- Dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) ngày 5/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khuyên các em nên học tốt 2 ngoại ngữ, cùng lúc, một ngoại ngữ ở nước thuộc châu Âu và một ngoại ngữ ở nước thuộc châu Á.
Trò chuyện với học sinh, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, các em "sống trong điều kiện tương lai mà học ở thì hiện tại" bởi "nhiều đô thị khác mười năm nữa mới có được một trường như Lê Quý Đôn của Đà Nẵng, các vùng đồng bằng, miền núi khác thì phải 20 năm nữa mới có thể sánh kịp".
Gióng trống khai trường tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hải Châu |
"Lên Hà Giang, Đồng Văn không có trường, không có điều kiện như thế này. Các em học sinh ở đó phải học trong điều kiện quá khứ để giải quyết cuộc sống hiện tại" - ông cho biết sau 12 giờ rời Hà Giang dự lễ khai giảng ở Trường PTDTNT huyện Đồng Văn.
Do vậy, Phó Thủ thướng yêu cầu học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn không chỉ chuyên về học tập mà phải phấn đấu trở thành những con người toàn diện, học giỏi, sức khoẻ tốt, hiểu biết xã hội thật mạnh mẽ, học tốt 2 ngoại ngữ cùng lúc, một ngoại ngữ châu Âu và một ngoại ngữ châu Á.
Sau khi nghe hiệu trưởng thông tin về hoạt động, Bộ trưởng GD-ĐT cũng gợi ý nhà trường phải theo dõi 10 năm HS của mình: 3 năm học ở trường, 4- 5 năm học xong đại học và 2 năm cao học. Hết mốc đó, HS trở về Đà Nẵng phục vụ hoặc học lên cao hơn.
"Quá trình theo dõi 10 năm đó nhằm hỗ trợ, động viên các em từ mái trường này trở thành nhân tài cho Đà Nẵng, miền Trung và đất nước".
Đến nay, sau 6 năm, Trường THPT chuyên Lê Quý Đông (Đà Nẵng) có 279 HSG quốc gia, 12 lượt học sinh đoạt các giải Olympic khu vực và quốc tế. Năm học 2008-2009, 100% học sinh đỗ đại học, đạt vị trí 12/200 trường có học sinh điểm thi đại học cao nhất.
"Hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới"
"Tạo tiền đề đáp ứng tốt hơn yêu cầu hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới..." là mục tiêu mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu trong thư gửi Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND 63 địa phương đầu tháng 9, đề nghị tham gia 5 nhiệm vụ cần "đặc biệt quan tâm" của năm học 2009-2010.
2010 là năm kết thúc kết thúc phong trào "chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông và mầm non", hoàn thành phổ cập THCS. Ảnh: Phạm Hải
Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".
Phó Thủ tướng "ra đề bài", mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có một đổi mới trong dạy học hoặc quản lý giáo dục, mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học, mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
2010 cũng là "mốc" kết thúc phong trào "chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông và mầm non", điểm bắt đầu cuộc vận động hai năm "chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc-chép” ở THCS và THPT.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã "giao chỉ tiêu" cho các địa phương cần đảm bảo tỷ lệ học sinh bỏ học xuống dưới 0,5%, đồng thời rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 để ổn định tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2010.
Mỗi địa phương (tỉnh, huyện) tổ chức bầu chọn, tuyên dương, khen thưởng 1 thầy giáo, 1 cô giáo được học sinh yêu quý nhất do học sinh và các tổ chức xã hội, các cựu học sinh tôn vinh. Ảnh: Phạm Hải |
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được thực hiện với các đầu việc như: tuyên dương các gia đình, các xã đạt danh hiệu khuyến học; tổ chức tốt cuộc vận động quyên góp quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh vùng khó khăn với tiêu chí "3 đủ" (học sinh "đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở").
Mô hình “lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 ở Kiên Giang được nhân rộng với yêu cầu sẽ tổ chức lễ này ở các trường trung học phổ thông trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, huyện bầu chọn, tuyên dương, khen thưởng 1 thầy giáo, 1 cô giáo được học sinh yêu quý nhất do học sinh và các tổ chức xã hội, các cựu học sinh tôn vinh.
Với nhiệm vụ trọng tâm "đổi mới công tác quản lý giáo dục", Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo chi cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và kinh phí hỗ trợ cho đối tượng học sinh chính sách, học sinh nghèo.
Hết tháng 6/2010, hoàn thành trên 50% chỉ tiêu quốc gia chương trình kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên; xây dựng và triển khai đề án xây dựng nhà ở cho học sinh dân tộc bán trú; đề án phát triển giáo dục ở 61 huyện khó khăn nhất, đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015 là "những việc cần làm ngay" trong nội dung "Phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục".
HS Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trong ngày khai giảng Ảnh: Phạm Hải
Với nhiệm vụ chăm lo và đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc kiên quyết khắc phục việc thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyển mới.
Đáng lưu ý, mỗi tỉnh, thành phố cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học giai đoạn 2009 - 2015, lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu của tỉnh, đặt hàng các trường ĐH, CĐ sư phạm.
Phó Thủ tướng cho biết, 2009 - 2010 là năm học thứ hai hình thành cơ chế toàn hệ thống chính trị và các lực lượng xã hội chăm lo phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức và nhân cách cho học sinh.
-
Hải Châu - Hạ Anh
************************************
Theo bạn, "năng lực công dân mới" là gì? Thanh niên Việt Nam hiện nay đã có "năng lực công dân mới"? Làm thế nào để "hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới" cho các em học sinh?