221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1246679
Phong bì 20.11: “Nước trong quá, cá cũng không sống được”
1
Article
null
Phong bì 20.11: “Nước trong quá, cá cũng không sống được”
,

-Có những câu chuyện hài hước mà đáng suy ngẫm: thầy chủ nhiệm bỏ về quê trong ngày 20.11, thầy giáo khác giấu số điện thoại, cô giáo trả phong bì cho sinh viên trước lớp. Hành động từ chối là để bảo vệ sự trong sáng trong  quan hệ thầy trò hay phản ứng tự trọng trước sự hoành hành của “văn hóa phong bì”?  

anhMinhNhut.jpg
Ảnh: Minh Nhựt


TSKH Lương Văn Kế, Trưởng ban châu Âu học, Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội: “Nước trong quá cá cũng không sống được”

Thời của tôi đi học, không xuất hiện từ quà cáp và phong bì trong mối quan hệ thầy và trò. Mà thậm chí, thời đó, chính các thầy cô giáo còn là người bỏ tiền túi, cơm gạo, quần áo để giúp đỡ học sinh nghèo. Đôi khi giáo viên còn dạy phụ đạo cho học trò của mình mà không lấy tiền vì đó là trách nhiệm nghề nghiệp.

Thầy Lương Văn Kế và SV trong ngày 20/11.
Thầy Lương Văn Kế và SV trong ngày 20/11.
 
Tôi nghĩ chuyện thầy giáo nhận phong bì không phổ biến, nhưng cũng không hề ít. Nào là phong bì trong các dịp lễ tết đặc biệt, nào là phong bì cho thầy giáo hướng dẫn, chấm luận văn cao học, cử nhân… Riêng về khoản này có hai loại phong bì.

Nếu phong bì vượt mức cần thiết như lên đến tiền triệu thì nó là mang tính chất hối lộ, xin điểm.

Còn loại phong bì vài trăm nghìn, gọi là bồi dưỡng công lao thầy, giống như các anh các chị phóng viên đi họp báo cũng được nhận phong bì bồi dưỡng thay cho bữa cơm trưa, thì tôi nghĩ cũng không đáng lên án gay gắt. 

Bản thân tôi thì không bao giờ nhận phong bì dù ở thể loại nào đi nữa.

Tuy nhiên, nếu chỉ là một chút quà nhỏ thể hiện tình cảm thầy trò gần gũi thân thiết, thì tôi không từ chối. Thỉnh thoảng SV đi đâu đó chơi về, mua tặng thầy chút quà lưu niệm, như những bình gốm nhỏ hay những quyển sách hay, nếu về quê thì mang ít quà quê biếu thầy. Những thứ đó tôi lại rất trân trọng. Nó là tình cảm thầy trò rất đỗi chân thành chứ không phải chuyện hối lộ hay mua chuộc thầy.

Không phải lúc nào tôi cũng khước từ những tình cảm chân thành của SV vì nhiều lúc như vậy sẽ khiến họ tự ái, thậm chí đau lòng. Vì vậy, tôi cũng không phải ra vẻ nghiêm trọng hoá vấn đề, lên gân lên cốt chứng tỏ mình sạch quá. Vì nước trong quá cá cũng không sống được.

Thiết nghĩ, cải cách giáo dục phải bắt đầu cái cách từ người thầy. Bởi lẽ người thầy phải được nể phục, kính trọng về mặt kiến thức chuyên môn lẫn tư cách đạo đức thì mới có thể quy tụ được tâm hồn và trí tuệ SV. Tôi đi dạy 31 năm, nhưng với mọi lứa học trò tôi luôn chú trọng gìn giữ phẩm cách của mình. Quan hệ thầy trò phải trong sạch, bền vững, nền giáo dục mới phát triển văn minh hiện đại được.

TS Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen – TP.HCM: “Tôi không bao giờ chấp nhận suôn sẻ việc tặng hoa, quà...”

TS Bùi Trân Phượng
TS Bùi Trân Phượng.
Bản thân tôi là người không bao giờ chấp nhận một cách suôn sẻ việc tổ chức tặng hoa, tặng quà cho giáo viên vào ngày 20-11. Tôi chỉ nhận một món quà khi đó là một bó hoa từ tập thể lớp chứ không bao giờ tôi nhận bất cứ một cái gì từ cá nhân. 

Một số SV tỏ ra khó chịu và cho đó là thành tâm của các bạn, thì tôi đã chia sẻ lại rằng tôi không muốn sự thành tâm đó bộc lộ trong ngày này, vì lẽ nó sẽ duy trì một quan hệ “thầy là cha” và học trò chịu ơn thầy, mà là sự chịu ơn một chiều thì tôi cho là không đúng. Bởi vì quan hệ thầy trò đúng nghĩa là quan hệ cùng nhau khám phá tri thức mới, cùng học lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ. 

Là người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam, tôi cũng cảm thấy ái ngại với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” dán trong các trường học Việt Nam. Chữ “Lễ” đó nếu hiểu theo đúng quan niệm của Nho giáo thì nó rất khô cứng, trói buộc và sẽ tạo ra những rào cản rất lớn giữa mối quan hệ thầy trò.

Vì thế, cái TÂM của người thầy đóng một vai trò rất quan trọng, mà biểu hiện cụ thể nhất là cảm giác vui mừng, hạnh phúc khi chứng kiến học trò hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn, chứ không phải sự áp đặt, uy quyền một chiều để giấu đi sự mặc cảm “tự ti” trong mình.

Giảng viên Võ Thị Minh Hà, khoa Ngôn ngữ,  Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội: “SV tặng tiền cho thầy cô là những người không ra gì”

Bản thân tôi không bao giờ mua hay nhận quà của bất cứ một SV nào. Cũng đã có trường hợp SV mang tiền, mang quà đến nhà tôi nhưng tôi kiên quyết không mở cửa, và cho đến bây giờ tôi biết vẫn có nhiều người giận mình về chuyện đấy. Nhưng từ đó không có SV nào dám làm chuyện đó nữa.

Thời còn đi học, vào những ngày lễ, chúng tôi đến thăm thầy cô và có mua quà, nhưng món quà chỉ đơn giản là một bó hoa bướm và vài quả hồng xiêm, sau đó mấy cô trò ngồi ăn với nhau rất vui vẻ.

Bây giờ tôi thấy một điều rõ ràng là SV thực dụng hơn. SV nghĩ rằng phải có tiền thì mới đến nhà thầy cô, đó cũng là một ảnh hưởng tất yếu của xu thế thị trường.

Nhiều SV đến nhà thầy cô nói rất ngon ngọt đây chỉ là tấm lòng thôi, nhưng khi thầy cô giở ra lại có phong bì ở bên trong. Có nhiều em đến nhà thầy cô thì mua một vài cân hoa quả chơi có khi chỉ có 50.000, nhưng khi gặp bạn bè lại nói bốc lên một vài trăm. Hoặc là tự truyền miệng với nhau là đến nhà cô này, thầy kia phải có 500 nghìn mới qua được cửa, từ đó, SV này nghe SV kia nói và tạo thành một cái lệ.  

Nhưng cơ bản, đó là lỗi chính của các SV. Nếu giáo viên ăn tiền đáng trách 1, thì SV mang tiền đến cho giáo viên đáng trách 3. Nhiều người mang tiền đến cho thầy cô giáo với mục đích khuất tất, sau đó là đi nói xấu, bêu danh thầy cô với các em SV khóa sau. Nếu họ học hành nghiêm túc, đúng đắn thì không bao giờ có chuyện đem tiền đến biếu thầy cô để có điểm cao.

Vì thế, tôi cho rằng, những SV cứ mang tiền, mang quà đến thì là những SV không ra gì.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Phó khoa Báo chí- HV BCTT: “Không phải lúc nào nhất mực từ chối cũng là hay"

 

Thời xưa, cả thầy lẫn trò đều khó khăn như nhau, thậm chí phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu để học tốt, dạy tốt. Còn bây giờ là thời của kinh tế thị trường. Đồng tiền đã đi vào mọi mối quan hệ. Người ta thường nói phú quý sinh lễ nghĩa là vì vậy. Thậm chí có những người chưa được phú quý cũng phải cố mà chạy theo lễ nghĩa trong cái xã hội này.

PGS Nguyễn Văn Dững
PGS.TS Nguyễn Văn Dững.

Vì vậy, văn hoá phong bì xuất hiện trong nhà trường là điều không thể tránh khỏi. Mà đã là hiện tượng văn hóa thì khó xóa bỏ lắm, dù không ai muốn nó phát triển. Nhà trường cũng là một xã hội thu nhỏ và quan hệ thầy trò cũng có nhiều dạng. Nhưng rốt cuộc đó cũng là một loại quan hệ xã hội. Chúng ta cũng không nên đặt nhà trường, quan hệ thầy trò ra ngoài xã hội; như thế sẽ siêu hình và không thực tế.

Vì thế, thầy cô phải biết tùy cơ ứng biến để có cách xử sự phù hợp mà thôi. Trước hết phải phân biệt được các loại phong bì, quà cáp. Có loại là bồi dưỡng thêm, bù lại công sức chính đáng mình bỏ ra, hoặc có tính chất động viên thăm hỏi, có loại thể hiện tình cảm gần gũi, nhưng cũng có loại có tính chất khác. Không thể nhận phong bì của những SV còn khó khăn, chưa kiếm được đồng tiền. Tôi và nhiều thầy cô cũng thế thôi, sẽ không làm những gì để lương tâm mình bị cắn rứt.

Nhưng không phải lúc nào cũng nhất mực từ chối mới là hay. Tôi thường nói với SV của mình rằng sau này các anh, các chị đi làm rồi, thỉnh thoảng về thăm thầy, mà nếu có tiền biếu thầy thì mới hay hơn. Lúc đó tôi sẽ chẳng từ chối đâu (cười).

  • S. Khê - P.Sinh - T.Dung thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,