Mặc dù những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến hệ thống giáo dục đại học còn chưa lộ rõ, các quốc gia vẫn còn phải gồng mình để duy trì vị thế kinh tế và cứu vãn tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao, thì theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế OECD, “mức hỗ trợ cho những người còn đi học rất có thể sẽ tăng thêm trong một vài năm tới.”
“Giáo dục – góc nhìn năm 2009: Các chỉ số OECD” là bản báo cáo gần đây nhất trong hàng loạt các bản điều tra được công bố hằng năm, phân tích các dữ liệu về hệ thống giáo dục của 30 quốc gia thành viên gồm một số nước châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Giáo dục đại học đang được đầu tư nhiều hơn. (Ảnh: Duhoctoancau.com) |
Dựa trên các dữ liệu được thống kê đến năm 2007, bản báo cáo năm nay được lập trước thời điểm mức độ tác động của cuộc suy thoái kinh tế trở nên rõ nét vào năm ngoái.
Vì thế nên theo ông Adreas Scheleicher, Trưởng bộ phận OECD phụ trách xuất bản chuyên đề “Một góc nhìn từ giáo dục” thì “chúng tôi không thể đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng đến nền giáo dục, nhưng điều mà chúng tôi có thể nói đến ở đây là ấn phẩm này cho phép các bạn nhìn nhận mối quan hệ giữa việc làm và giáo dục, giữa tiền lương và giáo dục.”
Ông cũng cho biết thêm là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay, “chi phí cơ hội” lựa chọn giữa việc tiếp tục học đại học hay tham gia vào thị trường lao động là rất thấp; và với mức thấp kỷ lục như vậy, nhu cầu có mảnh bằng đại học sẽ còn tiếp tục tăng.
Lợi ích của đầu tư công
Theo ông Schleicher thì các ấn phẩm chuyên đề này nghiên cứu tất cả các bậc học từ mầm non trở lên, nhưng bản báo cáo năm nay lại tập trung vào giáo dục đại học, một phần là do môi trường kinh tế.
Các tác giả muốn xác định xem liệu việc chính phủ dốc tiền chi cho giáo dục đại học, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế suy thoái, có phải là “một lựa chọn đúng đắn” hay không.
Câu trả lời dựa trên một bản phân tích về các chi phí công cho một trường đại học là “hoàn toàn đúng đắn”.
Tính trung bình trong toàn khối thành viên tổ chức OECD, doanh lợi công thực tế thu được từ việc hỗ trợ cho một nam sinh là trên 50.000 đô la.
Ông Schleicher cũng cho biết thêm là “hầu như ở tất cả các nước, lợi ích công của giáo dục đại học đều vượt xa chi phí đầu tư. Quan điểm truyền thống vẫn cho rằng giáo dục đại học làm lợi cho cá nhân nhiều nhất, nhưng đây là lần đầu tiên, chúng ta xem xét chi phí công và lợi ích công trong cùng một mối tương quan.”
Đặc biệt là ở Mỹ nơi mà mức học phí trung bình cao hơn rất nhiều so với các nước thành viên OECD khác, các trường đại học đang phải đối mặt với vấn nạn bị thất thoát các nguồn tài trợ, mức hỗ trợ từ chính phủ bị cắt giảm, và nhiều gia đình không thể kham nổi mức học phí hiện tại cho con em mình.
Bản báo cáo này cũng đưa ra một thông số có tính khích lệ là những nước có mức học phí tương đối cao nhưng đồng thời áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ lớn như Úc, Hà Lan, New Zealand và Mỹ không có tỷ lệ nhập học đại học thấp hơn các nước khác.
Tỷ lệ này là 84% ở Úc, 58% ở Hà Lan, 72% ở New Zealand và 64% ở Mỹ, đều cao hơn mức trung bình trong cộng đồng các nước OECD.
Mỹ đang mất dần vị thế
Theo ông Schleicher “tỷ lệ tốt nghiệp là số sinh viên trụ lại đến ngày ra trường” ngày càng tụt dốc một cách đáng lo ngại.
Ở Mỹ, tỷ lệ này là 36,5%, thấp hơn mức trung bình trong cộng đồng các nước OECD là 39%.
Và Mỹ trong những năm qua đã nhanh chóng bị “mất sân” so với các nước khác. Mỹ đứng đầu về tỷ lệ tốt nghiệp đại học trong năm 1995 nhưng đến nay thì đã bị đẩy đến vị trí 14.
“Con số này cho các bạn biết rằng, nhiều nước khác đã thành công hơn trong việc phát triển hệ thống giáo dục đại học. Mỹ đã tụt lại quá xa về tỷ lệ tốt nghiệp đại học, và chi phí tư cao đến nỗi theo ý kiến của một số người thì học phí đã trở thành rào cản hạn chế tỷ lệ nhập học”.
Một xu hướng khác mà bản báo cáo này nhấn mạnh đến là số lượng lưu học sinh ngày càng tăng.
Trong số hơn 3 triệu sinh viên đại học đăng ký vào các học viện nước ngoài năm 2007, riêng 4 quốc gia là Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã chiếm gần một nửa.
Mỹ vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều sinh viên nước ngoài hơn bất kỳ một nước nào khác, là địa điểm học tập lựa chọn của 20% lưu học sinh toàn cầu. Tuy nhiên, con số này của năm 2000 là 25%.
Bản báo cáo này cũng lưu ý rằng: “Việc Mỹ mất thị phần là do các sinh viên quốc tế phải chịu mức học phí tương đối cao trong khi các quốc gia sử dụng tiếng Anh khác đưa ra các cơ hội học tập tương tự với mức chi phí thấp hơn”.
-
Nhật Anh (Theo The Chronicle Higher Education)