trưởng trường THCS Bắc Lý: "Tiếng trống Bắc Lý đến nay vẫn còn sức lan tỏa".
Nhà trường hiện tại có hơn 600 học sinh, và 48 giáo viên. 100% giáo viên đều đạt chuẩn của Bộ GD & ĐT. Hầu hết các môn học đều có phòng thực hành, tất cả các lớp đều có giờ thực hành ngang với giờ lý thuyết.
Ban giám hiệu trường THCS Bắc Lý cũng khẳng định: Ngày nay, học sinh của trường vẫn rất hiếu học, thông minh và ham hiểu biết. Trong năm học 2008 -2009, trường có 15 em là học sinh giỏi cấp tỉnh, 46 em đạt học sinh giỏi cấp huyện.
Những bài học của mô hình "hai tốt" như: “học đi đôi với hành”, người dân góp tay cùng làm giáo dục... không hề cũ trong giai đoạn mới. Thế nhưng, “tiếng trống Bắc Lý” đã không còn mạnh mẽ như xưa.
Có thể thấy, điều kiện kinh tế ở Bắc Lý hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh đến trường vẫn ở tư thế: quần ống thấp, ống cao, mặt mũi vẫn lem nhem vì phải phụ giúp bố mẹ.
Trong khi đó, nhiều mái trường khác cũng học theo "tinh thần Bắc Lý", lại có sự đầu tư lớn của cả nhà trường và phụ huynh về cơ sở vật chất. Học sinh ở thành phố gần như chỉ chuyên tâm vào việc học, trang thiết bị học tập đầy đủ.
Một nguyên nhân nữa là phụ huynh học sinh lại thường chú trọng đến giai đoạn con em mình học cấp 3, bởi giai đoạn này có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đại học của học sinh.
Ông Hằng thẳng thắn: Bây giờ, học không phải như xưa, không phải cứ có phong trào, có vận động là được. Người dân bây giờ, họ phải nhìn ra được lợi ích từ việc học thì họ mới cho con em đi học, mới đầu tư. Đó là cái khó của mô hình giáo dục Bắc Lý trong giai đoạn hiện nay. Và nó cũng chính là nguyên nhân làm tiếng trống Bắc lý kém sắc.
Nhà báo Trương Hữu Lợi cho rằng: Tiếng trống Bắc Lý ra đời trong hoàn cảnh mà miền Bắc vừa giải phóng, còn nhiều khó khăn. Tuy nó vẫn còn nguyên giá trị… nhưng trong giai đoạn hiện nay, phải có cách làm khác.
Thậm chí, điển hình của ngành giáo dục hiện nay có lẽ phải đạt được yêu cầu cao hơn, các hoạt động của ngành giáo dục phải thiết thực hơn.
"Vài năm gần đây, ngành giáo dục có nhiều phong trào. Theo tôi, các phong trào ấy rất cần thiết nhưng nó chỉ giải quyết được phần ngọn của ngành giáo dục. Cần phải giải quyết những vấn đề gốc, chẳng hạn như cần có 1 bộ SGK thật chuẩn, cần chú trọng đến đạo đức giáo viên... Gắn lý thuyết với thực hành cũng phải gắn kiểu khác...", ông Lợi nói.
-
Thu Hà