- Đó là nội dung được Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH tổ chức chiều 14/11.
Hội nghị được tổ chức tại 5 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ với hơn 500 đại biểu đến từ các trường ĐH trên cả nước.
Giảng đường ĐH. Ảnh LAD |
Không thể quản lý GD ĐH như thời gian qua!
Thừa nhận những tồn tại của giáo dục ĐH trong thời gian qua, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, "chưa bao giờ điều kiện phát triển giáo dục thuận lợi như bây giờ, nhưng cũng đặt nhiều thách thức cho những người làm công tác quản lý".
Do vậy, trong năm học này, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, để các trường rà soát quy chế đào tạo, chính sách tuyển dụng giáo viên...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, hiện chưa có văn bản quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với các trường và chưa có quy chế để giảng viên và sinh viên (SV) tham gia quản lý nhà trường.
Do đó, phải làm rõ hệ thống các quy phạm pháp luật từ cấp quản lý nhà nước tới các trường. Tránh tình trạng có một số trường sai phạm, một số Ban Giám hiệu có sai phạm đã xảy ra nhưng tập thể giảng viên và SV không có ý kiến nên cứ để sai phạm kéo dài. Việc này sẽ phải chấm dứt trong năm học tới. Không thể tiếp tục quản lý giáo dục ĐH như thời gian vừa qua - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm học này sẽ triển khai mạnh việc SV đánh giá giảng viên. Đồng thời, các trường sẽ tham gia đánh giá Bộ chứ không chỉ có Bộ đánh giá các trường. Với những trường ĐH đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, không đạt chất lượng cũng sẽ phải chấm dứt. Hoạt động của các trường sẽ không còn êm ả như hiện nay mà sẽ sôi động hơn...
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2010 vẫn thi 3 chung: thi chung đợt, dùng chung đề và sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển (cả hệ ĐH và CĐ). |
Theo Bộ trưởng, với đội ngũ thanh tra của Bộ thì nếu đi đủ trên 400 trường ĐH, phải mất trên 3,5 năm.
Bộ không giám sát được hết thì sẽ ban hành các quy chế để các trường có khung pháp lý để làm và địa phương giám sát.
Để làm được, địa phương sẽ có bộ phận kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế ở các trường.
Còn việc đánh giá nội dung chương trình đào tạo... sẽ do Bộ và các trường chịu trách nhiệm.
Nhà nước lo toàn bộ học phí cho SV diện chính sách
Một số trường công lập "kêu" rằng: ngân sách nhà nước đầu tư không đủ chi phí đào tạo, lại phải "gánh" khá nhiều SV diện chính sách. Do đó, trường phải thu của người học vượt khung học phí đối với trường công do Chính phủ quy đình (không quá 240.000đ/tháng đối với hệ ĐH).
Lập luận này được Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dẫn chứng mỗi khi có thắc mắc về thu học phí vượt khung. Đó là, trong 13 tỷ ngân sách nhà nước đầu tư/ năm thì chi cho các đối tượng trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, học bổng đã ngót hơn 8 tỷ. Số kinh phí còn lại chỉ đủ chi lương trong 2 tháng nên người học phải đóng góp thêm.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng báo cáo Bộ hàng năm ngân sách nhà nước chỉ cấp cho trường 12 tỷ/ năm (bình quân/ SV là 26.000 đồng), nhưng trường cũng phải gồng gánh một tỷ lệ SV diện chính sách không nhỏ...
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ đang giao Vụ Kế hoạch tài chính phác thảo cơ chế, để tiến tới Nhà nước sẽ cho toàn bộ học phí cho SV diện chính sách. Từ đó, giảm bớt gánh nặng chi phí cho trường, để các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với đó, sẽ chấm dứt tình trạng giảng viên không có trình độ tiến sĩ cũng viết giáo trình. Bên cạnh đó, sẽ có chế tài giám sát chặt chẽ hơn, vì giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, không phải là kinh doanh - Bộ trưởng khẳng định. Bởi, người học ra trường đi làm không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, dư luận đánh giá thầy kém thì chúng ta phải trả lời được là kém ở đâu?
Việc đánh giá giáo viên tới đây cũng sẽ được làm rõ hơn, công bằng hơn. Với những giáo viên 2 năm không đạt yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ thì người sử dụng lao động có quyền phân công nhiệm vụ khác....
-
Kiều Oanh
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - Thái Bá Cần: "Hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để các trường có cơ sở pháp lý hoạt động. Trong đổi mới công tác quản lý, cần có quyết định thống nhất của Bộ giao quyền tự chủ cho các trường. Hiện vẫn còn một số vấn đề chưa được làm rõ. Với các dịch vụ đào tạo chất lượng cao được thu học phí cao hơn, chứ không thể đào tạo chất lượng cao với mức đầu tư ít như hiện nay".
Tiến sĩ Lê Đình Duyên, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Long An: "Nút thắt của giáo dục ĐH không phải chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường mà vẫn tồn tại cơ chế xin - cho. Vấn đề này cũng đã nói nhiều nhưng chưa giải quyết được. Bộ nói, không đủ sức để giám sát tất cả các trường mà giao quyền cho địa phương quản thì vẫn còn xin - cho. Tại sao không xem xét giao quyền tự chủ cho các trường ĐH? Thực tế, doanh nghiệp đã không còn cơ chế chủ quản, tại sao các trường vẫn còn Bộ chủ quản? Đã đến lúc cơ quan chủ quản không cần thiết nữa mà chỉ nên có duy nhất một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đó là Bộ GD-ĐT."