221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1239377
Kiểm tra các trường ĐH bị tố "loạn học phí"
1
Article
null
Kiểm tra các trường ĐH bị tố 'loạn học phí'
,

- Từ ngày 12 đến 20/10, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra các ĐH, học viện và một số trường ĐH công lập về "triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010", trong đó, có một số trường bị phản ánh thu học phí "xé rào". Đây là nội dung theo công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký ngày 6/10 vừa gửi hoả tốc tới các cơ sở giáo dục đại học. 

Mô tả ảnh.
SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM trong hội chợ việc làm do nhà trường tổ chức. Ảnh: Thái Phương

 Trong ba nội dung kiểm tra, vấn đề tổ chức thực hiện "3 công khai" sẽ được Bộ GD-Đ tập trung làm rõ: 
 
Mức tăng học phí của đơn vị trong năm học 2009-2010; Quy chế chi tiêu nội bộ; Danh mục các công việc đầu tư từ phần tăng học phí nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.
 
Đồng thời, việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 cũng là nội dung được Bộ kiểm tra ráo riết... 

Các trường trong diện kiểm tra gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Học viện Hành chính quốc gia, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Hàng hải, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trong danh sách này không có tên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội - trường hiện có nhiều sinh viên khá bức xúc vì thu tiền nâng cao tay nghề và thiết bị cho giảng dạy bắt buộc nhưng lại cho rằng hoàn toàn tự nguyện.  

Đã "cắn răng" chịu đựng nhiều năm...

Sau khi đăng tải những phản ánh của sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, toà soạn tiếp tục nhận được những phản ánh, không chỉ của sinh viên "đương nhiệm" mà của cả cựu sinh viên; không chỉ của 2 trường này mà còn ở một số trường khác.

Điều mà nhiều độc giả nêu ra là con em họ "đã phải cắn răng chịu đựng nhiều năm nay" nhưng hiện tượng "xé rào" tăng học phí - từng được phản ánh nhiều ở diễn đàn nội bộ, trên báo chí, thậm chí "kêu" tới cả lãnh đạo trường - vẫn bị bỏ ngỏ.

Mô tả ảnh.
Phụ huynh ngóng con thi ĐH năm 2009. Ảnh: Phạm Hải

 

Một SV năm thứ 4 giấu tên (imissyoulikecrazy...@yahoo.com) viết: Chúng em đã phải "cắn răng" chịu đựng nhiều năm nay. Đã 7 học kỳ, em phải đóng tiền tăng cường thực hành tin học, trong khi đó bọn em chỉ học thực hành môn tin 3 kỳ. Đến học kỳ thứ 7, bọn em thậm chí phải đóng tới 775.000đ tiền thực hành.

Bạn Dương Xuân Thanh (Khoa Cơ Khí, cktm1k8...@gmail.com) phản ánh thêm: Đóng tiền thực hành nhưng khi đi thực hành thì không hề có máy móc, nhiều hôm đi học mà phải đứng chơi.

Một SV khác có địa chỉ email: thingkingofu...@yahoo.com nêu: cũng là SV Khoa Quản trị Kinh doanh, phải đóng 700.000đ tiền tăng cường thực hành, nhưng thực tế  chúng em chỉ được học lí thuyết. Còn Tiếng Anh chuyên ngành được coi là môn chính, mà vẫn phải đóng 350.000đ tiền tăng cường, trong khi không được tăng thêm tiết học. Những số tiền này đã "trôi" về đâu?

Đặc biệt, tình trạng "loạn" thu diễn ra ở hầu hết các hệ đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
 

Theo phản ánh của độc giả Hungviet (vibit...@yahoo.com), SV Khoa Việt - Úc thì: Năm đầu học phí vẫn như hợp đồng giữa SV và Khoa, nhưng đến năm cuối, thì tăng lên thêm 50 - 100 USD. Mỗi lần thi lại cũng phải đóng từ 50 - 100 USD/1 môn, học lại là 100 - 180 USD/môn.

Bạn Thanh Vân (thaovan1002...@yahoo.com) cũng băn khoăn: Hệ liên thông ĐH, dù không học theo tín chỉ nhưng học phí cũng lên tới 500.000đ/tháng. Trong khi đó, khi SV làm xác nhận vay vốn, nhà trường chỉ cho điền là 180.000đ/tháng?

Anh Phùng Dân Tiến (Hà Nội) khẳng định: Việc "loạn" thu là tình trạng phổ biến ở ĐH Công nghiệp nhiều năm nay. Bản thân là SV khóa 1 hệ ĐH đầu tiên của trường, anh Tiến cũng nhiều lần "ngỡ ngàng" trước các khoản đóng góp: Học CNTT nhưng thời gian thực hành có thể đếm trên đầu ngón tay/ kỳ/ môn. Mà không hiểu quy chế ở đâu nhưng cứ thực hành là nghỉ học lý thuyết. Tính ra giờ thực hành và lý thuyết không đủ theo số trình mà lại phải đóng thêm khoản tăng cường thực hành, thực tập.

Cũng như anh Tiến, anh Trần Đức (Thái Bình) đã quá "quen" với cách thu học phí "vô tội vạ" của trường. "Tôi bắt đầu học cao đẳng năm 2002 mà học phí lúc đó đã là 200.000 VNĐ/ tháng (khi đó học phí ĐH cao nhất mới có 180.000 VNĐ/ tháng).

Đến năm cuối Cao đẳng (2004), nhà trường còn tách học phí ra thành 2 phần (học phí + thực hành), thế nên những con em gia đình chính sách phải nộp thêm (vì theo quy định của Nhà nước chỉ miễn học phí cho con em gia đình chính sách chứ không miễn tiền THỰC HÀNH. Quả là một cách lách luật cực kỳ thông minh", anh Đức chua xót .
 

Cũng vì lẽ đó, mà Nguyễn Thị Loan (Ngõ 68, Quan Nhân, Hà Nội) không giấu được sự lo lắng : Bố tôi là thương binh vậy mà 1 học kỳ, phải nộp cho nhà trường gần 2 triệu các khoản phụ phí...

Còn bạn Văn Lương, (elnino...77@yahoo.com)  thì đã phải bỏ học ở ĐH Công nghiệp để học trường khác bởi: Tiền học tập ở đây thuộc loại "top ten" nhưng điều kiện học tập thì quá kém..

Còn nhiều ĐH thu phí "cắt cổ"?

Độc giả Thái An (baochau_...@yahoo.com) tỏ ra "bình thản" hơn, khi so sánh: "Cậu em tôi vừa thi đỗ vào Trường ĐH Điện lực, thế mà ngay hôm sau đến làm thủ tục nhập học đã phải nộp hơn 7 triệu đồng.

Chị Lê Thu Nga (Mai Dịch, Cầu Giấy) khẳng định: Không riêng gì Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mà rất nhiều trường có tình trạng như thế, nhất là các trường khối đào tạo nghề.

"Bạn ơi, nếu bạn học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM như mình thì còn mệt nữa. Học phí của trường mình là 130.000đ/tín chỉ, tiền thư viện 100.000 đồng, tiền sổ tay SV 50.000 đồng..", bạn Phan Văn Dũng (giotnangcuoichieu...@yahoo.com) vừa hài hước, vừa băn khoăn.

Một bạn đọc ở Thanh Hóa (hongphong...@yahoo.com) phản ánh: Trường ĐH CN TP.HCM, cơ sở ở xã Quảng Tâm, Huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng có mức thu học phí 400.000đồng/tháng đối với SV hệ cao đẳng.

Anh Nguyễn Thành Trung (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cũng cho biết: Con tôi học ở Viện Đại học Mở Hà Nội, phải nộp học phí 1.500.000đ/học kỳ, không kể các khoản thu khác. Nhưng khi tôi đến trường, thì thấy cơ sở vật chất của ngành Tiếng Anh rất "nghèo", khu vệ sinh cho SV thì khá bẩn...

Là một phụ huynh, chị Đinh Thị Tuyết (tuyet55...@yahoo.com) băn khoăn: Con tôi học tại ĐH Dân lập Quốc tế Hồng Bàng, mức học phí cho khối ngành kinh tế lên tới 9.980.000 đồng. Thế nhưng, con tôi còn phải nộp thêm tiền đồng phục, bảo hiểm... Tôi nghĩ, các trường đừng để phụ huynh, đừng để nhiều người nông dân rơi vào thế: Cho con đi học cũng khổ, mà không học cũng khổ".

"Trách nhiệm"

Theo nhiều SV, việc ĐH CN "xé rào" trong việc thu học phí đã được phản ánh nhiều năm nay. "Có báo đã phản ánh rồi, SV cũng kêu nhiều rồi. Mọi người cứ vào diễn đàn của Bộ GD- ĐT, hoặc của ĐH CN thì sẽ thấy SV kêu thế nào. Mà tại sao cơ sở thiếu, lãnh đạo không có thời gian quản lý... mà lại mở quy mô quá lớn như thế...", một SV có địa chỉ mail nang_kieu...@yahoo.com viết.

Bạn đọc Nguyễn Huy Hoàng bức xúc: Tôi mong các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ngay mức thu của trường. Đồng thời, sớm có kết quả để thỏa mãn mọi thắc mắc của chúng tôi. Tôi có con đang theo học hệ đại học của trường, đóng tới 450,000/tháng học phí, rồi tiền trọ, tiền ăn uống...  Cho cả 2 đứa con ăn học, phải có từ 55 đến 60 triệu đồng cho một năm học, thật đáng sợ!

Nhóm SV năm cuối, Khoa Công nghệ Thông tin K1 của ĐH CN cũng "mong mỏi nhận được câu trả lời từ phía nhà trường, và đặc biệt mong Bộ GD - ĐT, Bộ Công thương khẩn trương thanh tra hoạt động của ĐH CN".

Nhiều độc giả lo lắng khi tình trạng "loạn thu" đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa có chế tài mạnh để xử lý các trường.

Độc giả Nguyễn Văn Đức (Bắc Giang) đặt câu hỏi: "Thanh tra của Bộ có biết thực trạng này hay không". Anh Nguyễn Thành Quang (Lương Yên, Hà Nội) thì bức xúc: "Nhiều vụ việc tương tự đã được báo chí phản ánh (có trường thu 22/23 khoản sai nguyên tắc), vậy tại sao chúng ta cứ nói, cứ kêu mà không ai bị làm sao?

Nếu những khoản thu trong khuôn khổ được phép của Bộ GD-ĐT thì mọi người phải chấp hành để đảm bảo tối thiểu các chi phí, còn những khoản thu sai quy định, tự ý phải quy trách nhiệm, kể cả cách chức lãnh đạo nếu đủ căn cứ".

Mặt khác, theo anh Bùi Văn Vinh (Học viện Kỹ thuật mật mã) thì một nguyên nhân nữa khiến phụ huynh, SV bức xúc là do thu - chi không rõ ràng.

"Khi đi học, HS phải đóng học phí và rất nhiều khoản khác. Song chưa bao giờ phụ huynh và học sinh được nhà trường giải thích một cách rõ ràng về các khoản đóng góp đó. Năm nào cũng đóng học phí, khoản nọ khoản kia, song bao nhiêu năm theo học tại trường, vẫn bàn ghế cũ ọp ẹp đó, vẫn cái cửa sổ hỏng đó, vẫn cái quạt trần cứ mở lên là kêu ken két ghê người đó.... ", chị Trần Thị Hồng (Hà Đông, Hà Nội) viết.
 
Cũng theo chị Hồng thì, muốn người dân "tâm phục, khẩu phục", Bộ GD - ĐT và các trường cần thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch các khoản đóng góp của người dân.

Chuyện thu học phí ở các trường từ phổ thông đến các trường CĐ-ĐH- TCCN đã được nhiều báo và các vị phụ huynh phản ánh.

Tuy nhiên, sự việc vẫn cứ xảy ra và chưa có hướng giải quyết cụ thể. Bởi vì Bộ GD ĐT cũng chưa có phương án giải quyết cụ thể, do chúng ta còn vướng mắc ở việc thu học phí theo Thủ tướng Chính phủ cho phép tối đa là 240.000 đồng/tháng năm học 2009-2010, lộ trình còn tăng thêm theo hàng năm.

Mặt khác, lại cho phép các trường thu học phí theo tín chỉ, Bộ chưa có quy định mức thu học phí đào tạo theo hình thức này. Vì vậy mới có chuyện các trường thu học phí theo cơ chế trên.

Theo tôi nhà trường như các doanh nghiệp - chỉ khác đối tượng của nhà trường là các em học sinh, nên cân đối thu chi sao cho phù hợp với đại đa số sinh viên và khả năng tài chính chung của xã hội, không nên gò ép sinh viên và phụ huynh học sinh bằng các khoản thu mà bản thân nhà trường không giải trình được trước dư luận, làm cho mối quan hệ giữa nhà trường với học sinh ngày càng xa cách.

Trong khi chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, do cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy còn nhiều bất cập, khập khiễng, dẫn đến một ngày nào đó việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến chất lượng sinh viên; ra  trường (theo tôi được biết) mà không biết làm gì, dù đó là các ngành đã được học trong trường thậm chí còn được làm luận văn hàng nửa năm trời.

(Vương Tùng - Hà Nội)

 
 
  • Kiều Oanh - Lan Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,