221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1247407
Những người bạn "to con"
1
Article
null
Những người bạn 'to con'
,

 - Mỗi khi bước vào lớp, cô Xuân Thị Châm (Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM) đều gọi học sinh bằng “các bạn”. Hôm nào quên, cô gọi ai bằng “bé” thì cả lớp nháo nhác thắc mắc.

Bằng cách xem mình là người bạn của học trò, giáo viên không chỉ đứng trên bục giảng mà còn trao đổi kiến thức và cùng chơi với trò như những người bạn với nhau.

 

Đó là phương pháp dạy của hầu hết các giáo viên trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, người bạn "to con" này còn phải miệt mài tìm kiếm mọi phương pháp để "những người bạn nhỏ" dễ tiếp thu và hứng thú học tập.

 

 

113 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu trong buổi lễ tuyên dương giáo viên trẻ ở TP.HCM tối 19/11. Ảnh: An Bang

 

Sản phẩm tự chế và cùng chơi với học trò

 

Cô Châm giải thích thắc mắc của "các bạn nhỏ":  “Ừ, thì tại các bạn bé hơn cô, nên cô gọi là bé”. Nói thế cả lớp mới yên lặng để bắt đầu môn học. Giờ học Toán của các em ở đây có phần hơi lạ. Mỗi em được phát một tấm bảng khá lớn bằng giấy được ép nhựa. Bài tập được ghi vào đó rồi cả lớp đưa lên cao cho cô giáo nhìn.

 

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Những sản phẩm bắt nguồn từ ý tưởng của cô Châm. Ảnh: Minh Quyên

 

Có khi, em nào được cô gọi lên bảng thì viết sẵn bài tập ở dưới rồi mang "bảng" giấy treo lên bảng gỗ. Được biết, tấm bảng giấy này là sản phẩm tự chế đơn giản nhất trong số các sản phẩm khác do cô tự nghĩ ra giúp học trò học tốt hơn.

 

Theo cô Châm, bảng này đủ rộng để học sinh làm các phép tính, đủ to để giáo viên và cả lớp cùng nhìn và sạch sẽ vì các em không phải dùng đến phấn.

 

 

Cô Xuân Thị Châm và những "người bạn" nhỏ tuổi của mình. Ảnh: Minh Quyên

 

Ngoài "chuyện" tấm bảng, cô Châm còn hệ thống dạng toán trung bình cộng trong sách thành 4 dạng cơ bản. Từ đó, học sinh được học từ dạng dễ đến khó. Cách dạy của cô đã được phổ biến trong trường. Cô Châm chia sẻ: “Mình đã đọc nhiều tài liệu và hệ thống cho các em. Có thể, nhiều giáo viên cũng làm vậy chứ không riêng gì mình”.

 

Đến giờ ra chơi của các bé, cô đứng quan sát cách các em chơi và đề xuất tạo ra những trò chơi dân gian ngay ở sân trường cho học sinh của mình.

 

 “Nhìn các bé chơi đánh bài, rồi phóng phi tiêu thấy nguy hiểm quá nên đã tập hợp các trò chơi như ô ăn quan, banh đũa, cờ vua... thành thư viện trò chơi dân gian cho các em” - Cô Châm giải thích. Giờ ra chơi, các em không phải đi đâu xa, thư viện trò chơi được để trong các ống tre gắn nhiều nơi trên sân trường. Có hôm đang chơi nhảy dây, học trò hoạt náo hơn khi thấy "người bạn to con" “xin” được chơi cùng.

 

Vừa học, vừa đọc báo, vừa ngâm thơ

 

Cứ đến giờ học Giáo dục Công dân, học sinh lớp 9, trường Nguyễn Đình Chiểu có cảm giác như được học ngoại khóa. Có khi được nghe thầy đọc báo, có khi lại được hát hò hay ngâm thơ...

 

Thầy Nguyễn Văn Long chính là "người bạn lớn thân thiết" đã tạo nên những giờ học như thế.

 

Được biết, từ ngày nhìn thấy cách dạy môn Công dân của một thầy giáo khác bằng những câu chuyện qua tranh vẽ, ảnh chụp... trên báo, thầy Long  cứ trăn trở vì học trò của thầy khác với các em học sinh bình thường, các em khiếm thị bị hạn chế với những gì liên quan đến hình ảnh.

 

Từ đó, thầy Long đổi sang hướng tìm những câu chuyện trên báo, tìm thêm trong sách rồi nhờ bạn bè đọc để thu âm. Thầy đem những mẩu chuyện ấy lồng vào bài học liên quan. Có khi, thầy cho trò tìm những bài hát hay câu thơ gần gũi với bài học để hát hoặc đọc to cho cả lớp cùng nghe. Điều đó đã khuyến khích các em nhớ lâu bài đã học

 

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Thầy Long xúc động với món quà nhỏ là những trái tim do học trò cắt dán tặng thầy nhân ngày 20/11. Ảnh: Minh Quyên

 

Sắp tới, chương trình dạy kỹ năng sống cho các em khiếm thị còn được thí điểm lồng vào môn học này. Thầy Long cho biết thầy đã nảy ra ý định này trong thời gian nghiên cứu về quá trình hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị để làm luận văn tốt nghiệp,

 

Thầy tâm sự: “Hiện nay, tôi đang tìm thêm tài liệu để hệ thống thành bài giảng cho các em. Khó nhất bây giờ là tìm được ai đó đọc tài liệu để thu âm lại và nghe”. Thầy tiết lộ những bài giảng sắp tới của thấy sẽ là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khi đi dự tiệc... cho học sinh khiếm thị.

 

Mặc dù đôi mắt không lành lặn, nhưng cử nhân khoa Sử của Trường ĐH KH XHNV Nguyễn Văn Long đã phấn đấu lấy văn bằng 2 khoa Xã hội học và vừa tốt nghiệp thạc sỹ khoa Văn hóa học. Thầy bộc bạch "Tôi học nhiều vì tôi thích học". Và qua kết quả học tập đáng trân trọng đó, thầy Long muốn gửi một thông điệp: “Tôi muốn mọi người biết rằng, bên cạnh những khiếm khuyết của mình, người khiếm thị cũng có trí não bình thường như bao người khác và có thể đóng góp hữu hiệu cho xã hội”.

  • Minh Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,