Những dãy bàn ghế cũ hỏng, bục giảng gỗ xập xệ, tường vách nứt nẻ, giấy báo dán nham nhở trên cửa sổ… Thật khó tin, đó lại là hình ảnh của giảng đường nhà D, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, cơ sở Hà Nội. Đây là trường đại học vừa được nâng cấp lên từ cao đẳng.
Lớp học xuyên phòng
Nhà D có lẽ là dãy nhà xuống cấp nhất tại Trường Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (KT-KTCN). Đây vốn là khu ký túc xá cũ được cải tạo lại làm giảng đường.
Các lớp học chỉ được ngăn với nhau bằng những phến gỗ đã xỉn màu, từ lớp học này có thể nhìn xuyên qua lớp học khác bằng những lỗ thủng lỗ chỗ do sinh viên (SV) nghịch ngợm tự khoét ra.
Vách ngăn thủng, cửa xập xệ, tường long tróc... Ai nghĩ đây là một giảng đường đại học ngay giữa trung tâm Thủ đô? |
Nhiều SV của trường phản ánh, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập quá "khiêm tốn". Nhiều SV ngành CNTT phải học "chay" vì số lượng máy tính ít, cài đặt không hợp lí...
Đã thế, trường chỉ có một nhà xe để "chình ình" giữa nhà D và nhà K. Theo nhiều SV học ở nhà D, có khi giáo viên giảng bài thì ở bên ngoài, tiếng xe máy nổ ầm ầm.
Ông Nguyễn Ngọc Khương, cán bộ phòng HS – SV cho rằng, chính sự vô ý thức của SV “thường xuyên đóng cửa uỳnh uỳnh và gây mùi” khiến nhà trường phải đóng cửa nhà vệ sinh ở các tầng nhà, và nay chỉ mở hai khu ở hai đầu giảng đường. Còn việc phải biến sân trường thành bãi gửi xe là do sinh viên phản đối khi phải gửi xe ở bên ngoài, nên nhà trường phải “thoả hiệp” bằng cách cho các em gửi xe trong trường.
Hiện trạng nhà vệ sinh luôn trong tình trạng "bốc mùi". Thiếu nước, SV nữ này lấy vòi nước bên ngoài rửa tay. |
SV "tự nguyện" đòi... tăng học phí?
Bên cạnh số tiền học phí đóng theo quy định, SV mỗi tháng còn phải đóng thêm một khoản tiền gọi là “Tiền nâng cao tay nghề và thiết bị cho giảng dạy”. SV theo hình thức học tín chỉ thì phải đóng 120.000 đồng/tín chỉ, bao gồm 60.000 đồng học phí và 50.000 đồng tiền nâng cao tay nghề (đối với hệ cao đẳng), 60.000 đồng (đối với hệ đại học, khối công nghệ) và 65.000 đồng (khối kinh tế)
Như vậy, nếu một học kỳ học khoảng 18-20 tín chỉ, trung bình mỗi SV phải đóng ít nhất từ 400.000 đồng/tháng. Con số này với những SV học theo hình thức niên chế là 300.000 đồng.
Hiệu phó trường ĐH KT -KTCN Phan Thị Cảnh |
Bà Phan Thị Cảnh - Hiệu phó Trường KT- KTCN cho biết, trường đã thu khoản “Tiền nâng cao tay nghề và thiết bị cho giảng dạy” được hai học kỳ và đây là khoản đóng góp hoàn toàn tự nguyện, do SV yêu cầu. Do đó, Bà Cảnh cũng khẳng định trường KT- KTCN không vi phạm quy định của Bộ GD & ĐT (mức tăng học phí tối đa là 240.000 đồng/ 1 tháng), thậm chí, trường vẫn giữ nguyên mức học phí cũ là 180.000 đồng/ 1 tháng (hệ đại học) và 150 nghìn/ tháng( hệ cao đẳng).
Tuy nhiên, khi đề nghị cho xem văn bản tự nguyện đóng góp, thì bà cho hay, đó là do “nhà trường và giáo viên cảm nhận thấy nhu cầu của các em là như vậy, chứ không có một văn bản nào của SV gửi lên nhà trường đòi “tăng học phí”.
Còn hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ khoản thu "Tiền nâng cao tay nghề và thiết bị cho giảng dạy" đã được nhà trường đầu tư vào bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị học tập, thực hành.
Bà Cảnh dẫn dụ, vì là trường đặc thù đào tạo về công nghiệp với những ngành công nghệ dệt, may, cơ khí, điện, hoá nhuộm, thực phẩm.. nên số tiền đầu tư cho các cơ sở thực hành và phòng thí nghiệm là rất lớn. Nhưng cụ thể số tiền đầu tư là bao nhiêu thì bà cũng “ không nắm rõ”.
Hiện nay, trường có khoảng 500 bộ máy vi tính, nhưng có tới 8.000 SV đang theo học, chưa kể 2.300 SV sắp tuyển. Thế nhưng, chỉ có 50 máy tính được nối mạng internet để phục vụ nhu cầu thực hành. Nguyên nhân cũng là do "trường chưa quản được ý thức sử dụng máy tính của SV", ông Nguyễn Ngọc Khương, cho biết.
Diện tích trường ở cơ sở đào tạo 454 Minh Khai (Hà Nội) là 1 ha/ 1 vạn SV, trung bình 1m2/ 1 sinh viên (so với quy định tối thiểu của Bộ GD- ĐT đối với những trường học mới thành lập là 9m2/ 1 SV), 130 phòng học được chia thành hai ca chính trong ngày, tăng cường thêm ca tối cho những ngày "quá tải".
Cũng theo bà Cảnh, số tiền 12 tỷ mà trường nhận từ ngân sách nhiều năm nay chỉ đủ trả một phần lương giáo viên, chưa nói đến việc phải đầu tư cơ sở vật chất, nên hoạt động của trường dựa chủ yếu trên nguồn tiền SV đóng góp. Cho đến năm 2015, khi dự án xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị trị giá 555 tỷ đồng hoàn thành thì những hạn chế này sẽ được khắc phục hoàn toàn.
Lá thư của một SV trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội gửi đến báo điện tử VietNamNet, phản ánh: “Trường Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp là trường công lập mà thu học phí “cắt cổ”. Có những kỳ học, SV phải đóng học phí lên tới 400 nghìn đồng/ 1 tháng, trong khi đó, cơ sở vật chất mà trường mang lại cho chúng tôi có thể tóm gọn trong vài từ: xuống cấp, rách nát và thiếu thốn. Năm học nào trường cũng tuyển thêm hàng nghìn SV mới khiến tình trạng ngày càng tồi tệ..." |
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội diễn ra ngày 8/9 tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn ra: Chỉ từ năm 2005 đến gần hết năm 2008, cả nước đã có thêm hơn 230 trường ĐH, CĐ, trong đó có hơn 80 trường CĐ nghề.
Việc phát triển ồ ạt các trường ĐH, CĐ không hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khiến dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không quy định rõ, chặt chẽ các điều kiện thành lập trường và cơ chế kiểm tra giám sát, e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. (Theo Tiền Phong) |
-
Sơn Khê - Song Lục