221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1234687
Phụ huynh có quyền từ chối đóng góp tiền trường
1
Article
null
Phụ huynh có quyền từ chối đóng góp tiền trường
,

 - Kinh phí tự nguyện đóng góp để nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của trường phải rõ nội dung, mục đích và tiến độ thực hiện đầu tư, mức huy động và phải được thống nhất bằng văn bản của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS), hiệu trưởng, UBND phường, phòng GD-ĐT, UBND quận, huyện.

Nghĩa là phải có đủ 5 chữ ký và 4 con dấu, bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết như vậy tại Hội nghị Hướng dẫn hoạt động của BĐDCMHS trong nhà trường sáng 10/9.

Mô tả ảnh.
Khai giảng năm học mới tại Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Bảo Anh

"Muôn hình vạn trạng" thu tự nguyện

Đại diện lãnh đạo của 29 phòng GD-ĐT của toàn thành phố chung nhận định việc có BĐDCMHS là rất hiệu quả. Tuy nhiên, đi theo nó còn nhiều bất cập đặc biệt với các khoản thu tự nguyện khiến dư luận bất bình.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Hiếu dẫn ví dụ Trường Tiểu học Phú Minh, huyện Phú Xuyên lạm thu tới 23 khoản của HS để minh chứng cho hiện tượng "còn một số cơ sở giáo dục nhận thức chưa đầy đủ, sự phối hợp giữa lãnh đạo nhà trường và BĐDCMHS còn nảy sinh bức xúc".

Theo bà Vũ Thị Tân Trang, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông, mức thu tự nguyện của các trường hiện nay muôn hình vạn trạng và không ai kiểm soát được vấn đề này do không có văn bản hướng dẫn.

Thậm chí, nhiều BĐDCMHS chỉ đóng vai trò "phát ngôn"  cho hiệu trưởng. Khi có đơn thư, phòng GD-ĐT phải giải quyết, nhưng hiệu trưởng và phụ huynh đều không thừa nhận trách nhiệm liên quan tới thu tự nguyện.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT Chương Mỹ cho biết, ở ngoại thành thu 30-50 nghìn đồng là rất khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thu hút HS đóng góp, xác định được trách nhiệm của mình và thu bằng cả nhận thức.

Trả lại tiền, nếu thu sai

Theo dự thảo hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học, các khoản thu theo quy định được thực hiện theo các quyết định thu chi học phí của từng địa phương trước khi hợp nhất.

Bãi bỏ khoản thu đóng góp xây dựng trường từ năm học 2009-2010.

Đối với các trường THCS, THPT được phép thu học phí từ giữa tháng 8/2009 do tuần thực học là 37 tuần.

Các khoản thu hộ như bảo hiểm không được đưa là những khoản thu bắt buộc trong nhà trường, không cho giáo viên chủ nhiệm thu. Quỹ đoàn, đội do tổ chức đoàn, đội thu.

Đối với những khoản thu thỏa thuận như tiền ăn, học phẩm, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, vệ sinh, an ninh... nhà trường phải thực hiện đúng quy trình thỏa thuận với cha mẹ học sinh để đảm bảo dân chủ, công khai.

Cha mẹ HS có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được BĐDCMHS lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về các khoản thu chi này. Những khoản thu sai quy định phải trả lại học sinh.

Ban đại diện không chỉ để... thu tiền

Trưởng phòng GD-ĐT Hoàn Kiếm Dương Thị Thanh Huyền đề nghị, nên giao cho hiệu trưởng các trường công nhận sự hoạt động của BĐDCMHS.

Tuy nhiên, theo quy định, việc hình thành BĐDCMHS trên cơ sở bình bầu ở cơ sở phải có việc chuẩn y của phòng giáo dục vì đây sẽ là cơ quan kiểm tra việc hoạt động của BĐDCMHS. Để bầu BĐDCMHS, các trường phải tổ chức đại hội cha mẹ học sinh, theo quy định sẽ không quá ngày 15/10/2009.  

Kinh phí hoạt động của ban phải được gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng do chủ tài khoản đứng tên.

Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Độ, cấp chỉ đạo kiểm tra hoạt động của ban đại diện nhất định phải là phòng, sở, do đó, phòng GD-ĐT phải là nơi chuẩn y ban này để có thể giám sát thực hiện.

Ông Độ cũng khuyến khích phụ huynh HS không đồng ý cũng phải có ý kiến, công khai minh bạch.

"Mỗi đơn vị trường học cần xây dựng kế hoạch hoạt động của BĐDCMHS, là được lập ra không phải chỉ để thu tiền đầu năm là phải cùng nhà trường tham gia công tác giáo dục, giúp đỡ HS yếu, kém...", ông Độ nói.

Việc phải xin ý kiến của UBND quận khi sửa chữa những công trình lớn là bắt buộc. Ông Độ ví dụ, xin xây dựng nhà vệ sinh nhưng quận cũng đang có chủ trương về việc này. Do đó, việc thực hiện chủ trương 5 chữ ký, 4 con dấu là có cơ sở.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quý cũng đưa ra băn khoăn, việc thực hiện 5 chữ ký, 4 con dấu là rất khó. Năm trước, phòng có làm nhưng lãnh đạo huyện đều "né" không ký, có thể nhất trí chủ trương làm nhưng ký thì không dù công trình thực sự có ý nghĩa.

Do đó, ông Quý đề nghị để phòng báo cáo huyện và nhất trí chủ trương. Phòng ký thì cũng phải rất cẩn thận và đi theo rất nhiều điều kiện, yêu cầu để còn có chỗ... "thoát thân".

Kiểm điểm hiệu trưởng trường thu 23 khoản

Mô tả ảnh.
23 khoản thu của Trường tiểu học Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Ngày 9/9, đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT đã có kết luận về việc thu các khoản đầu năm của trường Tiểu học thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Theo đó, trong 23 khoản thu, nhà trường chỉ có 1 khoản thu đúng quy định là thu 2 buổi/ngày. Do đó, đoàn đã yêu cầu thu hồi và niêm phong những khoản thu không đúng quy định và trả lại hết cho phụ huynh học sinh vào ngày 16/9.

Đồng thời, Phòng GD-ĐT Phú Xuyên cũng đã có văn bản nghiêm khắc phê bình lãnh đạo trường Tiểu học thị trấn Phú Minh và yêu cầu lãnh đạo trường kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm, đồng thời phải rà soát, điều chỉnh toàn bộ những khoản thu đầu năm học đúng với quy định. 

  • Bảo Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,