221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1244521
Hiệu trưởng "mở tai", sinh viên "mở miệng"
1
Article
null
Bài 3:
Hiệu trưởng 'mở tai', sinh viên 'mở miệng'
,

 - Nguyên hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho rằng, để đối thoại hiệu quả với SV, điểm mấu chốt là thái độ lắng nghe của nhà trường. Người đứng đầu nhà trường phải chủ động và dám lắng, nghe thì mới có thể khuyến khích SV "mở miệng".

Mô tả ảnh.

SV ĐH Ngân hàng TP.HCM trong một buổi đối thoại "nóng" với hiệu trưởng hồi tháng 4/09. Ảnh: Thái Phương


Văn phòng hiệu trưởng online

Ra đời từ năm 2005, văn phòng hiệu trưởng online là nơi SV Trường ĐH Hà Nội giải tỏa những “bức xúc” với thầy hiệu trưởng về tất cả các vấn đề từ thi cử, điểm chác, thủ tục hành chính....

Văn phòng này được thành lập từ ý tưởng của ông Nguyễn Xuân Vang - nguyên Hiệu trưởng ĐH Hà Nội. Đến nay, đã có 153 câu hỏi thắc mắc của SV và kèm đó là hơn 100 lời giải đáp của người đứng đầu nhà trường.

Thực tế, việc mở rộng dân chủ ở ĐH Hà Nội bắt đầu từ năm 2001 bằng các buổi đối thoại với hiệu trưởng hàng năm và được duy trì từ đó đến nay.

"Ngoài việc mở diễn đàn, góc học tập, tôi còn công khai địa chỉ email để sinh viên gửi thư phản ánh bức xúc hoặc tiêu cực khi không muốn đưa lên mạng".

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, dân chủ trong nhà trường là thông tin về mọi vấn đề phải thông suốt đến từng con người. Đối thoại với SV qua các kênh khác nhau chính là một trong những biện pháp quan trọng để thông tin không bị bưng bít trong bất cứ một trường hợp nào.

Tuy nhiên, ông Vang cũng cho rằng: để thông tin được thông suốt, thì điểm mấu chốt là thái độ lắng nghe của nhà trường. Trong những buổi đối thoại trực tiếp hay thông qua văn phòng hiệu trưởng online thì những thắc mắc của SV phải được hiệu trưởng, hiệu phó hoặc các phòng ban, khoa trả lời ngay. Những việc chưa thể xử lý ngay thì nhà trường phải lên kế hoạch giải quyết.

Với kinh nghiệm nhiều năm “đăng đàn” đối thoại trực tiếp với SV, ông Vang đánh giá cái “được” nhất khi tổ chức đối thoại là SV có thể phản ánh những vấn đề tiêu cực, để từ đó nhà trường có thể ngăn chặn vấn đề này. Thứ hai là đội ngũ quản lý và phục vụ sẽ không dám bưng bít thông tin. Thứ ba là SV sẽ đưa ra những ý tưởng, giải pháp xuất phát từ chính trải nghiệm thực tế, và đó là nguồn “nguyên liệu” quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, ông Phan Huy Phú cũng khẳng định: nhiều thay đổi của trường đến từ những thắc mắc, kiến nghị chính đáng của SV như vấn đề điểm thi, lịch học kỳ... Ngoài phiếu đánh giá giảng viên và thái độ phục vụ của các phòng, ban được phát vào cuối mỗi học kỳ, SV ĐH Thăng Long có thể “xả” bức xúc của mình thông qua buổi gặp gỡ hiệu trưởng được đặt cố định vào chiều thứ 5 hàng tuần, hoặc thông qua diễn đàn online, đối thoại trực tuyến...

Với chuyện tăng học phí - vấn đề “nhạy cảm” dễ gây bức xúc của người học, ông Phú chia sẻ kinh nghiệm: học phí sẽ được niêm yết công khai trước khi SV chọn thi vào trường. “Anh chọn, nghĩa là anh đã chấp nhận mức học phí đó” - ông Phú nói.

Năm 2007, trước khi có kế hoạch tăng học phí lên gấp rưỡi, nhà trường đã viết thư đưa lên trang web và thư tay gửi đến từng SV giải thích cụ thể vì sao phải tăng học phí. Học phí của từng kỳ được công khai từ đầu và không thay đổi hoặc thu thêm bất cứ một khoản nhỏ nào để tránh tâm lý ức chế cho SV.

Lắng, nghe: Không dễ

Theo TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, khi cơ chế khuyến khích và bảo vệ “quyền được nói” của SV trong các trường ĐH chưa được quy định rõ ràng, thì trách nhiệm của nhà trường, cụ thể là cá nhân người đứng đầu có vai trò rất quan trọng.

Ông Bình phân tích: một số người đứng đầu thường có tâm lý “khó chịu” với những ai hay cãi hoặc làm trái ý. Đồng thời, có tâm lý lo ngại những gì khác ý sẽ ảnh hưởng đến vị thế cá nhân, quyền lực hay lợi ích nhóm của mình.

TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cũng đánh giá: “Khi người thầy đứng một vị trí cao hơn mà cái uy quyền tri thức lại bị chao đảo bởi sự dám cãi, dám nói của SV thì quả thật không mấy dễ dàng mà thầy chấp nhận sự thật đó. Truyền thống Nho giáo với những định kiến cũ ăn sâu vào nếp nghĩ của xã hội là nguyên nhân sâu xa gây ra những rào cản này”.

Chính vì thế, việc người đứng đầu nhà trường chủ động tạo ra các kênh đối thoại, chủ động, dám lắng nghe và có những thay đổi thiết thực sau những kiến nghị, bức xúc của SV sẽ là động lực khuyến khích SV “mở miệng”, ông Bình nói.

Để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cần xây dựng những quy chế cụ thể để bảo vệ và khuyến khích “quyền được nói” của người học.

Bên cạnh đó cũng cần công khai những quy định về chức năng, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của nhà trường, giảng viên, các khoa, phòng đối với người học và những biện pháp xử lý các bộ phận sai phạm hoặc không thay đổi theo cam kết.

“Vóc dáng tự do, tinh thần độc lập”

tăng sinh viên

Nhiều SV Việt Nam chưa có thói quen và chưa được dạy kỹ năng nói lên chính kiến của mình. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo TS Bùi Trân Phượng, rất nhiều SV hiện nay không có năng lực tư duy độc lập.

Do đó, không hẳn SV nào cũng biết cách để "phản biện", để trao đổi những băn khoăn của mình với thầy giáo.

“SV không biết tư duy độc lập vì cái năng lực tư duy của họ không được đặt ở đúng với lứa tuổi của mình. Môi trường gia đình và xã hội của chúng ta coi họ là trẻ con lâu quá và cũng bao bọc lâu quá”- TS Phượng nói.

TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright  (TP.HCM) chia sẻ: khó khăn lớn nhất của việc dạy không phải là truyền đạt tri thức mà là thay đổi cách nghĩ của SV.

Có nhiều SV theo học chương trình Fulbright mặc dù đã tốt nghiệp ĐH và có kinh nghiệm làm việc từ 3-5 năm nhưng đã quen với các tư duy tuyến tính, “quen đâu chỉ đấy, bảo gì nghe nấy”.

Nhiều SV Việt Nam chưa có thói quen và chưa được dạy kỹ năng nói lên chính kiến của mình trước các vấn đề bức xúc của cá nhân và của cộng đồng.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, triết lý giáo dục như thế nào sẽ tạo ra con người như thế. Điều mà triết lý giáo dục VN nên hướng tới chính là việc tạo ra những con người có một vóc dáng tự do và một tinh thần độc lập. Đó là viên gạch đầu tiên đặt nền cho câu chuyện “Quyền được nói” của SV.

  • Sơn Khê
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,