- Sau loạt bài phản ánh về tình trạng loạn thu ở một số trường ĐH trực thuộc Bộ Công Thương, chiều 5/11, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) Trần Văn Thanh đã có trao đổi với VietNamNet.
Chỉ quản về con người, tuyển sinh và đào tạo
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Thanh: "Sẽ trao đổi với Vụ chức năng để kiểm tra, làm rõ..."
Thưa ông, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bị phản ánh thu học phí "vượt rào" từ năm 2006, tức là khi trường vẫn còn đào tạo theo niên chế, chứ chưa chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Khi đó Bộ đã có kiểm tra, xử lý trách nhiệm đến đâu?
Chức năng kiểm tra tài chính thì thuộc Vụ Tài chính. Vụ Tổ chức cán bộ có chức năng kiểm tra tuyển sinh và đào tạo, đồng thời có bộ phận theo dõi về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự. Bộ quản lý từ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, còn lại trưởng, phó khoa thì trường làm.
Nhưng, để quản các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì phải biết họ làm gì, từ tuyển sinh, đào tạo đến thu chi... thì mới biết được họ sai - đúng chỗ nào để có thể ra quyết định miễn nhiệm (nếu có sai phạm) hoặc khen thưởng?
Riêng Vụ Tổ chức có 4 bộ phận gồm cán bộ, tổ chức quản lý, đào tạo, tiền lương… Như tôi đã nói thì chúng tôi chỉ làm tổ chức đào tạo và tuyển sinh. Còn Bộ Công Thương theo tinh thần của Nhà nước đã phân cấp nhiều cho các đơn vị và các đồng chí phải tự chịu trách nhiệm.
Tất cả lĩnh vực theo dõi thi đua do Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ đảm nhận. Căn cứ những tiêu chuẩn đưa ra, đối chiếu phù hợp thì vụ thi đua khen thưởng sẽ làm, trừ trường hợp bên vụ tổ chức cán bộ có ý kiến thì sẽ có trao đổi. Vụ Tổ chức cán bộ không quản lý, không tham gia trực tiếp thì chúng tôi cũng không biết được.
Nếu chỉ quản lý về công tác đào tạo và tuyển sinh thì đến năm 2007, khi trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ thì Vụ đã giám sát, hướng dẫn trường như thế nào?
Về nội dung này, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn kỹ, từ giảng viên thực hiện đến chương trình đào tạo theo tín chỉ. Tuy nhiên, các trường mới bắt đầu chuyển đổi nên khâu chuẩn bị ban đầu có khó khăn, nhưng khắc phục dần dần.
Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo theo quy định của Bộ GD-ĐT là chuyển mạnh sang đào tạo tín chỉ.
Bộ Công Thương hiện quản lý 50 trường, trong đó: 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; 5 trường ĐH, 31 trường CĐ, 10 trường CĐ nghề, 2 trường TCCN và 1 trường trung cấp nghề.
Đào tạo theo hình thức tín chỉ có nhiều lợi thế cho HSSV là có thể rút ngắn thời gian học hoặc học song song cùng lúc 2 chương trình…
Cái khó là khi chuyển đổi chưa hoàn chỉnh, chuẩn bị đủ đội ngũ giảng viên.
Những khó khăn cụ thể ở đây là những gì?
Cũng muốn thực hiện đúng nhưng trong quá trình chuyển đổi có những khó khăn theo mô hình mới. Trong quá trình chuyển đổi sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, các trường cũng có lúng túng.
Không biết trường thu học phí thế nào
Trong quá trình kiểm tra về đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Bộ có phát hiện tồn tại cần khắc phục? Với quy mô trên 50.000 HSSV mà chỉ có trên 1.391 giảng viên (có gần 400 giảng viên thỉnh giảng) thì có đáp ứng việc đào tạo theo hình thức tín chỉ?
Thực ra, trường được giao quyền tự chủ về biên chế là bao nhiêu, theo nhu cầu, nhiệm vụ chứ Bộ không can thiệp sâu trong tuyển dụng giáo viên. Hàng năm, Bộ cũng có kiểm tra nhưng bộ phận tiền lương duyệt biên chế tăng thêm như thế nào. Bên lao động tiền lương họ nắm cụ thể. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng báo cáo kết quả lên đây và Bộ Công thương công nhận.
Còn về thu học phí thì Vụ Tổ chức cán bộ không quản lý. Tuy nhiên, hàng năm Bộ vẫn có bộ phận kiểm toán kiểm tra để quyết toán. Vì không tham gia nên không rõ và nếu chúng tôi có ý kiến về thu chi không thuộc chức năng thì bên kia lại kêu.
Như ông nói thì những phản ánh của dư luận về Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thu học phí vượt khung liên tục mấy năm gần đây, Vụ Tổ chức cán bộ không biết?
Về quản lý như tôi đã nói, theo chức năng riêng, Vụ Tổ chức cán bộ không đi kiểm toán, kiểm tra về tài chính nên không biết. Về thu thêm, tôi không rõ thu thêm thế nào. Còn về quyết toán thì Bộ Tài chính, cùng với vụ chuyên môn là Vụ Tài chính (Bộ Công Thương) cùng đi quyết toán mới nắm được. Chúng tôi không thể đưa ra nhận định của mình được. Chúng tôi sẽ trao đổi với Vụ chức năng để họ đi kiểm tra.
Vậy, Vụ Tổ chức cán bộ quản lý con người, cụ thể là những hiệu trưởng, hiệu phó của các trường trực thuộc dựa trên những tiêu chí nào? Đã có hiệu trưởng nào thực hiện chưa đúng quy định không?
Trong tổng số 50 trường thì có 32 trường trực thuộc Bộ Công Thương quản trực tiếp. Một số trường công lập nằm trong đơn vị cổ phần hoặc đang được cổ phần nên hiện đang lúng túng về mô hình quản lý.
Thực ra, với những việc cụ thể chúng tôi có thể biết nhưng không thuộc chức năng xem xét.
Về phản ánh của SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chúng tôi cũng chưa nhận được đơn thư, phản ánh cụ thể nào gửi về.
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không dung túng cho những việc làm không đúng quy định và luôn có nhắc nhở về việc này.
Quả thực nghe báo cáo thì không bao giờ phát hiện được ai làm chưa đúng. Chúng tôi cũng theo dõi nhiều kênh thông tin khác nhau.
Trường hợp nào có vấn đề thì chúng tôi nhắc nhở trước để thực hiện cho đúng.
Có vấn đề liên quan đến nhiều trường thì nhắc nhở bằng văn bản hoặc nâng cao thành chỉ thị tập huấn thực hiện chặt chẽ.
Vẫn thanh - kiểm tra, nhưng không nhảy sang mảng khác
Bộ Công Thương triển khai kiểm tra định kỳ và tập trung giám sát những nội dung gì? Những thông tin báo chí phản ánh có được coi là một kênh thông tin để kiểm tra các trường hay không?
Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ giám sát tổ chức bộ máy xem các trường có làm đúng theo phân cấp và quy trình không. Chuẩn bị tuyển sinh có đúng hay không? Đồng thời, thanh tra quá trình thi và chấm thi. Vì không có điều kiện kiểm tra tất cả các trường nên chỉ chọn trường có quy mô lớn để kiểm tra hoặc trường mới nâng cấp, nếu có lúng túng thì nhắc nhở…
Tổng số giáo viên, giảng viên của 50 trường hiện có gần 9.600 người. Trong đó, đội ngũ giáo viên cơ hữu có trình độ trên ĐH là 2.767 người; 4.878 người có trình độ ĐH, CĐ; 129 giáo viên có trình độ TCCN và 85 giáo viên là công nhân bậc cao.
Về lao động tiền lương thì có bộ phận kiểm tra riêng, và Vụ có phối hợp kiểm tra. Về thu chi tài chính thì không kiểm tra được, mà Vụ Tài chính đi kiểm tra và quyết toán.
Còn có đơn thư về công tác cán bộ hoặc khiếu nại, tố cáo của cán bộ, giáo viên nhà trường nếu có vấn đề thì chúng tôi sẽ kiểm tra theo đơn thư đó. Hàng năm, chúng tôi vẫn thanh tra, kiểm tra nhưng theo chức năng được phân công chứ không nhảy sang các mảng khác.
Rất nhiều SV, phụ huynh liên tục không hài lòng vì sự thiếu công khai của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Cụ thể, chúng tôi nhiều lần đề nghị được trường cung cấp danh sách giảng viên nhưng trường chỉ cho con số. Trong khi đó, đây là một nội dung cần công khai trên trang web của trường. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Tôi được biết Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hiện công khai sớm. Các trường còn lại cũng có thực hiện nhưng chưa đầy đủ và đang trong tiến hành thực hiện. Chúng tôi sẽ kiểm tra và nếu chưa đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo thực hiện.
Vì đã phân cấp quản lý nên trường chỉ báo cáo số liệu chung: bao nhiêu GS, PGS, Thạc sĩ, Tiến sĩ... còn trường quản lý trực tiếp hồ sơ, danh sách. Từng trường có một phó hiệu trưởng quản về nhân sự. Chúng tôi chỉ kiểm tra những việc thuộc về chức năng quản lý, còn lại là phối hợp.
Ngay sau đây chúng tôi sẽ có trao đổi với nhà trường về những nội dung báo nêu để có phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh.
Không nên bỏ bộ chủ quản
Bộ Công Thương quản lý hệ thống 50 trường ĐH, CĐ, vậy vai trò cũng như quyền can thiệp và trách nhiệm của bộ chủ quản với các trường trực thuộc đến đâu, thưa ông?
Nói thật là các trường không thích bị nhiều bộ quản lý, sẽ chồng chéo.
Theo báo cáo ngày 29/10 về hệ thống giáo dục đại học sau 23 năm, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý hơn 50% số trường ĐH, CĐ trong cả nước
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quản lý thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan nói chung, trong đó trách nhiệm của Bộ Công Thương là xem xét, đối chiếu các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cụ thể xem có đúng hay không?
Chúng tôi phải biết Bộ GD-ĐT quản lý đến đâu, về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm ra sao để nắm được.
Cũng như muốn biết, chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT có phù hợp không thì phải qua nhiều kênh thông tin khác nhau để xem xét...
Tuy nhiên, số lượng cán bộ đội ngũ để kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường trực thuộc thì tôi thấy chưa đủ.
Hiện, số cán bộ phụ trách đào tạo chỉ có 8 người, trong đó có 1 người mới về. Do đó, chúng tôi phải phân công mỗi người trực tiếp quản lý một số trường và kết hợp với các bộ phận khác để quản lý.
Đã có đề xuất bỏ cơ chế bộ chủ quản với các trường ĐH. Ông có ủng hộ chủ trương này?
Chúng tôi luôn làm hết trách nhiệm trong phạm vi của mình, làm thế nào tạo điều kiện cho các trường phát triển.
Cơ quan chủ quản chỉ có một, trách nhiệm của cơ quan quản lý là làm theo chức năng được giao nên không tránh được chồng chéo, nhưng đến mức độ nào thì tuỳ quan điểm của mỗi người.
Cá nhân tôi cho rằng, có bộ chủ quan làm tốt công tác quản lý theo quy định pháp luật là tốt.
Chuyện quản lý ở môi trường nào cũng có những quá trình hoàn thiện. Mô hình này thì cần quản lý cách này, nhưng mô hình khác thì phải quản lý cách khác...
Nên, tôi vẫn cho rằng không nên bỏ bộ chủ quản để tạo điều kiện để các trường phát triển tốt nhất.
Đó là quan điểm cá nhân đưa ra để cùng trao đổi.
Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh - Sơn Khê (thực hiện)
"Tôi xuống trường nhiều, nhưng..."
- Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp chỉ có 1ha nhưng quy mô đến 11 vạn SV học, cơ sở xuống cấp... Bộ có biết?
Ông Trần Văn Thanh: Trường có hai cơ sở, họ không báo cáo cụ thể ở Nam Định là bao nhiêu và Hà Nội là bao nhiêu, chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể lại. Tôi chỉ biết, trên này trường thuê một vài cơ sở khác và sẽ kiểm tra lại con số cụ thể.
- Bản thân ông đã xuống cơ sở của trường ở Hà Nội chưa?
Tôi xuống nhiều.
- Và ông đã tới chỗ SV học?
Chỗ đó chúng tôi đi qua chứ không thể vào tận nơi xem các em học như thế nào...