Xã hội sẽ phải tôn trọng những chuẩn mực dựa trên khoa học chứ không phải trên những thứ chủ quan của những người được coi là người lớn. "Là một con người lớn lên trong một nền giáo dục bạo lực của gia đình, của làng xóm và nhà trường", bạn đọc Phạm Đức Thắng, SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng phản ứng gay gắt với những lập luận về chuyện roi vọt. Dưới đây là ý kiến của bạn.
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Tôi là một con người lớn lên trong một nền giáo dục bạo lực của gia đình, của làng xóm và nhà trường.
Bây giờ khi đã lớn lên và trở thành một sinh viên, gần 5 năm qua trên bước đường của giảng đường đại học, xa nhà sống trong cảnh đói nghèo và vất vả của sinh viên, lăn lộn hết nơi này nơi kia để kiếm sống, để học hết điều này điều kia, tôi đã học được rất rất nhiều điều về khoa học, về cuộc sống.
Ngần ấy thời gian xa nhà, và gần chọn tuổi thơ vất vả lăn lộn trên cánh đồng chang chang nắng của mùa hè và những ngày rét mướt áo mỏng manh của mùa đông.
Tất cả những gì vất vả nhất đối với cuộc đời, những gì gian lao nhất đối với bản thân thật chẳng thấm tháp vào đâu. Bằng những gì đã trải qua và những hiểu biết của mình tôi cảm thấy thật xấu hổ cho một nền giáo dục luôn lấy phương châm bạo lực đặt lên đầu để răn đe từ những đứa trẻ còn ngu ngơ, có khi là đang tập nói những tiếng nói đầu tiên.
Thật là không hay khi nhiều lúc tôi tự hỏi bản thân mình, phải chăng những người có trách nhiệm giáo dục lại chẳng có thứ gì hay ho để giáo dục con em họ ngoài những thứ không thuộc về văn minh.
Xét về khía cạch của giáo dục thì giáo dục là truyền đạt những gì văn minh của thế hệ trước cho thế hệ sau.
Đó là quy luật tất yếu của của sự phát triển xã hội loài người. Mà văn minh thì thường những gì tinh túy nhất, nhân đạo nhất. Vậy phải chăng đó là văn minh mà chúng ta tích lũy để truyền đạt cho con em chúng ta về sau?
Hiện thực thì từ những người có học vấn cao lẫn những người có trình độ thấp như cha mẹ, làng xóm của tôi đều dùng roi vọt như một bửu bối lợi hại của giáo dục. Đi đâu, tôi cũng nghe người này người kia nói " Mấy đứa nhỏ phải đánh đòn cho chúng khỏi hỗn", đó đã trở thành câu cửa miệng, thành tiềm thức của những người lớn. Đến cả những người lớn khi nói chuyện với nhau cũng hay cãi vã rồi tiếp đến là vũ lực...
Hậu quả như chúng tôi đây là một điển hình.
Thường khi làm việc này hay việc kia dù biết đúng hay sai chúng tôi, hầu hết chúng tôi đều không nói, không dám nói.
Bởi vì chúng tôi không còn là trẻ con nữa đã gần 25 tuổi đầu. Thế mà hễ sắp nói ra câu nào thì những bậc làm cha làm mẹ, bậc thầy cô, cán bộ, những người xung quanh luôn đưa thái độ quát nạt đe dọa lên đầu...
Thực chất, những ai bao biện cho bạo lực cũng là sản phẩm của bạo lực. Những cách đối xử đó là thái độ của thói khinh bỉ những kẻ nghèo hèn thấp cổ bé họng, thái độ của văn hóa phong kiến, cửa quyền.
Tôi nghĩ, nếu không có cái "văn hóa" khinh bỉ kẻ nghèo, người yếu đó, chắc chắn rằng chúng ta đã có nhiều nhân tài, đã có nhiều những con người dám nghĩ dám làm, đất nước ta, xã hội ta người người đối xử với nhau bằng lòng chân thành thiện cảm. Kinh tế, xã hội... của chúng đã sớm sánh vai bạn bè khu vực.
Tôi tự hỏi tại sao những người làm giáo dục được đào tạo kỹ về nghiệp vụ, về tâm lý giáo dục, khoa học giáo dục lại đem những thứ "cổ điển" như thế ra để thực hành.
Tôi đã xem kỹ chương trình đào tạo cử nhân sư phạm không thấy có chương nào hay cả một chữ nào nói về phương pháp bạo lực trong giáo dục.
Như vậy là có thể nói đây là một sự không chuẩn nghiệp của người làm giáo dục.
Đến đây, tại sao chúng ta lại bàn cãi quá nhiều cái nên hay không nên của bạo lực. Chắn chắn một điều là không được.
Bây giờ tôi nghĩ các giáo sư của chúng ta là những người phải nên trả lời câu hỏi này, đó có lẽ là trách nhiệm lớn nhất thuộc về các vị ấy...
Xã hội sẽ phải tôn trọng những chuẩn mực dựa trên khoa học chứ không phải trên những thứ chủ quan của những người được coi là người lớn.
- Phạm Đức Thắng (ĐH Bách khoa Đa Nẵng)
|