- Theo các nhà hoạch định chính sách, muốn phát triển lâu dài và bền vững, Châu Á chỉ có một lựa chọn duy nhất là phát triển giáo dục.
.>>Bài 1: Đông Á tạo phiên bản giáo dục Mỹ
Phong cách đặc trưng
ĐH Havard nổi tiếng của nước Mỹ
Dù có mô phỏng hệ thống giáo dục Mỹ song con đường cải cách giáo dục của Châu Á vẫn mang một phong cách đặc trưng.
Các chính phủ như Trung Quốc và Singapore đã quen với việc lập kế hoạch trước hai, ba thập kỷ. Đặt ra hàng loạt mục tiêu cho quốc gia tới năm 2050, Trung Quốc dự tính sẽ sớm tiết lộ kế hoạch dài hạn cho giáo dục đại học.
“Ở Châu Á, người ta tin rằng cần có sự can thiệp của chính phủ để tạo ra các trường tốt”, ông Mahbubani ở Đại học Quốc gia Singapore cho biết. “Trong khi đó, người Mỹ lại cho rằng chính phủ không cần can thiệp bởi tự thân xã hội đã vận hành rất hiệu quả”.
Ngoài những cam kết về chính sách và tài chính, rất khó có thể xác định cấu trúc tổng thể của chiến lược phát triển giáo dục Châu Á. Tại hội nghị của Hiệp hội Giáo dục quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Bắc Kinh mùa xuân năm nay, một số đại biểu cho rằng Châu Á nên phát triển một bộ tiêu chuẩn giáo dục thống nhất. Tuy nhiên, phần lớn đại biểu cho rằng đó sẽ là một chặng đường rất dài và đầy chông gai.
Ở cấp độ quốc gia, quá trình đổi mới giáo dục luôn gặp phải nhiều lực cản. Các giáo sư Hàn Quốc phàn nàn rằng ở trường phổ thông, học sinh rất chăm học và liên tục phấn đấu, nhưng rồi lại buông xuôi ngay sau khi thi đỗ đại học. “Các em không đọc Tolstoy, không đọc về dân chủ và cũng chẳng đọc Marx”, Giáo sư Shinwha Lee dạy môn Quan hệ quốc tế ở Đại học Hàn Quốc nhận xét.
Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đã cải cách giáo dục quá vội vã. Trong 10 năm qua, các trường đại học bị cắt bớt nguồn tài trợ từ chính phủ và được khuyến khích tự hạch toán chi tiêu. Nhưng do học phí vẫn bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ, các trường phải vay ngân hàng với lãi suất cao để có tiền hoạt động. Ngày nay, nhiều trường đang nợ nần chồng chất.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên/giảng viên ở các trường Trung Quốc lại tăng đột biến. Hàng triệu cử nhân trẻ tranh giành nhau lượng việc làm ít ỏi nhưng nhà tuyển dụng vẫn liên tục phàn nàn về chất lượng của các sinh viên mới ra trường.
Trong một báo cáo công bố tháng 5 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng Trung Quốc cần tăng chi tiêu cho giáo dục đại học để đảm bảo chất lượng. Tương tự, năm 2003, một tổ chức ước tính chỉ 10% trong số 1,6 tỷ kỹ sư Trung Quốc có đủ năng lực để làm việc trong các công ty đa quốc gia.
Lựa chọn duy nhất
Theo các nhà hoạch định chính sách, muốn phát triển lâu dài và bền vững, Châu Á chỉ có một lựa chọn duy nhất là phát triển giáo dục.
Các nước nhỏ như Hàn Quốc có thể “ngồi mát, ăn bát vàng” trong hai thập kỷ tới, nhưng sau đó, tương lai sẽ không mấy sáng sủa nếu họ không đẩy mạnh phát minh sáng chế.
Ông Hee Yhon Song, một cố vấn kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc, cho rằng nước này phải cải thiện chất lượng của các trường đại học thì mới có thể giữ vững được ưu thế về công nghệ so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Dân số cũng là một sức ép lớn bởi tỷ lệ sinh ở Châu Á đã sụt giảm mạnh trong vài thập niên qua. Hong Kong, Singapore, Đài Loan và Ma Cao hiện có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Do số học sinh trung học giảm, các nước Đông Á bắt đầu phải tìm kiếm sinh viên ngoại quốc để thay thế.
Hong Kong đã nới rộng giới hạn về số sinh viên Trung Quốc và sinh viên quốc tế tới học tại các trường công, từ 2% tổng số sinh viên của trường (1993) lên 20%. Hong Kong cũng dành hai khu đất lớn để thành lập các trường đại học tư. Các trường này sẽ không bị giới hạn về số sinh viên quốc tế và có thể nhận các sinh viên đang “bơ vơ” do không có chỗ trong các trường đại học khác.
Chính những khó khăn này đã đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải chi tiêu và phân bổ ngân sách hiệu quả hơn, cũng như phải khẩn trương thực hiện những biện pháp cải cách cần thiết.
Trong dài hạn, việc hỗ trợ tài chính cho giáo dục đại học ở Châu Á có vẻ sẽ không còn là vấn đề nan giải bởi các nước đang hợp tác chặt chẽ với nhau cả về nghiên cứu và đào tạo. Trường đại học công lập thứ 4 của Singapore sẽ hợp tác đào tạo với Viện Công nghệ Massachusetts và một trường Trung Quốc.
Các trường đại học hàng đầu Hong Kong đang xây dựng học xá ở Thâm Quyến với mục tiêu tận dụng nguồn tài trợ của chính phủ Trung Quốc cho nghiên cứu cơ bản. “Chính phủ đang nỗ lực biến miền nam Trung Quốc thành trung tâm chuyển giao công nghệ”, Thomas Wu, Giám đốc Hợp tác Giáo dục ở Đại học Hong Kong Trung Quốc (Chinese University of Hong Kong) cho biết. Theo ông Wu, phân hiệu Thâm Quyến sẽ tuyển khoảng 200 nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở lục địa Trung Quốc. “Nếu thành công, chúng tôi sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng”.
Như các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách giáo dục khác ở Châu Á, ông Wu tràn đầy lạc quan về tương lai: “Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục thật ngoạn mục”. Có lẽ đây chính là động cơ để giáo dục Châu Á tiếp tục chuyển mình một cách táo bạo và năng động.
- Thanh Trà (lược dịch từ Chronicle of Higher Education)