- Sau một ngày công bố địa chỉ email để nhận thắc mắc về tiền trường, email của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ đầy ắp hay vẫn rỗng?
Ngày 7/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những việc làm ráo riết của ngành ngay tại học kỳ 1 năm học 2009 - 2010 là thực hiện quy chế công khai trong nhà trường. Toàn ngành tập trung thực hiện tốt "ba công khai" trong nhà trường để người học và xã hội giám sát, đánh giá.
Lễ khai giảng tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải |
Theo đó, mỗi trường học phải công khai ba nội dung về chất lượng giáo dục và đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của trường, nguồn lực phục vụ giáo dục đào tạo và đặc biệt là công tác thu, chi của trường.
Trường nào đưa ra các khoản đóng góp bắt buộc ngoài học phí mà phụ huynh không yên tâm thì gửi ý kiến về email của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT). Theo bạn:
Cùng với đó, các sở GD-ĐT sẽ giám sát bằng "bốn kiểm tra" với các nội dung: kiểm tra việc chi cho giáo dục theo định mức của địa phương, việc sử dụng ngân sách giáo dục, việc sử dụng
học phí và các phần đóng góp tự nguyện của xã hội cho nhà trường và triển khai xây dựng trường học, nhà công vụ giáo viên bằng tiền trái phiếu.
Ngành giáo dục sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra "ba công khai" vào cuối học kỳ.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng khuyến khích phụ huynh nếu không yên tâm về các khoản đóng góp bắt buộc ngoài học phí thì hỏi ngay sở GD&ĐT hoặc gửi ý kiến tới email của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Nguyễn Văn Ngữ (nvngu@moet.edu.vn).
Chủ trương "ba công khai, bốn kiểm tra" đã được Bộ GD-ĐT rục rịch từ năm học 2008 - 2009 và nay áp thành quy chế với văn bản ký vào cuối năm học.
Đúng ngày tựu trường (17/8), Hà Nội ra yêu cầu các trường học công khai niêm yết các khoản thu, trong đó, ngoài học phí và tiền xây dựng trường, các khoản còn lại là thu hộ và thu theo thỏa thuận.
Sau lễ khai giảng (5/9), Nghệ An cam kết "tập trung chỉ đạo các trường đánh giá công khai kết quả chất lượng giáo dục; làm rõ trách nhiệm chất lượng giáo dục đối với các cấp quản lý và giáo viên.
Thực tế thì sao?
Theo thông tin từ báo Lao Động, Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã gây "sốc" khi thu khoản "thỏa thuận" của mỗi em học sinh lớp 1 mới nhập trường 2,5 triệu đồng.
Còn phụ huynh Trường Tiểu học Hoàng Diệu ở Hà Nội choáng váng bởi đầu năm học đã đóng gần 5,2 triệu đồng tiền mua sách và học phí tiếng Anh, 1 triệu đồng phí xây dựng trường "tự nguyện", 1 triệu đồng để sửa sang, mua đồ dùng trong lớp học.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thì phản ánh có những kỳ học, SV phải đóng học phí lên tới 400 nghìn đồng mỗi tháng trong khi cơ sở vật chất của trường xuống cấp, rách nát và thiếu thốn.
Liệu chủ trương "dán tất cả lên tường" của Hà Nội đã là "liều thuốc" công khai đủ mạnh?
Liệu việc "giơ cao" tinh thần ra quân đồng loạt kiểm tra của ngành giáo dục và sự khuyến khích "gửi email về hòm thư Vụ trưởng" có đủ sức khích lệ phụ huynh dám nói những điều chưa an tâm của mình về nơi con em mình đang học?
Liệu ngành giáo dục có đủ quyết tâm để trả "món nợ" trước việc đã tăng học phí mà chưa có câu trả lời về chất lượng giáo dục ở bậc đào tạo ĐH, CĐ, TCCN và đưa được minh chứng thuyết phục trước khi quyết tăng học phí ở bậc phổ thông (dự kiến hết năm học này)?
-
Hạ Anh
Các trường học có thể thực hiện công khai - minh bạch với các khoản thu được gắn mác "tự nguyện", "thỏa thuận"? Khoản thu nào ngoài học phí gây bức xúc nhất với các bậc phụ huynh?