ĐH Việt Đức (VGU) mới tiếp nhận được 20 hồ sơ, trong khi trường có đến 50 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin trong năm học 2009 - 2010.
Thầy trò trường ĐH Việt - Đức. Nguồn: website VGU |
Theo kế hoạch, trường sẽ kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển vào ngày 10/9. Mới đây, trường cũng công bố xét tuyển NV2 với mức điểm nhận hồ sơ là 17.
Đồng thời, ĐH Việt Đức cũng quyết định hạ mức điểm chuẩn trúng tuyển năm học 2009 - 2010 xuống 20, thay vì 21 điểm như đã thông báo.
Theo bà Nguyễn Hồng Dung, Văn phòng Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, dù là trường đẳng cấp quốc tế nhưng do không tuyển sinh được, nên ĐH này buộc phải hạ điểm chuẩn. Thậm chí, nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ giảm xuống còn 19 sau khi kết thúc nhận hồ sơ.
Năm 2008, trường chỉ tuyển được 39 sinh viên trong tổng số 50 hồ sơ đăng ký (trong khi trường có 80 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin).
Không chỉ gặp khó trong tuyển sinh, ĐH Việt - Đức cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khác. Sau năm thứ nhất, số sinh viên của trường “rụng” dần, chỉ còn 29 em.
Lý giải vấn đề này, bộ phận phụ trách thông tin của ĐH Việt - Đức cho biết, số lượng sinh viên bỏ học phần lớn do không đáp ứng được trình độ Anh văn. Học yếu, không theo kịp chương trình đại cương nên các em bỏ học rải rác từ cuối học kỳ 1 cho đến nay. Mặt khác, theo quy định của nhà trường, sinh viên nào không đạt chứng chỉ IELTS 6.0 sau một năm, sẽ phải đóng học phí học lại.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của ĐH Việt - Đức là tuyển sinh và kinh phí hoạt động. Thực tế, ĐH Việt - Đức được chính phủ hai nước Việt Nam và Đức hỗ trợ đến 70% học phí. Tuy nhiên, mức đóng 1.500 USD một năm học tương đối cao so với học phí của các trường công lập khác ở tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chương trình học liên tục, sinh viên không có thời gian nghỉ hè vì phải "cày" tiếng Anh.
Tuy điều kiện dự tuyển là thí sinh phải có trình độ ngoại ngữ đạt một trong các điều kiện sau: TOEFL từ 450, IELTS từ 4.0, chứng chỉ B Anh văn, hoặc đã học Anh văn ít nhất 7 năm ở bậc trung học… nhưng thực tế mặt bằng trình độ tiếng Anh của các em không đều, nhiều người chưa đạt yêu cầu xét tuyển.
"Điều quan trọng hiện giờ là làm thế nào để quảng bá hiệu quả, để học sinh và phụ huynh biết nhiều về trường, có như vậy mới có thể tuyển sinh tốt được”, bà Dung nói.
(Theo Báo Đất Việt)